Vào ngày 10/12, Ngày Quốc tế Nhân quyền, Tòa án khu vực của Đặc khu Hành chính Hồng Kông đã kết án ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai) 5 năm 9 tháng tù vì tội lừa đảo, phạt 2 triệu đô la Hồng Kông và tước quyền giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị trong 8 năm.

id13872762 DSC 1582 01 600x400 1
Hình ảnh ngày 9/2/2021, vụ kháng cáo tại ngoại của người sáng lập Next Media Lê Trí Anh đã được Tòa chung thẩm tuyên bố, xe tù áp giải ông đến tòa án. (Ảnh: Song Bilong / Epoch Times)

Chủ tọa phiên tòa Stanley Chan cho biết trong phiên tuyên án vào thứ Bảy (ngày 10/12) rằng ông Lê Trí Anh không hối hận về những vi này.

Cảnh sát An ninh Quốc gia Hồng Kông đã truy tố ông Lê Trí Anh tội lừa đảo vào tháng 12/2020, cáo buộc Dico Consultants Limited, một công ty tư vấn do ông Lê Trí Anh đứng tên, hoạt động trong tòa nhà của Next Media và Apple Daily, cấu thành tội lừa đảo đối với chủ sở hữu đất là Công ty Công viên Khoa học và Công nghệ Hồng Kông.

Ông Lê Trí Anh bị cáo buộc cho thuê lại một số phòng làm việc cho một công ty cũng do ông kiểm soát trong khoảng thời gian từ năm 2016 đến 2020. Ngoài ra, ông Lê Trí Anh còn bị cáo buộc cho phép cùng một công ty sử dụng phòng làm việc của kênh truyền thông này (Apple Daily) từ năm 1998 đến năm 2015, điều này bị nghi ngờ là vi phạm hợp đồng thuê đất. Ông bị kết tội lừa đảo vào ngày 25/10 năm nay.

Tòa án cho biết những hành động này đã vi phạm hợp đồng thuê với Tập đoàn Công viên Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, và ông Lê Trí Anh đã che giấu sự thật rằng công ty đã chiếm dụng không gian của tòa nhà.

Bị cáo khác trong vụ cáo buộc lừa đảo này là ông Hoàng Vĩ Cường (Wong Wai-keung), cựu giám đốc hành chính của Next Media Group, ông bị kết án 21 tháng tù giam.

Một bị cáo khác là ông Chu Đạt Quyền (Royston Chow), giám đốc điều hành và sau đó là giám đốc tài chính của Next Media, đã được cơ quan công tố chấp thuận trở thành nhân chứng được ân xá và sẽ không bị truy tố vào thời điểm hiện tại. Cơ quan công tố trước đó đã tuyên bố trước tòa rằng ông Chu Đạt Quyền sẽ làm chứng trong vụ án “thông đồng với thế lực nước ngoài”.

Ông Lê Trí Anh, người vừa trải qua sinh nhật lần thứ 75 trong tù vào thứ Năm (ngày 8/12), đã bị kết án tổng cộng 20 tháng tù cho 4 vụ tụ tập trái phép, và một số vụ án đang chờ kháng cáo.

Trước khi tuyên án vụ lừa đảo, một số tổ chức nhân quyền bày tỏ lo ngại.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Washington cho biết: “Làm báo không phải là phạm tội. Chính quyền Hồng Kông nên trả tự do cho ông Lê Trí Anh ngay lập tức và vô điều kiện”.

Bà Vương Tùng Liên (Maya Wang), một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Phòng Trung Quốc của HRW, đã bình luận sau khi tòa tuyên án đối với ông Lê Trí Anh: “Vụ án hình sự chống lại ông Lê Trí Anh do Bắc Kinh dàn dựng, là sự trả thù đối với một người ủng hộ dân chủ và tự do truyền thông hàng đầu ở Hồng Kông.”

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới có trụ sở tại Pháp cũng đã kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho ông Lê Trí Anh vào đầu tháng này.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 10 kêu gọi Chính phủ Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc) “khôi phục sự tôn trọng quyền tự do xuất bản ở Hồng Kông.”

Nhóm pháp lý của ông Lê Trí Anh trước đó đã yêu cầu Liên Hợp Quốc điều tra việc ông Lê Trí Anh bị bỏ tù và bị cáo buộc nhiều tội danh.

Ông Lê Trí Anh bị bắt vào tháng 8/2020 vì tội “thông đồng với nước ngoài hoặc thế lực nước ngoài gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia” và tội lừa đảo, nhưng được tại ngoại chờ điều tra; vào ngày 2/12 cùng năm, ông lại bị bắt khi đến đồn cảnh sát trình diện và bị từ chối bảo lãnh, tính đến ngày 13 tháng này, ông đã bị giam giữ được 2 năm.

Vụ án “thông đồng với thế lực nước ngoài” mà ông bị buộc tội, ban đầu dự kiến ​​​​bắt đầu xét xử vào ngày 1/12, vì ông được phép thuê ông Tim Owen, Luật sư của Nữ hoàng Anh, bào chữa, nên Trưởng đặc khu Hồng Kông Lý Gia Siêu đã đệ trình Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Trung Quốc giải thích “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông“, cuối cùng tòa án cấp cao đã quyết định hoãn ngày xét xử sang ngày 13 tháng này.

Trước đó báo chí Hồng Kông đưa tin, vào ngày 25/11, Tòa án Chung thẩm đã tổ chức phiên điều trần về việc Bộ Tư pháp phản đối đơn xin thuê luật sư người Anh của ông Lê Trí Anh. Luật sư Viên Quốc Cường đại diện Bộ Tư pháp nói tại tòa rằng, “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” có bối cảnh độc đáo đặc biệt, ông Tim Owen không có kiến ​​thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm kiện tụng liên quan đến “Luật An ninh Quốc gia của khu vực Hồng Kông” nên không thể đóng góp đáng kể vào vụ án. Vụ án nên do người hiểu rõ tình hình an ninh quốc gia của Trung Quốc, với tư cách là luật sư xử lý vụ án Luật An ninh Quốc gia.

Về vấn đề này, ông Bành Diệu Hồng (Robert Pang), luật sư kỳ cựu đại diện cho ông Lê Trí Anh nói rằng vụ án này không liên quan đến bí mật nhà nước. Nếu Bộ Tư pháp từ chối ông Tim Owen tham gia phiên tòa này với lý do “tránh rò rỉ bí mật nhà nước”, thì đó là một “sự sỉ nhục”.

Ông Bành cũng chỉ ra rằng Hồng Kông là “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng Bộ Tư pháp chỉ cân nhắc đến “một chế độ”. Vụ án này liên quan đến quyền tự do ngôn luận, và Luật An ninh Quốc gia cũng bảo vệ các quyền tự do được quy định trong các công ước quốc tế. Luật sư người Anh Tim Owen đã quen thuộc với “Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị” và có nhiều kinh nghiệm trong các lĩnh vực này. Ông tin rằng ông Tim Owen có thể hỗ trợ tòa án.

Công ty truyền thông của ông Lê Trí Anh,  Next Media, đã từng xuất bản tờ báo ủng hộ dân chủ Apple Daily. Tuy nhiên, vào năm ngoái, Apple Daily đã buộc phải đình chỉ xuất bản sau vụ bắt giữ các giám đốc điều hành, biên tập viên và phóng viên của tờ báo này.

Trí Đạt (t/h)

VIDEO: Đề phòng “Thế lực nước ngoài can thiệp”? Người dân Bắc Kinh giận dữ phản bác