Cộng đồng mạng Trung Quốc lan truyền tin, một quản lý kiểm duyệt AI tại Vũ Hán trên nền tảng video ngắn Bilibili của Trung Quốc đột ngột qua đời vào ngày mùng 4 Tết vì xuất huyết não. Nguyên nhân được cho là vì làm tăng ca quá sức trong dịp Tết.

shutterstock 2070853814
Tòa nhà Bilibili HQ tại Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 7/2020. (Ảnh: Kotori K / Shutterstock).

Những tiết lộ từ cư dân mạng Trung Quốc cho biết, trưởng nhóm kiểm duyệt AI tại Vũ Hán của nền tảng video ngắn Bilibili bị yêu cầu làm thêm giờ trong dịp Tết đã xuất huyết não và chết vào sáng ngày mùng 4 Tết. Được biết trước đó, người này đã làm xuyên đêm từ 9:00 tối hôm trước đến 9:00 sáng ngày hôm sau. Công ty ngay lập tức ém tin tức vụ việc lại, hiện nay không thể tra được danh tính nạn nhân trên WeChat của công ty.

Một bài viết trên mạng Phượng Hoàng vào ngày 7/2 cũng cho biết, thành viên trong gia đình của người bị nghi đột tử vì làm quá sức đã lên tiếng trên Weibo, nói rằng nạn nhân đã được chôn cất vào ngày 6/2. Mẹ của nạn nhân gọi điện cho phía công ty, chỉ được nghe bên kia nói rằng cảm thấy rất tiếc, cũng không bố trí người đến chia buồn.

Hôm 7/2 em họ của người mất cho biết, người mất sinh năm 1997, là con trai duy nhất trong gia đình và đang chuẩn bị kết hôn, người cha đã mất nhiều năm trước. Ông bà của nạn nhân thì vừa dậm chân khóc vừa kêu gào sẵn sàng đánh đổi mạng sống để cứu cháu trai. Trong vụ việc này, cách hành xử của công ty rất tồi tệ khi không chịu thương lượng bồi thường nhưng lại tuyên bố đã gọi điện để thương lượng. Người em họ này nói, đến nay còn chưa có lời cáo lỗi nào từ phía công ty chứ đừng nói gì đến chuyện thương lượng bồi thường.

Một cư dân mạng xưng là người trong cuộc tiết lộ: “Trưởng nhóm AI tại Bilibili đột ngột qua đời vào ngày mùng 4 Tết vì làm tăng ca trong dịp Tết Nguyên Đán. Xin kể về cường độ làm việc: ca đêm từ 9:00 tối – 9:00 sáng. Trong dịp Tết Nguyên đán ngày nào cũng làm việc 12 tiếng, không nghỉ trưa, trước khi vào công ty được hứa có lương tháng 13, nhưng thưởng cuối năm thấp hơn một tháng lương. Tưởng rằng công ty sẽ thưởng thêm sau Tết nhưng hóa ra không có gì, cũng không thể xin nghỉ phép được, nhiều người đã bỏ việc. Họ yêu cầu làm thêm giờ và không được phép nghỉ Tết, kết quả là người trưởng nhóm này làm việc 5 ngày liên tục, thậm chí khi chết vẫn đang chỉ huy ca trực. Kinh khủng nhất là công ty che giấu, báo tin Huang Chengren chỉ nằm trong bệnh viện.”

Về vụ việc này, nền tảng video ngắn Bilibili đã có phản hồi.

Theo trang Sycaijing Trung Quốc đưa tin vào ngày 7/2, liên quan đến cái chết đột ngột của một nhân viên do làm thêm giờ được cộng đồng mạng đưa tin, công ty Bilibili cho biết sau khi kiểm tra chuyên cần nội bộ, phát hiện người này vẫn đi làm bình thường theo kế hoạch làm việc, thời gian làm việc từ 9:30 – 18:30, một tuần làm 5 ngày và có 2 ngày nghỉ, không tăng ca trong tuần trước khi xảy ra vụ việc. Hiện tại Bilibili đã thành lập một đội đặc biệt đang phối hợp với công an và người nhà nạn nhân để xử lý các sự việc tiếp theo.

Theo trang bách khoa toàn thư mở trực tuyến Wikipedia, nền tảng video ngắn Bilibili của Trung Quốc là một trang web chia sẻ video xoay quanh chủ đề hoạt hình, truyện tranh và trò chơi, trụ sở chính tại Thượng Hải – Trung Quốc. Kể từ năm 2015, 75% người dùng có độ tuổi dưới 24, là nơi tụ tập của giới trẻ. Tính đến ngày 1/3/2017, Bilibili đã vượt quá 100 triệu người dùng đã đăng ký.

Thông tin về cái chết đột ngột của nhân viên Bilibili đã khiến cư dân mạng Trung Quốc bàn luận sôi nổi.

Cư dân mạng “SPuE9g”: “Người yêu tôi cũng làm trong ngành này, nói là hệ thống làm việc 8 tiếng và được nghỉ 2 ngày cuối tuần nhưng thực tế các bộ phận đều bị khối lượng công việc quá tải. Cơ bản là một ngày làm hơn 10 tiếng và cũng không có ngày nghỉ cuối tuần!  Ưu điểm duy nhất là lương cao. Than ôi, đất nước nên sớm áp dụng quy chế bắt buộc! Cứ thế này, có thể một ngày nào đó người yêu của tôi cũng sẽ đột tử.”

Cư dân mạng “Select_form”: “Các công ty hiện nay dường như đều có một thói quen làm việc tồi tệ như vậy, làm việc đúng giờ ở công ty nhưng làm việc 24/24 ở nhà, không có ngày nghỉ, ngày nghỉ cũng làm việc từ nhà, không có thời gian nghỉ ngơi để mang lại ý nghĩa sống”.

“Tôi buộc phải làm thêm giờ trong dịp Tết Nguyên Đán, thể trạng giới trẻ chúng tôi đã bị hủy hoại do làm việc quá giờ.”

Một cư dân mạng ở Bắc Kinh: “Tôi không khỏi nghĩ đến trường hợp nhân viên của Pinduoduo cũng chết vì làm việc quá sức nhưng bị họ ém thông tin, chỉ khác là lương cao, nhưng vô dụng khi tương lai mù mịt và mất mạng sống!”

Lý Mộc Tử, Vision Times

Xem thêm: