Vào lúc 1 giờ chiều ngày 26/7 đã xảy ra vụ nổ ngay trước Đại sứ quán Mỹ ở quận Triều Dương, Bắc Kinh – Trung Quốc. Qua hình ảnh và video lan truyền trên mạng internet có thể thấy cảnh khói mù mịt nơi xảy ra vụ việc, cảnh sát không cho người qua đường chụp ảnh, đã phong tỏa một phần đoạn đường. Hiện nay, các tuyên bố chính thức của Trung Quốc và Mỹ về vấn đề này hoàn toàn khác nhau, còn những thông tin nhiều người chia sẻ qua mạng internet thì nhanh chóng bị kiểm duyệt xóa bỏ.

đánh bom
Một vụ nổ xảy ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ trên đường An Gia Lầu, quận Triều Dương, Bắc Kinh – Trung Quốc (Ảnh: Internet)

Công bố khác nhau của Trung Quốc và Mỹ

Theo trang Weibo của Công an Bắc Kinh “@Bắc Kinh Bình An” đưa tin, khoảng 1 giờ chiều ngày 26/7 một người đàn ông tại ngã tư đường An Gia Lầu và Thiên Trạch thuộc quận Triều Dương sau khi đốt một thứ cháy bùng lên bị nghi ngờ là loại pháo gì đó, sau sự việc người đàn ông này bị thương cánh tay nhưng không nguy hiểm gì tính mạng.

Giới chức Trung Quốc cho biết người đàn ông này họ Khương, 26 tuổi, người Thông Liêu thuộc Nội Mông Cổ. Vụ việc đã không làm người nào khác bị thương, và cảnh sát đang tiến hành điều tra thêm.

Hình ảnh truyền qua internet cho thấy hiện trường dày đặc khói trắng bốc lên ở địa điểm được cho là đường giao nhau ngay Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Tuy nhiên, thông báo chính thức của phía Trung Quốc không đề cập đến “bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc”.

Ngoài thận trọng khi nhắc đến địa điểm, thông báo của Trung Quốc cũng không đề cập là “vụ nổ” mà chỉ là “vụ bốc cháy”; phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng trả lời rằng sự cố chỉ là “chuyện an toàn của một cá nhân”.

đánh bom
Vụ nổ xảy ra bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh (Ảnh internet).

Nhưng Đại sứ quán và lãnh sự quán Mỹ tại Bắc Kinh thì trả lời rằng “có một người cho nổ một quả đạn”. Theo trang web chính thức của Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ cho thấy, địa chỉ Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh là số 55 đường An Gia Lầu, quận Triều Dương.

danh bom
Một số lượng lớn người dân xếp hàng chờ xin thị thực bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh (Ảnh từ mạng internet)

Trên mạng internet, có người chứng kiến ban đầu đã sớm chụp lại được hình ảnh, thừa nhận là “tiếng nổ làm tai bị ù”.

Đối với các nguyên nhân gây ra vụ việc, những chia sẻ qua mạng internet khá đa dạng, nhiều người chia sẻ là “đánh bom tự sát”; cũng có chia sẻ rằng một người đàn ông đã cố gắng thực hiện vụ tấn công nhưng thất bại, theo đó chỉ ra người đàn ông đã “tự làm một quả bom với ý đồ ném vào đại sứ quán Mỹ, nhưng chưa kịp ném vào thì đã nổ, may mà người này không chết, nhưng bị thương nặng”.

Còn từ đoạn video chia sẻ cho thấy, dường như có thứ gì đó như thi thể người ở nơi xảy ra vụ nổ được che phủ bằng mảnh vải màu xanh. Ngoài ra còn có những người đi ngang qua muốn chụp ảnh lại bằng điện thoại di động của họ, nhưng bị một người mang thường phục quát: “Không được chụp hình, không được chụp hình.”

Nhìn lại những biến cố trong quá khứ

Lật lại hồ sơ các biến cố trong khoảng thời gian 30 năm qua cho thấy, Lãnh sự quán Mỹ tại Bắc Kinh đã nhiều lần xảy ra “sự cố nhạy cảm”.

Năm 1989, sau khi xảy ra sự kiện thảm sát ngày 4/6 tại Thiên An Môn Bắc Kinh, Giáo sư Phương Lịch Chi (Fang Lizhi) và vợ của ông là Lý Thục Hiền (Li Shuxian) bị nhà cầm quyền Trung Quốc truy nã phải đến Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh để xin tị nạn chính trị. Thời điểm đó nhà cầm quyền cho cảnh sát và quân đội bao vây Đại sứ quán, ép phía Đại sứ quán Mỹ giao người nhưng phía Mỹ từ chối, một năm sau Trung – Mỹ đàm phán và vợ chồng Phương Lịch Chi qua Mỹ lưu vong.

Kể từ năm 2008, cứ mỗi giờ là Đại sứ quán Mỹ lại đưa ra công bố qua Twitter về số liệu quan trắc chất lượng không khí PM2.5 tại Bắc Kinh, vì vậy mà nhân dân Trung Quốc hiểu được tuyên bố “chất lượng không khí tốt” của nhà cầm quyền Trung Quốc là không đúng sự thật.

Vào tháng 02/2012, Giám đốc Công an Trùng Khánh vừa giải nhiệm là Vương Lập Quân vì mâu thuẫn với Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai nên bị truy đuổi phải chạy vào Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô để xin tị nạn chính trị; khi đó phía Trung Quốc cũng cho cảnh sát vũ trang bao vây Lãnh sự quán để ép trả người, bầu không khí căng thẳng cho đến khi Vương Lập Quân tự đi lên Bắc Kinh đầu thú.

Trong tháng Tư cùng năm, nhà hoạt động nhân quyền Trần Quang Thành (Chen Guangcheng) khi đó đang bị quản thúc tại gia ở tỉnh Sơn Đông, nhưng nhờ được người bên ngoài hỗ trợ đã chạy thoát được đến Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh tìm kiếm sự bảo vệ.

Huệ Anh

Xem thêm: