Reuters đưa tin hôm Thứ Sáu (2/6), một số người dân và doanh nghiệp Hồng Kông vẫn tìm cách âm thầm tổ chức tưởng niệm sự kiện ngày 4/6/1989 thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn, bất chấp bóng tối của ‘Luật An ninh Quốc gia’ đang bao trùm tại đây. ‘Lục Tứ’ từ đầu đến nay vẫn luôn là chủ đề cấm kỵ của Trung Quốc Đại Lục. Trong bối cảnh đó, bảo tàng ‘Thiên An Môn’ mới đã được khai trương ở New York đón ngày kỷ niệm ‘Lục Tứ’ 4/6 năm nay.

p2947202a752878863
Ngày 4/6/2020, người dân Hồng Kông đã tự phát đến Công viên Victoria để tưởng nhớ biến cố thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989 (Nguồn: Pangdawei / Look China).

Hồng Kông từng đóng vai trò dẫn đầu toàn cầu trong việc kỷ niệm hàng năm cuộc đàn áp dân chủ năm 1989 bằng bàn tay sắt của quân đội Trung Quốc trong và xung quanh Quảng trường Thiên An Môn của Bắc Kinh, và thế giới vẫn nhìn nhận Hồng Kông là nơi có được sự cởi mở hơn một cách tương đối so với Trung Quốc Đại Lục.

Tuy nhiên, kể từ khi phong trào ủng hộ dân chủ lớn của Hồng Kông vào năm 2019, Trung Quốc đã đặt ra Luật An ninh Quốc gia và phạm vi kỷ niệm ngày 4/6 đã bị thu hẹp. Bắc Kinh nói rằng luật này là cần thiết để khôi phục sự ổn định sau các cuộc biểu tình.

Không có buổi cầu nguyện Thiên An Môn công khai nào được tổ chức kể từ năm 2020, trong khi một số tác phẩm điêu khắc trong khuôn viên trường đại học đã bị dỡ bỏ cùng với những cuốn sách liên quan tại các thư viện công cộng.

Liên minh từng tổ chức buổi cầu nguyện đã bị giải tán sau vụ bắt giữ một số thủ lĩnh của họ vào năm 2021.

Năm nay, không có nhóm địa phương nào đăng ký tổ chức một sự kiện công khai vào ngày 4/6, và ít nhất 4 nhà hoạt động được Reuters liên hệ chia sẻ rằng họ đã bị cảnh sát thẩm vấn về kế hoạch của họ.

Cảnh sát tuyên bố họ “sẽ triển khai hoạt động phù hợp với mối đe dọa đối với an toàn công cộng, trật tự công cộng và an ninh quốc gia.”

Quan chức an ninh hàng đầu của Hồng Kông hôm Thứ Hai cảnh báo mọi người không vi phạm Luật An ninh Quốc gia vào “những dịp đặc biệt” khi được hỏi về vấn đề này.

Tuy nhiên, một số người như Debby Chan, chủ một cửa hàng tạp hóa, cho biết bà sẽ tiếp tục tặng nến “ngày 4/6” cho khách hàng của mình mặc dù cảnh sát đã ghé thăm cửa hàng của bà trong tuần qua.

“Hoạt động kỷ niệm ngày 4/6 không thể bị phá vỡ. Đó là biểu tượng của xã hội dân sự Hồng Kông,” bà Chan nói với Reuters.

Sum Wan-wah, chủ một cửa hàng sách nhỏ và độc lập, nói rằng ông vẫn bán những cuốn sách như “Ngày 35 tháng 5” của nhà viết kịch Hồng Kông Candace Chong, về một cặp vợ chồng già đấu tranh vì con trai của họ bị tàn sát ở quảng trường.

“Rất nhiều cuốn sách liên quan đến ngày 4/6 không còn được xuất bản hoặc đã hết hàng,” ông Sum nói. Ông đã trưng bày những cuốn sách liên quan đến Thiên An Môn và những mẩu báo cũ ở một góc của cuốn sách ở hiệu sách mang tên “Have a Nice Day” (“Chúc một ngày tốt lành”) của mình.

“Tất cả những điều này khiến chúng tôi cố gắng dành thời gian để bảo tồn những cuốn sách đã biến mất khỏi phạm vi công cộng.”

Một chủ hiệu sách khác, Leticia Wong, người cũng trưng bày các cuốn sách liên quan đến Thiên An Môn và bán kịch bản, nói rằng bà đã nhiều lần được các cơ quan chính phủ đến thăm trong tuần qua.

“Không ai nói những cuốn sách chúng tôi bán là bất hợp pháp, vì vậy tôi cho rằng chúng hợp pháp,” theo bà Wong, người điều hành Hiệu sách mang tên “Hunter” (“Thợ săn”).

Chính phủ Hồng Kông đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Derek Chu, người điều hành doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến “AsOne”, nói ông đã cố gắng tổ chức một buổi chiếu phim vào ngày 4/6 tại một rạp chiếu phim địa phương, nhưng dự kiến đó đã bị rạp hủy bỏ.

Nhưng ông Chu cam kết vẫn sẽ triển khai hoạt động tặng nến.

Ông nói với Reuters, “Tôi sẽ không đầu hàng trước những đe dọa”.

Bảo tàng ‘Thiên An Môn’ mới khai trương ở New York đón ngày kỷ niệm ‘Lục Tứ’ 4/6

Truy cầu một “Trung Quốc tự do” từ thời 1989 vẫn tồn dư âm như được chứng kiến ở một bảo tàng mới tại Manhattan về chủ đề cuộc đàn áp của Trung Quốc ngày 4/6 năm đó, nhắm vào các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ quanh Quảng trường Thiên An Môn, các nhà tổ chức triển lãm cho biết hôm Thứ Năm (1/6), theo Reuters đưa tin.

  • Bảo tàng kỷ niệm ‘Lục Tứ’ được mở tại New York trong bối cảnh hoạt động kỷ niệm sự kiện này đã bị cấm ở Hồng Kông:

Bảo tàng Tưởng niệm ngày 4/6 ở New York sẽ là triển lãm thường trực duy nhất như vậy trên thế giới, sau khi một bảo tàng tương tự ở Hồng Kông đóng cửa vào năm 2021 dưới áp lực của chính quyền.

Xe tăng tiến vào quảng trường Bắc Kinh trước bình minh ngày 4/6/1989, chấm dứt nhiều tuần biểu tình của sinh viên và công nhân. Nhiều thập kỷ sau khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc ra lệnh tấn công quân sự, các nhà hoạt động nhân quyền nói rằng mục tiêu ban đầu của những người biểu tình —gồm tự do báo chí và tự do ngôn luận— đang ngày càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

‘Sự kiện Lục Tứ’ đánh dấu một bước lên ngôi của nhà lãnh đạo độc tài Giang Trạch Dân, sau khi Tổng Bí thư Triệu Tử Dương, người có cảm tình với các sinh viên đòi dân chủ, bị giam lỏng tại gia cho đến khi qua đời.

Bảo tàng nhỏ ở New York —nằm trong một không gian văn phòng chật chội trên tầng bốn của tòa nhà văn phòng Sixth Avenue— lưu giữ các hiện vật từ sự kiện Thiên An Môn: biểu ngữ, thư và áo sơ mi vấy máu, cùng một số ảnh và các bài báo tường thuật từ thời đó.

Zhou Fengsuo, 55 tuổi, một cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An Môn lưu vong, người đã giúp lập kế hoạch cho bảo tàng, nói trong một cuộc họp báo rằng bảo tàng là nơi mà “hy vọng về một Trung Quốc tự do” vẫn còn sống.

“Bởi vì có hy vọng. Bất kể thất bại như thế nào và chúng tôi phải trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh, giấc mơ này vẫn tồn tại ở đây,” ông Zhou nói.

Một buổi lễ khai mạc được tổ chức vào Thứ Sáu (2/6).

  • Tờ báo đề ngày 5/6/1989 báo cáo sự kiện:

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

Trung Quốc chưa bao giờ cung cấp số người chết trong vụ bạo lực năm 1989, nhưng các nhóm nhân quyền và nhân chứng nói rằng con số này có thể lên tới hàng ngàn người.

Chủ đề ngày 4/6 ở Trung Quốc Đại Lục là điều cấm kỵ và chính phủ đã tăng cường kiểm duyệt trong những năm gần đây.

Các lễ tưởng niệm công khai về cuộc đàn áp đã từng được cho phép ở Hồng Kông, nhưng cảnh sát Hồng Kông đã cấm tổ chức các buổi cầu nguyện ở đó kể từ năm 2020, với lý do lo ngại về COVID-19.

Các nhà hoạt động ở nước ngoài đang giúp tổ chức các sự kiện ở các thành phố bao gồm Đài Bắc, London, Berlin và Washington.

Wang Dan, một cựu lãnh đạo sinh viên Thiên An Môn khác, người đã giúp thành lập bảo tàng, cho biết anh cảm thấy mình có nghĩa vụ phải thể hiện sự tôn trọng của mình đối với những người biểu tình đã hy sinh.

“Đừng bỏ cuộc,” anh Wang nói với Reuters. “Đó là thông điệp của tôi tới những người dân Trung Quốc.”

Nhật Tân