Hôm thứ Hai (20/5), tổ chức nhân quyền Sáng kiến Tương lai Triều Tiên công bố báo cáo cho biết, có hàng nghìn phụ nữ và trẻ em Bắc Triều Tiên chạy trốn khỏi nghèo khó và áp bức đang trở thành nô lệ tình dục tại Trung Quốc, một số bé gái chỉ có 9 tuổi.

Embed from Getty Images

(Ảnh từ Getty Images) 

Theo một báo cáo của tổ chức phi lợi nhuận “Sáng kiến Tương lai Triều Tiên” (Korea Future Initiative) có trụ sở tại Thủ đô Luân Đôn của Anh Quốc, việc bóc lột lao động tình dục đối với người Bắc Triều Tiên đem lại lợi nhuận ít nhất 105 triệu USD mỗi năm cho xã hội đen Trung Quốc, trong đó có cả việc buôn bán phụ nữ có cảnh ngộ bi thảm.

Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, bản báo cáo của tác giả Yoon Hee-Soon có nói, “Người bị hại phải bán dâm với giá khoảng 30 Tệ (khoảng gần 100 nghìn Đồng), bị bán cho người khác làm vợ với giá 1000 Tệ (khoảng 3,5 triệu Đồng). Họ bị bán cho các tụ điểm tình dục trên mạng để cung cấp cho khán giả toàn cầu xem trực tuyến.”  Yoon Hee-Soon nói trong báo cáo, “Nhiều người bị bán nhiều hơn một lần và bị ép buộc phục vụ cho ít nhất một hình thức nô lệ tình dục trong vòng một năm sau khi đào thoát khỏi quê hương”

Báo cáo này được công bố trong một sự kiện được tổ chức tại Quốc hội Anh hôm thứ Hai, theo báo cáo này, ước tính có khoảng 60% trẻ em gái và phụ nữ Bắc Triều Tiên tại Trung Quốc đang là đối tượng của các hoạt động mua bán dâm.

Báo cáo nói, có đến gần một nửa phụ nữ đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên bị ép bán dâm, nhiều người trong số họ bị bán đến vùng Đông Bắc Trung Quốc, nơi có nhiều lao động từ nông thôn; có khoảng 1/3 bị ép kết hôn, những người khác chủ yếu bị ép bán dâm trực tuyến.

Đài BBC cũng từng đưa tin cho biết, rất nhiều phụ nữ Bắc Triều Tiên sau khi trốn khỏi Bắc Triều Tiên đến Trung Quốc, bị bóc lột tình dục, và cần phải trốn thoát một lần nữa thì mới có được tự do.

Bản tin của BBC dẫn lời của Linh mục Chun Ki-won, người có 20 năm giúp đỡ rất nhiều người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, ông cho biết, việc buôn bán phụ nữ đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên đã trở nên ngày càng có tính tổ chức. Chun Ki-won tin rằng những binh lính Bắc Triều Tiên trấn giữ biên giới cũng có liên quan trong việc buôn bán người này.

Mặc dù hiện rất khó để có được thống kê chính thức cho thấy rốt cuộc có bao nhiêu phụ nữ bị bán, nhưng Liên HIệp Quốc cũng đã nêu ra quan ngại về vấn đề liên quan, đồng thời chỉ ra vấn đề buôn bán phụ nữ ở Bắc Triều Tiên. Báo cáo về nạn buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục coi Bắc Triều Tiên là một trong những nước có nạn buôn người mạnh mẽ nhất.

New York Times trước đó cũng từng dẫn lời của người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên, nhà nghiên cứu nhân quyền và quan chức Hàn Quốc cho biết, từ những năm 90 của thế kỷ 20, Bắc Triều Tiên gặp phải nạn đói nghiêm trọng, có hơn 32 nghìn người đã đào thoát đến Hàn Quốc.

Đối với người Bắc Triều Tiên mà nói, đến Hàn Quốc tìm kiếm bảo hộ là lựa chọn an toàn nhất, tuy nhiên, do dải phân cách giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên vô cùng nguy hiểm, và có quân nhân trấn thủ, địa lôi cũng bố trí dày đặc, nên trực tiếp đi đến Hàn Quốc hầu như là không thể. Do đó, rất nhiều người Bắc Triều Tiên đã lựa chọn trốn đến Trung Quốc trước, rồi tiếp tục tìm cách đến Hàn Quốc.

Tuy nhiên, rất nhiều người Bắc Triều Tiên sau khi đào thoát khỏi quê hương, họ buộc phải ở lại Trung Quốc (vùng giáp biên giới Bắc Triều Tiên) trong nhiều năm, điều này khiến cho tình hình càng gay go hơn, bởi vì Trung Quốc coi những người đào thoát này là nhập cảnh phi pháp. Nhiều người Bắc Triều Tiên bị giữ chân tại Trung Quốc bị ép buộc tham gia vào ngành công nghiệp tình dục, hoặc phải sống cùng với đàn ông nông thôn Trung Quốc không tìm được vợ. Có nhiều người bị cơ quan chức năng Trung Quốc bắt giữ, thậm chí còn bị trục xuất trở về Bắc Triều Tiên.

Đáng chú ý là, năm 1951, Trung Quốc tham gia vào “Công ước về người tị nạn Liên Hiệp Quốc”. Công ước này yêu cầu nước tham gia không được trục xuất người tị nạn nếu người đó có thể bị bức hại hoặc cực hình khi về nước . Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn cưỡng chế trục xuất những người đào thoát khỏi Bắc Triều Tiên về nước.

Huệ Anh

Xem thêm: