Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dự định thông qua một quy định bắt buộc về phương cách làm việc của các cơ quan ra quyết sách hàng đầu tại phiên họp toàn thể cuối tháng này, một động thái sẽ củng cố hơn nữa việc Chủ tịch Tập Cận Bình thắt chặt quyền lực, theo SCMP. 

Tập Cận Bình
Ông Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc Trung Quốc lần thứ 13 (Ảnh cắt từ video)

Hơn 300 uỷ viên Uỷ ban Trung ương sẽ thảo luận và thông qua các quy định mới tại cuộc họp chính trị thường niên của đảng tổ chức tại Bắc Kinh vào tuần cuối của tháng Mười. Uỷ ban này phụ trách về công tác đảng và thông qua các quyết định lớn của đảng tại cuộc họp ít nhất một năm một lần.

Một bản dự thảo quy định đã được truyền thông nhà nước công bố hôm thứ Hai (12/10) cho biết chi tiết hơn so với các tài liệu trước đây về phạm vi mà ông Tập có được với tư cách Tổng Bí thư đảng. Nó cũng bao gồm cách làm việc của các cơ quan ra quyết sách hàng đầu của đảng: Bộ chính trị gồm 25 thành viên và Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị gồm 7 thành viên.

Deng Yuwen, cựu phó Tổng biên tập tạp chí Học tập, một tờ báo liên kết với học viện hàng đầu của đảng, nói rằng quy định sẽ đem đến cho ông Tập quyền kiểm soát lớn hơn.

Ông Deng cho biết, “Quy định có nhiều chi tiết về cách thức làm việc của Uỷ ban Trung ương hơn trong điều lệ Đảng Cộng sản. Nó nâng cao địa vị [của ông Tập] lên trên các uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị khác.” 

Theo dự thảo, các cuộc họp của ba cơ quan – Uỷ ban Trung ương, Bộ chính trị và Thường vụ Bộ chính trị – có thể được triệu tập nếu có mặt hơn một nửa thành viên. Ngoài ra, Tổng Bí thư có độc quyền định ra chương trình họp của Bộ chính trị và Uỷ ban Thường vụ. Theo điều lệ, Tổng Bí thư chỉ có quyền triệu tập các cuộc họp Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị.

Có rất ít thông tin công khai về cách hoạt động của các cơ quan hàng đầu của đảng hoặc cách bỏ phiếu. Cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân từng một lần tiết lộ rằng Thường vụ Bộ Chính trị ra quyết định trên cơ sở đa số phiếu và rằng ông ta có một phiếu bầu với tư cách là người đứng đầu. Vì thế trong các thập kỷ qua, số thành viên luôn được giữ ở số lẻ.

Trong khi bản dự thảo quy định lấp đi một số khoảng trống và định nghĩa rõ ràng hơn về quyền lực của Tổng Bí thư, số đại biểu quy định vẫn như cũ đối với các cuộc họp cấp uỷ đảng ở cấp thấp hơn, vốn đã được đưa ra và thông báo công khai năm 2016.

“Đây là một phần của kế hoạch lâu dài của ông Tập nhằm đưa ra những quy định riêng biệt và bắt buộc về hầu hết mọi vấn đề và quyền lực cá nhân của ông ta luôn được lồng trong đó,” ông Deng nói.

“Đảng đã quen làm việc theo những phương cách mù mờ và gần như mỗi cơ quan, mỗi ngành đều có các quy định nội bộ riêng của họ, nhưng ông Tập rõ ràng không hài lòng với điều đó,” ông bổ sung.

Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã đưa ra nhiều quy định, đặt ra các yêu cầu bắt buộc đối với cán bộ trong đảng. Trong khi các quy định đề ra những quy tắc cụ thể cho việc bỏ phiếu, hội họp và sắp xếp công việc nội bộ – phần lớn không được công khai trước – chúng cũng nhằm củng cố lòng trung thành chính trị với ban lãnh đạo đảng.

Một quy định được thông qua năm ngoái về hoạt động của các chi bộ đảng trong các bộ và chính quyền tỉnh yêu cầu tất cả thành viên “kiên quyết bảo vệ” địa vị của ông Tập với tư cách là hạt nhân của ban lãnh đạo đảng.

Trong khi đó, quy định về xử lý kỷ luật được thông qua năm 2015 và sửa đổi năm 2018 nghiêm cấm “phê bình vô căn cứ các chính sách và quyết sách của đảng.”

Một chương trình khung về kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội năm năm tới cũng sẽ được thông qua tại phiên họp, cùng với kế hoạch phát triển quốc gia dài hạn gọi là “Tầm nhìn 2035.”

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: