Ngày 30/6, trước hàng trăm người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Hồng Kông và đại diện của lực lượng kỷ luật, ông Tập Cận Bình đã khẳng định vai trò của Trưởng đặc khu sắp mãn nhiệm, bà Carrie Lam (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) với Hồng Kông trong nhiệm kỳ qua.

p3174941a474347085
Ông Tập Cận Bình (hàng ghế đầu, thứ 3 từ phải sang) và các đại diện từ mọi tầng lớp xã hội ở Hồng Kông. (Ảnh chụp màn hình video từ Sở Thông tin Chính phủ Hồng Kông)

Ngày 30/6, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã đến thăm Hồng Kông bằng tàu cao tốc. Buổi chiều, ông Tập gặp gỡ Trưởng đặc khu sắp mãn nhiệm Carrie Lam tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Wanchai. Sau đó, với sự tháp tùng của bà Lam, ông Tập đã tiếp hàng trăm người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Hồng Kông và đại diện của lực lượng kỷ luật.

Ông Tập Cận Bình hoàn toàn khẳng định công việc của bà Carrie Lam trong 5 năm qua, ca ngợi bà đã trung thành hoàn thành trách nhiệm hiến định của mình, đoàn kết mọi tầng lớp xã hội ngăn chặn bạo lực và hỗn loạn, dốc sức phòng chống dịch.

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh, lợi ích phát triển, sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông, bà đã thực hiện nguyên tắc “những người yêu nước cai trị Hồng Kông”, thúc đẩy tình hình Hồng Kông đạt được một bước chuyển lớn từ “hỗn loạn sang yên ổn”, và đã làm được rất nhiều công việc gian khổ, cũng như có những đóng góp quan trọng, thể hiện tinh thần dũng cảm có trách nhiệm, ông Tập nói thêm.

Ông Tập Cận Bình cũng ca ngợi việc bà Carrie Lam kiên quyết thực hiện “Một quốc gia, hai chế độ” và Luật cơ bản, dẫn dắt chính phủ đặc khu thực thi theo pháp luật, đồng thời tích cực hòa nhập vào tình hình phát triển chung của đất nước. Ông hy vọng bà sẽ ủng hộ Trưởng đặc khu kế nhiệm và chính phủ mới điều hành theo pháp luật, tiếp tục có những đóng góp cho sự phát triển của Hồng Kông và đất nước.

Bà Carrie Lam cảm ơn ông Tập đã đến Hồng Kông dự lễ mừng ngày Hồng Kông trở về với mẫu quốc và ra mắt chính phủ mới, đồng thời thị sát Hồng Kông khi tình hình dịch bệnh tại đây vẫn còn nhiều biến động. Bà mô tả 5 năm vừa qua ở Hồng Kông là 5 năm phi thường và nói rằng bà cảm thấy vinh dự khi được đóng góp cho sự nghiệp “Một quốc gia, hai chế độ”.

Sau đó, tại triển lãm, dưới sự tháp tùng của bà Lam, ông Tập Cận Bình đã gặp gỡ hàng trăm người thuộc mọi tầng lớp xã hội ở Hồng Kông và đại diện của lực lượng kỷ luật.

Ông Tập Cận Bình cũng gặp gỡ ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying), Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, và hy vọng rằng ông Lương Chấn Anh sẽ dốc lòng ủng hộ Trưởng đặc khu kế nhiệm và chính phủ mới điều hành theo pháp luật.

Ông Tập cũng nói rằng kể từ khi ông Lương Chấn Anh giữ chức Phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, ông ấy đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp hiện đại hóa đất nước, cũng như sự thịnh vượng và ổn định của Hồng Kông, điều này rất đáng khen ngợi.

Ông Lương Chấn Anh cảm ơn sự quan tâm và động viên của ông Tập Cận Bình, đồng thời nói rằng ông sẽ nỗ lực hết mình, tiếp tục phục vụ Hồng Kông và đất nước.

Theo truyền thông Đại Lục CCTV, ông Tập Cận Bình sẽ tham dự lễ kỷ niệm 25 năm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc và lễ nhậm chức của chính phủ mới vào ngày 1/7, trong đó ông sẽ có một bài phát biểu quan trọng.

Trong chiến dịch của người Hồng Kông chống Dự luật Dẫn độ vào năm 2019, một phóng viên đã hỏi bà Carrie Lam rằng bà cảm thấy thế nào khi bị buộc tội “bán đứng Hồng Kông”. Câu hỏi khiến bà Lam rướm lệ, bà đáp rằng bản thân “sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, đã hy sinh cuộc sống cá nhân không ít vì Hồng Kông.”

Ông Stephen Ng, một doanh nhân lãnh đạo cấp cao người Anh tại Hồng Kông, là “đồng môn” của Carrie Lam tại Đại học Hồng Kông, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà Carrie Lam như bị “ma quỷ dẫn dắt đi lên tàu của bọn cướp biển”, bà không bán mình cho Hồng Kông mà là cho ĐCSTQ.

Tháng 8/2020, chính quyền Trump đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức Trung Quốc và Hồng Kông, bao gồm bà Carrie Lam.

Khi được hỏi liệu bà có nộp đơn yêu cầu Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh trừng phạt hay không, bà Carrie Lam trả lời một cách dứt khoát rằng “chắc chắn là không”. Bà cũng nhấn mạnh rằng sẽ chỉ xin lỗi chồng và con trai, vì bà muốn phục vụ người dân Hồng Kông và xây dựng nơi này trở thành một phần của Trung Quốc, nên gia đình bà đã phải hy sinh rất nhiều khi hỗ trợ bà ấy. Bà hy vọng một ngày nào đó chính phủ Hoa Kỳ sẽ nhận thức được sai lầm này và “sửa sai”.

Bình Minh (t/h)