Mỹ hiện là siêu cường duy nhất trên thế giới, còn trong mắt thế giới thì Trung Quốc dường như đang cố gắng để trở thành một siêu cường nữa. Mục tiêu của Trung Quốc là mở rộng ảnh hưởng từ Bắc Cực đến Nam Cực. Nhưng vấn đề nợ nần, vấn đề dân số và bẫy thu nhập trung bình đã trở thành “vật cản” mà đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) rất khó khắc phục.

người trung quốc
Hình ảnh ngày 09/4/2017, một người bán rong ở Thạch Gia Trang đã bán giày ngay trước bảng khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc” (Ảnh: Getty Images)

Theo Bloomberg Mỹ đưa tin, vấn đề làm Văn Vương (Wen Wang) ngạc nhiên không chỉ ở Nam Cực thời tiết lạnh giá quanh năm mà còn là khả năng hoạt động mạnh mẽ của người Mỹ trong một môi trường hoang vắng như vậy, lá cờ Mỹ bay xung quanh ở khắp mọi nơi đánh dấu vị trí địa lý Nam Cực. Sau khi chứng kiến hàng trăm nhà khoa học Mỹ nghiên cứu học thuật ở khu vực có tiềm năng tài nguyên khổng lồ này, Văn Vương quyết định Trung Quốc cũng phải bắt kịp.

Văn Vương là Chủ tịch điều hành của Học viện Tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, vào mùa hè này ông ta đã viết một báo cáo phản ánh những khó khăn ngày càng tăng của Trung Quốc, Trung Quốc đang cố gắng tiến vào một hệ thống quốc tế mà trước đây nó hoàn toàn lạc điệu.

Tập Cận Bình được xem là người lãnh đạo đầu tiên trong lịch sử ĐCSTQ có tầm nhìn toàn cầu. Do đó, cho dù trong Hải quân hay tại trạm nghiên cứu ở Nam cực, Bắc Kinh chắc chắn xem Mỹ là siêu cường chuẩn mực duy nhất cần phải vượt qua.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ không muốn bị thế giới nhìn họ như là bá chủ toàn cầu tiếp theo, và không muốn phải chịu chi phí liên quan. Họ cố ý tránh sử dụng thuật ngữ “siêu cường”.

Liệu Trung Quốc có thể thực sự trở thành một siêu cường hay không, và Trung Quốc có thể duy trì các chi phí liên quan hay không, là vấn đề ảnh hưởng đến thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Vấn đề này quyết định sự thay đổi các điều khoản thương mại, trật tự toàn cầu cũng như các vấn đề chiến tranh và hòa bình.

Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 21 tỷ đô la Mỹ  (USD) năm 1990 lên 228 tỷ USD vào năm ngoái, gấp hơn ba lần ngân sách của Nga.

Đã có những dấu hiệu cho thấy, với hệ thống chính trị độc tài cùng kiểu kinh tế thị trường do nhà nước điều khiển của Trung Quốc sẽ là lực cản đối với nguyên tắc tự do mà Mỹ và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang không ngừng nỗ lực thúc đẩy. Một số quốc gia bị thu hút bởi các nguồn lực tài chính của Trung Quốc, bao gồm Campuchia đang đi theo hướng của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự đàn áp tự do ngôn luận của Bắc Kinh không có nghĩa nhà cầm quyền này là một nhà cầm quyền có đủ sự tự tin.

Đến nay, khi dân số Trung Quốc bắt đầu già đi, trình độ trung bình của người Trung Quốc vẫn thấp hơn mức trung bình của người Mexico. Một số nhà đầu tư đang cảm thấy bối rối vì thực trạng hoạt động của các ngân hàng lớn của Trung Quốc, nguồn vốn của những ngân hàng này đã mang lại sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, còn ĐCSTQ dựa vào những tăng trưởng này để duy trì tính hợp pháp của chế độ. Nhưng với một quốc gia đang cố gắng trở thành siêu cường thì đây là một biểu hiện khá mong manh.

Mặt băng có độ dày trung bình 2,6 km đã bảo vệ nguồn tài nguyên của Nam Cực, vùng này được ước tính có khoảng 500 tỷ tấn than, 100 tỷ thùng dầu và 5 nghìn tỷ mét khối khí thiên nhiên. Mặc dù một hiệp ước năm 1959 đã đóng băng các tuyên bố lãnh thổ Nam Cực, Nhưng Văn Vương cho rằng một cuộc đấu tranh địa chính trị “khốc liệt” hiện đang diễn ra. Ông ta lo ngại rằng nếu Bắc Kinh không có tiếng nói mạnh mẽ hơn và thể hiện sự tồn tại của mình, Trung Quốc sẽ tụt lại phía sau các nước khác trong khai thác các nguồn lực tại Nam Cực.

Trên thực tế, điều này có nghĩa Bắc Kinh cần xây dựng các cơ sở hạ tầng ở Nam Cực để thu hút khách du lịch và tăng cường ý thức về sự hiện diện tại Bắc Kinh ở Nam Cực, đây là một yếu tố quyết định quan trọng đối với công tác quản lý xuyên quốc gia ở Nam Cực.

Yêu cầu ngân sách của Văn phòng Kế hoạch Địa cực Mỹ vào năm 2019 là 534 triệu đô la Mỹ. Theo báo cáo của Văn Vương, từ năm 2001 đến năm 2016, Trung Quốc đã đầu tư 310 triệu nhân dân tệ (khoảng 45 triệu đô la Mỹ) vào kế hoạch Nam Cực của mình.

Vào tháng Giêng năm nay, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng đầu tiên về khu vực Bắc Cực, phác thảo tham vọng của họ về “con đường tơ lụa địa cực”. Ngoài ra, Trung Quốc đã đầu tư hàng trăm tỷ đô la Mỹ vào sáng kiến “Một vành đai Một con đường”. Ngay cả đối với Trung Quốc, đây là những chi phí rất lớn.

Theo giáo sư David Shambaugh tại Đại học George Washington Mỹ, ông Tập Cận Bình đã nắm vững bài học cốt lõi về sự thất bại của Liên bang Xô Viết cũ, đó là phụ thuộc quá nhiều vào sức mạnh quân sự. “Ngoài vũ khí, siêu cường cần công nghệ, sức mạnh kinh tế và sức mạnh mềm để duy trì vị thế”, ông nói.

Dự toán ngân sách mới nhất của Trung Quốc đã tăng chi tiêu cho các dịch vụ ngoại giao. Hiện tại có hơn 500 Viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Shambaugh chỉ ra, mặc dù vậy Trung Quốc vẫn không có đồng minh thực sự, nhiều nhất thì Trung Quốc cũng chỉ có thể là một siêu cường nửa vời. Sức mạnh mềm của ĐCSTQ đã bị suy yếu vì vấn đề quân sự hóa tại Biển Đông, các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại rằng các khoản vay cơ sở hạ tầng của Trung Quốc chỉ là những cái bẫy nợ.

Có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc có thể rơi vào trì trệ. Ví dụ, Trung Quốc sẽ là “siêu cường” đầu tiên bắt đầu già hóa trước khi trở nên giàu có. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, dân số 1,4 tỷ người Trung Quốc có khả năng bắt đầu suy giảm từ năm 2023. Số lượng người Trung Quốc trong độ tuổi lao động hiện đã bắt đầu suy giảm.

Phó giáo sư Trương Kiến (Zhang Jian) tại Đại học Bắc Kinh cho biết: “Chưa từng có trường hợp siêu cường nổi lên khi dân số suy giảm.” Khi đế quốc Anh và Mỹ nổi lên là lúc dân số của họ tăng nhanh.

GDP bình quân đầu người của Trung Quốc vào khoảng 9.000 USD, so với 60.000 USD của Mỹ. Nhưng để đạt được mục tiêu bắt kịp với Mỹ, Trung Quốc phải tránh cái bẫy thu nhập trung bình, và nhiều nền kinh tế mới nổi bị rơi vào bẫy GDP bình quân đầu người khoảng 15.000 USD. Cho đến nay, không có nền kinh tế quy mô lớn nào trên thế giới có thể trỗi dậy thành công trong điều kiện vắng bóng tự do.

Tuyết Mai

Xem thêm: