Hôm thứ Tư (ngày 25/5), Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã triệu tập hội nghị khẩn cấp với khoảng 100.000 cán bộ các cấp tham gia, đáng chú ý là Thượng tướng Giải phóng quân Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phượng Hòa cùng Phó Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương ĐCSTQ, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Công an Triệu Khắc Chí. 

621f065dc6d09c94ab95b73f
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường năm 2021 (Ảnh: www.gov.cn)

“Hội nghị về ổn định thị trường kinh tế toàn quốc qua video” này mặc dù chủ đề không vượt ra khỏi nội dung phát triển kinh tế, nhưng không khỏi khiến người ta liên tưởng đến “Đại hội 7.000 người” được Trung ương ĐCSTQ triệu tập tại Bắc Kinh dưới sự đồng ý của Mao Trạch Đông từ ngày 11/1 đến ngày 2/7/1962.

Lúc đó có 7.113 cán bộ lãnh đạo chính quyền trung ương và các ban, cục trung ương, các tỉnh, thành phố, quận, huyện và các cán bộ phụ trách quan trọng của một số xí nghiệp, hầm mỏ, bộ đội. Cuộc họp chủ yếu thảo luận vấn đề “Đại nhảy vọt” và Nạn đói lớn, chủ trương “phê bình và tự phê bình“, và “nguyên tắc tập trung dân chủ”. Trong cuộc họp, ông Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương ĐCSTQ kiêm Chủ tịch nước, cho rằng nguyên nhân của nạn đói trong thời kỳ khó khăn kéo dài 3 năm là do “3 phần thiên tai, 7 phần nhân họa”. Sau cuộc họp 7.000 người, vấn đề nạn đói ở Trung Quốc Đại Lục đã dịu đi, Mao Trạch Đông lui về ghế sau, còn Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình chủ trì các công việc hàng ngày của chính quyền trung ương.

Tình hình kinh tế nghiêm trọng, tương tự như tình hình trước “Đại hội 7.000 người” trong lịch sử của ĐCSTQ

Tổng hợp thông tin từ các kênh truyền thông khác nhau đưa tin, ông Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh những khó khăn kinh tế trong cuộc họp.Trong tháng Ba năm nay, đặc biệt là từ tháng Tư, các chỉ số như việc làm, sản xuất công nghiệp, tiêu thụ điện và vận tải hàng hóa đã giảm đáng kể, khó khăn ở một số phương diện ở mức độ nhất định là lớn hơn so với thời điểm chịu tác động dịch bệnh nghiêm trọng năm 2020; yêu cầu cần nắm bắt thời cơ, nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế trở lại bình thường để đảm bảo chủ thể thị trường, đảm bảo việc làm và sinh kế của người dân; yêu cầu trong khi làm tốt công tác phòng và kiểm soát dịch, cũng đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, nắm chắc toàn diện, tránh chỉ tập trung vào một việc và áp đặt cứng nhắc. 

Ông Lý Khắc Cường yêu cầu tất cả các loại chủ thể thị trường như doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài, đều phải được đối xử bình đẳng và đả thông hơn nữa điểm tắc nghẽn trong kết nối giữa thượng nguồn và hạ nguồn của chuỗi hậu cần và công nghiệp, đồng thời thúc đẩy làm việc trở lại và đạt hiệu quả sản xuất. Nội dung bài phát biểu của ông Lý Khắc Cường không vượt quá nội dung yêu cầu các hạng mục kinh tế trong quá khứ của ông, nhưng hội nghị lần đầu tiên phát biểu trước 100.000 người và đi sâu xuống tận cán bộ cấp huyện là tương đối hiếm.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Công an Trung Quốc xuất hiện tại hội nghị một cách hiếm thấy

Trong thông cáo do Tân Hoa Xã của ĐCSTQ đưa ra đã điểm tên các quan chức cấp cao tham dự hội nghị này, bao gồm người chủ trì hội nghị là Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Hàn Chính, người tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa, Lưu Hạc, Ủy viên Quốc vụ Ngụy Phượng Hòa, Vương Dũng, Tiêu Tiệp, Triệu Khắc Chí.

Trong số đó, ông Ngụy Phương Hòa là đương nhiệm Thượng tướng Quân đội Giải phóng quân ĐCSTQ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng; ông Triệu Khắc Chí là Phó Bí thư Ủy ban Chính trị Pháp luật Trung ương, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Công an, và là Phó tổ trưởng thứ 5 của Tiểu tổ lãnh đạo Công tác Hồng Kông và Ma Cao của Trung ương. Thân phận của 2 người này đặc biệt nhạy cảm.

Sau “Đại hội 7.000 người” trong lịch sử ĐCSTQ, 3 ngọn cờ đỏ của Mao Trạch Đông về cơ bản vẫn được khẳng định. Báo cáo bằng miệng của Lưu Thiếu Kỳ, người đứng thứ hai của ĐCSTQ lúc bấy giờ, vẫn kính trọng đối với Mao Trạch Đông, nhưng đã khiến Lưu và Mao nảy sinh bất đồng thực sự. Nhiều người nhận thức được rằng trong thời gian đại hội, Chủ tịch đảng Mao Trạch Đông và Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ xảy ra mâu thuẫn xung đột, cuối cùng đã mở đường cho Cách mạng Văn hóa năm 1966. Được biết, thời kỳ đầu Cách mạng Văn hóa, Giang Thanh đã tuyên bố: “Đại hội 7.000 người đã kìm nén sự bực tức, cho đến khi diễn ra Cách mạng Văn hóa mới trút sự bực tức này.” Điều này cho thấy sự không hài lòng cực độ của Mao Trạch Đông đối với đại hội 7.000 người này.