Cùng với cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ là Hội nghị Bắc Đới Hà  sắp khai màn, trung tâm chính trị của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Trung Nam Hải bao phủ tin đồn “đảo chính” và “ép cung Tập Cận Bình”. Từ đầu tháng Bảy đến nay, những thông tin liên quan đến ĐCSTQ tràn ngập khác lạ, như truyền thông nhà nước đăng lại bài cũ về cố lãnh đạo Hoa Quốc Phong nhận sai, người mặc đồ đen chặn ống kính chương trình của Đài Truyền hình Trung ương, và thế lực chống đối trong Đảng tuyên truyền làm nhục ông Tập Cận Bình… Liệu đến Hội nghị Bắc Đới Hà vào tháng Tám vận mệnh chính trị của ông Tập Cận Bình có lung lay?

trung nam hải
Cơn sốt tin đồn liên quan đến tình hình nội bộ giới chóp bu ĐCSTQ có biến cố bất thường đang tràn ngập Bắc Kinh (Ảnh: Getty Images)

Cùng với “kỳ nghỉ” tại Bắc Đới Hà mở màn là bùng nổ thông tin về bầu không khí căng thẳng trong nội bộ ĐCSTQ như thể sắp có biến cố gì đó.

Ngày 19/7, SCMP Hồng Kông trích dẫn một nguồn tin cho rằng, các căn hộ cho các quan chức ở khi đến Bắc Đới Hà nghỉ dưỡng ở rất gần nhau. Họ có thể chào thăm nhau trong khi đi tản bộ. Nhưng mọi người đều ở trong vòng bảo vệ nhiều tầng lớp, rất khó để gặp người lãnh đạo đương nhiệm. Cuộc họp thường kỳ hàng tuần của Bộ Chính trị và Ban Thường vụ Bộ Chính trị vẫn sẽ tổ chức trong kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà, nhưng các cuộc họp bổ sung cần phải được sự chấp thuận của Văn phòng Trung ương Đảng.

Trước đó, cơ quan an ninh Tần Hoàng Đảo đã có thông bào từ ngày 14/7 – 19/8, khu Bắc Đới Hà thực hiện hạn chế giao thông theo biển số xe chẵn hoặc lẻ chỉ được phép lưu thông vào ngày chẵn hoặc ngày lẻ…

Trong khi giông tố, ngày 19/7 ông Tập Cận Bình vẫn theo kế hoạch đến thăm các nước Trung Đông và châu Phi như không có chuyện gì, cũng sẽ tham dự cuộc họp lần thứ 10 của các nhà lãnh đạo BRICS tổ chức tại Nam Phi. Đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên sau khi ông Tập tái đắc cử Chủ tịch nước vào tháng Ba năm nay.

Trước chuyến đi, truyền thông của ĐCSTQ đã phản bác mạnh mẽ về những tin đồn kể trên. Ngày 16/7, trang đầu của Nhân dân Nhật báo phủ kín thông tin về hoạt động của ông Tập, hàm ý rằng nhà lãnh đạo này vẫn nắm vững quyền lực trong tay, còn chương trình thời sự của Đài Truyền hình Trung ương (CCTV) có bài “Ngọn cờ đầu tươi sáng đưa sự nghiệp của Đảng lên tuyến đầu”, theo đó kêu gọi toàn Đảng “trong bất cứ lúc nào và bất kỳ hoàn cảnh nào” cũng phải kiên quyết phải bảo vệ địa vị “hạt nhân Tập Cận Bình”, duy trì quyền lực và lãnh đạo Tập Cận Bình, “đây là kỷ luật chính trị quan trọng nhất, là quy tắc chính trị cơ bản nhất”.

Học giả Ngô Nhân Hoa (Wu Renhua), một thành viên của phong trào sinh viên dân chủ Thiên An Môn năm 1989​ có phân tích rằng, trong quá khứ mỗi khi ĐCSTQ đứng trước cơn biến động thì truyền thông của Đảng ưa dùng từ “Ngọn cờ đầu tươi sáng” để động viên toàn Đảng, chẳng hạn như trước sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989 tờ Nhân dân Nhật báo đã có bài xã luận “Cần ngọn cờ đầu tươi sáng chống lại tình trạng bất ổn”, “hiện nay cũng sử dụng ‘ngọn cờ đầu tươi sáng’ để kêu gọi toàn Đảng đoàn kết, cho thấy tình hình hiện tại khác thường ở Trung Nam Hải. ”

Ngày 16/7, đảng bộ Ban Thường vụ Nhân đại toàn quốc do ông Lật Chiến Thư (thân tín của ông Tập Cận Bình) phụ trách đã có buổi học tập trung, ông Lật Chiến Thư cảnh báo các thuộc cấp về nguyên tắc tuân thủ kỷ luật và nội quy chính trị, đảm bảo quyền lực của hạt nhân Tập Cận Bình “định tại nhất tôn” (vững vàng vị trí tối cao).

Nhật báo Apple tại Hồng Kông trích dẫn lời học giả Trần Duy Kiến (Chen Weijian) sống lưu vong tại Mỹ cho biết, phát biểu như ông Lật Chiến Thư thuộc “trường hợp hiếm trong lịch sử xây dựng chính quyền của ĐCSTQ, cho thấy cuộc đấu đá quyền lực nội bộ đang ở thời khắc rất quyết liệt. Sự việc đang che phủ trong màn sương mù, nhiều vở tuồng hay đang chờ đón”. Kiều Mộc (Qiao Mu), cựu Giáo sư Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cũng chỉ ra, Ủy viên Ban Thường vụ Lật Chiến Thư đã ra “chiến thư” yêu cầu đảm bảo quyền lực của hạt nhân Tập Cận Bình “định tại nhất tôn”, “Trước đây, cho dù thời ở Trường Đảng Trung ương, hoặc ở cơ quan truyền thông địa phương, ông Lật Chiến Thư đều không bao giờ chấp nhận cách phát ngôn này. Bây giờ biết tin vào ai?”

Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) chia sẻ trên truyền thông Hồng Kông rằng, vì phe đối lập thiếu người dẫn dắt, trong khi ông Tập đã nắm chặt quân đội và truyền thông nên khả năng bị hạ bệ rất nhỏ. Tuy nhiên dù sao cũng phải xem liệu ông ta có thể giải quyết thành công cuộc khủng hoảng thương mại Trung – Mỹ và ổn định quan hệ Trung – Mỹ không đã.

Trên BBC tiếng Trung, ông Đặng Duật Văn (Deng Yuwen) cựu phó tổng biên tập tạp chí của Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ cho biết, dù biến động diễn ra công khai hay âm thầm thì cảm giác về khủng hoảng quyền lực của nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc là rất mạnh mẽ, họ luôn thận trọng trước các yếu tố bất lợi đối với quyền lực của họ có thể xuất hiện hoặc tích tụ dần lại để loại bỏ các mối nguy từ trong trứng nước. Do đó, trước cuộc chiến thương mại có khả năng kích nổ cuộc khủng hoảng toàn diện của xã hội Trung Quốc, giới chức trách ĐCSTQ luôn cảnh giác. Vì thế không thể tránh khỏi các nhân vật quan trọng và giới nguyên lão nghỉ hưu sẽ có cuộc tranh luận gay gắt về điều này tại cuộc họp Bắc Đới Hà.

Ông Đặng Duật Văn cho rằng, nếu nhìn vào nhân cách văn hóa của những người được nhào nặn trong thể chế Cộng sản Trung Quốc thì không có nhiều khả năng xảy ra chuyện có quan chức cấp cao dám chỉ trích lãnh đạo tối cao tại Hội nghị Bắc Đới Hà. Các nguyên lão lớn tuổi đã nghỉ hưu cũng ít quan tâm đến các “diễn viên trên sân khấu”, họ sẽ không công khai tấn công người lãnh đạo. Do đó, vấn đề trách nhiệm của lãnh đạo sẽ không được nêu ra tại cuộc họp Bắc Đới Hà.

Dù vậy, ông Đặng Duật Văn cho rằng cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay sẽ thể hiện rõ ràng hơn những chia rẽ trong giới lãnh đạo hàng đầu.

Về khả năng xảy ra cuộc đảo chính tại Bắc Kinh, RFI của Pháp từng dẫn nguồn tin từ người trong cuộc hiểu tình hình cho biết: “Nhiều hỗn loạn, tình hình nghiêm trọng”, mặc dù chưa thể xác thực thật giả ra sao, cũng thật khó có thể tưởng tượng có kẻ nào dám ép cung ông Tập trong bối cảnh ông ấy đang thao túng quyền lực? Nhưng dù sao tâm trạng bất mãn với ông Tập là một thực tế.

Trung Quốc có môi trường cho xảy ra đảo chính không? Câu trả lời của người chia sẻ thông tin là có. Đảo chính là sự thay đổi quyền lực mà không theo lộ trình, ĐCSTQ kể từ triều đại Mao Trạch Đông thì vấn đề đảo chính trong nội bộ Đảng đã là một truyền thống. Chủ yếu diễn biến xoay quanh vấn đề “giang sơn của một nhà hay của toàn Đảng”.

Trong chương trình bình luận chính trị trên VOA Mỹ, nhà đấu tranh dân chủ Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) phân tích rằng, cuộc đấu đá nội bộ trong Hội nghị Bắc Đới Hà năm nay cũng sẽ khốc liệt giống như năm ngoái. Hội nghị Bắc Đới Hà năm ngoái chủ yếu nhắm vào Vương Kỳ Sơn. Ông Vương Kỳ Sơn đã bắt quá nhiều người, gây ra quá nhiều kẻ thù, các nhóm lợi ích chính trị đều muốn loại bỏ Vương Kỳ Sơn, ít nhất là làm suy yếu chức vụ của Vương.

Cuộc họp Bắc Đới Hà năm nay sẽ tập trung vào ông Tập Cận Bình. Hiện tại những tin đồn chính trị bao phủ khắp nơi, và những tin đồn đều thể hiện thái độ bất mãn mạnh mẽ của phe đối lập trong ĐCSTQ với ông Tập. Dưới áp lực cả bên trong và bên ngoài, áp lực chính trị và kinh tế đan xen nhau, làm thế nào ông Tập vượt qua được cửa ải này là một vấn đề lớn.

Có bình luận cho rằng, mặc dù sau khi lên cầm quyền, ông Tập liên tiếp hạ bệ được một số lượng lớn các quan chức tham nhũng như Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, nhưng ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng vẫn ung dung tự tại, khi kẻ đứng đầu còn bình yên thì phe cánh đối lập vẫn còn điểm tựa, các thành viên của nó chỉ tạm thời đầu hàng, sẽ âm thầm cùng những thế lực cực tả khác trà trộn vào bộ máy chính trị để chờ cơ hội nổi dậy.

Chia sẻ với tờ Vision Times tại Mỹ, “thái tử Đảng” La Vũ cho biết, quả thật ông Tập Cận Bình đang gặp khó khăn và rắc rối lớn, “có vẻ biến động gì đó đang xảy ra”. Ông La Vũ cho rằng gốc rễ của tất cả là cuộc chiến tranh thương mại Trung-Mỹ, thế lực phản đối tận dụng thời cơ truy cứu trách nhiệm ông Tập Cận Bình. Mặc dù các tuyên bố khác nhau trên internet không đáng tin cậy lắm, nhưng chúng có thể hiểu sơ bộ là có những ý kiến ​​và tiếng nói bất đồng trong bộ máy cầm quyền ĐCSTQ, hoặc nói cách khác là cuộc đấu tranh quyền lực của giới chức cấp cao trong Đảng đang quyết liệt hơn. Còn việc quyền lực của ông Tập có lung lay không, La Vũ cho rằng không thể khẳng định sẽ không xảy ra, vấn đề là khả năng này lớn như thế nào thì còn phụ thuộc vào thế lực của cái gọi là “liên minh chống Tập Cận Bình” như thế nào.

La Vũ cho rằng Tập Cận Bình có những rắc rối lớn, nhưng vấn đề không nghiêm trọng. Bởi vì ý nghĩa của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ thời gian này thực chất là cuộc chiến của nền dân chủ với chuyên chế độc tài, cuộc khủng hoảng này là nguy cơ nhưng cũng là cơ hội đối với Tập Cận Bình. Nếu ông ta có thể dám làm một sự khởi đầu mới, giải thể kiểu cai trị chuyên chế của ĐCSTQ để đưa Trung Quốc đi vào con đường dân chủ, nhà nước pháp quyền, vậy thì cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ lại là một điều tốt.

Tờ Newtalk của Đài Loan có phân tích cho rằng, mặc dù những tin đồn gần đây về việc Tập Cận Bình vị các nguyên lão trong Đảng truy cứu trách nhiệm dẫn đến đang đứng trước nguy cơ chính biến là không tránh khỏi bị bóp méo và phóng đại, nhưng trong một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện với Mỹ, người Trung Quốc đang rất lo lắng phải chịu cú sốc kinh tế nặng nề. Trong tình hình này, quả thật ông Tập Cận Bình phải chịu áp lực rất lớn, “Bất kỳ dấu hiệu rắc rối nào cũng có thể nhanh chóng lan truyền và được phóng đại lên”, vì vậy xuất hiện những tin đồn này cũng là có nguyên do.

Bài viết dẫn quan điểm của một nhà phân tích cho rằng, mặc dù không ai dám truy cứu ép cung ông Tập, nhưng vô số khó khăn bên trong và bên ngoài khiến ông Tập rất căng thẳng. Nếu nguy cơ kinh tế tồi tệ đến nguy cơ “mất Đảng” thì các thế lực chắc chắn phải có hành động để tự cứu mình.

Trên RFA Mỹ, Vương Đan (Wang Dan), người từng đứng đầu phong trào sinh viên dân chủ Thiên An Môn 1989 đã có bài viết cho biết, về tin đồn đấu đá nội bộ ĐCSTQ xã hội bên ngoài nên bình tĩnh hơn một chút, không nên kết luận quá sớm, càng không nên cho rằng niềm hy vọng mới đã xuất hiện.

Ông cho rằng bất kể cuộc đấu tranh nội bộ của ĐCSTQ dữ dội như thế nào thì họ vẫn là một nhóm lợi ích. Nếu không có áp lực từ bên ngoài, dù cho có xảy ra cuộc đấu đá khốc liệt như đồn thổi thì cũng không dẫn đến những thay đổi lớn trong bộ máy chính trị Trung Quốc. Tất cả những cuộc đấu tranh có thể được giải quyết bằng chính những thỏa hiệp lợi ích chung. Khi Chu Vĩnh Khang, Bạc Hy Lai, và Lệnh Kế Hoạch bị hạ bệ, chẳng phải cuộc đấu tranh nội bộ khi đó đã vô cùng căng thẳng sao? Nhưng những chuyện này không làm lung lay tình trạng kiểm soát của ĐCSTQ đối với toàn xã hội. Chỉ khi có phong trào quần chúng quy mô lớn bùng phát, cuộc đấu tranh trong ĐCSTQ mới có thể biến thành sức mạnh để thay đổi bản đồ chính trị Trung Quốc. Hiện tại vẫn không thấy sự xuất hiện của phong trào quần chúng quy mô lớn như vậy. Trong hoàn cảnh này, ngay cả khi Tập Cận Bình phải chịu cú sốc nào đó trong Đảng thì cũng không dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ tình hình chính trị của Trung Quốc.

Ông nói rằng vấn đề chính ở Trung Quốc là Đảng Cộng sản và chế độ độc tài một đảng chứ không phải vấn đề của một nhà lãnh đạo cụ thể nào đó. Không có lý do hay bằng chứng nào chứng minh rằng nếu Tập Cận Bình bị hạ bệ thì Trung Quốc sẽ có khả năng đi vào con đường dân chủ hóa. Nói điều này không phải là hy vọng ông Tập Cận Bình tiếp tục duy trì quyền lực mà chỉ là muốn làm rõ bản chất của vấn đề, để chúng ta không bị những chuyện bề nổi bên ngoài chi phối kỳ vọng mong đợi.

Tuyết Mai

Xem thêm: