Ngày 30/12, ông Tần Cương (Qin Gang), Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ và là người được đề bạt làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Đại hội 20, đã được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Tan Cuong
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, ông Tần Cương được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 30/12. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo truyền thông chính thức của ĐCSTQ đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ban hành Lệnh Chủ tịch số 129 vào ngày 30/12, nêu rõ rằng theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Nhân đại toàn quốc) cùng ngày, miễn nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đối với ông Vương Nghị, đồng thời bổ nhiệm ông Tần Cương thay thế chức vụ này.

Sau khi ông Vương Nghị giải nhiệm chức Ngoại trưởng, ông có thể kế nhiệm ông Dương Khiết Trì, người sắp nghỉ hưu, để giữ chức vụ Chủ nhiệm Văn phòng Đối ngoại của Ủy ban Trung ương.

Theo thông tin được công khai, ông Tần Cương sinh năm 1966 tại Thiên Tân và tốt nghiệp khoa Chính trị Quốc tế của Trường Quan hệ Quốc tế. Cuối những năm 1980, ông gia nhập hệ thống ngoại giao. 

Từ những năm 1990, ông đã nhiều lần được cử đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh. Năm 2005, ông bắt đầu đảm nhiệm chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao, đồng thời là Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.

Năm 2011, ông kế nhiệm ông Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) làm Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao. Tháng 4/2017, ông Tần giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề khu vực Mỹ La-tinh, thông tin và công tác lễ tân.

Tháng 9/2018, ông được thăng chức Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Vào tháng 7/2021, ông chính thức kế nhiệm ông Thôi Thiên Khải làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Việc ông Tần Cương được bổ nhiệm làm Đại sứ tại Mỹ trùng với thời điểm quan hệ Mỹ – Trung đang đi xuống. Hai bên đã có những tranh chấp và bất đồng về các vấn đề như nhân quyền, thương mại và Đài Loan. Nhiều phương tiện truyền thông Mỹ trước đó đưa tin, tại Washington, ông Tần Cương không được Nhà Trắng coi trọng, do đó khó có thể gặp gỡ các quan chức cấp cao của Mỹ.

Sau khi bổ nhiệm mới đối với ông Tần Cương được công bố, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin hôm 30/12 rằng ông Tần dường như không thể hiện phong cách ngoại giao “chiến lang” (sói chiến) mà các nhà ngoại giao ĐCSTQ đã thực hiện trong một thời gian. Ngược lại, ông xử lý công việc một cách kín tiếng, hơn nữa ông từ bỏ sự dè dặt, đến Mỹ  giao lưu hữu nghị với các nhân sĩ ở các nơi và trong các ngành nghề lĩnh vực. Ngay cả trong một số chủ đề nóng bỏng, ông Tần Cương cũng cố gắng cư xử khéo léo nhất có thể.

VOA lấy ví dụ, ông Tần Cương từng nói rằng nếu Trung Quốc biết trước Nga đang có ý định xâm lược Ukraine, thì Bắc Kinh chắc chắn sẽ cố gắng hết sức để ngăn cản hành động này của Nga. Ngoài ra, trước lo ngại của ngoại giới về sự đối đầu giữa hai bờ eo biển Đài Loan, ông cũng cố ý giảm thiểu nguy cơ xung đột eo biển Đài Loan.

Ngoại giới phổ biến cho rằng phong cách “ngoại giao chiến lang” và hành vi hung hăng của ĐCSTQ trong các vấn đề quốc tế là một trong những nguyên nhân khiến quan hệ Mỹ – Trung xấu đi.

Ngày 30/12, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, trong khoảng thời gian ngắn ngủi chỉ hơn một năm ở Mỹ, ông Tần Cương dường như đã gác lại phong cách “chiến lang” trong quá khứ của mình. Tương lai khi nhậm chức Ngoại trưởng, vị “đại đội trưởng đội chiến lang” này sẽ mang đến bầu không khí mới nào cho hệ thống ngoại giao Trung Quốc? Ông Vương Duy Chính (Wang Weizheng), hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghệ thuật và Khoa học thuộc Đại học Adelphi và là giáo sư khoa học chính trị, tin rằng giọng điệu ngoại giao của Trung Quốc sẽ không thay đổi nhiều.

Vậy ai sẽ kế nhiệm ông Tần Cương làm Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ?

Ông Vương Duy Chính phân tích: “Một ý tưởng là suy đoán từ các thứ trưởng (Bộ Ngoại giao). Có một số phân công giữa các thứ trưởng của ông ấy. Ví dụ, ông Mã Triều Húc (Ma Zhaoxu) phụ trách Mỹ và Châu Đại Dương. Ông ấy cũng có kinh nghiệm tại Mỹ trong quá khứ, nhưng cấp bậc chức vụ tương đối thấp. Ông ấy cũng đã từng thường trú tại Liên Hợp Quốc, vì vậy sẽ không ngạc nhiên nếu ông ấy được bổ nhiệm thay thế vị trí của ông Tần Cương.”

“Người còn lại là ông Tạ Phong (Xie Feng). Ông Tạ gần đây đã gặp Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao của Cục Đông Á và Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ. Ba người này đều khoảng 55 đến 60 tuổi, nếu một trong số họ thay thế ông Tần Cương thì cũng không sai biệt nhiều.”

Tại Đại hội 20 của ĐCSTQ vào tháng 10 năm nay, ông Tần Cương bất ngờ được thăng chức Ủy viên Trung ương, điều này đã thu hút sự chú ý của mọi tầng lớp xã hội. Ông Tần được coi là người thực thi tư tưởng ngoại giao trung thành nhất của ông Tập Cận Bình, sự thăng tiến nhanh chóng và cấp bậc quyền lực của ông đã vượt qua một số thứ trưởng khác có kinh nghiệm hơn ông, điều này phù hợp với tư duy dùng người nhất quán của ông Tập.

Ông Stephen Young, cựu Giám đốc Văn phòng Đài Bắc của Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT), nói với RFA rằng dù ai là đại sứ Trung Quốc tại Mỹ thì cũng không quan trọng lắm, bởi vì không gian ra quyết sách ngoại giao của đại sứ tại Mỹ bị hạn chế: “Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ sẽ không có nhiều quyền lực. So với đại sứ Mỹ, thì đại sứ Mỹ có sự linh hoạt đáng kể trong việc đưa ra các quyết định ngoại giao. Trung Quốc đặt thẩm quyền ngoại giao của mình vào tay Bắc Kinh, đặc biệt là đối với các mối quan hệ ngoại giao cực kỳ quan trọng như mối quan hệ Mỹ – Trung. Nó nằm trong tay của ngoại trưởng và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.”

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Huệ Hổ Vũ (Hui Huyu) cũng cho rằng cục diện ngoại giao hiện tại của ĐCSTQ đang bị bủa vây tứ phía, và nó cần gấp một bộ trưởng ngoại giao mới để khơi thông. Do đó, ông Tần Cương, người được cho là sẽ nhậm chức vào kỳ “lưỡng hội” vào năm 2023, đã được bổ nhiệm trước thời hạn. Nhưng “Dù có thay đổi ngoại trưởng như thế nào thì cũng không thể cải thiện quan hệ với các nước phương Tây”, ông Huệ nhận định.