Chính quyền Trung Quốc luôn phủ nhận về “trại tập trung” ở Tân Cương, nơi được cho là đang giam giữ khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều người dân tộc thiểu số Hồi giáo khác để tẩy não, bức hại; mà khẳng định rằng đó là các trung tâm “đào tạo và dạy nghề nhân đạo cho những người dân bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.”

Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu độc lập người Đức, ông Adrian Zenz, gần đây đã tìm thấy những chứng cớ của việc giam giữ cưỡng bức, các dấu hiệu cho thấy có sự hiện diện của cảnh sát và tẩy não chính trị.

Tân Cương
Gần 1000 người đang mặc áo tù nhân ngồi ngay ngắn bên trong hàng rào lưới sắt vây quanh (Ảnh từ Twitter của Trại tập trung Tân Cương)

Phát hiện này nằm ngay trong những bản báo cáo của chính quyền Trung Quốc. Ông Zenz đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu của chính quyền để xác thực điều ông cho là “bản chất và quy mô thật sự” của các trại giam này.

Nghiên cứu của ông Zenz được công bố trên trang web của tờ Journal of Political Risk – một tạp chí chuyên đề về các cơ hội và nguy cơ chính trị, được Công ty Corr Analytics, một công ty phân tích và tư vấn về các nguy cơ chính trị quốc tế chủ biên.

Theo ông Zenz, hàng loạt tài liệu của chính quyền ĐCSTQ cho thấy rõ ràng là những “học viên” này trên thực tế đang bị giam giữ. Những câu chữ như “những học viên bị giam giữ” và “những người bị giam trong trại cải tạo” xuất hiện thường xuyên trong các tài liệu, kể cả các báo cáo từ các chuyến thăm của các viên chức chính phủ.

Trái ngược với cảnh về “trường học” được chiếu trong những thước phim của truyền thông nhà nước dành riêng cho các nhà ngoại giao và nhà báo quốc tế đến Tân Cương trong những chuyến đi bị kiểm soát gắt gao, ông Zenz nhận thấy các nội dung chỉ định thầu xây dựng được chính quyền đưa ra cho thấy đó là những khối nhà được canh gác gắt gao giống như nhà tù với tường cao, hàng rào thép gai, tháp canh, hệ thống camera nội bộ tinh vi, đồn cảnh sát, và thậm chí cả cơ sở cho những đơn vị cảnh sát đặc biệt.

Ví dụ, tại quận Kashgar, tất cả các “trung tâm huấn luyện và dạy nghề” phải được trang bị “năm biện pháp phòng chống”, một trong số đó là “ngăn chặn việc chạy trốn” – giống như các yêu cầu về an ninh áp dụng cho nhà tù ở Tân Cương.

>> TQ: Người Tân Cương bị giám sát nghiêm ngặt, về nhà cũng phải quét khuôn mặt

Ông Zenz đã phát hiện nguồn ngân sách dồi dào và các lệnh mua bán cho thấy nhiều đơn vị bảo vệ hoặc đơn vị cảnh sát lớn được thuê để canh gác các trại này. Trong một ví dụ đáng chú ý, ngân sách năm 2019 của một quận ghi rằng “các trung tâm đào tạo” có 212 giáo viên, nhưng có số lính canh nhiều hơn gấp đôi.

Để chính thức hoá hệ thống nhà giam, chính quyền Tân Cương đã thành lập một đơn vị hành chính mới là Vụ Giáo dục và Đào tạo nhằm giám sát các trại và những người bị giam giữ.

Nghiên cứu của ông Zenz chỉ ra rằng đơn vị này và các chi nhánh địa phương của nó chủ yếu được “đăng kí hành nghề cùng các công ty an ninh và cơ quan thực thi pháp luật địa phương khác như toà án, cơ quan thanh tra, các cơ quan an ninh công và hệ thống toà án. Ngân sách của chúng nằm trong hệ thống ngân sách an ninh nội địa.”

Trong khi tuyên truyền của ĐCSTQ nhấn mạnh các học viên được đào tạo nghề, ngôn ngữ và pháp lý tại trại, nhưng ông Zenz phát hiện có ít nhất năm cơ quan chính quyền Tân Cương hoặc các trang web của cơ sở giáo dục “tuyên bố một cách rõ ràng và không mập mờ rằng chúng được dành riêng cho tẩy não.”

Ví dụ, một báo cáo năm 2017 của bộ phận hành pháp khu Xinyuan tuyên bố rằng công việc cải tạo nhất định cần phải “tẩy não, làm trong sạch tâm hồn, duy trì cái đúng và tiêu diệt cái xấu.”

Những người từng bị giam giữ nói với báo chí quốc tế là họ bị ép buộc phải trải qua tuyên truyền chính trị, phải tuyên bố bỏ đức tin của họ và thề trung thành với ĐCSTQ.

>> Mỹ, Đức lên án Trung Quốc tại LHQ về Tân Cương

Ông Zenz cũng suy đoán con số người bị giam giữ tại những trại giam này phải lên tới 1,5 triệu người, dựa trên lượng thực phẩm cung cấp trong năm 2018.

Cũng theo ông Zenz, cộng đồng quốc tế đã không có động thái thích hợp trước vấn đề vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này của Bắc Kinh, điều này đã khiến chính quyền ĐCSTQ thoả sức rêu rao về những “thành tựu” trong việc “chống chủ nghĩa cực đoan” cùng việc khoa trương về những công nghệ giám sát và an ninh như một hình mẫu cho các nước khác làm theo.

Ông Zenz dẫn lời ông Erken Tuniyaz, phó Chủ tịch Tân Cương, mới đây đã ca ngợi “những thành tựu xuất sắc” các trại giam đã đạt được để “giáo dục và cứu giúp những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa tôn giáo cực đoan.”

“Những học viên đã dần dần thoát khỏi sự kiểm soát về tinh thần của chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa khủng bố và dần nhận thức cái gì là phù hợp luật pháp và cái gì không phù hợp. Họ được tiếp cận thông tin và kiến thức hiện đại, được học  những kĩ năng thực tế cơ bản và được bảo đảm công ăn việc làm ổn định. Hiện nay nhiều học viên đã tốt nghiệp từ các trung tâm và có một cuộc sống hạnh phúc,” ông Tuniyaz phát biểu tại phiên họp của Uỷ ban quyền con người Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ vào tuần trước.

Bảo Minh (theo SCMP)

Xem thêm: