Hôm thứ Năm (30/3), tờ The Economist viết rằng nhiều người Trung Quốc giàu có đang cân nhắc di cư vì bất an trước tình hình trong nước.

shutterstock 326960948
Một hành khách tại Sân bay Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh minh họa: 06photo/Shuttserstock)

Sau 3 năm hoạt động kinh doanh bị gián đoạn và phong tỏa nghiêm trọng, cũng như việc chính quyền đàn áp các lĩnh vực như giáo dục và đào tạo tư nhân, những người Trung Quốc giàu có ngày càng muốn rời khỏi đất nước sau khi Bắc Kinh đột ngột chấm dứt chính sách zero-COVID hà khắc.

Bài viết nói rằng các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tuyên bố phản đối mạnh mẽ “chủ nghĩa sùng bái kim tiền”, và lấy danh nghĩa trốn thuế để khiến nhiều người nổi tiếng phải quỳ xuống xin tha.

Mặc dù ĐCSTQ không còn nhấn mạnh đến “thịnh vượng chung”, chương trình nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhưng một số người giàu vẫn lo lắng rằng họ sẽ phải đối mặt với áp lực lớn hơn trong việc đóng góp cho xã hội.

“Hơn hết, những người giàu Trung Quốc đều lo lắng rằng họ có thể bị trừng phạt nếu mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng,” bài báo viết.

The Economist cho rằng trước những vấn đề đau đầu này, nhiều người giàu muốn bỏ trốn khỏi Trung Quốc. Nhưng rất khó để làm điều đó vào năm 2020-2021, khi các biện pháp kiểm soát COVID đàn áp những người di cư.

Khoảng 10.800 người giàu có với tài sản trung bình 6 triệu USD rời khỏi Trung Quốc vào năm 2022, theo dữ liệu tổng hợp của Henley & Associates và New World Wealth, tổ chức chuyên theo dõi dòng di cư của người giàu. Với việc nới lỏng chính sách zero-COVID dòng dân di cư đã tăng nhanh vào cuối năm.

Nhà phân tích Andrew Amoils của New World Wealth cho biết, vào năm 2023, dự kiến nhiều người giàu Trung Quốc hơn ​​sẽ rời khỏi đất nước.

Người giàu có cách chuyển tài sản ra nước ngoài

Chỉ là dưới chính sách của ĐCSTQ, người di cư thì dễ, nhưng chuyển của cải ra nước ngoài thì khó. Về lý thuyết, công dân Trung Quốc chỉ có thể mang 50.000 USD ra nước ngoài mỗi năm.

Nhưng có nhiều cách để vượt qua sự kiểm soát này, như thông qua các ngân hàng ngầm ở Hồng Kông, hay thành lập công ty ở nước ngoài, và thuê các thành viên trong gia đình điều hành chúng.

10 năm trước, tại các sân bay, quan chức biên giới Hoa Kỳ có thể phát hiện công dân Trung Quốc mang theo tiền mặt trong vali. Gần đây, hàng tỷ đô la đã rời khỏi Trung Quốc bằng tiền điện tử.

Những năm gần đây, Singapore đã trở thành điểm đến được giới nhà giàu Trung Quốc lựa chọn

Dấu hiệu rõ ràng nhất của sự dịch chuyển của cải từ Trung Quốc sang Singapore là sự gia tăng số lượng các văn phòng gia đình Trung Quốc – những công ty tư nhân quản lý tài sản gia đình. Số lượng những công ty như vậy đã tăng từ 33 công ty vào năm 2019 lên 347 công ty vào tháng 4/2022, theo Ngân hàng Trung Ương Singapore cho biết.

Bài báo cho biết, đến cuối năm 2022, có tới 750 văn phòng công ty gia đình Trung Quốc đăng ký tại Singapore, chiếm khoảng một nửa số văn phòng công ty gia đình trên toàn cầu. Ông Kia Meng Loh, một đối tác cấp cao của công ty luật Dentons Rodyk, vào năm 2023, ước tính sẽ có nhiều người Trung Quốc thành lập công ty gia đình hơn.

Bà Sara Hsu, một chuyên gia về công nghệ tài chính và ngân hàng ngầm của Trung Quốc tại Đại học Tennessee, Hoa Kỳ đã trao đổi với Al Jazeera, rằng mặc dù việc chuyển một lượng lớn tiền ra khỏi Trung Quốc là một thách thức, nhưng nhiều người đã tìm ra cách.

Người mua Trung Quốc Đại Lục chiếm gần 1/4 trong số 425 căn nhà cao cấp được bán trong thành phố vào năm 2022, nhiều hơn gấp đôi so với công dân Hoa Kỳ.

Trước khi biến mất, ông trùm công nghệ Bao Phàm cũng định chuyển tài sản ra nước ngoài

Ông trùm đầu tư công nghệ Trung Quốc Bao Phàm (Bao Fan) được thông báo mất tích vào tháng Hai. Công ty của ông đã ra một “thông tin nội bộ” ngắn gọn, nói rằng ông đang hợp tác với một cuộc điều tra của chính quyền Trung Quốc.

The Economist cho biết, có bằng chứng cho thấy ông Bao Phàm cũng nhìn thấy giá trị trong việc di chuyển tài sản ra khỏi Trung Quốc. Trong những tháng trước khi mất tích, ông được cho là đang thành lập văn phòng công ty gia đình ở Singapore.

Jack Ma, người sáng lập ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba, là biểu tượng cho sự coi thường người giàu của Đảng Cộng sản cầm quyền. Ông đã bất ngờ xuất hiện tại một trường học ở Hàng Châu vào thứ Hai (27/3).

Wall Street Journal dẫn lời một nguồn tin nói rằng Jack Ma đã đến dinh thự của ông ở Hồng Kông vào cuối tuần trước, và đã lên kế hoạch đến Nhật Bản vào đầu tuần này.

Không rõ điều gì đã khiến ông đột ngột thay đổi lịch trình. Chuyến đi về nước của nhà tài phiệt này đã làm dấy lên những đồn đoán về việc liệu ông có đạt được một thỏa thuận nào đó với Chính phủ Trung Quốc hay không.

Thứ Ba (28/3), Alibaba đã công bố kế hoạch tái tổ chức, Tập đoàn này sẽ tách thành 6 công ty với các lĩnh vực khác nhau. Cho dù là chia tách Alibaba hay việc Jack Ma quay trở lại Trung Quốc, tất cả đều là kế hoạch của ĐCSTQ.

Thông báo của Alibaba nói rằng họ sẽ được chia thành 6 công ty với lĩnh vực khác nhau cho thấy các hành động của Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc về cơ bản không thay đổi.

Trước đó, Reuters dẫn các nguồn tin cho biết tân Thủ tướng Lý Cường yêu cầu Jack Ma trở về Trung Quốc. Ông Lý Cường tin rằng điều này sẽ giúp xoa dịu những lo ngại của ngoại giới về cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với khu vực tư nhân.

Đầu tháng 3, ông Tập Cận Bình, lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, bắt đầu thúc giục việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân. Ông kêu gọi các doanh nhân đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới công nghệ, để đối phó với sự “ngăn chặn” ” đàn áp” của phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Tuy nhiên, “Một số biện pháp liên quan đến hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân” vừa được chính quyền tỉnh Hải Nam công bố dường như đã nói lên sự thật.

Theo các biện pháp này, đối với những người liên quan đến vụ việc của các doanh nhân tư nhân, “những người có thể không bắt, thì không bắt.” Trên thực tế, lập luận và cách làm này đã được duy trì trong nhiều năm.

Bình Minh (t/h)