Vào khoảng 7h tối thứ Ba (20/9), ‘ông hoàng livestream bán hàng’ Lý Giai Kỳ sau hơn 3 tháng “mất tích” mới đây đã xuất hiện trở lại trong phòng livestream Taobao của Tập đoàn Alibaba. Sự xuất hiện trở lại của anh một lần nữa khiến dư luận chú ý.

id13752627 f00814dffaa2d230ac2355e923db8f4c 600x400 1
Anh Lý Gia Kỳ đã trở lại phòng livestream vào ngày 20/9/2022 sau khi “mất tích” hơn 3 tháng. Hình ảnh ngày 3/6/2022, anh Lý Giai Kỳ (trái) cầm một chiếc bánh hình xe tăng ra trong buổi livestream. (Ảnh chụp màn hình video)

Tối thứ Ba (ngày 20/9), anh Lý Giai Kỳ đã xuất hiện trở lại trong buổi livestream bán hàng trên Taobao của mình trong khoảng 2 giờ. Anh đã trưng bày một loạt các mặt hàng trực tuyến bao gồm đồ gia dụng, đồ lót và sản phẩm dưỡng da, và hầu hết các sản phẩm nổi bật đều được bán hết ngay lập tức. Điều đặc biệt là gần như không có thông báo trước cho buổi livestream này.

Trước đó, một ngày trước ngày kỷ niệm sự kiện Lục Tứ (Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989) năm nay, anh Lý Giai Kỳ đã mang ra một chiếc bánh kem trông giống như một chiếc “xe tăng” trong buổi phát sóng trực tiếp. Điều này khiến buổi phát sóng trực tiếp bị gián đoạn ngay lập tức, sau đó anh đã biến mất khỏi tầm mắt của công chúng. Nhiều người đoán rằng điều này có thể liên quan đến việc chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) duy trì sự ổn định trong dịp kỷ niệm Sự kiện Lục Tứ.

CNN đưa tin, ông Rongbin Han, một phó giáo sư tại Đại học Georgia, người chuyên nghiên cứu về chính trị truyền thông và Internet của Trung Quốc, cũng tin rằng Lý Giai Kỳ có thể đã mắc phải một sai lầm “vô ý”. Ông nói thêm rằng cuộc đàn áp Thiên An Môn là một điều cấm kỵ rõ ràng của ĐCSTQ, và thời điểm đưa ra chiếc bánh gato “xe tăng” của anh Lý Gia Kỳ đặc biệt nhạy cảm “chết người”, “nói chung, chúng ta nhận thấy sự không chắc chắn gia tăng xung quanh những điều cấm kỵ chính trị”.

Trong phòng livestream vào tối thứ Ba (20/9), anh Lý Giai Kỳ không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về lý do anh “biến mất” trong 3 tháng qua. Studio của anh cũng không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Ngay sau khi chương trình của anh bị đình chỉ vào ngày 3/6, Cục Quản lý Phát thanh và Truyền hình Quốc gia và Bộ Văn hóa và Du lịch của ĐCSTQ đã cùng ban hành cái gọi là “Quy tắc Ứng xử cho Người dẫn chương trình trực tuyến”, cấm 31 loại “hành vi không đúng” của những người dẫn chương trình trực tuyến, livestream.

Theo các quy định, những người dẫn chương trình, livestream phải “tuân thủ các giá trị quan chính trị và giá trị quan xã hội đúng đắn”, nên tránh nội dung “vi phạm pháp luật và có hại” trên chương trình và không được xuất bản bất kỳ “nội dung nào phá hoại sự lãnh đạo của ĐCSTQ”. Nội quy cho biết nếu vi phạm nghiêm trọng sẽ bị đưa vào “danh sách đen” và bị cấm hoạt động vĩnh viễn.

Chính quyền ĐCSTQ đã cố gắng xóa bỏ mọi ký ức về vụ Thảm sát Thiên An Môn trong tâm khảm của người Trung Quốc, đặc biệt là vào thời điểm kỷ niệm Lục Tứ hàng năm. Khi chính quyền tăng cường duy trì sự ổn định trên Internet, các chủ đề và con số liên quan, và thậm chí cả xe tăng dùng để trấn áp sinh viên năm đó, cũng đều trở thành điều nhạy cảm.

Cô Viya, được gọi là “nữ hoàng livestream”, đã trở thành một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc trong thập kỷ qua, giúp bán được hàng tỷ đô la hàng hóa. Vào tháng Mười Hai, chính quyền đã phạt cô số tiền kỷ lục tương đương 210 triệu USD vì “trốn thuế”. Tài khoản của cô đã bị xóa cùng tháng đó.

Vì sao ĐCSTQ lại để anh Lý Giai Kỳ tiếp tục livestream?

CNN đưa tin rằng cuộc đàn áp của ĐCSTQ đối với ngành công nghiệp livestream đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc.

Theo Reuters, các nhà phân tích cho biết sự biến mất của anh Lý Giai Kỳ và cô Viya khỏi màn hình đã ảnh hưởng đến doanh số bán hàng trực tuyến.

Ông Jacob Cooke, giám đốc điều hành của công ty tư vấn thương mại điện tử WPIC Marketing + Technologies, cho biết việc anh Lý Giai Kỳ quay trở lại livestream sẽ rất tốt cho các lễ hội mua sắm lớn sắp tới, chẳng hạn như Ngày Độc thân (11/11).

Nhà bình luận về vấn đề thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) nói với Epoch Times: “Theo tôi, việc Lý Gia Kỳ xuất hiện trở lại để livestream giống như một hành động đã định trước do ĐCSTQ sắp xếp. Sau khi livestream đã không cẩn thận đụng phải vấn đề Lục Tứ, Lý Giai Kỳ từng có thời điểm rời khỏi phòng livestream. Vấn đề là kinh tế Trung Quốc hiện đang suy thoái và các ngành nghề khác nhau đều ảm đạm, ĐCSTQ đang cần những người nổi tiếng trên internet để thúc đẩy tiêu dùng. Đây là lý do Lý Giai Kỳ trở lại livestream sau 109 ngày vắng bóng. Với sự trở lại của Lý, anh cũng sẽ trở thành động lực giúp doanh thu của ngành làm đẹp Đại Lục vượt kỳ vọng trong nửa cuối năm nay.”

Tờ South China Morning Post (SCMP) cho biết, chương trình phát sóng trực tiếp của anh Lý Giai Kỳ bắt đầu vào khoảng 7h tối thứ Ba và số lượng người xem đã tăng vọt lên khoảng 25 triệu người vào lúc 8h tối, và đến 9h tối số lượng người xem đã vượt quá 50 triệu người.

Tuy nhiên, ông Lý Lâm Nhất tin rằng sự trở lại của anh Lý Giai Kỳ sẽ có tác động hạn chế đến việc thúc đẩy nền kinh tế nói chung của Trung Quốc.

“Điều thú vị là cũng có 4 động thái chính về kế hoạch trở lại của Lý Gia Kỳ được lan truyền trên Internet. Trong đó, thời điểm đầu tiên là từ ngày 20/9, anh ta sẽ phát biểu trên Weibo, sau đó xuất hiện trong lời kêu gọi ‘khôi phục công việc và khôi phục sản xuất’ của ĐCSTQ. Vì vậy, nhiều khả năng Lý sẽ ‘diễn kịch’ theo kịch bản cụ thể của ĐCSTQ. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc hiện nay sẽ không được thúc đẩy bởi một hoặc hai người livestream nổi tiếng hàng đầu bán thứ gì đó, vì vậy sự trở lại của Lý có thể mang lại một số lợi ích kinh tế, nhưng nó không hẳn giúp ích quá lớn cho tổng thể nền kinh tế Trung Quốc.”

“Chính sách zero COVID” khiến người dân thắt chặt tiêu dùng

Kể từ đầu năm nay, ĐCSTQ đã thực hiện chính sách “zero COVID” nghiêm ngặt trên quy mô lớn. Nhiều khu vực đô thị trên khắp cả nước đã thực hiện phong tỏa, thậm chí một số khu vực còn bị phong tỏa nhiều lần, khiến nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề. Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý thứ hai, đây là biểu hiện tồi tệ nhất kể từ đầu năm 2020. Đồng thời, chi tiêu của người tiêu dùng yếu và tỷ lệ thất nghiệp cao.

Chính sách “zero COVID” đã mang lại sự bất ổn về vấn đề việc làm, và tầng lớp làm công ăn lương cũng bắt đầu tập trung vào việc tiết kiệm và thắt chặt tiêu dùng. Việc anh Lý Giai Kỳ quay trở lại livestream có thể thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu không lo lắng gì ở mức độ nào thì vẫn còn phải quan sát thêm.

Hy Lạc (Xi Le) (27 tuổi, đến từ thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông) cho biết, theo một báo cáo trên tờ SCMP vào tháng Sáu, “Tôi đã bắt đầu kiềm chế ham muốn chi tiêu của mình, ngoại trừ những giao dịch thực sự cần thiết hoặc không thể bỏ qua.”

“Tôi muốn bắt đầu tiết kiệm tiền. Dưới thời kỳ dịch bệnh, không dễ tìm một công việc mới”. Hy Lạc, người làm việc trong một công ty thương mại quốc tế, nói với SCMP.

“Do đại dịch (COVID-19), tôi kiếm được ít tiền hơn trong công việc hiện tại, (thậm chí) đầy rẫy sự không chắc chắn. Nếu tôi có một số tiền tiết kiệm, ngay cả khi không nhiều, nhưng tôi vẫn sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái hơn,” cô ấy nói.

Song Chuan, một người làm trong công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Bắc Kinh cũng cắt giảm chi tiêu cho lễ hội mua sắm trực tuyến “618” (ngày 18/6) năm nay. “Do đại dịch (COVID-19), thu nhập của tôi thấp hơn và tôi chỉ mua nhu yếu phẩm trong năm nay”, Song Chuan nói với SCMP.

Cô nói, “Thói quen tiêu dùng của tôi thực sự đã thay đổi. Trước khi có dịch bệnh, tôi mua những thứ mình thích, còn bây giờ tôi chỉ mua những thứ mình cần.”

Ngoài việc ảnh hưởng đến ngân sách tiêu dùng thông thường của mọi người, “chính sách zero COVID” còn ảnh hưởng đến ngân sách của mọi người đối với các khoản chi tiêu lớn hơn.

Wall Street Journal nói rằng 4 năm trước, khi Sandy Liu tốt nghiệp một trường đại học ưu tú ở Bắc Kinh, cô đã tìm được một công việc kỹ sư tại một công ty công nghệ. Kế hoạch của cô trong vài năm tới là kết hôn với bạn trai và mua một căn hộ chung cư ở Bắc Kinh.

Mùa hè năm nay, cô ấy đã bị sa thải. Kế hoạch kết hôn của cô hiện đang tạm gác lại. “Tôi không thể tưởng tượng được việc kết hôn và bắt đầu một gia đình mà không có lương.” cô Liu nói.