Hôm 28/5, Hiệp hội Nghệ sĩ Thị giác (Visual Artist Guild), một tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ, đã tiến hành trao các giải thưởng nhân quyền cho nhiều cá nhân, nhân dịp kỷ niệm 34 năm vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989.

p3335791a583990424
Nhiều năm nay, Visual Artist Guild (Hội Nghệ sĩ Thị giác) vẫn duy trì hoạt động trao giải vào dịp kỷ niệm Thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989. (Ảnh: Visual Artist Guild cung cấp cho Đài Á châu Tự do)

“Giải Tự do Ngôn luận” được trao cho ông Bành Lập Phát, người giăng biểu ngữ phản đối ông Tập Cận Bình trên cầu Tứ Thông ở Bắc Kinh, hiện đang bị chính quyền Trung Quốc giam giữ; người sáng lập Next Media Hồng Kông, ông Jimmy Lai, đang bị chính quyền Hồng Kông cầm tù; ông Palden Gyatso, một nhà sư Tây Tạng bị giam giữ đã 33 năm và hiện đã qua đời; và sinh viên Vương Hàm của Đại học Nam California, người đã tham gia Phong trào Giấy Trắng.

“Giải thưởng Tinh thần Thiên An Môn” được trao cho bà Đàm Cạnh Thường (Sharon Kang Hom), cựu giám đốc điều hành “Nhân quyền tại Trung Quốc”, một tổ chức nhân quyền phi chính phủ quốc tế; Luật sư nhân quyền người Canada David Matas, người đã điều tra nạn thu hoạch nội tạng sống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ); cố cựu nghị sĩ Canada David Kilgour; phóng viên ảnh người Mỹ Catherine Bauknight, người đã ghi lại cuộc đàn áp Thiên An Môn; và cố Tiến sĩ Frank De Balogh của Hội đồng Lãnh đạo Sắc tộc California.

Trong bài phát biểu của mình, bà Bauknight nhắc lại hiện trường vụ thảm sát ở Thiên An Môn Bắc Kinh vào đêm ngày 3/6 cách đây 34 năm: “45 phút sau khi tôi đến Quảng trường Thiên An Môn, binh lính bắt đầu bắn chết những người dân vô tội đang biểu tình ôn hòa. Hàng chục ngàn người đã bị bắt. Họ dẫn tôi đi xuyên qua một lối đi giữa đám đông, và giúp tôi quay phim vụ việc đang xảy ra.”

Bà Đàm Cạnh Thường (Sharon Kang Hom) đã giới thiệu tại sự kiện rằng tổ chức nhân quyền Trung Quốc được thành lập năm 1989 “đã hỗ trợ hàng trăm cá nhân và các nhóm dũng cảm, như nhóm ‘Những bà mẹ Thiên An Môn‘, nhằm vạch trần những vi phạm nhân quyền đang diễn ra và ngày càng lan rộng, đồng thời yêu cầu Chính phủ (Trung Quốc) chịu trách nhiệm giải trình và tôn trọng phẩm giá con người. Đây là trọng tâm và là toàn bộ mục đích của nhân quyền.”

Anh Lê Sùng Ân (Sebastien Lai), con trai của ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), đã thay mặt cha mình tham dự lễ trao giải. Anh cho biết vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn là một thời khắc quan trọng trong cuộc đời của ông Lê Trí Anh. Ông đã quyết định thành lập tờ báo Apple Daily và bắt đầu phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

“Vì vậy, tôi tin rằng ông ấy sẽ rất cảm kích trước giải thưởng này. Tôi thỉnh cầu các bạn hãy tiếp tục truyền bá thông tin về những gì đang xảy ra với cha tôi và những gì đang xảy ra ở Hồng Kông,” anh nói.

Apple Daily, do ông Lê Trí Anh (75 tuổi) sáng lập, đã bị cảnh sát đột kích, và ngừng hoạt động vào năm 2021. Ông Lê Trí Anh là bị cáo đầu tiên bị buộc tội “thông đồng với thế lực nước ngoài” theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, và có thể bị kết án tù chung thân.

Anh Vương Hàm cũng thay mặt người biểu tình trên cầu Tứ Thông ở bắc Kinh, ông Bành Lập Phát, và những người tham gia Phong trào Giấy trắng nhận giải thưởng. Anh Vương Hàm nói rằng những người chiến thắng, dù họ là những người bất đồng chính kiến ​​​​từ Trung Quốc, hay người phương Tây, người Hồng Kông và người Tây Tạng, đều sẽ sát cánh bên nhau.

“Tôi là thành viên của Phong trào Giấy trắng. Giải thưởng này không chỉ được trao cho tôi, mà còn được trao cho tất cả mọi người trong Phong trào Giấy trắng. Tôi chỉ là một phần của Phong trào Giấy trắng”, anh Vương Hàm nói.

Đã 34 năm trôi qua kể từ vụ thảm sát, người phát ngôn của tổ chức “Những bà mẹ Thiên An Môn” Vưu Duy Khiết (You Weijie) nói với Đài Á châu Tự do rằng trong những năm qua, hơn 70 người thân của các nạn nhân đã chết, 7 người trong số họ đã qua đời trong 1 năm qua.

Dù nhà chức trách ra sức xóa bỏ giai đoạn lịch sử này, nhưng 3 yêu cầu lớn của gia đình các nạn nhân là “sự thật, bồi thường và trách nhiệm” vẫn không hề thay đổi. Ngày 4/6 năm nay, bà Vưu Duy Khiết và những người thân khác của các nạn nhân sẽ đến Nghĩa trang Vạn An ở ngoại ô Bắc Kinh để tổ chức lễ tưởng niệm tập thể như năm ngoái.

Bà Lưu Nhã Nhã, người đứng đầu Hiệp hội Nghệ sĩ Thị giác có trụ sở tại Los Angeles, đã giải thích lý do vì sao Hiệp hội này tổ chức lễ trao giải vào đêm trước ngày 4/6 hàng năm.

“Chúng tôi thường được hỏi tại sao cứ bám víu vào ký ức về những chuyện đã xảy ra từ rất lâu rồi? Rốt cuộc, đã 34 năm trôi qua và Trung Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, kể từ đó, Trung Quốc có thay đổi không?

Như chúng ta có thể thấy từ tình hình năm nay rằng khát vọng nhân quyền và dân chủ không hề giảm đi, mặc dù sự đàn áp ở Trung Quốc ngày càng tồi tệ hơn.”

Việc tổ chức lễ trao giải này là để mong mọi người không quên lịch sử và có dũng khí đi tìm sự thật.