Theo Chính phủ Hồng Kông, nguyên nhân nổ ra chiến dịch biểu tình chống Dự luật dẫn độ xuất phát từ vụ án mạng của cô gái Hồng Kông Phan Hiểu Dĩnh. Hiện nay nghi phạm Trần Đồng Giai (Chan Tong-kai) đã được ra khỏi nhà tù tại Hồng Kông và khẳng định sẵn sàng đến Đài Loan chịu xét xử, nhưng câu chuyện lại kéo theo sóng gió chính trị xuyên hai khu vực Hồng Kông và Đài Loan. Hãy cùng nhìn lại quá trình vụ việc.

Trần Đồng Giai
Ngày 23/10, Trần Đồng Giai được ra tù, tại sao sau đó lại chấp nhận đến Đài Loan quy án, phía sau tranh chấp giữa Chính quyền Hồng Kông và Đài Loan là gì? (Hình tổng hợp của Epoch Times)

Dòng sự kiện

Ngày 17/2/2018: Đôi trai gái Hồng Kông là Trần Đồng Giai và Phan Hiểu Dĩnh đến Đài Loan du lịch. Do mâu thuẫn tình cảm khiến Trần Đồng Giai sát hại Phan Hiểu Dĩnh, sau đó ném thi thể đi và bỏ trốn về Hồng Kông. Sau đó, Trần Đồng Giai bị cảnh sát Hồng Kông bắt giữ vì tội ăn cắp thẻ tín dụng của Phan Hiểu Dĩnh.

Ngày 3/12: Chính quyền Đài Loan nhiều lần yêu cầu chính quyền Hồng Kông hỗ trợ pháp lý, hy vọng dẫn độ Trần Đồng Giai đến Đài Loan để xét xử, nhưng Chính quyền Hồng Kông không trả lời. Do đó, Đài Loan đã ban hành lệnh truy nã Trần Đồng Giai với thời hạn 37 năm 6 tháng.

Tháng 2/2019: Chính quyền Hồng Kông ra Dự luật dẫn độ với lý do vá lỗ hổng tư pháp, sự kiện gây làn sóng tranh luận.

Ngày 31/3: Nổ ra đợt diễu hành đầu tiên của người Hồng Kông chống Dự luật dẫn độ, sau đó liên tục nổ ra các đợt diễu hành lớn với hàng triệu người tham gia, và phong trào phản đối Dự luật dẫn độ hiện vẫn đang diễn ra.

Ngày 29/4: Tòa án tối cao Hồng Kông đã kết án Trần Đồng Giai 29 tháng tù vì tội liên quan đến hoạt động rửa tiền.

Ngày 18/10: Đài Loan và Hồng Kông xác nhận Trần Đồng Giai có ý định đến Đài Loan quy án sau khi mãn hạn tù tại Hồng Kông. Tuy nhiên, phía Đài Loan hy vọng rằng chính quyền Hồng Kông sẽ tiếp tục giam giữ Trần Đồng Giai.

Ngày 22/10: Chính quyền Hồng Kông đã ra tuyên bố không có đủ bằng chứng để buộc tội Trần Đồng Giai giết người.

Cùng ngày, giới chức Đài Loan thông báo họ đã chính thức liên lạc với Chính quyền Hồng Kông, sẽ cử người đến Hồng Kông áp giải Trần Đồng Giai, yêu cầu Chính quyền Hồng Kông cung cấp bằng chứng liên quan để hỗ trợ giải quyết vụ án. Hội đồng các vấn đề Đại Lục của Đài Loan cho biết: “Hồng Kông không xử lý, chúng tôi sẽ làm.”

Ngày 23/10: Trần Đồng Giai mãn hạn tù.

Tại sao Trần Đồng Giai có ý định sau khi ra tù đến Đài Loan tự thú?

Trước tiên có lẽ phải làm rõ một điểm quan trọng: Tại sao Trần Đồng Giai có ý định sau khi ra tù đến Đài Loan tự thú?

Tất nhiên, một khả năng là Trần Đồng Giai thực sự ăn năn, vì vụ án anh ta gây ra dẫn đến Dự luật dẫn độ và là mồi lửa của chiến dịch biểu tình của người Hồng Kông, đặc biệt là khi thấy rất nhiều người Hồng Kông bị trọng thương hoặc thậm chí mất mạng vì tham gia biểu tình khiến anh ta ân hận, muốn chuộc lỗi. Không thể loại trừ khả năng này.

Tuy nhiên, đông đảo các giới từ Hồng Kông và Đài Loan thường cho rằng mọi thứ không đơn giản như vậy. Đặc biệt là Trần Đồng Giai từng tuyên bố không muốn bản thân bị kết án tử hình. Hồng Kông đã bãi bỏ án tử hình vào năm 1993, nhưng Đài Loan vẫn có án tử hình. Hơn nữa, về phía pháp luật Đài Loan, Trần Đồng Giai đã bị cảnh sát Đài Loan cáo buộc là nghi phạm giết người, cho nên anh ta chỉ có thể “quy án” chứ không thể gọi là “tự thú”, sẽ không thể được đãi ngộ giảm án nhờ “tự thú”.

Vậy thì tại sao Trần Đồng Giai lại mạo hiểm đến Đài Loan để chịu tội trước nguy cơ có thể bị tử hình? Chẳng phải hành động như vậy có chút trái lẽ thường? Hay phải chăng có người giúp anh ta phân tích rằng không đủ bằng chứng kết án và cơ quan chức năng Hồng Kông cũng sẽ không cung cấp quá nhiều bằng chứng cho phía Đài Loan khiến anh ta phải mất mạng, thậm chí còn có thể được trắng án?

Nghi vấn: Trần Đồng Giai là “quân cờ chính trị”?

Do đó, hiện nay có phổ biến nghi ngờ chuyện đưa Trần Đồng Giai đến Đài Loan quy án là do sắp xếp chính trị. Nếu vậy thì ai đứng sau sắp xếp? Chính quyền Hồng Kông và Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam)? Qua những tháng người Hồng Kông biểu tình chống Dự luật dẫn độ, quan điểm phổ biến hiểu rằng chính quyền Hồng Kông và Lâm Trịnh Nguyệt Nga chỉ là con rối, thế lực thao túng là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Sở dĩ Dự luật dẫn độ được thúc đẩy mạnh mẽ và gây chiến dịch biểu tình phản đối là nhờ “trợ lực” của hai Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ: Hàn Chính và Uông Dương. Hiện nay chính quyền Hồng Kông muốn đưa Trần Đồng Giai đến Đài Loan, động thái chính trị quan trọng ngay trong thời điểm nhạy cảm này, lẽ nào chính quyền Hồng Kông không báo cáo cho Bắc Kinh? Do đó, kịch bản “đến Đài Loan đầu thú” này, nếu không phải do ĐCSTQ chỉ đạo thì ít nhất cũng đã được chính quyền ĐCSTQ bật đèn xanh.

Hơn nữa, nếu không có thống nhất từ trước giữa ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông mà do Trần Đồng Giai tự đến Đài Loan quy án, đồng nghĩa chính quyền Hồng Kông chối bỏ quyền quản lý tư pháp, làm ngơ đối với vụ án mạng Phan Hiểu Dĩnh? Chính bà Thái Anh Văn cũng đặt câu hỏi này.

Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Thái Anh Văn cho biết: “Chính quyền Hồng Kông từ chối quyền quản lý tư pháp, khiến công dân Hồng Kông bị hại không có cách nào để tìm được công lý… Tôi nghĩ rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu đối với Hồng Kông về lâu dài.”

Ngoài ra còn vấn đề liên quan đến vị mục sư Hồng Kông Quản Hạo Minh, người được cho là giật dây vấn đề đưa Trần Đồng Giai đến Đài Loan quy án, hiện nhiều thông tin chỉ ra vị mục sư này có thân phận là ủy viên Chính hiệp của Bắc Kinh, vì thế càng gây nghi vấn toàn bộ sự việc này có hình bóng ĐCSTQ đứng sau.

Dụng ý của ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông là gì?

Nếu câu chuyện đưa Trần Đồng Giai đến Đài Loan “tự thú” là sắp xếp chính trị của ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông, vậy thì ý định của họ là gì? Ở đây có thể có một số âm mưu:

 Thứ nhất: Biện hộ cho Dự luật dẫn độ

Trong chuyện thúc đẩy Dự luật dẫn độ, ĐCSTQ bị đông đảo người Hồng Kông cáo buộc có ý đồ làm suy yếu nền móng “một quốc gia, hai chế độ”, suy yếu tự do và nhân quyền của Hồng Kông, kết quả kéo theo làn sóng biểu tình chống đối làm cả thế giới chú ý, vụ việc không chỉ khiến mức tín nhiệm của người Hồng Kông với Trưởng Đặc khu xuống mức thấp kỷ lục mà uy danh của lực lượng cảnh sát Hồng Kông cũng xuống đến đáy, làn sóng tức giận cũng nhắm vào Trung ương ĐCSTQ.

Nhiều người Hồng Kông đã xuống đường hô lớn: “Trời diệt Trung Cộng”, khiến cả giới chóp bu ĐCSTQ phải lo ngại mồi lửa này lan vào Đại Lục. Do đó, giới chức Hồng Kông thúc đẩy đưa Trần Đồng Giai đến Đài Loan có thể có ý thông qua hành động này để chứng minh việc Chính phủ Hồng Kông ra Dự luật dẫn độ là đúng đắn để giúp xử lý vụ án, muốn thông qua động thái tư pháp giả tạo này để hợp lý hóa việc chính quyền Hồng Kông ra Dự luật dẫn độ, cũng giúp ĐCSTQ ổn định tình hình.

Viện trưởng Tô Trinh Xương của Viện Hành chính Đài Loan cho biết: “Trong quá khứ cô ta (Hồng Kông) hoàn toàn không quan tâm, còn bây giờ lại có thái độ khác, tất nhiên có ĐCSTQ phía sau, đồng thời muốn đưa (nghi phạm) đến Đài Loan, hợp lý hóa Dự luật dẫn độ của cô ta, chúng tôi sẽ không bị lừa.”

Thứ hai: “Một người cứu Hồng Kông”, Carrie Lam tự vệ bằng cách chuyển hướng chú ý của người kháng nghị

Dưới làn sóng phản đối Dự luật dẫn độ quá mạnh mẽ khiến bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga rơi vào cảnh khốn đốn, trong khi ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông không thể can thiệp bằng vũ lực quân sự vì quan tâm chặt chẽ của cộng đồng quốc tế.

Do đó, có thể chính quyền Hồng Kông muốn chuyển mồi lửa của chiến dịch biểu tình tại Hồng Kông cho Đài Loan xử lý với lý do “vụ án xảy ra tại Đài Loan”, một phần vì thoái thác trách nhiệm nhằm bảo vệ mình, phần khác cũng có lý do để tuyên bố với người dân Hồng Kông rằng chính quyền Hồng Kông đã cố gắng hết sức để xử lý vụ án.

Quá trình này cũng giúp nhà chức trách chuyển hướng quan tâm của dư luận xã hội, từ đòi hỏi 5 (hoặc 6) yêu cầu sang tập trung quan tâm vấn đề thủ tục pháp lý và tư pháp đúng đắn. Ngoài ra chính quyền Hồng Kông cũng cho thấy họ đã cố gắng hết sức, trách nhiệm tiếp theo không còn thuộc về họ. Bằng cách này, giới chức Hồng Kông có thể cứu vãn được chút hình ảnh, cũng có thể được sử dụng như quân bài chính trị trong tương lai khi xử lý Dự luật dẫn độ.

Do đó, giới quan sát có chế giễu rằng Chính quyền Hồng Kông muốn gửi Trần Đồng Giai đến Đài Loan để đạt được mục tiêu “một người cứu Hồng Kông”.

Thứ ba: Đòn chính trị để hỗ trợ đảng thân ĐCSTQ trong bầu cử Tổng thống Đài Loan

Mục đích này khá quan trọng, vì chỉ còn khoảng 80 ngày nữa là đến bầu cử Tổng thống Đài Loan, hiện nay ứng viên Hàn Quốc Du của đảng Quốc Dân liên tục đứng sau bà Thái Anh Văn của đảng Dân tiến trong thăm dò ý dân.

Do đó, rất có khả năng Bắc Kinh sắp xếp kịch bản này để ném “của nợ” cho chính quyền Đài Loan, để tạo vỏ bọc chính trị, tạo điều kiện cho phe thân ĐCSTQ phản công lấy lại uy thế.

Thực tế, khi có thông tin Trần Đồng Giai muốn đến Đài Loan quy án, một số nhà quan sát đã cho biết, nước cờ tiếp theo là phe thân ĐCSTQ tại Đài Loan sẽ mở thế trận tổng phản công nhắm vào đảng cầm quyền hiện nay. Do đó không dễ để Đài Loan tiếp quản vụ án, vì Đài Loan phải giữ vị thế chủ quyền, cảnh giác bị rơi vào bẫy “một Trung Quốc” của ĐCSTQ.

Nhưng nếu chính quyền đương nhiệm Đài Loan từ chối vụ án này, phe thân ĐCSTQ tại Đài Loan cũng sẽ dùng lý do “bảo vệ chủ quyền”, “bảo vệ quyền quản lý tư pháp” để chỉ trích, khiến chính quyền đương nhiệm Đài Loan cũng rơi vào thế khó khăn biện hộ, làm cho bà Thái Anh Văn mất phần nào phiếu bầu.

Chắc chắn phe thân ĐCSTQ tại Đài Loan sẽ mở đợt tổng tấn công chính quyền đương nhiệm nhân danh những lý do nêu trên. Nhưng phải chú ý rằng, vấn đề ở đây không phải giúp bảo vệ ứng viên hay đảng phái nào, mà để làm rõ thủ đoạn chính trị đằng sau sự việc này, để thấy rõ tư duy xảo quyệt của ĐCSTQ và mánh khóe can thiệp bầu cử Đài Loan.

Thứ tư: Kích động mâu thuẫn giữa Hồng Kông và Đài Loan

Nếu Trần Đồng Giai muốn đến Đài Loan quy án mà chính quyền Đài Loan thoái thác, vậy thì chính quyền Hồng Kông có thể danh chính ngôn thuận đẩy trách nhiệm cho phía Đài Loan, lên án giới chức trách Đài Loan không xem trọng chính nghĩa tư pháp, từ chối giúp đỡ gia đình Phan Hiểu Dĩnh đòi công lý… thậm chí kích động khiến người dân Hồng Kông mâu thuẫn với Đài Loan, gây chia rẽ đoàn kết giữa người Đài Loan và Hồng Kông, làm suy yếu sức mạnh ủng hộ của người Đài Loan đối với chiến dịch biểu tình phản kháng của người Hồng Kông.

Giới chức và truyền thông ĐCSTQ cũng có thể diễn giải xuyên tạc rằng giới chức Đài Loan thoái thác vì lý do chính trị, vì phủ nhận “một Trung Quốc”, qua đó kích động chủ nghĩa dân tộc tấn công chính quyền Đài Loan, kích động mâu thuẫn giữa người dân ở hai bên eo biển.

Vấn đề đáng chú ý là giới truyền thông Bắc Kinh thân chính quyền Hồng Kông cử phóng viên đến Đài Loan, đẩy mạnh chất vấn bà Thái Anh Văn cai trị kiểu “chính trị đứng trên pháp luật”, vấn đề này cho thấy rõ âm mưu của ĐCSTQ và Chính quyền Hồng Kông.

Thậm chí cho dù giới chức Đài Loan chấp nhận thụ lý vụ án, nhưng vì giới chức Hồng Kông không cung cấp bằng chứng đầy đủ khiến tội giết người không thể thành lập hoặc kẻ phạm tội chỉ bị tuyên án mức nhẹ, như vậy chính quyền Hồng Kông và truyền thông ĐCSTQ cũng có thể viện cớ làm lớn chuyện, gây mâu thuẫn và hiểu lầm giữa người Hồng Kông và Đài Loan nhằm phân tán và chuyển hướng quan tâm của người Hồng Kông hiện đang tập trung vào phản đối ĐCSTQ và Chính quyền Hồng Kông.

Thứ năm: Mai phục chờ thời cơ khôi phục Dự luật dẫn độ

Nếu giới chức Đài Loan không thể kết án Trần Đồng Giai hoặc chỉ kết án được mức nhẹ vì thiếu bằng chứng, lúc đó ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông có thể nhắc lại tầm quan trọng phải vá lỗ hổng tư pháp, một lần nữa nhấn mạnh vấn đề ban hành Dự luật dẫn độ là cần thiết, từ đó mở đường đưa vấn đề Dự luật dẫn độ trở lại.

Đặc biệt, theo truyền thông Đài Loan, sau khi lãnh đạo Huawei Mạnh Vãn Chu bị bắt tại Canada, ĐCSTQ muốn có được quyền bắt giữ người tương tự ở Hồng Kông nhằm đưa người nước ngoài “vi phạm pháp luật ĐCSTQ” tại Hồng Kông trở về Trung Quốc Đại Lục xét xử. Nếu ĐCSTQ có được quyền lực này thì sẽ có thêm những quân cờ trong các hoạt động đàm phán với nước khác. Từ góc nhìn này, nhiều khả năng tương lai Hồng Kông sẽ lại xuất hiện những động thái làm luật tương tự như Dự luật dẫn độ.

Kết luận

Tóm lại, có thể chuyện bố trí Trần Đồng Giai đến Đài Loan quy án là động thái chính trị của ĐCSTQ và Chính quyền Hồng Kông, không chỉ để chuyển hướng chú ý của công luận giúp ĐCSTQ và Chính quyền Hồng Kông ổn định tình hình, còn có thể là chiến lược can thiệp vào bầu cử Tổng thống Đài Loan, ngoài ra cũng có thể nằm trong kế hoạch để tương lai có thể khởi động lại Dự luật dẫn độ.

Nhưng giới chức Đài Loan cũng ý thức được mục đích của ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông, mặc dù ban đầu từ chối chấp nhận thụ lý Trần Đồng Giai, nhưng sau đó đã có sáng kiến cho người đến Hồng Kông để dẫn độ anh ta, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng Hồng Kông phải cung cấp bằng chứng và hỗ trợ, đây là cách đá “quả bóng chính trị” đầy gai trở về phía chính quyền Hồng Kông.

Sáng sớm ngày 23/10 chính phủ Hồng Kông đã khẩn cấp ra tuyên bố cho biết giới chức Đài Loan không có quyền chấp pháp tại Hồng Kông, vì vậy “không có quyền” phái người đến Hồng Kông áp giải Trần Đồng Giai. Rõ ràng, “độc chiêu” của chính phủ Đài Loan đã đánh trúng tim đen của ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông, khiến giới chức Hồng Kông vội vàng hành động đầy lúng túng.

Bước tiếp theo, ĐCSTQ và chính quyền Hồng Kông sẽ giở trò gì, còn chính quyền Đài Loan sẽ đáp lại như thế nào, chúng ta hãy chờ xem.

Dù sao, điều đáng buồn nhất là nạn nhân Phan Hiểu Dĩnh mất mạng mà chưa thể đòi lại được công bằng, lại bị lợi dụng làm vũ khí chính trị cho ĐCSTQ và Chính phủ Hồng Kông. Làm sao trả lại công bằng cho Phan Hiểu Dĩnh và người thân của cô? Câu chuyện lại một lần nữa thể hiện trần trụi trước mắt chúng ta về bản chất thể chế độc tài thường thờ ơ với cuộc sống người dân, xem mạng người như cỏ dại.

Đường Hạo (Theo Epoch Times)

Xem thêm: