Cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Kỳ Sơn gần đây có tin đồn lại quay trở lại chính trường. Ông Vương được cho là sẽ nhậm chức Phó Chủ tịch nước, giúp đỡ ông Tập Cận Bình xử lý sự vụ ngoại giao. Tuy nhiên, có phân tích nói, ông Vương còn có khả năng kiêm nhiệm chức Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia, trong khi theo thông lệ, chức vụ này sẽ do người kế nhiệm của ông là Triệu Lạc Tế đảm nhiệm.

Vương Kỳ Sơn Triệu Lạc Tế
Ông Vương Kỳ Sơn (sau) và ông Triệu Lạc Tế

Ngày 14/2, Đài Á châu Tự do (RFA) đã đăng một bài bình luận nói, chính quyền ông Tập Cận Bình thành lập Ủy ban Giám sát chính là muốn từ nay về sau, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) có thể lấy danh nghĩa cơ quan Giám sát Quốc gia để có quyền lực sử dụng viện kiểm sát và cảnh sát.

Tuy nhiên nói một cách chặt chẽ, chính quyền đương nhiệm lại không chủ đích “thiết lập mới thêm” một Ủy ban Giám sát quốc gia, mà là vì CCDI treo một tấm biển “Ủy ban Giám sát quốc gia” ngang hàng với CCDI. Mục đích là để CCDI trong khi thi hành quyền lực trong nội bộ Đảng thì đồng thời cũng có thể lấy danh hiệu Ủy ban Giám sát quốc gia, danh chính ngôn thuận để thực hành cái gọi là “bao quát toàn bộ” đối với tất cả những người nằm dưới sự cai trị của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo bài viết, ông Vương Kỳ Sơn vốn được dự đoán sẽ lưu nhiệm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị và Bí thư CCDI tại Đại hội 19, sau đó tại Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc khóa 13 tổ chức vào tháng 3 năm nay, ông sẽ nhậm chức Chủ tịch Ủy ban Giám sát quốc gia mới được thành lập. Tuy nhiên, tại Đại hội 19 ông đã rút lui khỏi Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Dù vậy, cùng với việc ông Vương Kỳ Sơn đã “trúng cử” đại biểu Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Nhân đại) khóa mới, trong 5 năm tới đây ông sẽ không nghỉ hưu là điều đã định sẵn. Tuy vậy, ông Vương được cho là sẽ không lấy danh phận đại biểu phổ thông của Nhân đại khóa 13 để tiếp tục xuất hiện trên chính đàn, cũng không được sắp xếp cho chức vụ cấp phó như Phó ủy viên trưởng Nhân đại, mà khả năng cao chính là chức vụ Phó Chủ tịch nước mà giới quan sát đã bàn tán từ lâu, hoặc là cấp bậc chủ tịch (chủ nhiệm) Ủy ban Giám sát quốc gia mới thành lập tương đương với Quốc vụ viện ĐCSTQ, hoặc cũng có thể là Phó Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch (chủ nhiệm) Ủy ban Giám sát quốc gia.

Bài viết nói, hiện tại ông Vương Kỳ Sơn có khả năng sẽ tiếp tục ẩn hiện đến khi ông lấy thân phận thành viên đoàn chủ tịch xuất hiện tại lễ khai mạc Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc vào tháng sau, xuất hiện một cách “danh chính ngôn thuận” trên ghế đoàn chủ tịch tại lễ khai mạc.

Ngày 13/2, theo thông lệ, chính quyền Trung Quốc công bố danh sách quan chức cấp cao được cho là sẽ nghỉ hưu. Trong đó có ông Lưu Vân Sơn, đã giải nhiệm chức Thường ủy Bộ Chính trị tại Đại hội 19; ông Mạnh Kiến Trụ và Quách Kim Long đã giải nhiệm chức Ủy viên Bộ Chính trị; ông Triệu Hồng Chúc, Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ. Tuy nhiên lại không có tên cựu Bí thư CCDI Vương Kỳ Sơn, người đã thôi chức Thường ủy Bộ Chính trị tại Đại hội 19, thậm chí ông không còn là thành viên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ.

Điều này khiến giới quan sát cho rằng ông Vương Kỳ Sơn sẽ nhậm chức quan trọng vào tháng 3 tới đây dường như đã được định sẵn.

Ngoài ra, chiều ngày 14, chính quyền ĐCSTQ tổ chức Lễ chúc mừng Tân xuân 2018 tại Bắc Kinh, theo truyền thông tại Trung Quốc Đại Lục và video trên Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), trong số các Ủy viên Bộ Chính trị khóa trước, chỉ có ông Vương Kỳ Sơn, Lưu Vân Sơn không tham dự, còn 20 người khác đều tham dự. Trong đó ông Trương Đức Giang, Du Chính Thanh, Trương Cao Lệ, cả 3 người này sẽ giải nhiệm chức vụ của mình vào tháng 3 tới.

Dù không ngoại trừ khả năng ông Vương Kỳ Sơn sẽ đồng thời làm Phó Chủ tịch nước, kiêm nhiệm Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia, nhưng quan điểm thông thường cho rằng, ông Vương Kỳ Sơn sẽ chỉ nhậm chức Phó Chủ tịch nước. Còn đương nhiệm Bí thư CCDI Triệu Lạc Tế có khả năng lớn sẽ đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát quốc gia khóa đầu tiên.

Đến ngày 11/2, lãnh đạo Ủy ban Giám sát của 32 tỉnh, thành và Binh đoàn Sản xuất Kiến thiết Tân Cương đã được công bố. Sau khi Ủy ban Giám sát và dàn lãnh đạo cấp tỉnh thành của cơ quan này được ra mắt, Ủy ban Giám sát quốc gia cấp trung ương sẽ được thành lập tại Hội nghị Đại hội Đại biểu nhân dân toàn Trung Quốc trong tháng 3 tới, đồng thời bầu chọn dàn lãnh đạo. Ủy ban Giám sát quốc gia sẽ đồng cấp với Quốc vụ viện và Ủy ban Quân sự quốc gia.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, hiện tại, Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát cấp tỉnh đều do Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của tỉnh kiêm nhiệm. Do đó, theo suy đoán, chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Quốc gia tương lai có thể tham chiếu theo quy tắc kiêm nhiệm của cấp tỉnh, và sẽ do ông Triệu Lạc Tế đứng đầu.

Tháng 11 năm ngoái, ông Triệu Lạc Tế mới tiếp nhậm chức Bí thư CCDI từ tay ông Vương Kỳ Sơn, lại tiếp tục kiêm nhiệm chức Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo Công tác thí điểm đi sâu cải cách thể chế giám sát quốc gia.

Theo thông lệ của ĐCSTQ, nếu không phải là nguyên nhân đặc thù (ví như về hưu), thông thường “Tổ trưởng Tiểu tổ lãnh đạo” của công tác thí điểm loại này, đến lúc chính thức thành lập sẽ do người đứng đầu của đơn vị chủ quản làm lãnh đạo.

Trí Đạt

Xem thêm: