Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới lãnh đạo của ông Tập Cận Bình luôn nhấn mạnh đến cái gọi là an ninh chính trị (thực chất đó là an ninh của chế độ cầm quyền), đầu năm nay đã xác định an ninh chính trị là ưu tiên hàng đầu. Theo thông tin gần đây, ĐCSTQ đã bí mật thành lập Ban Chuyên trách An ninh chính trị – một cơ quan tối cao của cảnh sát. Khi ĐCSTQ đứng trước những hiểm họa cả trong và ngoài nước và chính bản thân quyền lực của ông Tập cũng gặp thách thức, việc thành lập tổ chức này là có thể xem là một ẩn số.

tập cận bình
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: plavevski/Shutterstock)

Ẩn số “Ban Chuyên trách An ninh chính trị” mới thành lập

Ngày 6/7, Nhật báo Kiểm sát – cơ quan ngôn luận tư pháp của ĐCSTQ, đưa tin về Ban Chuyên trách An ninh chính trị của Tổ Điều phối Kiến thiết An ninh Trung Quốc vừa tổ chức Hội nghị lần thứ nhất tại Bắc Kinh, chủ trì hội nghị là ông Lôi Đông Sinh (Lei Dongsheng) – Trưởng Ban Chuyên trách An ninh chính trị kiêm Phó Bí thư Ban Chính pháp Trung ương. Thông tin cũng đề cập Ủy ban Trung ương ĐCSTQ với hạt nhân Tập Cận Bình đã đưa ra các quyết định liên quan đến bảo đảm an ninh chính trị quốc gia… Bản thân ông Tập là Tổ trưởng Tổ Chỉ đạo An ninh Quốc gia Trung ương.

Hiện nay chưa rõ cái gọi là “Ban Chuyên trách An ninh chính trị” được thành lập khi nào, cũng không rõ Tổ Điều phối Kiến thiết An ninh Trung Quốc được thành lập khi nào, cũng không rõ thông tin được gọi là “gần đây” trong bản tin của Nhật báo Kiểm Sát đề cập đến là vào thời điểm nào; ngoài ra tương tự là những vấn đề vốn thuộc quản lý của Bộ An ninh Quốc gia và Cục An ninh Chính trị thuộc Bộ Công an không biết hiện đã được giao cho Ban Chuyên trách này quản lý chưa, hay Ban Chuyên trách này chỉ là một cơ cấu lãnh đạo điều phối mới của của Bộ An ninh Quốc gia và Bộ Công an. Nếu là trường hợp sau, mối quan hệ giữa Ban Chuyên trách này hoặc Tổ Điều phối Kiến thiết trị an Trung Quốc có quan hệ như thế nào với Tổ Chỉ đạo An ninh quốc gia trung ương do ông Tập Cận Bình làm Tổ trưởng: bên nào là cấp cao hơn, bên nào là cấp thấp hơn, hay hai bên ngang hàng?

Tất cả điều này làm cho “Ban Chuyên trách An ninh chính trị” có vẻ diện mạo khá bí ẩn.

Có quan điểm chỉ ra, những năm gần đây ĐCSTQ đã luôn nhấn mạnh an ninh chính trị, qua đó nhân danh an ninh quốc gia và an ninh chính trị để đàn áp mọi tiếng nói hoặc thông tin mà ĐCSTQ không ưa thích, điều này đã gây tổn hại lớn cho Trung Quốc và thế giới. Tiêu biểu như chuyện ĐCSTQ đã ngăn chặn thông tin và đàn áp nhân viên y tế dám lên tiếng về đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) do virus corona mới khiến dịch bệnh lan rộng và mất kiểm soát, gây ra những thảm họa nghiêm trọng trên khắp Trung Quốc và thế giới.

Điều đáng chú ý là năm 2020 này được ĐCSTQ xác định là năm an ninh chính trị. Ngày 17/1, ông Bí thư Quách Thanh Côn (Guo Shengkun) của Ban Chính pháp Trung ương ĐCSTQ đã truyền đạt chỉ thị của ông Tập Cận Bình tại Hội nghị Công tác Chính pháp Trung ương: Công tác năm 2020 của Ban Chính pháp trung ương ưu tiên hàng đầu về “duy trì an ninh chính trị quốc gia”. Thời điểm này ông Tập Cận Bình đã biết về dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Ngày 20/1, ông Tập Cận Bình đã có chỉ đạo về đại dịch viêm phổi Vũ Hán, trong khi yêu cầu kiềm chế sự lây lan của dịch đã không quên nhấn mạnh “kiên quyết giữ ổn định xã hội là trên hết”.

Ngày 4/2, Bộ Công an của ĐCSTQ đã tổ chức hội nghị trực tuyến An ninh quốc gia lần thứ ba về ứng phó dịch bệnh. Tại Hội nghị ông Bộ trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Bộ Công an Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi) nhấn mạnh, “Chúng ta phải luôn đặt vấn đề an ninh chính trị là số một… Kiên quyết ngăn chặn tình trạng nguy cơ sức khỏe cộng đồng lan sang lĩnh vực ổn định xã hội.”

Ngoài Ban Chuyên trách An ninh chính trị này, theo tiết lộ của truyền thông Hồng Kông vào đầu tháng Sáu cho biết, Cục Bảo vệ An ninh nội bộ của Bộ Công an đã được đổi tên thành Cục Bảo vệ An ninh Chính trị, điều này có thể thấy rõ qua hoạt động thông tin đại chúng tại nhiều nơi.

Công an ĐCSTQ trong vai trò là tuyến đầu đàn áp nhân quyền từ lâu, đã nổi tiếng trong hoạt động bí mật theo dõi những người bất đồng chính kiến ​​và thành viên của các nhóm tín ngưỡng, còn Bảo vệ An ninh Quốc gia ĐCSTQ từ lâu đã ô danh với hoạt động bắt bớ và dùng cực hình, việc lần này nhà cầm quyền đổi tên nhấn mạnh yếu tố chính trị hiển nhiên nhằm ứng phó trước hiện trạng xã hội mà những tiếng than oán ngày càng nhiều hơn, đồng thời cũng nhằm kết hợp công tác an ninh quốc nội và phòng ngừa các mối đe dọa từ ngoài nước cho nên có thể xem là bước tăng cường trong nhiệm vụ “giữ ổn định”.

Do đó một số nhà bình luận cho rằng việc đổi tên từ “bảo vệ an ninh quốc gia” thành “bảo vệ an ninh chính trị” lần này là phù hợp với quan điểm hiện nay về nhấn mạnh an ninh chính trị, đó là an ninh của chế độ, là gia cố bảo vệ quyền lực độc tôn của ĐCSTQ. Tuy nhiên khi nhà cầm quyền không lấy đảm bảo an ninh của chính người dân làm nhiệm vụ hàng đầu thì hệ quả chỉ có thể ngày càng trở nên bất ổn hơn, và cuối cùng trở thành gây đe dọa quyền lực của kẻ cầm quyền.

Nguy cơ chính trị cũng là nguy cơ của cá nhân Tập Cận Bình

Do ông Tập Cận Bình một lòng bảo vệ quyền lực của ĐCSTQ nên những năm gần đây bất ổn đối với Trung Quốc ngày càng tăng lên, từ cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đến các tranh chấp quốc tế do “ngoại giao sói chiến” gây ra, cho đến năm nay là cộng đồng quốc tế truy cứu trách nhiệm do sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, và hiện tại lại thêm các biện pháp bao vây tẩy chay của nhiều nước liên quan đến việc ĐCSTQ cưỡng ép thúc đẩy Luật An ninh Quốc gia phiên bản Hồng Kông. Việc ông Tập bất chấp tình trạng sinh kế khốn khó và các thảm họa thiên tai nhân họa, tiếp tục đàn áp nhân quyền và tăng cường sức ép chính trị đã làm nổi lên làn sóng tiếng nói chống đối trong nước và trong Đảng.

Giới phân tích có cho rằng việc giới chóp bu ĐCSTQ nhấn mạnh an ninh chính trị thực sự là về an ninh cá nhân của ông Tập. Đài VOA Mỹ từng có nhận định rằng an ninh quốc gia và an ninh chính trị đã trở thành cái cớ để các tổ chức chính trị của ĐCSTQ ở mọi cấp độ trấn áp tiếng nói bất đồng ​​và chỉ trích. Cái gọi là an ninh quốc gia và an ninh chính trị thực sự chỉ là an ninh chế độ ĐCSTQ và giới chóp bu ĐCSTQ, không liên quan đến sự an toàn tính mạng và tài sản của công chúng Trung Quốc, và thậm chí còn trái ngược.

Gần đây, ngày càng nhiều tiếng nói trong ĐCSTQ chống lại ông Tập Cận Bình, nhưng chủ yếu được thể hiện qua mạng Internet. Ngoài bài viết công bố hồi tháng Ba của chuyên gia bất động sản nổi tiếng Trung Quốc là ông Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), sau đó ông Chủ tịch Trần Bình (Chen Ping) của Tập đoàn truyền thông Sun TV đã chuyển tiếp một bức thư chung (Thư khuyến nghị, được ví là “Thư ép cung”) yêu cầu mở Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng để thảo luận về vấn đề quyền lực của ông Tập Cận Bình có nên tiếp tục; trước thềm “lưỡng hội” ĐCSTQ, con trai cả của cố lạnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình là ông Đặng Phác Phương đã công bố lá thư gửi “lưỡng hội” nêu 15 câu hỏi, chỉ thẳng vào ông Tập Cận Bình.

Gần đây lại xảy ra sự kiện gây làn sóng công luận liên quan đến một giáo sư tại Trường Đảng Trung ương là bà Thái Hà (Cai Xia), đó là bài phát biểu được ghi âm của bà tại một buổi họp Đảng ủy cho thấy bà đề nghị nên loại bỏ quyền lực của ông Tập, đặc biệt chỉ ra rằng ĐCSTQ đã là “thây ma chính trị” và chỉ trích Tập đã thành một ông trùm băng đảng xã hội đen.

Ngoài ra, trong một trả lời phỏng vấn của Vision Times, học giả lịch sử quân sự Từ Trạch Vinh (Xu Zerong) là tiến sĩ khoa học chính trị từ Đại học Oxford thuộc thế hệ Đỏ thứ hai cũng cho biết về tình hình hiện tại, rằng “núi lửa dồn nén lâu ngày cuối cùng sẽ tuôn trào”. Những tiếng nói gay gắt như của ông Nhậm Chí Cường cũng như lá thư chuyển tiếp của Trần Bình… là minh chứng.

Theo ông nhận định thì xu thế bất mãn với ông Tập Cận Bình trong lớp người có công với ĐCSTQ thuộc thế hệ thứ hai (cùng thế hệ với ông Tập) đã tích lũy trong nhiều năm qua. Phe phái chống Tập Cận Bình bất mãn vì ông cản trở con đường cải cách, quan trọng hơn là không công bằng lợi ích với họ. Ông Từ Trạch Vinh kể rằng ông từng thấy một số người thế hệ Đỏ thứ hai ở Mỹ cùng nhau yêu cầu Chính phủ Mỹ hợp tác để lật đổ ông Tập Cận Bình. Ông chỉ ra rằng: “Dường như không thể sử dụng quân đội để lật đổ ông ta (Tập Cận Bình), phương pháp họ áp dụng là như Brezhnev lật đổ Khrushchev.” Cách tiếp cận này là mở Hội nghị Bộ Chính trị để mở rộng…

Ông nói rằng mặc dù ông Tập đã thăng cấp rất nhiều tướng, nhưng ông không chắc được lòng người, việc các tướng có tuân theo hay không và có sẵn sàng đứng bảo vệ ông Tập khi nguy nan hay không là vấn đề không thể bảo đảm. Ông cũng mô tả tình hình hiện tại ở Trung Quốc như một ngọn núi lửa sắp phun trào.

Do đó mà hiện nay ông Tập Cận Bình luôn phải lo lắng đề phòng trong mọi vấn đề bên trong và bên ngoài, và tất cả các vấn đề đều xem là “vấn đề an ninh chính trị”. Nhưng khó đề phòng nhất chính là giới chức cấp cao trong Đảng. Cách đây không lâu ông Tập Cận Bình đã có động thái hiếm thấy khi giao cho thân tín Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong) là Thứ trưởng thường trực Bộ Công an giữ chức vụ Cục trưởng Cục Mật vụ mới thành lập của Bộ Công an (Cục 8 Bộ Công an) nhằm giúp ông Tập giám sát tất cả các “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” ngoài 7 ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Một thân tín khác của ông Tập là Vương Tiểu Quân (Wang Xiaoqun) phụ trách Cục Cảnh vệ trung ương đã được giao trọng trách “bảo vệ an ninh” cho 7 ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị và các trưởng lão chính trị, vấn đề này được nhiều phân tích cho rằng thực tế là theo dõi giám sát.

Ông Tập Cận Bình đặc biệt chú ý phe quân đội, dù đã thực hiện nhiều cải cách và chống tham nhũng nhưng gần đây các hành động chỉnh đốn quân đội vẫn tiếp tục. Vào ngày 12/4 năm nay, Văn phòng Quân ủy Trung ương ĐCSTQ đã ban hành một văn bản ​​về mở đoàn kiểm tra quân đội và nhấn mạnh rằng mục đích của việc kiểm tra xuất phát từ “hai bảo đảm” (hạt nhân Tập Cận Bình và Trung ương ĐCSTQ), nhiều bình luận chỉ ra thực tế là Tập Cận Bình cho thân tín giám sát xem các sĩ quan có trung thành không. Từ ngày 21 – 29/6, quân đội ĐCSTQ đã liên tục ban hành ba tài liệu quan trọng liên quan đến kiểm toán trách nhiệm kinh tế đối với tướng lĩnh, kiểm soát lực lượng quân dự bị và xây dựng Đảng trong quân đội. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào ngày 29/6, ông Tập đã nhắc lại rằng quân đội nên quán triệt “cơ chế trách nhiệm của Chủ tịch Quân ủy” (tức Tập Cận Bình), mục đích đảm bảo “vai trò lãnh đạo tuyệt đối”“lòng trung thành tuyệt đối” của quân đội.

Ngày 15/5 năm nay, ông Diêu Thành (Yao Cheng), cựu Trung tá của Bộ Tư lệnh Hải quân Trung Quốc trả lời Đài VOA rằng quân đội ĐCSTQ không thân thiện với Tập Cận Bình.

Lý Văn Long

Xem thêm: