Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ) có thể mang lại cho nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có. Nhưng ngay cả khi tái đắc cử, ông Tập vẫn không thể thoát khỏi 5 khó khăn cấp bách Trung Quốc hiện đang phải đối mặt.

Tập Cận Bình 1
Ông Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ có nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có tại Đại hội ĐCSTQ lần thứ 20. (Ảnh: Chụp màn hình video)

CNN cho biết, trong khi ông Tập Cận Bình chuẩn bị cho việc tiếp tục cầm quyền, ông phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn, bao gồm cả sự bất mãn của tầng lớp trung lưu. Nếu không đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo bình thường, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự đổi mới bị chậm lại, năng suất cũng như sự bất bình trong xã hội gia tăng.

5 khó khăn trước mắt ông Tập Cận Bình bao gồm: Sự sụp đổ của niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp; “chính sách zero COVID” ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế; thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng; hàng loạt các công ty công nghệ sa thải nhân viên sau cuộc đàn áp; và sự mong manh của hệ thống tài chính.

Niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp sụp đổ

Bloomberg đưa tin, cùng với sự sụp đổ niềm tin của các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc, nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với một trong những thời điểm khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ. Dữ liệu mới nhất của Trung Quốc vẽ ra một bức tranh của nền kinh tế yếu, phần lớn là kết quả của chính sách “zero COVID” và đánh vào nợ trong lĩnh vực bất động sản của ông Tập Cận Bình.

Dữ liệu giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 9 đã làm tăng khả năng xảy ra một nền kinh tế giảm phát khi nhu cầu sụt giảm. Các chỉ số tần suất cao và sự gia tăng các ca nhiễm COVID cho thấy sự suy yếu kinh tế tiếp tục vào tháng 10.

Ông Jacob Gunter, nhà phân tích kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (Mercator Institute for China Studies) ở Đức, cho biết: “Ông Tập Cận Bình cần phải ứng phó với nền kinh tế bất ổn nhất mà Bắc Kinh phải đối mặt trong nhiều thập kỷ qua.”

Dữ liệu về niềm tin đặc biệt đáng lo ngại, với kỳ vọng của các hộ gia đình về thị trường việc làm giảm xuống mức thấp kỷ lục trong quý thứ ba, trong khi việc miễn cưỡng chi tiêu có nghĩa là mọi người đang tiết kiệm nhiều hơn, trong đó tiết kiệm ngân hàng đã tăng 56% trong năm nay so với năm 2021. Các cuộc khảo sát đối với ngành thương mại cho thấy niềm tin doanh nghiệp thấp bất thường, khiến họ không muốn thuê người và đầu tư.

Người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi đã tóm tắt tâm trạng ảm đạm của nhiều chủ doanh nghiệp trong một bản ghi nhớ gần đây. Ông nói với các nhân viên rằng thập kỷ tới sẽ là một “giai đoạn lịch sử rất đau khổ” do đại dịch, chiến tranh Nga – Ukraine và việc Mỹ phong tỏa một số công ty Trung Quốc. Ông nói thêm, nhiệm vụ cấp bách trước mắt là “cố hết khả năng để tồn tại và kiếm tiền”.

“Tất cả các biện pháp kích thích và tín hiệu chính sách trên thế giới sẽ không cải thiện niềm tin của người tiêu dùng ở các thành phố như Thượng Hải, nơi mọi người chỉ cách ‘một tích tắc’ nữa là có thể xảy ra một đợt phong tỏa  khác,” ông Gunter nói.

“Chính sách zero COVID” tác động mạnh vào nền kinh tế

“Chính sách zero COVID” đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của 1,4 tỷ người ở Trung Quốc. Các đợt phong tỏa liên tục trên khắp đất nước không chỉ làm gia tăng sự bất bình của công chúng mà còn tác động xấu đến nền kinh tế Trung Quốc, kìm hãm hoạt động đi lại, sản xuất và thương mại. Hôm thứ Năm (ngày 13/10), một số người biểu tình đã treo hai biểu ngữ “chống Đảng” trên cầu Tứ Thông (Sitong) ở Bắc Kinh, trong đó, “Không muốn nghiệm axit nucleic, muốn ăn cơm, không muốn bị phong tỏa, muốn được tự do” phản ánh sự bất mãn cực độ của người dân đối với chính sách phong tỏa “zero COVID”.

Ông Tập Cận Bình có khả năng sẽ tăng gấp đôi sự chú ý của mình về “chính sách zero COVID” và chính sách nhà ở tại Đại hội Đảng lần thứ 20. Các nhà đầu tư và vô số công dân Trung Quốc thất vọng cũng hy vọng rằng sau Đại hội 20, ĐCSTQ sẽ nới lỏng “chính sách zero COVID”. Tuy nhiên, Reuters cho biết các nhà phân tích tin rằng Đại hội 20 khó có thể kích hoạt bất kỳ thay đổi chính sách ngay lập tức hoặc mạnh mẽ nào để vực dậy nền kinh tế.

Các nhà phân tích của Nomura Holdings viết: “Từ nay đến tháng 3/2023, chúng tôi dự đoán sẽ không có thay đổi lớn trong chính sách, đặc biệt là chiến lược “zero COVID” và những hạn chế chưa từng có đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc.”

Theo Bloomberg đưa tin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics, cho biết trong một cuộc họp báo ngắn hôm thứ Năm (13/10) rằng ông Tập đang đánh cược sự tín nhiệm cá nhân của mình vào “chính sách zero COVID”: “Tôi không nghĩ chúng tôi nên kết hợp mấu chốt quan trọng vào mô hình chính sách của chúng tôi trong 1 năm đến 15 tháng tới.”

Động cơ của nền kinh tế Trung Quốc – bất động sản – rơi vào khủng hoảng

Chính sách “ba lằn ranh đỏ” do ĐCSTQ đưa ra đã làm tổn hại đến khả năng bán tài sản để trả nợ của các nhà phát triển bất động sản. Kết quả là nỗi đau từ cuộc đàn áp bất động sản đã lan rộng từ các nhà phát triển tư nhân sang các nhà phát triển nhà nước cũng như các nhà đầu tư và chính quyền địa phương.

Thị trường nhà ở đang rơi vào khủng hoảng, với doanh số giảm mạnh và giá nhà có thời điểm giảm trong 12 tháng liên tiếp. Khoảng 70% của cải hộ gia đình ở Trung Quốc gắn liền với bất động sản. Bloomberg cho biết, người mua nhà Trung Quốc hiện đang chứng kiến ​​tài sản trong gia đình của họ cạn kiệt khi thị trường nhà đất tiếp tục lao dốc, vì giá nhà giảm khiến tài sản của người mua hiện có giá trị thấp hơn mức họ đã đồng ý trả, khiến họ lo lắng về việc trả tiền vay thế chấp của mình. Ngoài ra, việc chung cư chậm hoàn thiện cũng khiến người mua bức xúc. Vì vậy, ở Trung Quốc đã xảy ra biểu tình người mua từ chối trả tiền vay. Điều đó đã làm gia tăng lo ngại về rủi ro tài chính hệ thống và buộc chính phải gây áp lực lên các ngân hàng và các nhà phát triển để làm dịu tình hình bất ổn.

“Chính sách zero COVID” thậm chí còn tồi tệ hơn đối với việc giải quyết khủng hoảng bất động sản. Chính sách này đã khiến người dân Trung Quốc không đủ niềm tin về triển vọng thu nhập trong tương lai của họ, và các hộ gia đình không muốn gánh thêm gánh nặng nợ thế chấp. Bloomberg cho biết trong giai đoạn bán hàng quan trọng vào đầu tháng này, doanh số bán bất động sản của các nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc đã giảm mạnh 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dữ liệu tần suất cao do Bloomberg theo dõi, bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc, việc đầu tư vào nhà ở giảm đồng nghĩa với việc chi tiêu nhiều hơn cho cơ sở hạ tầng không đủ để thúc đẩy sự phục hồi trong lĩnh vực xây dựng.

Đàn áp các công ty công nghệ đẩy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên lên cao

Các chính sách của ông Tập Cận Bình đã gây ra một số rắc rối lớn ở Trung Quốc trong những năm gần đây. Trong 2 năm qua, các cơ quan quản lý ĐCSTQ đã tiến hành một loạt các cuộc đàn áp đối với các công ty công nghệ nhằm kiềm chế cái mà ông Tập Cận Bình gọi là “sự mở rộng vô trật tự và sự tăng trưởng không kiểm soát của nguồn vốn”. Ông Tập cũng muốn phân phối lại của cải xã hội theo mục tiêu “thịnh vượng chung”. Kết quả là các công ty như Alibaba, Tencent và Didi đã bị kiểm tra và bị phạt tiền, khiến giá cổ phiếu của họ giảm mạnh. Cuộc đàn áp cũng đã mở rộng sang các ngành như game, giải trí và giáo dục tư nhân.

Alibaba và Tencent đã mất hơn 1.000 tỷ USD giá trị thị trường trong 2 năm qua. Sau khi thu nhập hàng quý ảm đạm, những ‘gã khổng lồ’ công nghệ bị đàn áp cho biết họ sẽ chấp nhận một bình thường mới là tăng trưởng chậm lại và tìm cách giảm chi phí hoạt động và bắt đầu cắt giảm nhân viên. Điều này dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ đang ở mức cao kỷ lục.

Năm ngoái, tờ Wall Street Journal cho biết, cùng với việc chính quyền Bắc Kinh chỉnh đốn ngành dạy thêm, New Oriental Education, công ty dạy kèm tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đã sa thải 60.000 nhân viên.

Ông Doug Guthrie, giám đốc Sáng kiến ​​Trung Quốc tại Trường Quản lý Toàn cầu Thunderbird của Đại học Bang Arizona cho biết: “Trung Quốc hiện tại đang đang gặp rắc rối nghiêm trọng.”

Hệ thống tài chính mong manh

Vào tháng 7, chính quyền ĐCSTQ đã dùng bạo lực xua đuổi hàng trăm người gửi tiền biểu tình hòa bình, họ yêu cầu lấy lại số tiền tích góp trong cuộc sống của mình đang bị đóng băng trong các ngân hàng thôn trấn, tổng số tiền lên đến hàng triệu đô là. Theo CNN, vụ bê bối ngân hàng không chỉ đe dọa sinh kế của hàng trăm ngàn người có tiền tiết kiệm, mà còn làm nổi bật tình trạng tài chính ngày càng xấu đi của các ngân hàng nhỏ của Trung Quốc.

Ông David Dollar, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc John Thornton thuộc Viện Brookings cho biết: “Nhiều tầng lớp trung lưu cảm thấy thất vọng với hiệu quả kinh tế gần đây và không còn ôm mơ tưởng về sự thống trị của ông Tập Cận Bình.”

Theo các nhà phân tích, sự mong manh của hệ thống tài chính là kết quả của một thập kỷ mở rộng theo hướng nợ không được kiểm soát ở Trung Quốc, mô hình này cần phải thay đổi.

Các chuyên gia cho rằng mặc dù ông Tập đang cố gắng thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, nhưng cách làm của ông không chính xác, và việc nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn đang đe dọa tương lai của các công ty Trung Quốc.

CNN cho biết ông Tập muốn thiết lập một “bình thường mới”, để cho tiêu dùng và dịch vụ trở thành động lực mở rộng quan trọng hơn so với đầu tư và xuất khẩu. Tuy nhiên cho đến nay, các biện pháp này đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ.

Đồng tiền Trung Quốc được nhiều người ở Trung Quốc coi là thước đo sức mạnh kinh tế của nước này, đang ở mức thấp nhất trong 14 năm so với đồng đô la.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm nay xuống 3,2%, đây sẽ là mức tăng trưởng thấp thứ hai của nước này trong 46 năm.

Báo cáo cho biết Trung Quốc không chỉ trở nên cô lập hơn dưới thời ông Tập Cận Bình mà còn chứng kiến ​​sự rạn nứt trong quan hệ Mỹ – Trung. Việc ông Tập từ chối lên án hành động xâm lược Ukraine của Moscow, cũng như tiếp tục có những hành động khiêu khích đối với Đài Loan, có thể khiến Bắc Kinh xa cách hơn nữa với Washington và các đồng minh.

Theo Reuters, trong bài phát biểu khai mạc Đại hội 19 vào năm 2017, ông Tập đã đưa ra các kế hoạch “đầy tham vọng”, bao gồm việc biến Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu toàn cầu vào năm 2050. Ông đã đề cập đến “cải cách” 70 lần trong bài phát biểu kéo dài gần ba tiếng rưỡi. Nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể từ lúc đó: Nền kinh tế Trung Quốc đã bị vùi dập bởi đại dịch COVID-19, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản và cuộc đàn áp của ông Tập Cận Bình đối với lĩnh vực công nghệ dưới chiêu bài “thịnh vượng chung” đã dẫn đến hàng loạt doanh nghiệp cắt giảm nhân viên. Trên phạm vi toàn cầu, quan hệ của Bắc Kinh với phương Tây đã xấu đi rõ rệt.