Ngày 4/2, một nhà báo Hà Lan đã bị an ninh thường phục của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cưỡng chế đưa đi khi đang phát trực tiếp Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh. Điều này làm dấy lên lo ngại về việc ĐCSTQ ngăn chặn tự do báo chí.

id13557123 3431570c9a03fa2e4de4f4f95c41d06c 1
Vào ngày 4/2, nhà báo Hà Lan Sjoerd den Daas đã bị nhân viên an ninh mặc thường phục của Trung Quốc đẩy ra khỏi cảnh quay trong một buổi phát sóng trực tiếp. (Ảnh chụp màn hình video NOS Journaal).

Vào tối thứ Sáu (ngày 4/2), trong lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, Sjoerd den Daas, phóng viên trú tại Trung Quốc của Đài Phát thanh Công cộng Hà Lan (NOS), đã bị xô đẩy bởi một người đàn ông mặc thường phục đeo phù hiệu đỏ của phía Trung Quốc, bị buộc phải rời khỏi cảnh quay khi đang phát trực tiếp Thế vận hội. Cảnh tượng này khiến nữ MC Hà Lan trong trường quay ngẩn người vì bất ngờ.

Giải thích của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) bị phản bác

Những người tham gia Olympic, bao gồm cả giới truyền thông, đều bị giới hạn trong một “vòng khép kín” trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội, bao gồm địa điểm, trung tâm truyền thông và chỗ ở. Đã có lo lắng được dấy lên trước đây về việc liệu các kênh truyền thông nước ngoài có được phép tác nghiệp tự do tại Trung Quốc trong thời gian diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh hay không. Dù vậy, IOC đã nhiều lần đảm bảo rằng hợp đồng ký với nhà tổ chức Trung Quốc sẽ cho phép mọi người tham gia, bao gồm cả vận động viên và giới truyền thông, được tự do phát biểu trong vòng tròn.

Trả lời về vụ việc hôm thứ Sáu, người phát ngôn của IOC, ông Mark Adams cho biết: “Những việc này xác thực là đã xảy ra, tôi nghĩ đó là một sự cố đơn lẻ. Tôi hy vọng đó là một sự cố đơn lẻ, chúng tôi sẽ đảm bảo với các bạn rằng trong vòng tròn các bạn có thể tiếp tục công việc của mình.” 

“Chúng tôi đã liên lạc với Đài Phát thanh Công cộng Hà Lan (NOS), đó là một tình huống không may”, ông Adams nói. “Tôi nghĩ có người đã quá nhiệt tình. Anh ấy (phóng viên) có thể nhanh chóng hoàn thành công việc đưa tin của mình dưới sự giúp đỡ của quan chức địa phương.”

Những phát biểu của IOC đã bị NOS phản bác. NOS cho biết, không hề có cuộc tiếp xúc nào với IOC.

Người phát ngôn của NOS nói hôm thứ Sáu rằng: “Dù là tầng quản lý của NOS hay là tổng biên tập của ‘Phòng Tin tức và thể thao’, chúng tôi ở Bắc Kinh dưới sự lãnh đạo của đoàn Olympic, hay là bản thân phóng viên của chúng tôi, đều không hề nói chuyện với bất cứ ai của IOC về vụ việc ngày hôm qua (ngày 4/2).”

Ông Sjoerd den Daas, phóng viên của NOS, đã bị nhân viên an ninh mặc thường phục của ĐCSTQ đẩy đi, cũng hồi đáp về phát ngôn của IOC. Ông nói rằng đây không phải là lần đầu tiên gặp phải tình huống như vậy.

Hôm thứ Sáu (ngày 4/2), ông nói trên Twitter rằng: “Mấy tuần nay, chúng tôi cũng như vài đồng nghiệp nước ngoài, khi đưa tin về các chủ đề liên quan đến Thế vận hội, đã nhiều lần gặp phải sự cản trở, phá rối của cảnh sát.”

Ông nói: “Do đó, rất khó để coi sự cố tối qua (ngày 4/2) là một sự cố đơn lẻ như IOC đã tuyên bố.”

Nhà báo Hà Lan tiết lộ thêm chi tiết về vụ việc bị xua đuổi

Trên Twitter, hôm thứ Bảy (ngày 5/2), phóng viên Sjoerd den Daas của NOS đã cảm ơn tất cả những người đã theo dõi vụ việc trong lễ khai mạc Thế vận hội Bắc Kinh vào thứ Sáu. Sau đó, ông đã kể thêm nhiều chi tiết về toàn bộ vụ việc. 

Daas cho biết, trước 7h tối thứ Sáu, họ bắt đầu quay phim quanh sân vận động Tổ Chim. Cảnh sát đã hướng dẫn họ đi ra ngoài khu vực đã bị phong tỏa vào thời điểm đó. Họ tuân theo lệnh của cảnh sát. Sau đó, họ đã dành một khoảng thời gian để dựng một buổi quay truyền hình trực tiếp tại nơi mà cảnh sát vừa chỉ dẫn họ nên thực hiện ở đó.

Daas cho biết: “Tuy nhiên, ngay sau khi chúng tôi bắt đầu chương trình phát sóng trực tiếp, trong khi không có bất cứ cảnh báo nào, tôi đã bị một người đàn ông mặc thường phục là tình nguyện viên an ninh đeo phù hiệu đỏ trên tay áo cưỡng chế lôi ra khỏi cảnh quay (trực tiếp). Anh ta không tiết lộ danh tính của mình.”

“Trong khi đó, một người khác đã lấy đi các thiết bị chiếu sáng của chúng tôi. Khi được hỏi tại sao, họ không thể nói chúng tôi đã làm gì sai. Cuối cùng chúng tôi cũng có thể tiếp tục chương trình truyền hình trực tiếp từ bãi đậu xe ở gần đó.”

Sau vụ việc, NOS đã tweet: “Các phóng viên của chúng tôi … đã bị an ninh kéo khỏi máy quay. Thật không may, điều này đang dần trở thành hiện thực hàng ngày đối với các phóng viên ở Trung Quốc.”

Theo báo cáo có tiêu đề “Bước thụt lùi lớn của ngành báo chí ở Trung Quốc” hôm 7/12/2021 của của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), ít nhất 127 phóng viên hiện đang bị giam giữ ở Trung Quốc – quốc gia được RSF gọi là “Kẻ bắt giữ các nhà báo lớn nhất thế giới”. ĐCSTQ đã biến nước này trở thành một mô hình xã hội trong đó “tự do truy cập thông tin đã trở thành tội ác và cung cấp thông tin còn là tội ác lớn hơn”, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết. 

“Số lượng các chủ đề cấm kỵ tiếp tục tăng lên,” báo cáo viết. “Không chỉ những đề tài thường được coi là “nhạy cảm” như Tây Tạng, Đài Loan hoặc tham nhũng phải chịu sự kiểm duyệt, mà cả những thảm họa thiên nhiên, phong trào #MeToo hoặc thậm chí sự công nhận của các chuyên gia y tế trong cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng bị kiểm duyệt.”

Ngay trước thềm Olympic Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã bỏ tù 11 học viên Pháp Luân Công vì thực hành tín ngưỡng và cung cấp thông tin dịch bệnh COVID-19 cho báo Epoch Times. Hôm 21/1, Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên án vụ việc và yêu cầu Bắc Kinh “ngay lập tức chấm dứt bạo hành và ngược đãi các học viên Pháp Luân Công, trả tự do cho những người bị cầm tù vì niềm tin của họ, và điều tra rõ tung tích của các học viên mất tích.” Ngoài ra, giới chức Hoa Kỳ và Canada cũng lên tiếng kêu gọi thả người tập Pháp Luân Công trước thềm Olympic.

Giữa tháng 12/2021, Dân biểu Scott Perry đã đưa ra Đạo luật Bảo vệ Pháp Luân Công (H.R. 6319) nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức ĐCSTQ đồng lõa trong cuộc đàn áp nhóm tín ngưỡng này. Nếu được thông qua, dự luật này sẽ trở thành đạo luật đầu tiên ở Hoa Kỳ buộc những kẻ vi phạm nhân quyền phải chịu trách nhiệm. Nghị sĩ Hoa Kỳ mô tả, dự luật này có vai trò “quan trọng để bảo vệ phẩm giá của tất cả học viên Pháp Luân công đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại”.

Dân biểu Perry cho biết, được công bố trước Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022, dự luật còn làm sáng tỏ “sự nhẫn tâm và độc ác” của chế độ độc tài Trung Quốc, đồng thời giúp ngăn chặn Bắc Kinh xuất khẩu các hành vi lạm dụng nhân quyền của họ ra phần còn lại của thế giới.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: