Ngày 3/12 vừa qua, tờ Mirror của Anh đăng tải một bài viết độc quyền về nhân chứng Omir Bekali, người đã trải qua sự tra tấn bên trong trại tập trung ở Tân Cương và được giải cứu nhờ những nỗ lực của vợ ông cũng như của chính quyền Kazakhstan. Theo một báo cáo của Tổ chức theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch công bố vào ngày 15/1/2018, có hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và người thuộc các dân tộc thiểu số khác đang bị giam giữ trong các trại tập trung Tân Cương – những nơi mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi là các “trung tâm cải tạo” hay “trung tâm đào tạo nghề”. Đã gần 3 năm trôi qua, hiện tại con số đó có thể đã lên đến hàng triệu người.

Embed from Getty Images

Ông Omir Bekali diễn lại cảnh tra tấn trong trại tập trung Tân Cương.

Nhân chứng tờ Mirror phỏng vấn là ông Omir Bekali, một trong số ít những người thoát khỏi các trại tập trung ở Tân Cương, Trung Quốc. Ông Omir là người Duy Ngô Nhĩ mang quốc tịch Kazakhstan, làm việc trong lĩnh vực du lịch, thường xuyên dẫn đoàn giữa Kazakhstan và Trung Quốc.

Vào tháng 3/2017, khi về Thổ Lỗ Phiên, Tân Cương để thăm mẹ, ông đã bị 5 cảnh sát đến bắt giữ. Lúc đầu, họ cho rằng ông giúp đỡ visa cho người Trung Quốc tới Kazakhstan trái phép, sau đó họ chuyển sang buộc tội ông “xúi giục khủng bố”.

Bị tra tấn

Lấy lý do Omir có thể là một đối tượng khủng bố, cảnh sát đã bắt ông về đồn. Ông bị nhốt ở đó 8 ngày, sau đó bị cùm hai tay và trùm túi vải đen lên đầu. Đó cũng là lúc việc tra tấn bắt đầu.

“Tôi bị trói vào một chiếc ghế được gọi là ghế cọp. Tất cả người tôi bị siết chặt bằng gỗ và tay tôi bị đập bằng những cái búa đủ loại. Bằng những chiếc roi sắt, họ quất tôi ở cả trước và sau.”

Đã có lúc, kẻ tra tấn dùng những sợi dây thừng buộc vào tay và chân của ông Omir, treo ông lên để bụng của ông có thể bị đập từ bên dưới, theo một phương pháp được gọi là ‘người bay’.

Người đàn ông 44 tuổi tiếp tục: “Tôi đã ở tù bảy tháng mười ngày. Trong ba tháng đầu, tôi bị cùm chân. Một sợi xích sắt nối vào một loại cọc. Tôi không thể đi lại được.”

Omir cho biết việc tra tấn được thực hiện để ông buộc phải thừa nhận mình là một phần tử của tổ chức khủng bố.

“Họ không bao giờ động đến nội tạng của tôi”

Omir kể rằng ngay từ đầu, một bác sĩ đã được đưa đến để lấy máu và kiểm tra nội tạng khi ông ở trong tình trạng không thể thấy hay tự do cử động. Omir tin rằng việc này được thực hiện để kiểm tra xem ông có phải là ứng viên thích hợp để lấy nội tạng hay không.

“Tôi đã gần như sợ hãi và mất hy vọng trong một thời gian. Tôi chỉ bị tra tấn ở bên ngoài chứ không phải nội tạng. Họ giữ chúng hoàn hảo. Họ không bao giờ động đến chúng.”

“Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần một lượng lớn những người bị giam giữ bị chuyển đến một nơi nào đó. Tôi nghi ngờ họ bị đưa đến các tỉnh khác để buôn bán nội tạng hoặc thu hoạch nội tạng. Tôi không bao giờ gặp lại họ trong suốt bảy tháng đó. Họ không bao giờ trở lại.”

Khi Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động vào năm 2018, Omir đã đứng ra làm chứng. Omir không phải là nhân chứng duy nhất đề cập đến việc thu hoạch tạng trong các trại tập trung Tân Cương.

Trong thời gian các buổi làm chứng công khai, Tòa án độc lập đã nghe lời chứng của các nhân chứng, bao gồm các nhân chứng trực tiếp, các nhà điều tra, các chuyên gia, đồng thời xem xét các tài liệu được cung cấp trên các khía cạnh sau:

  • Sự trùng hợp thời gian giữa việc đàn áp tín ngưỡng và việc ngành công nghiệp cấy ghép nở rộ.
  • Chứng cứ về kiểm định y tế, bao gồm chụp quét nội tạng, đối với các tù nhân lương tâm: người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Turk. Sau khi kiểm định y tế, một số tù nhân bị đeo băng, bị giám sát chặt chẽ và biến mất.
  • Chứng cứ từ những người từng làm việc trong chính quyền hay trong tổ chức y tế.
  • Chứng cứ về sự hỏa thiêu và sự mất tích các thành viên trong các nhóm bị đàn áp.
  • Bằng chứng các băng ghi âm điện thoại tới các bệnh viện Trung Quốc, trong đó các thành viên của Pháp Luân Công được chào mời như một nguồn hiến tạng.
  • Bằng chứng về những người vừa tham gia vào cuộc đàn áp, vừa tham gia vào ngành công nghiệp cấy ghép tạng.

Liên quan tới riêng ngành công nghiệp cấy ghép tạng hiện thời tại Trung Quốc, các bằng chứng được cung cấp trên các khía cạnh sau:

  • Số liệu lên tới 1000 bệnh viện đề nghị cấy ghép tạng.
  • Số liệu về các bệnh viện có nguồn cung tạng dồi dào (Ví dụ 16-17 ca một ngày).
  • Số liệu về số lượng lớn các nhân viên cấy ghép tạng được đào tạo.
  • Bằng chứng về các sơ sở y tế quân đội liên hệ mật thiết với các hoạt động cấy ghép và nghiên cứu cấy ghép.
  • Bằng chứng về việc nhà nước trợ cấp cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc chống đào thải tạng cấy ghép.
  • Bằng chứng về việc thời gian chờ tạng đột ngột sụt giảm lớn.
  • Bằng chứng về việc các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo dịch vụ ghép tạng cho người nước ngoài với lịch hẹn trước, bao gồm cả đối với cấy ghép tim.
  • Bằng chứng về việc số lượng và chất lượng nội tạng tử tù là không đủ để phục vụ số lượng ca ghép tạng khổng lồ.

Từ ngày 17/6/2019, Tòa án đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận về tội ác Chống lại loài người của chính quyền Trung Quốc trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp cấy ghép tạng nở rộ tại quốc gia này.

Chủ tọa của tòa, luật sư Anh quốc Geoffrey Nice hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế cho biết: “Trong nhiều năm, những hành động tàn bạo này đã bị nghi ngờ [là có thật], nhưng các chính phủ và các tổ chức toàn cầu, chủ yếu vì lý do kinh tế, đã nhắm mắt làm ngơ và lập luận rằng ‘không có bằng chứng thực sự’ về những tội ác này.” Tuy nhiên sau phán quyết của tòa thì “nhiệm vụ của các chính phủ, các tổ chức toàn cầu và các cá nhân là phải nhận ra rằng những tội ác đã được đưa ra ánh sáng đòi hỏi phải có hành động ngay lập tức để giúp cứu sống hàng triệu người.”

Thoái khỏi Tân Cương

Quay lại trường hợp của Omir, ông đã được thả sau khi vợ ông lên tiếng về việc ông bị giam giữ trên đài phát thanh ở Kazakhstan và viết thư cho một viên đại sứ Trung Quốc tại nước này. Người này sau đó đã chuyển đơn khiếu nại cho người đồng cấp Trung Quốc, người đã vận động để ông Omir được thả.

Việc ông Omir bị giam giữ đã được xác nhận bởi một thông báo phát hành chính thức từ trại tạm giam tại Thành phố Khắc Lạp Mã Y. Trong thông báo này nêu rằng Omir bị bắt giữ vì nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và ông đã được trả tự do mà không bị buộc tội.

Kể từ khi được thả, ông Omir đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ, và ở đó ông đã bắt đầu phơi bày tình hình ở Tân Cương. Ông đã nhận những lời đe dọa đến tính mạng từ các quan chức Trung Quốc sau khi công khai phơi bày tội ác tại Tân Cương.

Bình luận về việc ĐCSTQ nói rằng các trại tập trung tại Tân Cương là các “trung tâm cải tạo” hay “trung tâm đào tạo nghề”, ông cho rằng: “Đó hoàn toàn là dối trá. Ở đó chỉ có tra tấn, hãm hiếp và hành hạ cả thể xác và tinh thần. Họ chẳng dạy gì cả.”

“Các nước phương Tây cần phải hành động ngay lập tức.”

“Họ [ĐCSTQ] đang thực hiện hành vi diệt chủng [trong nước], nhưng khi họ đủ mạnh, nhân loại sẽ khổ đau vì chế độ tàn bạo này”, Omir chia sẻ.

Tháng 9/2020, Viện Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute – ASPI) đã công bố các dữ liệu chi tiết về hệ thống trại tập trung tại Tân Cương, nơi giam giữ hàng triệu người Duy Ngô Nhĩ cũng như các tù nhân lương tâm khác. Theo đó, Viện này đã phát hiện và ghi lại chi tiết hơn 380 địa điểm trong mạng lưới trại tập trung trên khắp Tân Cương, và để khách quan, dữ liệu này chỉ bao gồm các trại cải tạo, trại giam và nhà tù được xây dựng mới hoặc mở rộng đáng kể kể từ năm 2017.

Minh Nhật

Xem thêm: