Vào ngày 6/4, Tổng thư ký Hành chính Lý Gia Siêu (Lee Ka-chiu), tuyên bố từ chức để tranh cử chức Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông nhiệm kỳ tiếp theo. 

lý gia siêu
Tổng thư ký Hành chính Hồng Kông Lý Gia Siêu. (Ảnh: inmediahk / Flickr)

Chiều ngày 6/4, ông Lý Gia Siêu đã tổ chức một cuộc họp báo để thông báo rằng ông đã từ chức Tổng thư ký Hành chính. Nếu được chính quyền Trung ương (Bắc Kinh) chấp thuận cho từ chức, ông sẽ chuẩn bị tham gia vào cuộc bầu cử Trưởng đặc khu hành chính nhiệm kỳ tiếp theo. Theo luật, các quan chức có trách nhiệm phải từ chức thì mới đủ điều kiện tham gia tranh cử. Cuộc họp báo không có phần hỏi đáp, và bài phát biểu bằng cả tiếng Trung và tiếng Anh dài khoảng 5 phút. Khi một phóng viên hô lớn để hỏi ông liệu có phải là ứng cử viên duy nhất nhận được “lời chúc phúc” của Bắc Kinh hay không, ông đã bỏ đi mà không hồi đáp. Nếu được chọn, ông Lý Gia Siêu sẽ thành ‘quan võ’ đầu tiên giữ chức vụ trưởng đặc khu hành chính.

Sau khi ĐCSTQ thay đổi hệ thống bầu cử ở Hồng Kông, tình hình bầu cử Trưởng đặc khu hiện nay cũng trở lên mập mờ. Sau khi cuộc bầu cử trưởng đặc khu bị hoãn lại từ tháng Ba đến tháng Năm do dịch bệnh, các quan chức cấp cao của chính quyền Hồng Kông đã rất bí mật về việc có tham gia tranh cử hay không, ngoại trừ một số người ngoài giới chính trị bày tỏ ý định tranh cử của họ. Cho đến tuần này, Trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) mới thông báo rằng bà sẽ không tái tranh cử với lý do rằng đã “đã đến lúc quay trở về bên gia đình”, và ông Lý Gia Siêu vẫn từ chối trả lời về tin đồn tranh cử cho đến khi thông tin ông từ chức được công bố.

Trưởng Đặc khu Hồng Kông do Ủy ban bầu cử bầu ra. Sau khi ĐCSTQ thay đổi hệ thống bầu cử của Hồng Kông vào năm ngoái, ĐCSTQ đã hoàn toàn thao túng gần 1.500 ủy viên bầu cử, không có ủy viên nào trong số đó là người ủng hộ dân chủ. Các ứng cử viên cần có được không ít hơn 188 ủy viên đề cử để đủ điều kiện vào cổng.

Vào sáng ngày 6/4, Văn phòng Liên lạc Trung ương của ĐCSTQ tại Hồng Kông đã họp với ủy ban bầu cử, và có thông tin cho rằng ông Lý Gia Siêu là ứng cử viên duy nhất trong cuộc họp. Ủy ban bầu cử và các nhân vật thân Cộng khác đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với ông Lý.

Ông Hà Lương Mậu (Victor Ho), một người làm truyền thông kỳ cựu, nói trên chương trình “Trân ngôn Chân ngữ” của Epoch Times rằng cách trưởng đặc khu đương nhiệm tuyên bố rút lui khiến mọi người cảm thấy “miễn cưỡng và buộc phải ra đi“. Các ứng cử viên tham gia tranh cử dường như cũng phải dè dặt, không có phong thái có thể ‘hiệu triệu quần hùng’ của ‘vương giả’, mà chỉ đơn giản là kế nhiệm theo quy định mà thôi. Ông Hà phân tích, từ cách ‘vào sân’ của vị trưởng đặc khu này, có thể thấy vị trưởng đặc khu tiếp theo sẽ là người yếu nhất trong số các trưởng đặc khu tiền nhiệm.

Ông Hà Lương Mậu cho rằng ông Lý Gia Siêu sẽ có 3 điểm yếu nếu giữ chức vụ trưởng đặc khu hành chính. Thứ nhất là trình độ học vấn thấp; thứ hai là thiếu kinh nghiệm trong các vấn đề chính phủ. Vì ông ấy xuất thân trong lực lượng cảnh sát “chuyên môn của ông ấy là TG (đạn hơi cay) và vòi rồng”, nhưng chưa đủ quen thuộc về huyết mạch quan trường Hồng Kông và cơ cấu chính phủ của Hồng Kông; thứ ba là ông ấy có quyền tự chủ thấp nhất dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh. Ông ấy sẽ là người điều hành, không phải là người ra quyết định. Dự đoán cơ quan cầm quyền thực tế chính là Văn phòng Liên lạc Trung ương tại Hồng Kông, Văn phòng Vấn đề Hồng Kông và Macao, Văn phòng An ninh Quốc gia tại Hồng Kông.

Ông Lý Gia Siêu năm nay 64 tuổi, là Tổng Thư ký Hành chính đầu tiên xuất thân từ lực lượng cảnh sát. Ông đã bị ngoại giới nghi ngờ vì không có trình độ đại học và thiếu kinh nghiệm lãnh đạo trong chính phủ. Ông gia nhập lực lượng cảnh sát khi tốt nghiệp trung học năm 1977 và được thăng chức Phó Giám đốc cảnh sát Hồng Kông năm 2010. Năm 2012, ông đảm nhiệm chức Phó Cục trưởng Cục Bảo an, năm 2017 được thăng chức làm Cục trưởng Cục Bảo an. Giữa năm ngoái, ông được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Hành chính Hồng Kông.

Nhiều chính sách được ông Lý Gia Siêu thực hiện trong nhiệm kỳ của ông tại Cục Bảo an đã bị chỉ trích là phá hoại nhân quyền, bao gồm cả “chính sách 1 địa điểm 2 lần kiểm tra” ở đường sắt cao tốc vào năm 2017, cho phép các nhân viên thực thi pháp luật Trung Quốc Đại Lục thực thi luật pháp tại cửa khẩu ga Tây Cửu Long, Hồng Kông. Vào năm 2018, viện dẫn “Điều lệ Tổ chức đoàn thể xã hội” để cấm các Đảng dân tộc Hồng Kông; năm 2019, Hồng Kông hiệu đính “Điều lệ tội phạm bỏ trốn” dẫn đến bùng nổ phong trào phản đối trên quy mô lớn, ông cũng là một thành viên quan trọng chịu trách nhiệm đàn áp phong trào phản đối này. Sau khi ĐCSTQ thực thi “Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông” vào năm 2020, ông giữ chức vụ thành viên Ủy ban An ninh Quốc gia. Cùng với bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, ông Lý Gia Siêu cũng đã bị Mỹ trừng phạt vì chấp hành luật an ninh quốc gia do ĐCSTQ áp đặt tại Hồng Kông.

Ông Lý Gia Siêu cũng đã cố gắng hết sức để đàn áp các phương tiện truyền thông theo lệnh của ĐCSTQ, bao gồm cuộc đột kích của Văn phòng An ninh Quốc gia năm ngoái vào Apple Daily và sự kiện lục soát văn phòng của Stand News; viện dẫn Luật An ninh Quốc gia để đóng băng tài sản, buộc hai tổ chức truyền thông phải đóng cửa. Ông Lý Gia Siêu mô tả các nhà báo bị bắt là “con sâu làm rầu nồi canh” và kêu gọi báo chí “đồng thanh nói không” với họ.

Sau khi bùng phát dịch COVID-19 với biến thể Omicron ở Hồng Kông, danh tiếng của ông Lý Gia Siêu càng trở nên ảm đạm hơn. Theo cuộc thăm dò do Viện Nghiên cứu Dân ý Hồng Kông thực hiện từ ngày 7 đến 11/3 năm nay, điểm số ủng hộ và mức độ ủng hộ đối với ông Lý Gia Siêu đều đạt mức thấp mới kể từ khi ông nhậm chức Tổng thư ký Hành chính.

Ngoại giới cho rằng nếu ông Lý Gia Siêu giữ chức vụ trưởng đặc khu Hồng Kông, điều đó có nghĩa là chính sách của ĐCSTQ đối với Hồng Kông trong 5 năm tới sẽ tập trung vào “an ninh quốc gia”. Ông Hà Lương Mậu cho rằng để đối phó với các xung đột có thể xảy ra ở eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông trong 5 năm tới, ĐCSTQ phải dựa vào những người có súng để quản lý Hồng Kông và biến Hồng Kông thành một cơ sở tiếp tế cho các cuộc xung đột quân sự.

Nhà kinh tế và cây bút về tài chính La Gia Thông (Law Ka-Chung) cũng nói trên chương trình “Trân ngôn Chân ngữ” rằng, nếu ông Lý Gia Siêu là ứng cử viên do ĐCSTQ lựa chọn giữ chức Trưởng đặc khu hành chính, điều đó cho thấy ĐCSTQ coi trọng “an ninh quốc gia” hơn kinh tế. Ông suy đoán, sau khi Trưởng đặc khu mới nhậm chức, thì người này sẽ từng bước biến Hồng Kông thành một thành phố Đại Lục theo chỉ thị của ĐCSTQ, không loại trừ khả năng sẽ thực thi quản trị nguồn tiền giống như Đại Lục, ưu thế của Hồng Kông cũng dần dần biến mất.