Việc áp dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc đã thâm nhập vào đời sống hàng ngày của người dân, khiến người Trung Quốc trở thành những “người trong suốt” bị truất quyền riêng tư của chính bản thân mình. Một số cuộc điều tra đã chỉ ra rằng người dân Trung Quốc lo lắng về việc thông tin cá nhân bị lộ và không tán thành việc sử dụng công nghệ này.

shutterstock 1791158417
Trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt, cảm xúc (Ảnh minh họa: DedMityay/ Shutterstock)

Một cuộc thăm dò được thực hiện bởi hơn 1.500 người do tổ chức tư vấn Xinjing công bố gần đây, cho thấy nhiều người phản đối việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Trong số những người được phỏng vấn, có 87,46% phản đối việc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt trong các khu thương mại, 68,64% cho rằng không nên sử dụng công nghệ này khi ra vào khu dân cư và 43% không muốn sử dụng công nghệ này trong bệnh viện, trường học và văn phòng. Ngoài ra, 96,14% số người được hỏi lo lắng rằng thông tin cá nhân sẽ bị rò rỉ, và 51,4% cho biết họ bị ép buộc sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

“Báo cáo khảo sát công khai về ứng dụng nhận dạng khuôn mặt (2020)” của tờ Southern Metropolis Daily vào tháng 9/2020, cũng cho biết hầu hết những người được phỏng vấn bày tỏ lo ngại về rủi ro bảo mật của việc nhận dạng khuôn mặt, trong đó 63,64% lo lắng về “thông tin khuôn mặt rò rỉ“; 54,4% lo lắng về “hoạt động cá nhân liên tục bị ghi lại”, và 53,72% lo lắng về “tài khoản bị đánh cắp, dẫn đến thiệt hại tài sản. “

Sau khi Trung Quốc bắt đầu buộc người dùng thực hiện “kiểm tra nhận dạng khuôn mặt” để đăng ký số điện thoại di động mới vào cuối năm 2019, nghiên cứu dư luận quy mô lớn đầu tiên về nhận dạng khuôn mặt ở Trung Quốc Đại lục cũng đưa ra kết luận tương tự. Hầu hết những người được phỏng vấn đều lo lắng rằng việc thiếu khả năng bảo mật của hệ thống sẽ dẫn đến việc rò rỉ thông tin khuôn mặt. Khoảng 74% số người được hỏi hy vọng sẽ được chủ động lựa chọn có hay không sử dụng nhận dạng khuôn mặt.

Ngay cả khi bị dư luận phản đối, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vẫn tiếp tục tăng cường sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Theo thống kê mới nhất từ ​​Comparitech, một trang web nghiên cứu công nghệ của Mỹ, trong số 20 thành phố trên thế giới bị giám sát chặt chẽ bằng camera giám sát, Trung Quốc chiếm 18 thành phố, khiến nước này trở thành quốc gia bị giám sát chặt chẽ nhất trên thế giới. Kênh truyền thông ĐCSTQ “Nhân Dân Nhật báo” từng tuyên bố trên Twitter rằng hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Trung Quốc có thể quét 1,4 tỷ khuôn mặt trên khắp đất nước chỉ trong một giây.

VOA đưa tin rằng mặc dù chính quyền Trung Quốc cũng đã ban hành một loạt quy định để giải quyết các vấn đề trong việc sử dụng nhận dạng khuôn mặt, nhưng những quy định này mới chỉ chạm đến bề mặt. Báo cáo dẫn lời các nhà phê bình, rằng các luật và quy định do Trung Quốc ban hành hoàn toàn tránh được việc nước này lạm dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để giám sát công dân, nhất là khi nó được coi là nhân tố gây bất ổn xã hội. Mục đích thực sự của cách làm này là để xây dựng Trung Quốc thành một quốc gia chuyên chế kỹ thuật số hoàn toàn do hệ thống này kiểm soát và mọi người đều phải chịu rủi ro.

Trong cuốn sách xuất bản gần đây “Chúng ta đã bị hòa trộn: Cuộc sống ở Nhà nước Giám sát Trung Quốc” (We Have Been Harmonized: Life in China Surveillance State) của mình, cựu phóng viên người Đức tại Trung Quốc, ông Kai Strittmatter cho biết ĐCSTQ đang ngày càng ưa chuộng những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn (Big data) để hoàn thiện cơ chế thống trị của mình. Không một quốc gia nào trên thế giới, kể cả các quốc gia độc tài, có thể so sánh với Trung Quốc về mặt này. Đài Phát thanh Công cộng Quốc gia Hoa Kỳ (NPR) dẫn lời Strittmatter, nói rằng ĐCSTQ sử dụng các phương pháp giám sát công nghệ cao để “kiểm soát nội bộ.” Một khi người dân nhận ra sức mạnh răn đe của công nghệ này, họ sẽ tự mình kiểm soát và trói buộc, “sẽ trở thành cảnh sát của chính mình”.

Đoan Mộc San, Vision Times

Xem thêm: