Chính quyền Bắc Kinh đã đặt cược để đảm bảo việc tổ chức Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh diễn ra suôn sẻ và đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã bước vào giai đoạn nước rút nhanh chóng. Hiện tại, Tencent WeChat Pay đã hỗ trợ thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Cộng đồng quốc tế lo ngại rằng Bắc Kinh sử dụng nền kinh tế kỹ thuật số để thúc đẩy chủ nghĩa toàn trị.

shutterstock 1833556963
(Nguồn: RHJPhtotoandilustration/Shutterstock).

Đồng Nhân dân tệ Kỹ thuật số được chính quyền Bắc Kinh bắt đầu nghiên cứu, phát triển vào năm 2014 và tung ra trong những năm gần đây. Nó là loại tiền kỹ thuật số hợp pháp do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc phát hành. Nó chủ yếu được sử dụng để lưu thông tiền mặt. Nó có chức năng tương tự như tiền giấy, nhưng nó không yêu cầu kết nối mạng, có thể được lưu trữ trực tiếp trên điện thoại di động, ngoài điện thoại thông minh, các thiết bị khác như thẻ IC, điện thoại phổ thông và cũng có thể được sử dụng.

Nền tảng thanh toán di động của Trung Quốc bao gồm hai ‘gã khổng lồ’  WeChat Pay và Alipay. Tuy nhiên, mô hình này đã bị phá vỡ. Vào ngày 6/1, theo báo cáo của truyền thông ở Trung Quốc Đại Lục, ứng dụng tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số đã được nâng cấp và cập nhật, đồng thời ra mắt ví nhân dân tệ kỹ thuật số WeBank (WeChat Pay). Sau khi thí điểm nhiều giai đoạn có thể kiểm soát trong giai đoạn đầu, Tencent bắt đầu cung cấp cho người dùng các dịch vụ liên quan đến đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số.

Được biết, người Trung Quốc có thể sử dụng ứng dụng hoặc WeChat để thanh toán sau khi mở ví nhân dân tệ kỹ thuật số WeBank (WeChat Pay) bằng tên thật của họ.

Làng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh dự kiến ​​khai mạc vào ngày 27/1, và đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được thí điểm trong các kịch bản liên quan đến Olympic Bắc Kinh. Tencent cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm hơn nữa trải nghiệm thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số để giúp Thế vận hội Mùa đông được tổ chức thuận lợi.

Trước tình hình nhiều nước biểu đạt thái độ tẩy chay ngoại giao, chính quyền Bắc Kinh coi việc đăng cai thành công Thế vận hội Mùa đông là nhiệm vụ chính trị cần thực hiện, một trong số đó là bày ra cho thế giới thấy vị thế dẫn đầu của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số. Gần đây, bản thử nghiệm công khai (beta) của đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số đã được nâng cấp và phiên bản thử nghiệm của ứng dụng đã được đưa lên App Store của Apple và các cửa hàng ứng dụng Android.

Những người trong ngành tin rằng việc ra mắt chính thức ứng dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, ở một mức độ nhất định, nó đã đánh dấu việc khám phá đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã bước vào giai đoạn thử nghiệm toàn diện và ngày càng nhiều kịch bản ứng dụng sẽ được kết nối vào.

Công ty Soochow Securities tin rằng động thái này gửi một tín hiệu mạnh mẽ rằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương Trung Quốc đã bước vào một giai đoạn thí điểm toàn diện mới và Thế vận hội Mùa đông 2022 là một bối cảnh quan trọng để phô diễn.

Báo cáo nghiên cứu của CITIC Construction Investment cho biết, Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh 2022 sẽ thực hiện dự án thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số lớn nhất trong lịch sử, và công việc quảng bá bao gồm ví ứng dụng ngân hàng và ví phần cứng đã được thực hiện suôn sẻ. Với việc triển khai thí điểm tại Thế vận hội Mùa đông, đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số được kỳ vọng sẽ được phổ biến quy mô lớn trong tương lai.

Hồi cuối năm ngoái, ông Mạc Vạn Quý (Mo Wangui), Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, cho biết Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sẽ là lĩnh vực trọng điểm của việc thí điểm đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số, khuyến khích người tiêu dùng trong và ngoài nước sử dụng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số để thanh toán trong ăn, mặc, ở và đi lại.

Tất nhiên, việc quảng bá đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số không chỉ nhắm riêng người tiêu dùng, chính quyền Bắc Kinh còn muốn các công ty phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt là các công ty nước ngoài, chấp nhận phương thức thanh toán mới này.

Tờ Financial Times tại Anh trước đó đưa tin có trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này và cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã gây áp lực buộc một số công ty Mỹ cài đặt một hệ thống cho phép người tiêu dùng thanh toán các sản phẩm của họ bằng đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trước khi Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh khai mạc. Các công ty này bao gồm McDonald’s, Nike và Visa…

Có thể thấy rằng chính quyền Bắc Kinh đang chuẩn bị thúc đẩy đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số tại Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp tới. Động thái này có ý gạt ra rìa hệ thống tài chính toàn cầu do đồng đô la thống trị, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh chiến lược toàn cầu của Bắc Kinh.

Hơn nữa, chính quyền Bắc Kinh có thể đang đẩy nhanh việc sử dụng xuyên biên giới đồng Nhân dân tệ kỹ thuật số trong cộng đồng quốc tế.

Ông Mục Trường Xuân (Mu Changchun), Giám đốc Viện Nghiên cứu Tiền tệ Kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (ngân hàng trung ương), trước đó đã tuyên bố rằng ông và Cục quản lý Tiền tệ Hồng Kông đã bắt đầu triển khai công việc thúc đẩy thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số (e-CNY) giai đoạn hai, chủ yếu là tìm tòi kết nối thông suốt với hệ thống thanh toán nhanh của Hồng Kông, để nâng cao hơn nữa hiệu quả của thanh toán xuyên biên giới.

Nhóm “Kinh tế chính trị Thiên Quân” chỉ ra rằng ĐCSTQ đã cố gắng liên hợp với các nước khác để thách thức địa vị thanh toán quốc tế của đồng đô la Mỹ. Do tình hình kinh tế và chính trị có nhiều xáo động, Hồng Kông sẽ là nơi nguy hiểm nhất trong hệ thống tài chính toàn cầu. Tài chính tất nhiên sẽ là chiến trường chính trong cuộc đo ván giữa Trung Quốc và Mỹ, và Hồng Kông là cứ điểm tiến công đầu tiên.

Mặt khác, kết quả nghiên cứu giữa kỳ của dự án “Cầu nối tiền tệ kỹ thuật số nhiều ngân hàng trung ương” (mBridge) do Viện nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cùng Cơ quan tiền tệ Hồng Kông, Ngân hàng thanh toán quốc tế, Ngân hàng Trung ương Thái Lan và Ngân hàng Trung ương Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đồng thực hiện, cho thấy rằng dự án có tiềm năng tăng tốc độ thanh toán xuyên biên giới và tiết kiệm chi phí.

Ngày 11/12 năm ngoái, ngài Jeremy Fleming, Giám đốc Trụ sở Truyền thông Chính phủ, cơ quan tình báo, mạng và an ninh của Vương quốc Anh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, mặc dù tiền tệ kỹ thuật số mang lại cơ hội rất lớn, nhưng cũng có những mối đe dọa từ sự phát triển của công nghệ mới này. “Nếu được sử dụng không đúng cách, nó sẽ khiến cho các nước thù địch có khả năng giám sát các giao dịch, điều này sẽ mang lại cho họ một loại năng lực… có thể kiểm soát hoạt động của các loại tiền kỹ thuật số này.”

Ông Lý Dậu Đàm (Yeau-tarn Lee), giáo sư tại Viện Phát triển Quốc gia của Đại học Chính trị Đài Loan, nói với Đài Á Châu Tự do rằng nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc thực chất là sự trỗi dậy của chủ nghĩa toàn trị và chuyên chế kỹ thuật số. “ĐCSTQ được coi là sự trỗi dậy của cái gọi là chủ nghĩa toàn trị kỹ thuật số, là thông qua mạng internet, công nghệ nhận dạng khuôn mặt, camera giám sát, để kiểm soát tiêu dùng của nhân dân và mọi sinh hoạt hàng ngày, phát triển kinh tế dựa vào kiểm soát người dân từ trên xuống dưới, coi dân như cái kiến, con ong.”

Tân Hà, Vision Times

Xem thêm: