Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ) đã khai mạc vào ngày 16/10. Trong vài tháng qua, ĐCSTQ đã bắt cóc và sách nhiễu các học viên Pháp Luân Công trên toàn Trung Quốc với lý do “duy trì sự ổn định”.

Bắc Kinh, Thiên An Môn
Cảnh sát Trung Quốc (Ảnh: Songquan Deng/ Shutterstock).

Về sự kiện này và hiện trạng tự do tôn giáo ở Trung Quốc, ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn video với Epoch Times ngày 14/10 rằng ĐCSTQ đã tuyên chiến với tất cả các tôn giáo tín ngưỡng, những gì họ làm đối với chính người dân của mình “là sự tà ác”.

11 người bị bắt cóc và lục soát ở thành phố Bảo Định, tỉnh Hà Bắc

Trang Minghui.org đưa tin vào ngày 26/9, 11 học viên Pháp Luân Công ở quận Cảnh Tú, thành phố Bảo Định đã bị đột kích bất hợp pháp và bị bắt cóc. Đồ đạc cá nhân của họ như máy in, máy tính, máy ghi âm và sách Pháp Luân Công đều bị lấy đi.

Phóng viên Hà Bắc của Minghui.org nói rằng khi những học viên Pháp Luân Công này bị bắt cóc và đưa đến đồn cảnh sát, nhiều mẫu đơn cho thấy cảnh sát đã chuẩn bị đầy đủ trước khi bắt đầu hành động. Cảnh sát có thể đã tìm ra những người này thông qua việc theo dõi điện thoại di động.

40 người bị quấy rối tại thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc

Tháng 9/2022, Ủy ban Pháp luật Chính trị, nhân viên bảo an và an ninh quốc gia của thành phố Tam Hà, tỉnh Hà Bắc đã gây áp lực lên từng đồn cảnh sát.

Cảnh sát tại đồn đã quấy rối ít nhất 40 học viên Pháp Luân Công. Có cảnh sát quấy rối bằng các cuộc điện thoại, có người đến nhà, có người chụp lén, quay video, có người lừa dối người nhà của họ để quay một video ngắn.

Hơn 10 người ở khu vực Song Bi, thị trấn Bình Bá, Trùng Khánh bị bắt cóc, lục soát nhà và quấy rối

Chiều ngày 20/9, học viên Pháp Luân Công Trùng Khánh, bà Tăng Chí Quân (82 tuổi) bị quấy rối. Vào 9h30 tối, bà bị 5, 6 nhân viên cảnh sát đột kích bất hợp pháp trong 20 phút.

Cảnh sát đã tịch thu hàng chục cuốn sách Pháp Luân Công, thậm chí cả tranh nói về sự thật Pháp Luân Công treo trên tường. Sau khi bị bắt cóc đến đồn cảnh sát, bà Tăng Chí Quân được thả về nhà lúc 11h30 giữa đêm.

Chiều ngày 20/9, bà Lý Kế, học viên Pháp Luân Công không có nhà, chồng bà ở nhà. 5 cảnh sát đã đột nhập vào nhà bà và tịch thu 9 cuốn sách Pháp Luân Công. 8h tối hôm đó, cảnh sát bắt cóc bà đến đồn cảnh sát Tỉnh Khẩu. Sáng sớm ngày 21/9, bà được thả về nhà.

Nhiều người bị bắt cóc và lục soát ở quận Xương Ấp, thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm

Ngày 27/9, tại quận Xương Ấp, thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc và nhà của họ bị khám xét.

Một nữ học viên Pháp Luân Công họ Trương ở Tòa nhà 11 của Khu nhà ở Đường sắt, và một nữ học viên Pháp Luân Công có tên “Tiểu Lệ” đến nhà bà đã bị bắt cóc, lục soát nhà. Cảnh sát tịch thu máy tính và nhiều sách Pháp Luân Công.

Ông Triệu Húc Đông, học viên Pháp Luân Công (77 tuổi, từ tiểu khu Ma Miên) và con gái của ông là Triệu Quốc Khôn, cũng là học viên Pháp Luân Công đến thăm cha, đã bị bắt cóc. Cảnh sát lục soát nhà và tịch thu nhiều sách Pháp Luân Công, máy tính và máy in. Cô Triệu Quốc Khôn đã về nhà vào buổi tối sau khi được “tại ngoại chờ xét xử” phi pháp.

Nhiều người bị bắt cóc và cướp tài sản tại quận Hạc Thành, thành phố Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam

Ngày 29/8, Văn phòng Công an thành phố Hoài Hóa, Sở Công an huyện Hạc Thành và Sở Công an Hoài Thiết đã phối hợp bắt cóc và khám xét nhà của các học viên Pháp Luân Công tại quận Hạc Thành, thành phố Hoài Hóa. Ít nhất 18 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc và cướp tài sản.

Trong số đó, học viên Tưởng Trọng Hội và Chung Liên Thông bị tạm giam phi pháp, hiện vẫn đang bị giam giữ tại Nhà tù thành phố Hoài Hóa. Có thông tin cho rằng học viên Chung Liên Thông đã bị bắt giữ phi pháp vào giữa tháng Chín.

Các học viên Pháp Luân Công bị bức hại lần này còn có: Ngô Phương Minh, Trần Toàn Anh, Vương Minh Hoằng, Bệ Bảo Minh, Tiêu Quế Anh, Doãn Thu Dương, Đường Thanh Anh, Dương Hiểu Huy, Dương Quế Hồng, Khâu Tiền Anh, Lưu Ngọc Nga và học viên họ La, họ Giản, họ Dịch, họ Lý.

Ngoài ra, học viên Pháp Luân Công Đường Thanh Anh cũng được tại ngoại chờ xét xử, Dương Hiểu Huy bị quản thúc tại khu dân cư.

Vào ngày 12/7, cảnh sát nhiều nơi ở thành phố Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang đã bắt cóc hơn 100 học viên Pháp Luân Công theo danh sách mà không đưa ra bất kỳ thủ tục pháp lý nào, và khám xét nhà của họ bất hợp pháp.

Hơn 20 học viên Pháp Luân Công trên 70 tuổi cũng bị cảnh sát bắt cóc và sách nhiễu. Trong đó có hơn 10 người trên 80 tuổi, và có một người họ Lý 98 tuổi.

Từ tháng 7 – 8/2022, hơn 1.800 người bị bức hại, tháng 9 có 47 người bị kết án

Minghui.org cho biết từ tháng 7 – 8 năm nay, ít nhất 1.850 học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát ĐCSTQ bắt cóc, 18 học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết. Chỉ riêng tháng 9 đã có 47 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ kết án.

Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, tu luyện tâm tính dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe.

Công pháp này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và người dân được đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.

Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng.

Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế. Cuộc bức hại này đã kéo dài 23 năm, và cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục lên án ĐCSTQ.

Cựu Đại sứ Hoa Kỳ về tự do tôn giáo: Những gì ĐCSTQ làm với người dân là tà ác

Dại sư tôn giáo Mỹ
Ông Sam Brownback, cựu Đại sứ Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo, tại Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế năm 2022. Ông Brownback là đồng Chủ tịch của Hội nghị thượng đỉnh về tự do tôn giáo quốc tế năm 2022. (Ảnh: Li Chen / Epoch Times)

Về việc gia tăng bắt cóc, sách nhiễu, đàn áp các học viên Pháp Luân Công và tự do tôn giáo ở Trung Quốc trước Đại hội 20, ngày 14/10, cựu Đại sứ Tự do Tôn giáo của Hoa Kỳ, ông Sam Brownback, nói với Epoch Times rằng những vụ bắt cóc đó và cuộc đàn áp “cho thấy những điều đang xảy ra của Trung Quốc”.

Ông nói: “ĐCSTQ tiêu diệt Pháp Luân Công hoặc các nhóm Phật giáo Tây Tạng trên khắp đất nước, đưa người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung, và đưa các tín đồ Cơ đốc vào tù. Họ thực sự đã tuyên chiến với tất cả các tôn giáo.”

“Tôi nghĩ những gì đang xảy ra lúc này thật kinh khủng. Vị giám mục (danh dự) 90 tuổi của Hồng Kông (ông Trần Nhật Quân, Joseph Zen) cũng bị cáo buộc sai lầm một cách lố bịch. Ông ấy là một người đáng kính. Tôi nghĩ những hành động này nói lên nhiều điều về cách ĐCSTQ đối xử với nhân quyền và các quyền sở hữu cá nhân.”

“ĐCSTQ chống lại tôn giáo và tuyên chiến với tất cả các tôn giáo. Theo ‘Hiến chương Nhân quyền của Liên hợp quốc’, bạn có quyền tự do tôn giáo. ĐCSTQ đã ký ‘Hiến chương Nhân quyền’, nhưng họ không cho người dân tự do tôn giáo.”

Ông Brownback nói: “Những gì họ (ĐCSTQ) làm là tà ác, cách họ đối xử với người dân của mình là tà ác.”

Ngày 25/4, Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đã công bố Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2022. Báo cáo cho biết tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc vẫn tiếp tục xấu đi và kêu gọi Chính phủ Hoa Kỳ mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức và thực thể Trung Quốc liên quan đến đàn áp tôn giáo.

Báo cáo cho biết: “Năm 2021, tình hình tự do tôn giáo ở Trung Quốc còn tồi tệ hơn.” Báo cáo nói rằng Công giáo, Cơ đốc giáo, Phật giáo Tây Tạng, Pháp Luân Công và các nhóm khác vẫn tiếp tục bị ĐCSTQ đàn áp và Pháp Luân Công “đặc biệt dễ bị bức hại” ở Trung Quốc.

VIDEO: Giải thích trong 9 phút: Pháp Luân Công đã xuất hiện như thế nào?

Bình Minh (t/h)