Sáng ngày 17/3, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã tiến hành bầu chọn Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước. Kết quả ông Tập Cận Bình tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước Trung Quốc, và Chủ tịch Ủy ban Quân sự Trung Quốc với 100% số phiếu đồng ý. Ông Vương Kỳ Sơn giữ chức Phó chủ tịch nước với 1 phiếu chống. 

Vương Kỳ Sơn
Với 1 phiếu chống, Ông Vương Kỳ Sơn chính thức được bầu làm Phó chủ tịch Trung Quốc (Ảnh: Getty Images)

Theo truyền thông của Trung Quốc đưa tin, 9 giờ sáng ngày 17/3 (giờ Bắc Kinh), Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc (Nhân đại) Trung Quốc đã tiến hành hội nghị toàn thể lần thứ 5 Kỳ họp thứ 1 khóa 13. Hội nghị đã tiến hành biểu quyết đối với ứng cử viên Chủ tịch và Phó chủ tịch Trung Quốc, kết quả bỏ phiếu cho thấy, ông Tập Cận Bình trúng cử chức Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy với 2970 phiếu. Ông Vương Kỳ Sơn trúng cử chức Phó chủ tịch nước, ông Vương có 1 phiếu chống.

Trước đó truyền thông ngoài Trung Quốc liên tục đưa tin, nếu không có điều gì ngoài đặc biệt xảy ra, ông Vương Kỳ Sơn sẽ làm Phó chủ tịch nước Trung Quốc. Ông Vương sẽ phụ trách về quan hệ và đàm phán kinh tế giữa 2 nước  Trung – Mỹ, chức Phó chủ tịch nước trước đây vẫn được coi là chức vụ không có thực quyền, nhưng sẽ được thực quyền hóa dưới tay ông Vương Kỳ Sơn.

Ông Vương Kỳ Sơn trở thành tiêu điểm tại Đại hội Nhân đại, từng hành động của ông cũng được chú ý sát sao. Tại hội nghị dự bị của Nhân đại ngày 4/3, ông Vương Kỳ Sơn được chọn làm thành viên Đoàn Chủ tịch Nhân đại; dù không còn là Thường ủy Bộ Chính trị, nhưng ông được ngồi cùng hàng ghế với các thành viên của Ban Thường ủy Bộ Chính trị.

Trong lễ khai mạc Nhân đại, ông Vương lại tiếp tục đi sau 7 Thường ủy vào trong hội trường. Sau khi vào hội trường, vị trí ngồi của ông ở giữa Thường ủy Bộ Chính trị Triệu Lạc Tế và Ủy viên Bộ Chính trị Mã Khải, điều này cho thấy ông Vương chỉ đứng sau Thường ủy. Từ đây, dư luận cho rằng ông Vương Kỳ Sơn có địa vị là thành viên thứ 8 trong Ban Thường ủy.

Ngày 11/3, đại biểu Nhân đại toàn quốc tiến hành biểu quyết thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Trong chương trình thời sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho thấy, khi bắt đầu bỏ phiếu, ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường và các Thường ủy khác cùng ông Vương Kỳ Sơn lần lượt rời vị trí để đi đến hòm phiếu, ông Tập Cận Bình đi trước, các Thường ủy khác và sau đó là ông Vương Kỳ Sơn lần lượt theo sau tiến hành bỏ phiếu, CCTV có có đoạn video đặc tả 8 vị này bỏ phiếu.

Tháng Một năm nay, một động thái hiếm thấy đó là ông Vương Kỳ Sơn (đã thôi chức Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương tại Đại hội 19) được bầu chọn làm đại biểu tham dự Đại hội Nhân đại toàn quốc, sau đó lại tiếp tục được chọn làm thành viên Đoàn chủ tịch Nhân đại.

Trong thời gian diễn ra “lưỡng hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc), nhiều quan chức cấp cao tranh nhau đến “hàn huyên” cùng ông Vương Kỳ Sơn, theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, khi ông Vương đi qua hội trường, rất nhiều người đã ra bắt tay ông, trong đó có ông Phạm Trường Long (người được cho là sắp giải nhiệm chức Phó chủ tịch Ủy ban quân sự, từng có tin đồn bị điều tra) chào ông Vương theo nghi thức quân đội. Khi ông Vương bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp, nhiều tiếng vỗ tay vang lên, thậm chí làm lu mờ hình ảnh 7 ủy viên Ban Thường vụ.

>>Nhiều quan to đang lo sợ ông Vương Kỳ Sơn trở lại chính trường?

Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) có đăng bài bình luận cho biết, việc các đại biểu vỗ tay khác thường như vậy, nhiều khả năng họ đã nhận thức được tầm ảnh hưởng đặc biệt của ông Vương Kỳ Sơn trong vũ đài chính trị thời gian tới.

Giới quan sát dự đoán, ông Vương Kỳ Sơn làm Phó chủ tịch nước, chức vị này sẽ không còn là một chức mang tính tượng trưng nữa, ông Vương Kỳ Sơn từng làm đại diện cho Trung Quốc trong đối thoại chiến lược và kinh tế Trung – Mỹ, thời gian tới đây ông Vương sẽ có thực quyền trong ngoại giao và kinh tế đối ngoại.

Tờ Apple Daily (Hồng Kông) từng đưa tin, hai ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn tạo thành “thể chế Tập – Vương” có lẽ sau 5 năm nữa sẽ vẫn tiếp tục như vậy.

Nhật báo Đông phương (Oriental Daily News, Hồng Kông) có đăng tải bài bình luận nhận định, giới quan sát đều gọi vui ông Vương Kỳ Sơn là “Thường ủy thứ 8” trong dàn lãnh đạo tập thể khóa mới, còn từ mức độ tín nhiệm của chính quyền Bắc Kinh đối với ông mà nói, “vai trò của ông Vương Kỳ Sơn có lẽ không chỉ nằm ở vị trí được gọi là Thường ủy thứ 8”.

Ngày 11/3, Trung Quốc đã chính thức thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp, xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ của Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước. Một khi ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức Phó chủ tịch nước, theo Hiến pháp mới được sửa đổi, nhiệm kỳ của ông sẽ không bị giới hạn, điều này cũng có nghĩa là, lực uy hiếp của ông sẽ vẫn được tiếp tục giống như ông Tập Cận Bình.

Trí Đạt

Xem thêm: