Hôm thứ Tư (7/9), nhà lập pháp hàng đầu của Trung Quốc Lật Chiến Thư đã đến Vladivostok của Nga, trở thành quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc đặt chân ra nước ngoài kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu.

Embed from Getty Images

Ông Lật Chiến Thư đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Diễn đàn Kinh tế Phương Đông. Sự kiện này được tổ chức hàng năm ở thành phố Vladivostok nằm ở vùng Viễn Đông của Nga nhằm khuyến khích đầu tư nước ngoài vào khu vực này.

Đại dịch virus corona đã đặt giới lãnh đạo Bắc Kinh vào tình trạng báo động cao trong gần ba năm qua. Trong số 25 quan chức Bộ Chính trị, chỉ có nhà ngoại giao hàng đầu Dương Khiết Trì đã công du nước ngoài trong thời gian này.

Chuyến đi của ông Lật diễn ra trong bối cảnh phương Tây đang lo ngại về việc Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau và hình thành một liên minh chống phương Tây về nhiều vấn để, chẳng hạn như cuộc chiến của Moscow ở Ukraine, Đài Loan, Tân Cương và các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt lên hai quốc gia này.

Theo dòng video chính thức, trong cuộc gặp, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh với ông Lật rằng ông coi trọng sự đóng góp của các nhà lãnh đạo hai quốc gia trong việc thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương và cám ơn Trung Quốc đã ủng hộ Nga.

Trong khi đó, ông Lật cám ông Tổng thống Putin về thông điệp chia buồn đối với trận động đất 6,8 độ Richter xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc hôm thứ Hai (5/9) khiến ít nhất 74 người thiệt mạng. Ông Lật còn ca ngợi, sự hợp tác giữa Trung Quốc và Nga đã mạnh hơn dưới “sự khôn ngoan chiến lược” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Nga Putin.

Trước khi buổi phát video trực tiếp kết thúc, ông Lật kết luận: “Sự tin cậy chính trị, sự phối hợp chiến lược và hợp tác thực tế giữa hai nước đã đạt đến tầm cao mới.”

Trước đó, trong bài biểu tại phiên họp toàn thể của diễn đàn, ông Lật đã nhắc lại sự phản đối của Bắc Kinh đối với các lệnh trừng phạt đơn phương và việc cắt đứt nguồn cung ứng của phương Tây đối với Nga. Tuy nhiên ông cho biết, Trung Quốc và Nga sẽ không thành lập một liên minh.

Ông ca ngợi nhà lãnh đạo Nga: “Trung Quốc rất vui khi thấy rằng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nền kinh tế Nga đã không sụp đổ dưới các lệnh trừng phạt hà khắc của Hoa Kỳ và phương Tây. Thay vào đó, nền kinh tế Nga đã ổn định và cho thấy khả năng phục hồi trong một thời gian khá ngắn.”

Ông nhận định, Nga rất giàu năng lượng và tài nguyên, và hợp tác năng lượng giữa hai nước sẽ “lâu dài và đầy tiềm năng.”

Một số chính trị gia và nhà tài phiệt Nga đã bị phương Tây trừng phạt do cuộc xâm lược Ukraine của Nga và do can thiệp vào các cuộc bầu cử nước ngoài. Phương Tây cũng trừng phạt Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền, bằng cách hạn chế các công ty Trung Quốc tiếp cận và giao dịch với các công ty, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác của phương Tây.

Ngoài Nga, ông Lật sẽ đến thăm ba quốc gia khác thân thiện với Trung Quốc là Mông Cổ, Nepal và Hàn Quốc trong chuyến công du kéo dài 11 ngày.

Theo Phó giáo sư Alfred Wu của Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, chuyến công du của ông Lật sẽ là một điểm nhấn tích cực trước khi ông ấy kết thúc sự nghiệp chính trị.

Giáo sư Wu nhận định: “Chuyến đi này [của ông Lật] cũng sẽ không bị các phương tiện truyền thông quốc tế thách thức.” Ông giải thích, ví dụ, một chuyến thăm tới một quốc gia châu Âu sẽ bị chỉ trích bởi vì mối quan hệ của Trung Quốc với châu Âu đang căng thẳng do vấn đề Đài Loan và vấn đề nhân quyền ở Tân Cương.

Ông Lật dự kiến sẽ nghỉ hưu sau đại hội đảng của ĐCSTQ vào tháng 10 năm nay. Tiếp theo, ông sẽ từ chức chủ tịch cơ quan lập pháp (Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc) vào tháng 3 năm tới.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc đã tham vào các cuộc tập trận chiến tranh Vostok 2022 kéo dài một tuần do Nga dẫn đầu, kết thúc vào thứ Tư (7/9) trong bối cảnh cuộc chiến của Moscow ở Ukraine vẫn đang tiếp tục diễn ra. Trung Quốc đã không lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, thay vào đó chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Truyền thông nhà nước Trung Quốc phần lớp là lặp lại luận điệu của Nga về cuộc chiến. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã hỗ trợ quân sự cho Nga.

Tại diễn đàn ở Vladivostok hôm thứ Ba (6/9), Gazprom, gã khổng lồ khí đốt tự nhiên do nhà nước Nga kiểm soát, đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc cho phép Trung Quốc thanh toán khí đốt do Nga cung cấp bằng đồng rúp và đồng nhân dân tệ. Sau đó phát biểu tại diễn đàn, Tổng thống Putin tiết lộ, hai loại tiền tệ sẽ được sử dụng theo tỷ lệ như nhau.

Thương mại giữa hai nước hiện chủ yếu được tính bằng đô la Mỹ và euro của châu Âu.

Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Gazprom trì hoãn việc mở lại đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1 sang châu Âu, với lý do rò rỉ dầu trong một tuabin. Gazprom không cho biết khi nào dịch vụ này sẽ hoạt động trở lại.

Hôm thứ Sáu tuần trước (2/9), các bộ trưởng tài chính của nhóm G7, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ, đã đồng ý hạn chế giá dầu của Nga.

Giáo sư Wu nhận xét, mối quan hệ của Trung Quốc với Nga đang gặp nhiều thách thức, mặc dù có một mặt trận đoàn kết rõ ràng giữa hai nước.

Ông giải thích: “Mối quan hệ [của Trung Quốc] với Nga rất đáng thất vọng. Tôi nghĩ họ có một mối quan hệ mang tính mua bán rất nhiều. [Tuy nhiên] Họ có một kẻ thù chung: Hoa Kỳ.”

Hôm 7/9, phát biểu với các hãng truyền thông Nga, đại sứ sắp mãn nhiệm của Nga tại Trung Quốc Andrey Denisov lưu ý, việc yêu cầu Bắc Kinh đứng về phía Moscow sẽ gây cho “các đối tác Trung Quốc một sự khó chịu nhất định”.

Đại sứ Denisov cũng thông báo, ông Tập sẽ gặp Tổng thống Putin tại Samarkand, Uzbekistan bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải diễn ra từ ngày 15/9 đến ngày 16/9. Khối an ninh khu vực do Trung Quốc lãnh đạo gồm 8 quốc gia thành viên, 4 quan sát viên và 5 “đối tác đối thoại” ở khắp châu Á.

Ông Wan Qingsong, phó giáo sư nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Nga thuộc Đại học Sư phạm Hoa Đông ở Thượng Hải, cho rằng: “Đây là một phần trong một chuỗi hoạt động nhằm tăng cường quan hệ với Nga mà Trung Quốc tổ chức. Đó là một vị thế ngoại giao quan trọng.”

Theo Giáo sư Wan, chủ tịch Quốc hội Trung Quốc đang sử dụng diễn đàn Vladivostok để bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Moscow do cuộc chiến ở Ukraine. Ông dự đoán, cuộc gặp giữa ông Tập và Tổng thống Putin vào tuần tới có thể là cơ hội để thảo luận về kế hoạch chấm dứt chiến tranh.

Giáo sư Wan còn nhấn mạnh, Trung Quốc cần Nga sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi hồi tháng 8 và Bắc Kinh đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự chưa từng có gần đảo quốc tự trị này để trả đũa.

Ông nhận xét: “Cuộc khủng hoảng Eo biển Đài Loan đã lớn đến mức làm tổn hại quan điểm trung lập tích cực của Trung Quốc đối với cuộc xung đột Nga – Ukraine. Điều này cho thấy, các vấn đề an ninh ở Ukraine và Đài Loan có mối quan hệ với nhau.”

Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư dự kiến sẽ đến Moscow để gặp các nhà lãnh đạo Nga ở hai viện lập pháp: Chủ tịch Hội đồng Liên bang Valentina Matviyenko và Chủ tịch Duma Quốc gia Vyacheslav Volodin.

Gia Huy (Theo SCMP)