Trong đêm gay cấn ngày 5/3/2002, một nhóm người ở thành phố Trường Xuân đã thực hiện thành công hoạt động chèn sóng truyền hình tại một thành phố lớn của Trung Quốc, trong vòng gần 1 giờ đồng hồ. Họ chỉ là một nhóm người nhỏ, không chuyên, với tài nguyên hạn hẹp, nhưng hành động này lại có tác động to lớn đối với thế giới. Thậm chí vài năm sau đó, hành động của họ đã trở thành cảm hứng cho việc phát triển những công cụ phức tạp hơn để đột phá sự phong tỏa thông tin của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ethan Gutmann, một nhà báo Mỹ từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình, đã viết về sự kiện này trong bài viết có tựa đề “Into Thin Airwaves” đăng trên tạp chí “The Weekly Standard” tháng 12/2010. Dưới đây là bản lược dịch của bài viết.

Chen song Truogn Xuan 00
Nhà báo Ethan Gutmann. (Ảnh: Jaya Gibson, Wikipedia, CC BY-SA 4.0)

“Into Thin Airwaves”

Chuyện một nhóm người Trung Quốc “tử vì đạo” tác động đến sự tự do trên toàn thế giới.

Tháng 1/2010, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã có bài phát biểu kêu gọi giải phóng Internet toàn cầu bằng mọi giá. Washington đã cam kết hỗ trợ 50 triệu USD cho các nhóm phát triển những công cụ mới cho phép mọi người vượt qua kiểm duyệt chính trị và đạt được tự do ngôn luận. Trên thực tế vào thời điểm đó, chỉ có một nhóm người thực sự làm được điều này, đó là Pháp Luân Công.

Nếu muốn các quản trị viên Trung Quốc nhảy dựng lên bất mãn, bạn chỉ cần nhắc đến tên của nhóm người tu Phật này.

Có một sự thật là “Liên minh Tự do Internet Toàn cầu”, nhóm người đã tạo ra hệ thống mang tính cách mạng mà Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tìm kiếm, thực chất là một nhóm kỹ sư máy tính của Pháp Luân Công.

Hệ thống mà họ tạo ra không chỉ cho phép hàng triệu cư dân mạng Trung Quốc lướt web bên ngoài tường lửa Internet, mà còn cung cấp một nền tảng trong cuộc Cách mạng Xanh của Iran, cho phép hầu hết các báo cáo của công dân Iran được gửi đến phương Tây.

Tuy nhiên, vào đầu tháng 5/2010, chỉ vài ngày trước khi Washington Post đưa tin về mong muốn tài trợ 50 triệu USD của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, một người đàn ông ở Trung Quốc đã qua đời. Thật ra chính anh đã khơi nguồn cho “Liên minh Tự do Internet Toàn cầu” đột phá phong tỏa Internet.

Tất cả các phong trào đều có huyền thoại của riêng mình. Chúng thường xảy ra trong giai đoạn đầu, với thời gian và địa điểm đơn giản. Dù chưa từng đoạt giải Nobel nhưng người đàn ông đã mất ấy là có thật.

Năm 2002, tại một thành phố lớn của Trung Quốc, anh đã dẫn đầu chèn sóng thành công một chương trình truyền hình, kéo dài gần 1 giờ đồng hồ. Họ chỉ là một nhóm nhỏ, rất ít kinh nghiệm và tài nguyên.

Nhưng trong những năm sau đó, một thứ phức tạp hơn nhiều trong việc đột phá kiểm soát thông tin của ĐCSTQ đã được phát triển. Tất cả đều bắt đầu từ Lương Chấn Hưng, một người tập Pháp Luân Công ở thành phố Trường Xuân, Trung Quốc.

*

Bức ảnh cuối cùng được biết đến của Chấn Hưng có lẽ được chụp vào giữa tháng 3/2002 khi anh đang bị giam giữ. Hàm răng cắn chặt, mắt dường như đang dán vào một nơi nào đó.

Có 6 vết máu trên bức tường của phòng thẩm vấn, chỗ ngang đầu người. Một số người quan sát cho rằng trên thái dương bên trái của Chấn Hưng có một vết máu. Tổng hợp tất cả lại với nhau, tư thế của Chấn Hưng là một dấu hiệu rõ ràng về những gì anh đang phải trải qua.

Chen song Truogn Xuan 01
Lương Chấn Hưng. (Ảnh: Minghui.org)

Có lẽ Chấn Hưng không nghĩ rằng người phương Tây sẽ nhìn thấy bức ảnh này. Cảnh sát Trung Quốc chỉ đăng nó lên Internet như một chiến tích, nhằm cảnh báo người dân Trung Quốc. Họ tin chắc rằng không có kênh truyền thông phương Tây nào thèm đưa tin sâu về một người tập Pháp Luân Công bị bắt.

Chấn Hưng đã chống chọi thêm 8 năm và cuối cùng qua đời vào ngày 1/5/2010 tại Bệnh viện Trung tâm thành phố Công Chủ Lĩnh dưới sự giám hộ của cảnh sát.

Cơ thể anh không thể hồi phục do bị đánh đập, sốc điện, cấm ngủ và bức thực. Đây cũng là lý do thường xuyên khiến người tập Pháp Luân Công bị tra tấn đến chết.

Trong quá trình chuyển nhà tù, Lương Chấn Hưng đã ngã cầu thang, xuất huyết não, khiến anh nhanh chóng qua đời. Xét từ góc độ lịch sử, Chấn Hưng có lẽ đã thành công ngoài sức tưởng tượng, nhưng anh đã không còn sống để lên tiếng.

Lương Chấn Hưng luôn là một người khác biệt. Tay trắng khởi nghiệp, anh trở thành một nhà đầu tư bất động sản thành công, một nhà diễn thuyết và một tay chơi có tiếng. Đột nhiên tin vào Pháp Luân Công, cuộc sống của anh mang màu sắc của một lãng tử quay đầu. Thành phố Trường Xuân đã thành tựu nên Lương Chấn Hưng.

*

Trường Xuân nằm ở vùng Đông Bắc Trung Quốc và cũng là nơi khai sinh của Pháp Luân Công. Ở trung tâm thành phố, phía nam của công viên Thắng Lợi và phía bắc của đường Giải Phóng là Quảng trường văn hóa thành phố Trường Xuân được xây bằng gạch xi măng.

Tại đó, vào năm 1992, ông Lý Hồng Chí, người sống trong một khu chung cư cũ cách đó vài dãy nhà, đã chọn một góc tán lá tươi tốt không mấy nổi bật và bắt đầu dạy những người có hứng thú học thiền.

Sau cơn sốt khí công vào những năm 1980, điều này không thu hút sự chú ý của chính quyền, đặc biệt khi trong việc này không có thu phí. Nhưng một số phẩm chất của ông Lý Hồng Chí đã truyền cảm hứng khiến những người theo học kiên định không dao động. Ngoài khuôn mặt trẻ trung của ông và những bài tập có vẻ đơn giản là một quan niệm sâu sắc: chân thành, thiện lương, nhẫn nại là cốt lõi trong hệ thống đạo đức theo trường phái Phật gia này.

Điều khác biệt là việc thực hành những quan niệm đạo đức này là ở ngay giữa thành phố Trường Xuân, chứ không phải ở trong tu viện. Hơn nữa ông Lý Hồng Chí không chỉ thu hút một nhóm nhỏ chuyên biệt trong xã hội, như hầu hết các khí công sư khác. Người theo học đến từ mọi tầng lớp xã hội, như phụ nữ già và binh lính trẻ, doanh nhân giàu có và những người thất học từ nông thôn. Khi số lượng tăng lên, họ đã rời khỏi góc tán cây rợp lá đó.

*

Lương Chấn Hưng sống cách đó một dãy nhà, trong một ngôi nhà ấm cúng trên đường Giải Phóng. Thi thoảng, giữa sáng tinh mơ của mùa đông, dưới bức tượng vạm vỡ ở Quảng trường Văn hóa, anh thấy một nhóm người mặc áo khoác và đeo găng tay, thực hiện những động tác giống nhau.

Một buổi sáng sớm lạnh giá năm 1996, Chấn Hưng thức dậy, mặc áo khoác và bước tới. Lúc đầu, anh ta khiến những người tập Pháp Luân Công hơi lo lắng. Bụng anh khá to, khiến tư thế bắt chéo chân của anh trông khá buồn cười, cộng thêm cách nói chuyện kiêu ngạo và người vợ đáng ngờ của anh.

Nhưng chỉ trong 1 tháng, Chấn Hưng đã bắt đầu dẫn người mới tới: Các thành viên trong gia đình, những người anh quen trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, những trí thức anh gặp trong công viên, những công nhân anh gặp trong các câu lạc bộ đen.

Những người tập Pháp Luân Công nhanh chóng đồng ý để Chấn Hưng trở thành người hướng dẫn, dạy các bài tập miễn phí và tổ chức nhóm học Pháp Luân Công ở nhà mình.

Một số người nói rằng Chấn Hưng đọc sách chưa đủ và không có kinh nghiệm, nhưng anh không quan tâm đến những điều này. Anh từng nói với một người bạn rằng lợi ích của việc tập luyện Pháp Luân Công là sau 3 tháng, người ta không còn quan tâm đến quyền lực.

Nhưng trong mắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ngay cả khi một thứ gì đó không ham muốn quyền lực nhưng được nhiều người tán đồng, thì cũng có thể trở thành một cái gai trong mắt. Pháp Luân Công có một sức hút tiềm tàng, có thể lôi kéo cả kẻ thù của Đảng lẫn các Đảng viên của quốc gia vào quỹ đạo của riêng môn tập.

Vì vậy, vài năm sau, khi tình báo nội bộ của Trung Quốc tiết lộ rằng có 70 triệu người tập Pháp Luân Công, nhiều hơn 5 triệu so với số Đảng viên, ĐCSTQ đã tiến hành gài bẫy. Mật vụ chìm xuất hiện tại các điểm luyện tập, giới báo chí nhà nước đăng các bài viết chỉ trích, các cuộc thỉnh nguyện ôn hòa nhất thời được ghi lại và được giải thích là hoạt động lật đổ nhà nước.

Ngày 20/7/1999, các vụ bắt bớ bắt đầu ở Bắc Kinh. 3 ngày sau, khi mặt trời mọc ở Quảng trường Văn hóa Trường Xuân, Lương Chấn Hưng nhìn ra ngoài và chỉ thấy cảnh sát đứng dưới bức tượng.

2 tháng sau, lần đầu tiên Chấn Hưng nhìn thấy phòng thẩm vấn. Trước anh, nhiều người tập Pháp Luân Công Trường Xuân đã từng ở đó. Chấn Hưng vốn chưa thực hiện bất cứ hành động công khai nào ở Trường Xuân, Sư phụ Lý Hồng Chí của Pháp Luân Công là người Trường Xuân, nên các biện pháp an ninh ở Trường Xuân trở nên vô cùng nghiêm ngặt.

Chấn Hưng và hơn 100 người tập ở Trường Xuân khác đã lên kế hoạch đến văn phòng thỉnh nguyện Bắc Kinh vào ngày Quốc khánh 1/10. Đây là hành động duy nhất được pháp luật cho phép đối với công dân Trung Quốc. Một nhóm lớn như vậy rất dễ bị lộ, họ đã bị cảnh sát bắt giữ trước khi lên tàu.

Trong thời gian bị giam giữ, Lương Chấn Hưng đã từ chối ký vào một tuyên bố công khai chống lại Pháp Luân Công, và từ chối phản bội những người đã cùng tham gia.

Đáp lại, cảnh sát hướng dẫn những người nghiện ma túy và tội phạm chơi trò chơi quyền lực tẻ nhạt để hành hạ họ. Những người tập Pháp Luân Công lương thiện và ôn hòa này không may đã trở thành đối tượng bị chế giễu và tra tấn. Hầu hết đều âm thầm chịu đựng, họ tin rằng chịu đựng sự lăng mạ và đau đớn cũng có giá trị tinh thần nhất định.

Chấn Hưng không muốn làm thế. Vì vậy, khi họ đang xếp hàng trong sân và các tội phạm yêu cầu người tập Pháp Luân Công hô khẩu hiệu của ĐCSTQ, Chấn Hưng nói rằng anh sẽ không hô hào bất cứ điều gì. Kết quả là anh đã bị đánh. Điều khiến Chấn Hưng cảm thấy thống khổ là không có người tập Pháp Luân Công nào khác tham gia vào cuộc đối kháng nhỏ của anh. Anh phân tích lý do thất bại của mình: Anh có ý chí, nhưng không thể nói rõ lý do vì sao sự phản kháng của mình lại có ý nghĩa.

*

Nhà báo Mỹ kể nội tình sự kiện chèn sóng truyền hình gây chấn động TQ
Lưu Thành Quân (biệt danh “Xe tải lớn”). (Ảnh: Minghui.org)

Lưu Thành Quân là người tập Pháp Luân Công đến từ một thị trấn nhỏ không xa Trường Xuân. Anh chỉ là một quản lý kho hàng, một công nhân nhập cư ở thành phố lớn Trường Xuân.

Nhưng anh có thể sử dụng một chiếc xe tải. Trước sự truy quét của nhà chức trách, phản ứng của Lưu Thành Quân là: Chất các cuốn sách nhỏ “nói rõ sự thật” lên một chiếc xe tải, lái nó trên Quốc lộ 302, về quê nhà ở Nông An và các làng xung quanh. Là con nhà nông, anh rất quen thuộc với nơi này. Vì điều này, và vì anh cao lớn lực lưỡng, nên mọi người đã đặt cho anh biệt danh “Xe tải lớn”.

Giống như Lương Chấn Hưng, “Xe tải lớn” cũng không chịu thuận theo những thủ đoạn trong trại giam. Nhưng anh còn đi xa hơn, khi điểm danh, nếu những người tập Pháp Luân Công khác nhúc nhích, họ sẽ bị đá và đánh dã man vào chân. Nhưng anh vẫn thản nhiên đi đến hàng rào cao 3 mét của trại giam.

Khi đối đầu, anh không giơ tay hay nhe răng. Ánh mắt nhìn thẳng và thái độ quật cường của anh giống như những dũng sĩ trong các vở kinh kịch. Nó cảnh báo cai ngục: Nếu dám động vào, sẽ phải gánh hậu quả. Giới cai ngục đồn đại rằng “Xe tải lớn” có người chống lưng, anh có thể ăn vài chiếc bánh bao thịt lợn một lúc và là nhân vật chủ chốt trong băng nhóm tội phạm.

Một buổi sáng cuối tháng 10 se lạnh, khi mọi người đang say giấc nồng thì anh bật dậy, sải bước tới bức tường rồi nhảy phốc ra ngoài. Các lính canh sau đó nói họ đã thả anh. Khi Lương Chấn Hưng nghe tin về cuộc đào thoát, một suy nghĩ hiện lên trong đầu: Tìm thấy tướng quân rồi.

*

Nhà báo Mỹ kể nội tình sự kiện chèn sóng truyền hình gây chấn động TQ
Lưu Hải Ba (biệt danh “Đại Hải”). (Ảnh: Minghui.org)

9 tháng sau, vào ngày 12/7/2000, Lương Chấn Hưng bị chuyển đến Trại lao động cưỡng bức Phấn Tiến, nơi anh sống cùng phòng giam với “Xe tải lớn” Lưu Thành Quân (đã bị bắt trở lại) và một người đàn ông nhỏ bé khác có đôi mắt to sáng.

Thành Quân nói riêng với Chấn Hưng rằng chàng trai thông minh này là bác sĩ xạ trị tại bệnh viện Xuân Thành, Trường Xuân. Anh tên là Lưu Hải Ba, nhưng mọi người đều gọi anh là “Đại Hải”.

Biệt danh này không chỉ đến từ cái tên của Lưu Hải Ba, mà còn đến từ trí nhớ tuyệt vời của anh. Lưu Hải Ba có thể thuộc lòng rất nhiều bài viết của Sư phụ Lý Hồng Chí chỉ trong một đêm. Và “Hệ thống truy cập dữ liệu” “Đại Hải” này dường như vẫn còn có thể được sử dụng vào mục đích khác.

Ban đầu, câu chuyện của Đại Hải không gây ấn tượng với Chấn Hưng: Một người tập ở Trường Xuân từ năm 1996, bị bắt 2 lần, 2 lần tuyên bố từ bỏ tín ngưỡng, 2 lần bác bỏ tuyên bố của chính mình, chưa bao giờ gặp con trai mới sinh tên là Thiên Thuần, v.v..

Nhưng có một điều khiến Chấn Hưng chú ý: Ngay sau cuộc đàn áp, một số quan chức ĐCSTQ đã tổ chức một cuộc triển lãm “tội ác” của Pháp Luân Công tại một trường tiểu học ở Trường Xuân. Chấn Hưng biết về cuộc triển lãm, chính quyền buộc học sinh tiểu học xem áp phích bịa đặt về chuyện người tập Pháp Luân Công “tự sát”, treo cổ hoặc mổ bụng, khiến lòng Chấn Hưng đau như dao cắt. Nhưng theo Đại Hải nói thì triển lãm này đã không còn nữa.

Đại Hải đã đi vào, xé những tấm áp phích đó rồi ném đi. Đại Hải nói chúng là chất độc, và anh không tỏ ra một chút giận dữ hay kiêu căng khi kể lại chuyện này. Lương Chấn Hưng nhận ra Đại Hải là một trí thức không sợ hãi, một điều rất hiếm thấy ở Trung Quốc.

Đại Hải, “Xe tải lớn” Lưu Thành Quân và Lương Chấn Hưng đã trở thành một bộ ba vô cùng kỳ lạ. Ban đầu họ không có kế hoạch gì cả, không phải giống như “Tây Du Ký”, nhưng những sự kiện lớn hơn đã buộc họ lại với nhau trên “con đường hành hương” của mình.

*

Trong khoảng 2000 – 2001, hơn 150.000 người tập, thậm chí nhiều hơn đã đến Quảng trường Thiên An Môn phản đối lệnh cấm của chính quyền đối với Pháp Luân Công. Điều này không hề mang lại kết quả như mong muốn. Mỗi ngày có khoảng 500 người đến Thiên An Môn, con số này lên đến 4.000 người vào những ngày đặc biệt.

Khi đó, họ chỉ tự tay căng băng-rôn màu vàng, không có phương án thống nhất trước và rất dễ bị lực lượng an ninh bắt giữ. Nhưng Quảng trường Thiên An Môn đã mang lại cho họ một “sân khấu”, một cách biểu đạt ý chí chân thành của họ, một cách làm đã có từ thời quân chủ Trung Hoa.

Kỳ thực, người dân Trung Quốc chưa bao giờ bị thuyết phục bởi các cuộc vận động của ĐCSTQ. Việc các kênh truyền thông đưa tin về Pháp Luân Công ngày càng gay gắt hơn, khiến hầu hết người dân Trung Quốc tự hỏi: Vì sao ĐCSTQ lại sợ hãi như vậy? Vì sao những người đó không cam chịu cúi đầu?

Chiều ngày 23/1/2001, 5 người “thỉnh nguyện”, trong đó có 1 người mẹ và 1 cô con gái, bước đến Quảng trường Thiên An Môn, tưới xăng lên người và tự thiêu. Cảnh quay này được phát sóng trong nhiều tuần, công chúng thực sự phẫn nộ trước vụ tự thiêu. Nhờ vậy các nhà chức trách không còn phải kiềm chế khi ngược đãi những người tập bị giam giữ, thay vào đó là số lượng ca tử vong được giao chỉ tiêu và sự biến mất của những người tập trong các bệnh viện quân đội.

*

Quay lại nhà tù Triều Dương Câu ở Trường Xuân, Lương Chấn Hưng và những người khác đã thảo luận về các sơ hở trong câu chuyện “tự thiêu” này. Điều quan trọng nhất là giáo lý của Pháp Luân Công cấm tự sát. Thêm vào đó là tin đồn rằng CNN không hề cung cấp đoạn phim trên truyền hình như các quan chức Trung Quốc tuyên bố.

Tạm chưa bàn đến những góc máy kỳ lạ và cách hành xử vô lý của cảnh sát, Đại Hải nhớ lại một phóng sự trên tờ “Washington Post”: Một phóng viên đã đến quê hương của người mẹ tự thiêu, nhưng phát hiện ra rằng cô ta không phải là một người tập Pháp Luân Công, mà là một kỹ nữ trong hộp đêm.

Bộ ba đều từng sử dụng mọi cách để nói sự thật về Pháp Luân Công: Lương Chấn Hưng thích dùng băng ghi âm và phát loa phóng thanh từ xa, Lưu Thành Quân thích những tờ rơi của mình, và Đại Hải lại thích dùng bóng bay treo biểu ngữ. Nhưng một bài viết về “chèn sóng truyền hình” trên trang Minghui.org đã thu hút sự chú ý của Chấn Hưng. Bài viết mô tả về lý thuyết rằng có thể chặn việc truyền tín hiệu TV bằng cách trèo lên cột phát sóng, cắm đường dây khác vào và kết nối với đầu đĩa DVD.

Không có thông tin cụ thể trong bài báo, nhưng kinh nghiệm về tín hiệu của Đại Hải đã thôi thúc anh đi mua một số thiết bị sau khi ra tù, trong khi Lưu Thành Quân cố gắng phục hồi thể lực vốn có.

Cuối năm 2001, nhóm của Chấn Hưng ngừng phản kháng bằng cách tuyệt thực và có thái độ hợp tác. Không lâu sau, họ đã được thả. Họ ngay lập tức bắt đầu kiểm tra các đường truyền khắp Trường Xuân. Lúc đầu, điều này dường như là không thể, họ chỉ nhìn thấy một loạt các đường dẫn theo mọi hướng.

Nhưng Lương Chấn Hưng đã quen với địa hình của Trường Xuân. Anh nhận thấy mỗi khu phố dường như đều có một chiếc hộp. Lần theo các đường dây này, anh tự hỏi phải chăng mỗi chiếc hộp đều là một bộ chia cổng mạng.

Lưu Thành Quân đã trèo lên kiểm tra và xác nhận đúng như dự đoán của họ. Nhưng ngay cả khi có thể biết sự phân bố của hệ thống này, cũng có rất nhiều bộ chia cổng mạng, mà họ chỉ có 3 đôi bàn tay.

Hơn nữa vừa đi bộ, vừa ngửa cổ nhìn sẽ khiến mọi người tò mò, càng không nói đến việc trèo cột điện (ngay cả “Xe tải lớn” Lưu Thành Quân cũng sợ leo cột điện). Họ bắt đầu tìm kiếm những người tập Pháp Luân Công trẻ, có năng khiếu thể thao ở Trường Xuân, và dám mạo hiểm tính mạng.

*

Chen song Truogn Xuan 04
Lôi Minh. (Ảnh: Minghui.org)

Lương Chấn Hưng tìm thấy 3 người. Người đầu tiên 26 tuổi, tên là Lôi Minh, là em út của nhóm. Trong thời kỳ này, Trường Xuân là khu vực các hoạt động Pháp Luân Công hoạt động sôi nổi nhất, có thể nói trên mọi con phố đều có một nhóm Pháp Luân Công làm tờ rơi, đĩa CD và biểu ngữ.

Lôi Minh đến từ thành phố Cát Lâm, mặc một chiếc áo khoác da đen, giày đen, quần đen và áo phông. Anh từng là đầu bếp nấu đồ ăn, làm những món thịt nguội của miền Bắc. Anh có một đôi tay rất khéo léo và vẻ mặt tự ti. Nhưng nếu người lạ tỏ ra quan tâm quá mức, anh sẽ bất ngờ nhìn chằm chằm vào họ một cách kỳ lạ.

Điều quan trọng là sức khỏe của Lôi Minh rất tốt, một phần vì anh không phải ngồi tù lâu và mệt mỏi như những người khác. Sau khi căng biểu ngữ tại Quảng trường Thiên An Môn, anh trốn trong một con hẻm gần đó, thoát khỏi sự truy bắt của cảnh sát.

Chen song Truogn Xuan 05
Hầu Minh Khải. (Ảnh: Minghui.org)

Người thứ hai là Hầu Minh Khải, 32 tuổi. Không giống như những người khác, anh được một người liên lạc tại địa phương chọn vì thành thạo về điện, cơ thể cường tráng, khả năng chịu đựng tra tấn đã được chứng minh và tính cách hoạt bát.

Đối với Hầu Minh Khải, khi cảm thấy bất an vì để lại vợ và con gái đáng yêu của mình để đến sống cùng Lương Chấn Hưng, anh sẽ đóng vai hề để che giấu cảm xúc. Anh phụ giúp ở quầy hàng bán loại quẩy “dài và thơm” nổi tiếng của bố mẹ.

Khi ngửa cổ quan sát đường truyền, Hầu Minh Khải bắt chước dáng vẻ của cảnh sát hoặc người nông dân đứng ngoài cuộc: Anh em, trời sắp mưa, có nhìn thấy chim bồ câu của tôi không? Thậm chí còn trêu chọc khiến “Xe tải lớn” Lưu Thành Quân phì cười.

Người cuối cùng là Chu Nhuận Quân, cô đến nấu ăn cho cả đội. Cô Chu cũng giỏi kể chuyện về phụ nữ Trung Quốc. Đại Hải chỉ thích nói chuyện, suy luận và họp hành. Chu Nhuận Quân sẽ lao ra khỏi nhà bếp, hét lên rằng họ quá nhút nhát, không dám leo cột điện.

Vào một buổi sáng, cô đến với một bó móc của thợ đường dây, cuộn một đôi móc vào ủng của mình, cô leo lên một cái cột ở sân sau, vừa leo lên, vừa hét với mấy người đàn ông. Không muốn Chu Nhuận Quân suốt ngày nói mình là những kẻ hèn nhát, họ đã noi gương cô vào ban đêm. Ngay cả Lương Chấn Hưng cũng tập leo một lần.

*

Họ đã chuẩn bị hành động. Ban ngày, họ sẽ luyện tập với những bộ chia cổng mạng được tìm thấy trong các bãi phế liệu. Ban đêm, họ leo cột điện thoại ở những khu dân cư xa lạ, luôn đi theo nhóm 2 người. Lưu Thành Quân, Lôi Minh hay Hầu Minh Khải vội vàng tìm hiểu cấu hình của bộ chia cổng mạng. Trong khi Đại Hải, Lương Chấn Hưng hay Chu Nhuận Quân thu hút sự chú ý của các cụ già đeo băng tay đỏ đi tuần tra trong khu dân cư.

Tối ngày 16/2/2002, Lương Chấn Hưng nhận được tin rằng tại thành phố thép An Sơn cách Trường Xuân 5 giờ lái xe, một số màn hình TV đã nhấp nháy nhanh và chuyển sang màu đen, và được thay thế bằng hình ảnh một người tập Pháp Luân Công đang phân tích vụ tự thiêu.

Nó chỉ xảy ra trên cáp truyền hình và không kéo dài. Một người tập bị bắn, hoặc đường dây bị chập, nhưng điều này có thể thực hiện được và cảnh sát cũng sẽ biết điều đó. Lịch trình luyện tập của họ phải rút ngắn lại. Lương Chấn Hưng xác định buổi tối ngày 5/3 là thời điểm hành động, khi đó Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc vừa khai mạc, đây là một tuần quan trọng đối với Trung Quốc.

Ngay khi họ đang lo lắng xác định sự phân bố của đường dây, Lương Chấn Hưng cũng gặp phải trở ngại từ phía sau. Anh giữ cho nhóm của mình ở quy mô nhỏ, quy định rằng tuyệt đối không được đề cập đến vấn đề này với những người khác, nhưng tin tức vẫn truyền đi. Dù kế hoạch của anh không phải là tiếp quản đài truyền hình bằng súng như những tin đồn nhất thời, nhưng hầu hết người tập Pháp Luân Công ở Trường Xuân đã kiên quyết phản đối việc chèn sóng.

Họ nghĩ rằng việc cắt đường truyền là vi phạm pháp luật, nếu mọi người bị bỏ lỡ các chương trình yêu thích của họ, họ sẽ càng ghét Pháp Luân Công hơn. Họ nghĩ rằng kế hoạch của anh nghe có vẻ đáng ngờ, giống như một hoạt động chính trị có tổ chức. Họ nghĩ rằng chẳng phải Sư phụ Lý đã nói người tu luyện không được tham gia chính trị hay sao?

Đường Phong là một người tập Pháp Luân Công ở Trường Xuân, cao lớn và uy nghiêm. Nhờ niềm tin kiên định của mình, anh được nhiều người kính trọng. Mọi người đã cử anh đến nơi Chấn Hưng đang ẩn náu, cố gắng thuyết phục Chấn Hưng không làm như vậy.

Chấn Hưng cẩn thận lắng nghe. Sau đó anh đột nhiên hỏi: Việc đi đến Thiên An Môn liệu có còn hữu ích? Nó sẽ vĩnh viễn bị vụ tự thiêu nhuốm bẩn. Vì vậy, hãy ngừng cầu xin ĐCSTQ khai ân, hãy trực tiếp tìm đến người dân. Giữa Pháp Luân Công và ĐCSTQ, người dân đặt định vị trí của mình như thế nào sẽ quyết định vận mệnh tinh thần của họ, phải không? Có lẽ họ đang đứng về phía chúng ta, chỉ là không biết tình huống thực tế. Lẽ nào chỉ một mình thành phố thép An Sơn được biết sự thật? Còn Trường Xuân thì sao? Chấn Hưng nói: Sẽ không bao giờ có cơ hội thứ 2.

Sau lần gặp mặt này, Đường Phong lặng lẽ nói với những người khác rằng anh đã không thuyết phục được Chấn Hưng. Trên thực tế, Đường Phong nói, bản thân anh cũng muốn tham gia chèn sóng, nhưng kỹ năng của anh phù hợp với việc ghi lại sự kiện này cho Minghui, và có lẽ kể từ bây giờ mọi người nên giữ bí mật hơn về hành động của Chấn Hưng.

Ngày 1/3, Lương Chấn Hưng được một người bạn làm bất động sản đánh thức và yêu cầu anh chỉnh sửa một số tài liệu càng sớm càng tốt. Một giờ sau đó, Chấn Hưng có mặt tại văn phòng cũ của mình và bất ngờ bị cảnh sát bao vây. Cảnh sát áp giải anh đến phòng thẩm vấn mà anh đã quá quen thuộc.

Tối hôm đó, cả đội ăn bữa tối do Chu Nhuận Quân nấu và chờ cảnh sát đến gõ cửa. Không có tiếng gõ cửa, vì vậy họ đi ra ngoài, tiếp tục khảo sát đường dây. Đại Hải và Hầu Minh Khải cuối cùng cũng tìm ra cách nối sẵn đường dây nên chỉ mất 1 phút là có thể chuyển đổi xong.

Trong 3 đêm tiếp theo, họ biến mỗi một bộ chia cổng mạng thành một quả bom hẹn giờ nói sự thật. Chỉ cần di chuyển bằng xe đạp và taxi trong vòng 15 phút, họ sẽ có thể đồng thời triển khai chèn sóng khắp Trường Xuân.

Trong phòng thẩm vấn, có lẽ cảnh sát không biết gì về kế hoạch này. Nhưng họ sẽ tra tấn Lương Chấn Hưng, buộc anh phải khai ra tên tuổi, hoạt động và địa điểm của mọi người. Chấn Hưng phải trụ vững.

Bốn đêm sau, Đường Phong bước vào một cửa hàng tiện lợi gần ngã tư lớn ở Quảng trường Nhân dân. Mọi người đang đứng xem TV, nhưng họ cúi người về phía trước, tỏ vẻ tò mò và thích thú. Đường Phong nhìn lên và thấy một chương trình sắp kết thúc, người dẫn chương trình đã gọi vụ tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn là “lửa giả”, là trò lừa bịp và một chiến dịch tuyên truyền tội ác do Chủ tịch Giang Trạch Dân phát động. Sau đó, chương trình khác quay cảnh một cuộc diễu hành của đoàn người mặc đồ màu vàng, đi xuyên qua chân Tháp Eiffel, qua đồng hồ Big Ben và qua Đồi Capitol ở Hoa Kỳ, giải thích rằng Pháp Luân Công đã truyền bá khắp thế giới và rất được chào đón ở các nước khác. (Xem video tại đây)

“Chiếc TV này bị sao thế nhỉ?”, một người đàn ông hỏi, có lẽ là một người hàng xóm đang xem video. Mọi người trong cửa hàng không hiểu bằng cách nào nó bắt được tín hiệu. Người chủ cửa hàng vừa trả lời vừa đổi kênh, nhưng tất cả các kênh đều chạy cùng một chương trình. Một số người bắt đầu suy đoán rằng một nhóm phản đối Giang Trạch Dân đã tiếp quản quyền lực của nhà nước.

Đường Phong nhìn vẻ mặt hứng thú của họ. Hai mắt anh ươn ướt, cổ họng nghẹn lại: Lương Chấn Hưng đã trụ được. Giờ đây cuối cùng mọi người có thể biết được sự thật về Pháp Luân Công. Họ có thể hiểu Pháp Luân Công được chào đón như thế nào ở nước ngoài. Đôi mắt họ mở to. Sau đó, màn hình chuyển sang màu đen và không có tín hiệu. Một lúc sau, Đường Phong biết rằng chương trình sẽ không còn nữa, chắn hẳn họ đã bị phát hiện.

Buổi phát sóng Pháp Luân Công kéo dài 50 phút trên 8 kênh và thu hút hơn 1 triệu người xem. Khi tin tức lan truyền, khán giả ngày càng đông, mọi người gọi điện cho nhau và nói rằng hãy bật TV ngay lập tức.

Tại một số khu phố, các quan chức ĐCSTQ tại địa phương trở nên tuyệt vọng, họ cắt điện và khiến các khu dân cư chìm trong bóng tối. Ở những nơi khác, như gần quảng trường văn hóa, người dân đã xuống đường ăn mừng.

Lệnh cấm đã kết thúc! Pháp Luân Công đã được khôi phục thanh danh! Một số người tập Pháp Luân Công đã ra ngoài và công bố thông tin một cách công khai. Hàng xóm, trẻ em, người lạ, thậm chí cả những cụ già đeo băng tay đỏ đều đến gần họ, mọi người cười nói, thích thú vỗ vai và chúc mừng họ.

Một vài người nghi ngờ rằng đây không phải là buổi phát thanh của chính phủ, nhưng họ vẫn cười vui vẻ và hỏi nhỏ: Làm thế nào các bạn làm được điều đó? Pháp Luân Công thật tuyệt vời! Có vẻ như Pháp Luân Công thực sự đã được phục hồi thanh danh.

Niềm vui và tiếng cười chưa dứt thì đến 10h đêm, người tập Pháp Luân Công đầu tiên nhận được điện thoại của một người bạn trong quân đội, nói rằng họ đã nhận được lệnh bắt giữ Pháp Luân Công.

Phần còn lại của câu chuyện khó kể hơn một chút, có những lời khai chi tiết hơn về những gì đã xảy ra sau đó, như có người bị còng tay vào ống sưởi, thậm chí có người đã chứng kiến ​​khoảnh khắc chết chóc ngay tại hiện trường.

*

Nhà báo Mỹ kể nội tình sự kiện chèn sóng truyền hình gây chấn động TQ
Lôi Minh qua đời vào ngày 6/8/2006 vì chấn thương cột sống. (Ảnh: Minghui.org)

Lôi Minh, cậu em út của đội, bị bắt lúc 10:00 tối ngày 5/3. Anh bị trói vào một chiếc ghế sắt trong 4 ngày, có thể anh đã thú nhận hoặc không thú nhận thông tin về đội của mình. Cuối cùng Lôi Minh đã được trả tự do sớm và qua đời vào ngày 6/8/2006 vì chấn thương cột sống với chứng nhận được ghi chép cụ thể.

Không rõ Giang Trạch Dân có ra lệnh “giết không tha” hay không, nhưng người đứng đầu “Phòng 610” – tổ chức được tạo ra để chuyên đàn áp Pháp Luân Công – của thành phố Cát Lâm nói “lần này chúng tôi sẽ lột da chúng”.

Phòng 610 được thành lập để tiêu diệt Pháp Luân Công. Trên thực tế, các quan chức ở thành phố Trường Xuân và tỉnh Cát Lâm đều được cảnh báo rằng họ sẽ bị cách chức nếu có thêm bất kỳ sự kiện chèn sóng nào xảy ra.

Cảnh sát mặc thường phục đã được điều động đến canh gác các cột điện khắp Trường Xuân. Các nhà báo truyền hình phương Tây bị cấm quay bất kỳ chương trình truyền hình Trung Quốc nào đang được phát sóng. Khi Lôi Minh bị trói vào ghế sắt, cảnh sát đã bắt từ 2.000 đến 5.000 người tập Pháp Luân Công ở Trường Xuân.

Tối ngày 9/3, Đại Hải bị bắt cùng với Đường Phong tại nhà riêng. Cảnh sát đã giữ Đại Hải lên ghế trong phòng khách và đánh gãy mắt cá chân anh trước mặt vợ anh và cậu con 2 tuổi.

Sáng sớm ngày 10/3, Đại Hải bị đưa đến Chi nhánh cục công an quận Khoan Thành, thành phố Trường Xuân và bị lột trần. Một cảnh sát họ Hoắc, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, đã nhìn thấy 2 cảnh sát cắm dùi cui điện cao thế vào hậu môn của anh.

Sau một vài phút, cảnh sát bắt đầu la hét trong đồn rằng tim của Lưu Hải Ba đã ngừng đập. Đại Hải chính thức bị tuyên bố đã chết tại bệnh viện trung ương Trường Xuân.

Nửa đêm ngày 24/3, hơn 60 cảnh sát bao vây một đống củi, nơi “Xe tải lớn” Lưu Thành Quân ẩn náu. Cảnh sát đã đổ xăng vào củi và châm lửa đốt. Khi Lưu Thành Quân xuất hiện, họ đã bắn anh hai phát vào đùi.

Trên đường đưa Lưu Thành Quân đến đồn cảnh sát, xe cảnh sát đã bị lật, có lẽ là do ẩu đả. Hình ảnh được cảnh sát chụp lại sau đó cho thấy Lưu Thành Quân không còn khả năng ngồi thẳng. Một chiếc áo sơ mi được quấn quanh người anh, cho thấy hai cánh tay của anh đã bị gãy. Ngay sau đó, Lưu Thành Quân đã từ chối một cuộc phỏng vấn mà Đài truyền hình Trung ương ĐCSTQ cố gắng thực hiện. Sau đó, có người thấy anh bị cáng đến các trung tâm giam giữ khác nhau.

Cuối cùng, Lưu Thành Quân bị kết án 19 năm tù tại nhà tù số 2 thành phố Cát Lâm. Ngày 26/12/2003, anh chết vì vết thương quá nặng trước sự chứng kiến ​​của gia đình.

Nhà báo Mỹ kể nội tình sự kiện chèn sóng truyền hình gây chấn động TQ
Cô Chu Nhuận Quân (Ảnh: Minghui.org)

Ngày 20/9/2002, Tòa án cấp trung Trường Xuân đã kết án Chu Nhuận Quân 20 năm tù, cô được cho là đã qua đời trong tù.

Hầu Minh Khải là người cuối cùng bị bắt. Sau khi trốn đến thành phố Cát Lâm gần đó, anh cố gắng chèn sóng một lần nữa, nhưng không thành. Quả giống với tính cách cầm tinh con khỉ của mình, anh trèo lên cây trong khuôn viên của Cục Công an và đặt loa lên án Giang Trạch Dân. Anh bị treo thưởng 50.000 nhân dân tệ (khoảng 175 triệu VNĐ).

Ngày 21/8, Hầu Minh Khải bị bắt ở Trường Xuân và đưa đến đồn cảnh sát phố Thanh Minh, nơi anh ta bị đánh chết lúc 4 giờ sáng hôm sau. Sau đó cảnh sát đã tổ chức một bữa tiệc ăn mừng tạm thời. Không rõ những chiếc quẩy rán mà họ ăn có “dài và thơm” hay không, nhưng tình hình lúc đó cho thấy những những chiếc quẩy này có thể được mua từ gian hàng của gia đình họ Hầu.

Sự kiện chèn sóng và hậu quả đẫm máu của nó đã thúc đẩy một làn sóng mô phỏng theo, với một vài thành công nhỏ lẻ, còn đa số đều thất bại.

*

Sự kiện Trường Xuân sẽ không bao giờ lặp lại. Khi tin tức về vụ bắt giữ những người tham gia vào vụ chèn sóng tại Trường Xuân được biết đến, không còn ai tin rằng Pháp Luân Công đã được khôi phục thanh danh, nhưng cũng không còn ai tin vào phiên bản tự thiêu Thiên An Môn của chính phủ như trước.

Điều này khiến người tập Pháp Luân Công gốc Hoa ở phương Tây, tầng lớp ưu tú, có học thức cao, nhận ra rằng kỳ thực đài truyền hình Trung Quốc chỉ là để tuyên truyền và phản tuyên truyền.

Với những cái tên như Freegate, Ultrasurf, Dynaweb, nhóm người tập Pháp Luân Công tại Bắc California và Bắc Carolina đã bắt đầu quá trình giúp vượt tường lửa kiểm duyệt Internet của Trung Quốc và tạo nên kênh kết nối lâu dài từ phương Tây vào Trung Quốc.

Năm 2006, khi tin tức về Pháp Luân Công không còn bị phong bế, những tên côn đồ người Trung Quốc đã vào nhà của một quản trị viên hệ thống máy tính của Pháp Luân Công ở Bắc Mỹ, ngoại ô Atlanta. Họ cuốn anh vào một tấm thảm, đánh đập rồi bỏ mặc anh nằm giữa vũng máu. Cùng năm, những người tập Pháp Luân Công đã thành lập “Liên minh Tự do Internet Toàn cầu”.

Liệu Lương Chấn Hưng có hiểu những gì anh ấy đã tạo dựng? Không biết có ai nói cho anh hay không. Ngay cả khi biết được, Chấn Hưng cũng không nhất thiết phải hiểu toàn bộ ý nghĩa của nó. Bất cứ khi nào được tiếp xúc chớp nhoáng với những người tập khác, anh vẫn luôn hỏi với giọng nhẹ nhàng: Minghui.org đã báo cáo về sự kiện chèn sóng chưa? Họ có biết không?

Đúng vậy, họ đều biết. Nhưng câu chuyện không như một số người đã hy vọng. Sau cái chết của Lương Chấn Hưng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã từ chối tài trợ cho “Liên minh Tự do Internet Toàn cầu”.

Phần lớn số tiền tài trợ của họ đã được chuyển đến Internews – một tổ chức phi chính phủ đào tạo kỹ năng truyền thông, và Freedom House – một tổ chức nghiên cứu chính quy hơn. Bởi vì với cách tài trợ như vậy, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ không phải đối mặt với rủi ro chính trị. Thậm chí có khả năng mục đích của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi đưa ra gói tài trợ đó là bắt buộc Trung Quốc phải đàm phán vì những hành vi tấn công vào hệ thống mạng của phương Tây. Nhưng những người tập Pháp Luân Công đã chết không phải vì để củng cố an ninh mạng của phương Tây.

Cái kết chính nghĩa chỉ có trong phim ảnh kiểu Hollywood. Nhưng câu chuyện có thể sẽ không kết thúc. Chúng ta có các cuộc bầu cử. Những nhà lãnh đạo giao rảng về các giá trị chính nghĩa. Có thể họ sẽ tìm được cách. Cũng có thể một ngày nào đó, một chính trị gia nào đó sẽ có đủ can đảm để thật sự theo đuổi các giá trị ấy.

Tác giả: Ethan Gutmann
Minh Nhật lược dịch & dịch thoát

Xem bài gốc “Into Thin Airwaves” của nhà báo Ethan Gutmann đăng trên tạp chí “The Weekly Standard” vào tháng 12/2010.

Xem thêm:

Mời xem video: