Trước những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra đòi gỡ bỏ phong tỏa và cách ly cực đoan theo chính sách Zero-COVID, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình không sẵn sàng chấp nhận vắc-xin của phương Tây bất chấp những thách thức mà nước này đang phải đối mặt với hiệu quả phòng ngừa COVID-19 của vắc-xin trong nước, Nikkei đưa tin.

ong Tap Can Binh zero covid covid 19 634594784 1
Ông Tập không sẵn sàng lựa chọn các loại vắc-xin của phương Tây bất chấp hiệu quả phòng dịch COVID-19. (Ảnh minh họa: Plavi011/Shutterstock)

Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ Avril Haines cho biết hôm thứ Bảy (3/11) rằng bất chấp tác động kinh tế và xã hội của virus, ông Tập đã “không sẵn sàng dùng một loại vắc-xin tốt hơn từ phương Tây, và thay vào đó họ đang dựa vào một loại vắc-xin ở Trung Quốc gần như không hiệu quả chống lại Omicron”.

Trong khi các cuộc biểu tình gần đây không có mối đe dọa đối với sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến vị thế cá nhân của ông, bà Avril Haines nhận định.

Mặc dù các trường hợp nhiễm COVID-19 hằng ngày của Trung Quốc gần mức cao nhất mọi thời đại, một số thành phố đang thực hiện các bước để nới lỏng các quy tắc xét nghiệm và cách ly sau khi chính sách “không COVID” (Zero-COVID) của ông Tập gây ra suy thoái kinh tế mạnh mẽ và bất ổn cộng đồng.

Trung Quốc đã không phê duyệt bất kỳ loại vắc xin COVID-19 nước ngoài nào và lựa chọn những loại vắc xin được sản xuất trong nước. Điều mà một số nghiên cứu chỉ ra rằng không hiệu quả đối với các loại biến chủng COVID-19 mới.

Do đó, có nghĩa là việc nới lỏng các biện pháp phòng ngừa virus có thể đi kèm với những rủi ro, theo các chuyên gia. Tuy nhiên, Tòa Bạch Ốc cho biết vào đầu tuần trước rằng Trung Quốc đã không yêu cầu Mỹ cung cấp vắc-xin.

Một quan chức Mỹ nói với Reuters rằng “hiện tại không có tín hiệu nào” rằng Trung Quốc sẽ phê duyệt vắc-xin của phương Tây.

“Có vẻ như khá xa vời khi Trung Quốc sẽ bật đèn xanh cho vắc-xin của phương Tây vào thời điểm này. Đó là vấn đề của niềm tự hào dân tộc, và họ sẽ phải mất mát khá nhiều nếu họ đi theo con đường này”, quan chức này nói.

Chưa có một thống kê thực tế về con số người chết ở Trung Quốc kể từ khi chính quyền Bắc Kinh thi hành chính sách Zero-COVID.

Ông Viên Cung Di, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc chỉ ra rằng chính sách “zero-COVID” phản ánh đặc điểm của những người nắm quyền: Thứ nhất, phi lý; thứ 2 là phi khoa học và thứ 3, tham quyền lực cũng nhu địa vị. Thà để dân phải chịu khổ, cũng kiên quyết không chịu nhận sai. “ĐCSTQ khoe khoang ‘vì nhân dân phục vụ’, nhưng thực chất là nhân dân đang phục vụ những người cầm quyền.”

Ông Di mô tả phong trào “Zero-COVID” và “Đại nhảy vọt” năm xưa giống nhau về bản chất: Các quan chức địa phương và “lãnh đạo cao nhất” đều biết này là một “nhiệm vụ bất khả thi”. Đại nhảy vọt sẽ không tạo ra “mỗi mẫu vạn cân”, việc phong tỏa các thành phố sẽ không thể loại bỏ virus về 0 (Zero-COVID), nhưng họ vẫn phải khua chiêng gõ trống cổ vũ cho phong trào này.

Sau khi ĐCSTQ phát động phong trào “Đại nhảy vọt” vào năm 1958, Trung Quốc đã xảy ra nạn đói kéo dài trong thời gian 4 – 5 năm, nhiều số liệu nghiên cứu chỉ ra hơn 40 triệu người đã thiệt mạng vì kiếp nạn do chính sách duy ý chí này.

Zero-COVID của ông Tập cũng phá hủy nặng nề nền kinh tế của Trung Quốc cũng như các nước có mối quan hệ mật thiết, phụ thuộc vào quốc gia này trước đây.

Đơn cử như Apple, Tập đoàn này đã lựa chọn di dời các chuỗi cung ứng của mình ra khỏi Trung Quốc nhằm tránh những bất ổn chính trị và tác động xấu từ Zero-COVID.

Foxconn – nhà cung cấp linh kiện lớn của Apple (trụ sở tại Đài Loan) vừa cho biết kế hoạch tuyển dụng ở Ấn Độ có thể tăng gấp 4 lần hiện nay. Trong khi đó, các nhà máy ở Trung Quốc bắt đầu ngừng tuyển dụng và sa thải lao động do mất đơn hàng.

Nhất Tín (t/h)