Tại cuộc họp APEC ngày 18/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết sẽ xem xét tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ 3 vào năm 2023. Tuy nhiên, dưới tác động của xu thế chống toàn cầu hóa và “ngoại giao sói chiến” của Bắc Kinh, quan hệ với châu Âu và Mỹ ngày càng trở nên căng thẳng.

Tap Can Binh 1
Ông Tập Cận Bình bày tỏ cân nhắc tổ chức Diễn đàn hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 3 vào năm 2023. Ảnh ông Tập tại một cuộc họp ở Bắc Kinh vào tháng 4/2022. (Ảnh: Shag 7799 / Shutterstock)

Ông Tập Cận Bình tuyên bố tại cuộc họp rằng: “Năm tới, Trung Quốc sẽ xem xét đăng cai Diễn đàn Hợp tác Quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3, để tạo động lực mới cho sự phát triển và thịnh vượng của châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.”

Hai diễn đàn trước đó được tổ chức vào năm 2017 và 2019, đã thu hút các nhà lãnh đạo và quan chức từ hàng chục quốc gia tới tham dự.

Tuy nhiên, kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát, Trung Quốc gần như đã đóng cửa hoàn toàn biên giới, hầu hết các sự kiện lớn theo dự kiến ban đầu đều bị hủy bỏ.

Nếu việc tổ chức Diễn đàn Vành đai và Con đường vào năm 2023 thành hiện thực, đây sẽ là lần đầu tiên sự kiện này quay trở lại kể từ sau đại dịch.

Mặc dù chính quyền Bắc Kinh tiếp tục tuyên bố rằng họ sẽ tuân thủ chính sách “Zero-COVID”, nhưng trên thực tế, gần đây các địa phương đã áp dụng quy định phòng chống dịch bệnh mới “20 điều” do Quốc vụ viện đưa ra, và dần có dấu hiệu nới lỏng phong tỏa.

Ngày 19/11, theo báo cáo của VOA, nhiều nhà phân tích cho rằng các biện pháp phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc sẽ được nới lỏng hơn nữa trong kỳ họp của lưỡng hội vào năm tới.

Tuy nhiên, với phương châm chung là “Zero-COVID” không thay đổi, chính sách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Việc đóng cửa toàn thành phố nhất thời sẽ không tái diễn, nhưng vẫn sẽ phong tỏa cục bộ và khó có thể từ bỏ trong tương lai gần.

Diễn đàn Hợp tác quốc tế Vành đai và Con đường lần thứ 3 có thể được tổ chức vào năm tới hay không, còn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh.

Wall Street Journal chỉ ra rằng sau Đại hội Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình có nhiều quyền lực hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Trung Quốc nào trong 3 thập kỷ qua.

Giờ đây, ông Tập đang tập trung vào việc tăng cường quan hệ đối ngoại, chuẩn bị cho sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trước khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20, trong 1 tuần, ông Tập Cận Bình đã tổ chức nhiều cuộc gặp mặt trực tiếp với các quan chức nước ngoài, nhiều hơn so với gần 2 năm kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào cuối năm 2019, cho đến Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh vào tháng Hai năm nay.

Wall Street Journal tin rằng đối với ông Tập, cuộc gặp ngoại giao kiểu này mang đến cho ông cơ hội chống lại những nỗ lực của Washington nhằm giành được đồng minh để cô lập Trung Quốc; đồng thời chuẩn bị cho Trung Quốc đối mặt với “những cơn sóng gió” mà ông đã cảnh báo tại Đại hội 20 của ĐCSTQ.

Khi Đại hội 20 khai mạc tại Bắc Kinh vào ngày 16/10, ông Tập Cận Bình đã đề xuất thúc đẩy mở cửa cấp cao. “Thúc đẩy sự phát triển chất lượng cao của việc xây dựng chung ‘Vành đai và Con đường’. Thúc đẩy quá trình quốc tế hóa Nhân dân tệ một cách có trật tự. Tham gia sâu sắc vào quá trình hợp tác và phân công lao động công nghiệp toàn cầu.”

Năm 2013, Bắc Kinh đưa ra dự án ​​”Vành đai và Con đường”, được coi là bộ phận cốt lõi trong chiến lược “ngoại giao nước lớn” của ông Tập Cận Bình, nhằm nâng cao sức mạnh và vị thế của ĐCSTQ, cũng như đóng vai trò lãnh đạo lớn hơn trong các vấn đề toàn cầu.

Các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc đã mở rộng khắp nơi, thậm chí còn hình thành một tổ chức tài chính đặc biệt cho mục đích này – Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á. Vào năm 2021, dữ liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy hơn 140 quốc gia đã ký thỏa thuận hợp tác này.

Ngày 10/11, các quan chức Trung Quốc thông báo rằng tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN thường niên diễn ra vào tuần này, họ sẽ phê duyệt một loạt kế hoạch cơ sở hạ tầng trên lục địa Đông Nam Á, đánh dấu sự trở lại của dự án ​​“Vành đai và Con đường” sau 3 năm gián đoạn vì đại dịch.

Tuy nhiên, ​​”Vành đai và Con đường” bị thế giới coi là công cụ để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế ra bên ngoài, đồng thời đẩy các nước tham gia vào bẫy nợ. Hơn nữa, dự án này ngày càng khơi dậy sự cảnh giác của các nước châu Âu và châu Mỹ.

Theo báo cáo của Nikkei, Trung Quốc đã nắm quyền kiểm soát các dự án cơ sở hạ tầng cao cấp của Sri Lanka, làm dấy lên lo ngại rằng nước này sẽ sớm trở thành thuộc địa của Trung Quốc.

Năm 2017, Sri Lanka không có khả năng trả số tiền nợ Trung Quốc, và “cho Trung Quốc thuê” cảng nước sâu phía nam Hambantota trong thời hạn 99 năm. Nhưng sau khi đất nước này thay đổi chính quyền, Chính phủ mới của tân Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa muốn hủy bỏ hợp đồng này với lý do lợi ích quốc gia.

Ngày 15/11, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã công bố chương trình “Hợp tác về Cơ sở hạ tầng và Đầu tư Toàn cầu (PGII)”.

Hai bên cam kết rằng kế hoạch trị giá 600 tỷ USD sẽ “cung cấp các mối quan hệ đối tác cơ sở hạ tầng minh bạch, tiêu chuẩn cao, định hướng giá trị cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.”

PGII đã được đề xuất tại cuộc họp G7 tổ chức tại Anh vào năm 2021, và chính thức ra mắt tại cuộc họp G7 vào tháng Sáu năm nay. Kế hoạch này được thế giới coi là để cạnh tranh với “Vành đai và Con đường”.

Bình Minh (t/h)