Ngày 24/12, Kênh truyền thông Trung Quốc “Caixin” tiết lộ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại Bắc Kinh vô cùng nghiêm trọng, các tỉnh khác buộc phải cử đội y tế đến hỗ trợ. Điều này khiến nhân viên y tế khắp nơi bất mãn vì cho rằng họ bị quá tải, nguồn lực y tế đã căng thẳng nghiêm trọng, nhưng họ vẫn phải đến hỗ trợ Bắc Kinh.

Bac Kinh 3
Phòng khám quá tải ở Trung Quốc. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo báo cáo, các tỉnh gồm Sơn Đông, Hồ Bắc, Giang Tô, Hồ Nam và Tứ Xuyên đã cử đội y tế gồm các bác sĩ cao cấp đến Bắc Kinh điều trị cho những bệnh nhân nặng. Trong đó riêng tỉnh Giang Tô cử 161 người đi.

Mặc dù việc các tỉnh huy động nhân viên y tế đến nhiều nơi để hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh không phải là hiếm, nhưng thời gian gần đây không chỉ riêng Bắc Kinh, tình hình dịch COVID ở nhiều vùng của Trung Quốc đều rất nghiêm trọng. Nguồn lực y tế được trải rộng khắp nơi, đã gây ra sự bất mãn lan rộng trong đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu.

Một cựu bác sĩ phẫu thuật đã phục vụ tại khoa cấp cứu nhiều năm cho biết: “Số lượng bệnh nhân nguy kịch trên cả nước sẽ không ít hơn ở Bắc Kinh. Liệu có thể giải quyết vấn đề bằng cách điều chuyển tất cả nhân viên y tế từ khắp nơi đến Bắc Kinh hay không?”

Một người trong hệ thống y tế cũng chỉ ra rằng thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô đang hướng tới đỉnh điểm của sự lây nhiễm, “chúng tôi cũng đã đạt đến cực hạn.”

Được biết, Bắc Kinh là nơi có nguồn lực y tế dồi dào nhất Trung Quốc. Năm ngoái, cứ 1.000 người dân Bắc Kinh thì có 5,64 người có bằng bác sĩ và 6,47 người có bằng y tá, cao gấp đôi mức trung bình của cả nước.

Tuy nhiên, gần đây Caixin đã đến thăm nhiều bệnh viện đa khoa khác nhau ở Bắc Kinh, và nhận thấy các khoa cấp cứu đều quá tải bệnh nhân, khiến rất nhiều bệnh nhân chỉ có thể được chuyển ra ngoài sảnh truyền dịch trên cáng gấp, hoặc xe lăn.

Ngày 23/12, phóng viên Anouk Eigenraam của ” Financial daily” trú tại Bắc Kinh cũng cho biết, khi đến Bệnh viện Triều Dương Bắc Kinh và Bệnh viện số 3 của Đại học Bắc Kinh ở quận Hải Điến, bà đã chứng kiến ​​​​sự quá tải của khoa cấp cứu.

Dòng bệnh nhân đổ về khiến phòng cấp cứu trở nên quá tải. Bà cũng cho biết mỗi ngày 2 bệnh viện này cấp cứu cho khoảng 500 – 700 bệnh nhân.

(Nội dung tweet: “Trong Thánh đường Ngưu Nhai ở Bắc Kinh, xác người chồng chất như núi.”)

(Nội dung tweet: “Các nhà tang lễ ở Bắc Kinh không có chỗ để, tất cả đều được đóng trong các thùng chứa.”)

Ngoài ra, bà Eigenraam cũng tiết lộ trong các dòng tweet rằng một số người nhà bệnh nhân nói với bà rằng do xe cấp cứu quá bận, họ phải đợi xe từ 4 đến 6 tiếng, nên chỉ có thể tự lái xe đến bệnh viện. Những người khác nói rằng họ đã chứng kiến ​​​​cảnh hàng chục người chết trong phòng cấp cứu chỉ trong một đêm, người nhà chỉ biết đứng bên khóc lóc.

(Nội dung tweet: “Tôi đến phòng cấp cứu của bệnh viện Triều Dương và bệnh viện Bắc Kinh số 3 ở Hải Điến, mỗi ngày có tới 500-700 bệnh nhân cấp cứu. Cả hai bệnh viện đều cho thấy cảnh bận rộn, một số người đã thở oxy nằm ở hành lang chờ phòng. Ở Triều Dương, phòng cấp cứu không còn giường nữa.”)

(Nội dung tweet: Dịch bệnh ở Bắc Kinh đã bước vào chế độ địa ngục. Theo đoạn ghi âm cuộc trò chuyện của bác sĩ bệnh viện, số ca tử vong mới tăng mạnh, muốn hỏa táng phải chờ hơn một tháng và chi phí tăng vọt lên 30.000 tệ (khoảng 4.309 USD)”)

Báo cáo của VOA chỉ ra rằng vẫn không thể nắm bắt được tình hình thực tế sau khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, vì Trung Quốc đã giảm xét nghiệm axit nucleic, và ngừng báo cáo dịch bệnh hàng ngày.

Người đứng đầu công ty tư vấn Enhance International là Sam Radwan cho biết Bắc Kinh buộc phải đưa ra quyết định từ bỏ xét nghiệm axit nucleic hàng loạt khi ngân quỹ ngày càng cạn kiệt.

“Trung tâm quản lý quỹ an sinh xã hội Bắc Kinh hết tiền và lần đầu tiên họ gặp khó khăn trong thanh toán các hóa đơn. Đó là lý do tại sao họ đóng cửa các trạm xét nghiệm trước khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ”, ông Radwan nói.

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington ở Seattle dự đoán rằng số người chết ở Trung Quốc có thể lên tới 1 triệu người vào cuối năm 2023. Dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những tháng khó khăn sắp tới.

Ông Bill Hanage, đồng giám đốc Trung tâm Động lực Bệnh truyền nhiễm tại Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, cũng chỉ ra rằng dân số 1,4 tỷ người của Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong những tháng tới. “Trong vài tháng tới, con đường phía trước của Trung Quốc là rất, rất khó khăn.”

Bắc Kinh từng công khai khoe khoang về “tính ưu việt của thể chế” so với phương Tây trong việc xử lý dịch bệnh COVID-19, nay thay đổi chính sách ‘Zero COVID’ chẳng khác nào tự tát vào mặt mình. Do đó có chuyên gia tin rằng ĐCSTQ đã bịa đặt dữ liệu vì những cân nhắc chính trị.

“Giống như Hồng Kông, (ĐCSTQ) không còn cung cấp dữ liệu lây nhiễm thực tế nữa. Với số lượng lây nhiễm ‘chính thức’ giảm dần, cuối cùng ĐCSTQ có thể tuyên bố rằng họ đã thành công ứng phó COVID-19”, ông Yang Yuting nói.

Theo hãng tin AP, sự gia tăng lượng lớn số ca COVID-19 ở Trung Quốc đã làm các nhà khoa học lo ngại rằng chủng virus corona đột biến mới có thể được sản sinh ra.

Bình Minh (t/h)