Trong lúc vòng đàm phán thương mại thứ 2 giữa Trung Quốc và Mỹ sắp diễn ra, Phó chủ tịch nước Trung Quốc Vương Kỳ Sơn lần đầu tiên xuất hiện 2 lần trên truyền thông với thân phận mới – Ủy viên Ủy ban ngoại sự Trung ương đã khiến dư luận chú ý. Báo Hồng Kông cho rằng, thân phận mới của ông Vương Kỳ Sơn cho thấy ông đang hưởng thụ đãi ngộ như đối với Thường ủy Bộ Chính trị, danh hiệu “Thường ủy thứ 8” quả là không sai.

Vương Kỳ Sơn
Ông Vương Kỳ Sơn (Ảnh cắt từ video)

Chiều ngày 15/5, ông Vương Kỳ Sơn lần đầu tiên tham dự hội nghị của Ủy ban ngoại sự Trung ương với thân phận là ủy viên của ủy ban này. Đây là hội nghị lần đầu tiên của ủy ban này kể từ khi thăng cấp từ Tiểu tổ lãnh đạo công tác ngoại sự Trung ương lên cấp Ủy ban hồi tháng 3 vừa qua.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin này cho biết, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình làm Chủ nhiệm ủy ban, Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường làm Phó chủ nhiệm ủy ban, Phó chủ tịch nước Vương Kỳ Sơn làm ủy viên. Điều này cho thấy ông Vương Kỳ Sơn đứng thứ 3 trong Ủy ban ngoại sự Trung ương, chỉ sau ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường.

Giới quan sát cho rằng, điều này cho thấy ông Vương Kỳ Sơn phụ trách công tác ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc, phối hợp với ông Tập Cận Bình xử lý các sự vụ ngoại giao.

Ngày 15/5, cùng ngày chức vụ mới của ông Vương Kỳ Sơn được công khai, tại Trung Nam Hải, ông Vương cũng đã có cuộc hội kiến với đoàn đại biểu của Mỹ tham dự “Cuộc đối thoại lần thứ 10 giữa lãnh đạo và quan chức cấp cao ngành công thương Trung – Mỹ”. Thời điểm này đúng lúc Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc xuất phát đến Mỹ để tiến hành vòng đàm phán thương mại lần thứ 2, ông Vương Kỳ Sơn đóng vai trò như thế nào trong đàm phán thương mại Trung – Mỹ cũng khiến dư luận chú ý.

Bản tin chỉ ra, trong buổi đối thoại, ông Vương Kỳ Sơn nói, từ khi Trung Quốc và Mỹ xây dựng quan hệ ngoại giao đến nay, “mặc dù đã trải qua nhiều sóng gió, nhưng trước sau vẫn hướng về phía trước”. Còn “quan hệ thương mại bình đẳng đôi bên cùng có lợi” là gốc của quan hệ hai nước, bản chất là “hợp tác cùng có lợi”.

Ông Vương Kỳ Sơn cho biết, hai nước Trung – Mỹ cần hiểu nhau hơn, tăng thêm sự tín nhiệm, thông qua đối thoại thương lượng để giải quyết những chia rẽ còn tồn tại. Trung Quốc sẽ tiến hành cải cách mở cửa sâu rộng hơn, không ngừng cải thiện môi trường đầu tư thương mại, tiếp tục đưa ra tín hiệu cho thấy “sức hút của thị trường” Trung Quốc. Hy vọng lãnh đạo và chuyên gia ngành công thương Trung – Mỹ có được nhận thức chung, cùng nhau đẩy mạnh quan hệ kinh tế thương mại Trung – Mỹ phát triển lành mạnh và ổn định.

Bên cạnh việc truyền thông nhà nước hai lần đưa tin về việc ông Vương Kỳ Sơn lộ diện, trong bản tin thời sự của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng hai lần nhắc đến ông Vương Kỳ Sơn trong 2 bản tin.

Ngày 16/5, Minh Báo (Mingpao) của Hồng Kông đăng bài phân tích nói, mặc dù Ủy viên Ủy ban Ngoại sự Trung ương không chỉ có một mình ông Vương Kỳ Sơn, nhưng từ một góc độ khác, điều này cũng cho thấy, hiện tại ông Vương Kỳ Sơn đang hưởng thụ đại ngộ đối với Thường ủy Bộ Chính trị, danh hiệu “Thường ủy thứ 8” quả là không sai.

Tại “lưỡng hội” hồi tháng Ba vừa qua, ông Vương Kỳ Sơn đã quay trở lại chính đàn Trung Quốc với vai trò là Phó chủ tịch nước. Nhiều kênh truyền thông bên ngoài Trung Quốc dẫn nguồn tin cho biết, ông Vương Kỳ Sơn sẽ thay thế ông Tập Cận Bình quản lý về ngoại giao, đặc biệt là trong quan hệ Trung – Mỹ. Ông Vương Kỳ Sơn từng có kinh nghiệm trong ngoại giao với Mỹ.

Hồi đầu tháng Năm vừa rồi, đoàn đàm phán thương mại của Trung Quốc đã có cuộc đàm phán với đoàn đại biểu Mỹ, tờ Nhật báo Kinh tế của Hồng Kông đưa ra nhận định, ông Vương Kỳ Sơn mới là “nhân vật linh hồn” trong cuộc đàm phán giữa hai nước Trung – Mỹ lần này.

Ngày 13/5, Nhật báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCPM) của Hồng Kông đưa tin, Bắc Kinh đang cân nhắc sau chuyến đi Mỹ của ông Lưu Hạc, vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ phái ông Vương Kỳ Sơn thăm Washington. Ông Vương Kỳ Sơn chủ yếu sẽ phụ trách các vấn đề chiến lược trong đối thoại Trung – Mỹ.

Ông Vương Kỳ Sơn nhậm chức Phó chủ tịch nước Trung Quốc đến nay chưa đầy 2 tháng, nhưng lại có nhiều cuộc gặp với chính khách nước ngoài, trong đó có cuộc gặp với Ngoại trưởng Pakistan Khawaja Asif, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swara, Ngoại trưởng Nepal Pradeep Kuma Gyawali, Ủy viên Trung ương Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam kiêm Trưởng ban Kinh tế Trung ương Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano, Ngoại trưởng Brazil José Serra, các cuộc gặp này đã cho thấy ông Vương Kỳ Sơn phụ trách về các công việc liên quan đến ngoại giao.

Tuyết Mai

Xem thêm: