Gần đây ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei đã nói rằng Huawei sẽ thay đổi con đường theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền, để “cố gắng tồn tại được là chính”. Những lời này ngay lập tức dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi, tuy nhiên sau khi chủ đề lọt vào top tìm kiếm nóng của Weibo thì đã bị gỡ xuống. Có chuyên gia cho rằng ông Nhậm Chính Phi có mục tiêu chính trị đặc biệt, cũng có người cho rằng câu nói này của ông là đang nhắm vào Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Nhậm Chính Phi
Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi. (Ảnh cắt từ video BBC)

Theo trang tài chính kinh tế yicai.com tại Trung Quốc Đại Lục đưa tin, ngày 22/8 diễn đàn nội bộ của Huawei đã phát hành bản tóm tắt bài phát biểu của ông Nhậm Chính Phi, “Phương châm kinh doanh của toàn bộ công ty cần chuyển từ theo đuổi quy mô sang theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền”. Một số nhân viên Huawei cũng xác nhận nội dung của bản tóm tắt này.

Ông Nhậm Chính Phi đề cập rằng nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với suy thoái và khả năng tiêu thụ đang giảm, Huawei cần thay đổi lối tư duy và phương châm kinh tế, chuyển từ theo đuổi quy mô sang theo đuổi lợi nhuận và dòng tiền, để đảm bảo có thể vượt qua khủng hoảng trong 3 năm tới. “Coi tồn tại được làm cương lĩnh chủ yếu, thu nhỏ và đóng cửa tất cả các nghiệp vụ bên lề, và truyền không khí lạnh cho tất cả mọi người.”

Ông nhấn mạnh rằng “sự lạc quan về tương lai phải được hạ xuống, và vào năm 2023 hoặc thậm chí là năm 2025, nhất định phải coi việc tồn tại được là cương lĩnh chủ yếu nhất”, mỗi một bộ phận nghiệp vụ cần phải chấp hành một cách nghiêm túc. 

Ông cũng kêu gọi nhân viên ngừng kể chuyện lừa dối công ty, nhất định phải nói sự thật, tổn thất sẽ khấu trừ vào gói thực phẩm của các bạn. “Trước hết cần phải tồn tại được, tồn tại được thì sẽ có tương lai.”

Ông cũng đề cập đến việc cần buông bỏ thị trường ở một số quốc gia, để giảm đầu tư và giảm thiểu mở rộng mù quáng, đồng thời lên kế hoạch “thu nhỏ và đóng cửa nghiệp vụ bên lề của Huawei”. Nhưng không chỉ rõ ra cần phải buông bỏ thị trường của quốc gia nào, và những nghiệp vụ bên lề nào.

Huawei đã công bố báo cáo tài chính công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2022, cho thấy doanh thu nửa đầu năm đạt 301,6 tỷ nhân dân tệ, với tỷ suất lợi nhuận ròng là 5%. So với nửa đầu năm ngoái, doanh thu kinh doanh thiết bị đầu cuối của công ty đã giảm 25%. Reuters chỉ ra rằng lợi nhuận của Huawei trong nửa đầu năm đã giảm 52% xuống 15,08 tỷ nhân dân tệ.

Ông Davy Jun Huang, một nhà kinh tế học hiện đang cư trú tại Mỹ, phân tích với Epoch Times rằng những ngôn luận của ông Nhậm Chính Phi thực tế là một kiểu tuyên truyền, muốn để cho cộng đồng quốc tế cho rằng Huawei là một “doanh nghiệp tư nhân 100% cống hiến cho sự đổi mới và sáng tạo”. Không loại trừ khả năng, một mặt là đang tạo dư luận để mở đường cho chính phủ đưa ra chính sách kích cầu tiếp theo, mặt khác là ám chỉ rằng chính sách hiện nay có hại rất lớn cho thực thể kinh tế.

Ông Davy Jun Huang cho rằng lợi ích kinh tế chỉ là kinh phí bổ sung của Huawei. Huawei luôn tập trung vào các mục tiêu chính trị, còn lợi ích kinh tế chỉ là phụ. Mục tiêu của Huawei luôn là cạnh tranh để giành quyền phát biểu và kiểm soát thông tin toàn cầu trong thế kỷ 21.

Ông Davy Jun Huang cũng chỉ ra rằng Huawei tự xưng là doanh nghiệp tư nhân, nhưng thực tế chính là một hệ thống thuộc sở hữu nhà nước và sự phát triển trong tương lai của Huawei cũng sẽ dựa trên những cân nhắc chính trị của Bắc Kinh, liệu các quốc gia thân Bắc Kinh có tiếp tục sử dụng thiết bị của Huawei hay không, các nước phương Tây như Mỹ liệu thật sự có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt kỹ thuật không, v.v.

Nhà bình luận về các vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất chỉ ra rằng hồi tháng Bảy, ông Nhậm Chính Phi đã nói rằng tương lai của Huawei sẽ cần hàng ngàn đến hàng chục ngàn chuyên gia nghiên cứu hướng đi và con đường trong tương lai. Tuy nhiên, chiến lược của Huawei là do ĐCSTQ đưa ra và không đến lượt Huawei quyết định. Bây giờ có thể ông Nhậm Chính Phi thấy rằng mối quan hệ Trung – Mỹ đang ngày càng tồi tệ, đội ngũ của Mỹ ngày càng có nhiều biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực chip, tương lai có thể rất không ổn nên ông mới “nhắc nhở chính quyền”.

Ông Davy Jun Huang cũng phân tích, trước đó ông Nhậm Chính Phi nói rằng cần vài ngàn, vài chục ngàn chuyên gia, cũng là một kiểu tuyên truyền, ám thị rằng Huawei có số lượng nhân tài rất lớn trên toàn cầu, không như Mỹ nói là “đánh cắp công nghệ”, còn nhấn mạnh rằng Huawei là doanh nghiệp tư nhân, không phải là thực thể có liên quan đến chính trị và quân sự.

Thông tin công khai cho thấy, Huawei thành lập năm 1987, phạm vi nghiệp vụ liên quan đến mạng viễn thông, mạng doanh nghiệp, người tiêu dùng và điện toán đám mây. Sản phẩm mạng viễn thông của công ty chủ yếu bao gồm mạng chuyển mạch, mạng truyền dẫn, mạng truy nhập cố định không dây và có dây, mạng truyền dữ liệu và các sản phẩm đầu cuối không dây trong mạng truyền thông. Kể từ năm 2012, Huawei đã trở thành nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.

Còn về người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, vốn là một kỹ sư trong quân đội của ĐCSTQ, ông gia nhập Đảng Cộng sản vào năm 1978, sau đó tham dự Đại hội Khoa học Quốc gia với tư cách là đại diện khoa học và công nghệ quân sự, năm 1983 ông rời quân đội, sau đó thành lập Huawei.