Tinh thần giương cao ngọn cờ “thịnh vượng chung” của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã thúc đẩy các doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc như Jack Ma phải thực thi nhiệm vụ mới: “hiến tặng” hàng tỷ đô la Mỹ (USD) nhằm thể hiện đồng tình với tinh thần của chủ nghĩa xã hội.

shutterstock 1404202517
Jack Ma của Alibaba (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO/ Shutterstock)

Trong một bài viết trên tờ Financial Times (Anh) vào hôm Chủ nhật có nhận định rằng trong nhiều năm qua, hành vi cực đoan của những người giàu nhất Trung Quốc đã trở thành những câu chuyện truyền kỳ. Từ đỉnh Victoria Hill ở Hồng Kông, đến Kensington Palace Gardens ở London (Anh) và Upper East Side của New York (Mỹ), những người giàu nhất Trung Quốc đã lấy đi những bất động sản đắt nhất thế giới. Nhiều người cũng thu về hàng loạt thương vụ thâu tóm nổi tiếng, từ các câu lạc bộ bóng đá Anh và vườn nho ở Bordeaux, cho đến các hãng phim Hollywood và các tờ báo quốc tế. Nhưng giờ đây, Jack Ma và những tập đoàn công nghệ khổng lồ của các tỷ phú Trung Quốc đang thực hiện nhiệm vụ cấp bách khác: đóng góp từ thiện và chấp nhận hy sinh [tài sản] nhằm thể hiện sự tán đồng với tinh thần chủ nghĩa xã hội.

Trong những tháng gần đây, giới tinh hoa của những tập đoàn giàu có và quyền lực nhất Trung Quốc đang bước vào cuộc thi đua làm hài lòng Chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình. Theo đó, tinh thần nhân từ trỗi dậy đột xuất với làn sóng luân chuyển nguồn tài chính doanh nghiệp và cá nhân. Dữ liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy số tiền quyên tặng của các tỷ phú Trung Quốc trong năm nay cao hơn 20% so với năm 2020.

Truyền thông ĐCSTQ đã đăng tải rộng rãi bài phát biểu của ông Tập Cận Bình vào tuần trước rằng vấn đề đạt được “thịnh vượng chung” là yêu cầu cơ bản của chủ nghĩa xã hội. Vài ngày sau, tập đoàn công nghệ tài chính, trò chơi và truyền thông xã hội lớn nhất Trung Quốc là Tencent thông báo rằng họ sẽ dành 50 tỷ nhân dân tệ (7,7 tỷ USD) cho “thịnh vượng chung”.

Tuần này, CEO Trần Lỗi (Chen Lei) của Pinduoduo, một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, hứa sẽ sử dụng doanh thu 1,5 tỷ USD trong tương lai của công ty để hỗ trợ hiện đại hóa nông nghiệp và phục hồi nông thôn.

Số doanh nghiệp lớn và giới giàu có tuyên bố quyên góp trong những tuần gần đây còn có Hillhouse Capital Group của Trương Lỗi (Zhang Lei) và người sáng lập trang mạng giao thực phẩm Meituan.com là Vương Hưng (Wang Xing).

Tương tự, sau trận lũ lụt ở Hà Nam hồi tháng Bảy, hàng loạt ‘gã khổng lồ’ công nghệ như Alibaba, tập đoàn gọi xe Didi, Tencent và Pinduoduo đã cam kết quyên góp hàng chục triệu USD.

Tuy nhiên trong lĩnh vực này, [tính độc lập] của các công ty và giới nhà giàu Trung Quốc dường như đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn, vì trong hai năm qua rất khó xin thành lập các tổ chức từ thiện. Theo một chuyên gia quản lý tài chính cấp cao của Trung Quốc cho biết, công ty của vị này đang mở rộng các hoạt động từ thiện, nhưng luật từ thiện sửa đổi cách đây 5 năm khiến các đơn đăng ký của tổ chức phi chính phủ bị giám sát chặt chẽ. Bây giờ, việc xin thành lập quỹ từ thiện tư nhân [ở Trung Quốc] rất khó. Kể từ khi xảy ra dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), quận Hải Điện (Haidian) phát triển của Bắc Kinh không có đơn xin thành lập tổ chức phi chính phủ nào được chấp thuận.

Vị chuyên gia tài chính này nói rằng các tổ chức từ thiện được chính phủ chấp thuận sẽ trở thành nơi thu lợi chính của các khoản quyên góp. Các công ty tư nhân tài trợ cho các dự án của chính phủ sẽ được đãi ngộ chính trị.

Giới quan sát chỉ ra rằng đây thực chất là một phương thức kiểm soát của ĐCSTQ, cho phép các khoản quyên góp chỉ có thể đi vào các nơi có liên quan đến ĐCSTQ, đạt được mục tiêu là các hoạt động từ thiện phải nhất quán với ĐCSTQ. Bởi vì theo quan điểm của ĐCSTQ, nếu khu vực tư nhân phát triển ngoài tầm kiểm soát sẽ làm suy yếu sự cai trị của nhà cầm quyền nên phải được kiềm chế trước.

Về xu hướng quyên góp từ thiện hiện nay ở Trung Quốc, Scott Kennedy, chuyên gia chính sách kinh tế Trung Quốc tại một tổ chức tư vấn của Mỹ là Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Center for Strategic and International Studies) cảnh báo rằng, những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm thúc đẩy các hoạt động quyên góp từ thiện có thể gây ra tác dụng ngược, làm giảm “sự ủng hộ nhiệt tình thực sự” của cá nhân và tăng cường hoạt động từ thiện do nhà nước lãnh đạo. Vì ĐCSTQ rất không muốn để các tổ chức độc lập cung cấp dịch vụ công. Bởi vì nhìn chung mục tiêu chính của ĐCSTQ là duy trì vị trí thống trị và kiểm soát tất cả các khía cạnh của đời sống người dân Trung Quốc.

Ngự Thi, Vision Times

Xem thêm: