Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Đại hội 20 ĐCSTQ) sẽ khai mạc vào Chủ nhật (16/10), tầng quyền lực cao nhất của ĐCSTQ sẽ trải qua một cuộc thay đổi lớn. Việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử gần như chắc chắn, nhưng người kế nhiệm nhân vật thứ 2 – ông Lý Khắc Cường – vẫn luôn là một ẩn số.

Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường
Ông Tập Cận Bình (trái) và ông Lý Khắc Cường – (Nguồn: Chụp màn hình video CCTV)

Reuters cho biết, sự không minh bạch chính trị của ĐCSTQ càng trở lên không minh bạch hơn trong thời kỳ ông Tập Cận Bình cầm quyền trong 10 năm qua. Điều này có nghĩa là những nhà quan sát trong đảng chỉ có thể đoán ai sẽ được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt và những bổ nhiệm đó sẽ có ý nghĩa gì. Nhưng với việc ông Tập phá bỏ hàng loạt tiền lệ để tìm kiếm tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 3, đã khiến cho các nhà quan sát càng khó dự đoán thành phần của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị khóa tới hơn nữa. Do đó, ai sẽ là người kế nhiệm ông Lý Khắc Cường khi ông từ chức vào tháng 3 năm sau vẫn còn là một ẩn số.

Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ công bố các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của ĐCSTQ. Hiện tại, có 7 thành viên trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, người thứ nhất là ông Tập Cận Bình, Tổng Bí thư ĐCSTQ, người thứ hai là Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường.

Danh sách thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị mới được Đại hội 20 công bố, sẽ cung cấp manh mối để giới quan sát suy đoán về thủ tướng tiếp theo. 

Người bí ẩn tiếp nhậm chức thủ tướng

Mặc dù những nhà quan sát Trung Quốc dựa vào kinh nhiệm và liệt kê một số quan chức cấp cao của ĐCSTQ là “những người có khả năng là ứng cử viên”, nhưng cho đến nay không ai được coi là người kế nhiệm chức thủ tướng một cách rõ ràng. Reuters cho biết sự không chắc chắn này là một sự lệch hướng so với trạng thái bình thường.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hiện nay, bất kỳ ý kiến ​​cá nhân nào đều trở nên ít quan trọng, bởi vì ông Tập đã gạt những người được coi là “phe cải cách” sang một bên, để ủng hộ các chính sách của ông về kinh tế do nhà nước định hướng và theo chủ nghĩa dân tộc hơn.

Ông Mark Williams, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á tại Capital Economics, một công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế, cho biết ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy trong vài năm qua, quyết định thăng chức không dựa trên năng lực của các nhà kỹ trị (thường là thuộc phe cải cách), mà dựa nhiều hơn vào lòng trung thành với ông Tập Cận Bình.

Trước đây, các thủ tướng mới nhậm chức thường không quá 67 tuổi, từng là phó thủ tướng, và có kinh nghiệm quản lý kinh tế cấp tỉnh với tư cách là lãnh đạo đảng. Theo tiêu chuẩn này, Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (chủ tịch Chính hiệp), cựu Phó Thủ tướng Uông Dương và Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa đều đủ tư cách, nhưng cả hai đều không phải là người của ông Tập Cận Bình; Bí thư Thành ủy Thượng Hải Lý Cường và Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương ĐCSTQ Đinh Tiết Tường, đều là những người có thâm niên chưa sâu (tư cách và sự từng trải), nhưng họ được coi là người của ông Tập và được ông hoàn toàn tin tưởng.

Dưới đây là 4 khả năng có thể xảy ra đối với các ứng cử viên chức thủ tướng khóa tiếp theo mà Reuters và các phương tiện truyền thông khác tổng kết.

Khả năng 1: Ông Uông Dương

Ông Uông Dương (Wang Yang, 67 tuổi), là Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc, đây là một cơ cấu tư vấn chính trị. Ông đứng thứ tư trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện nay, và cũng là ứng cử viên lớn tuổi nhất cho chức thủ tướng.

Một số nhà phân tích cho rằng một yếu tố bất lợi cho việc tranh cử chức thủ tướng của ông Uông Dương là mối quan hệ của ông với Đoàn Thanh niên Cộng sản. Mặc dù ông Lý Khắc Cường, nhân vật số 2 trong ĐCSTQ, là đại tướng của phe Đoàn Thanh niên, nhưng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ông ta đã từng bước đề bạt người của mình vào các vị trí quan trọng trong đảng và chính phủ, vì thế mà thế lực phe Đoàn Thanh niên cũng suy yếu rất nhiều.

Một số người khác cho rằng ông Uông Dương, người luôn giữ kín tiếng trong 5 năm qua và tự xây dựng mình là một phó trợ thủ trung thành với kinh nghiệm điều hành chính quyền trung ương, ông có thể nhận được sự tin tưởng của ông Tập Cận Bình.

Những nhà quan sát nội bộ đảng nói rằng độ tuổi của ông Uông Dương sẽ giới hạn nhiệm kỳ thủ tướng của ông, điều này có thể có lợi cho việc tranh cử chức thủ tướng của ông. Bởi vì trong mắt ông Tập Cận Bình, thì sự đe dọa của ông Uông Dương ít hơn, bởi vì ông ấy khó có thể tại vị lâu hơn ông Tập.

Tuy nhiên, BBC đưa tin, cũng có quan điểm cho rằng nếu ông Uông Dương làm thủ tướng, thì cũng chỉ có thể làm một nhiệm kỳ, nhiệm kỳ tiếp theo sẽ là một vấn đề.

Theo International Business Times, khi ông Uông Dương nắm quyền điều hành Quảng Đông, tỉnh có kinh tế mạnh của Trung Quốc, ông được coi là “thể hiện khuynh hướng chủ nghĩa tự do, nhưng khuynh hướng này trở nên ít rõ rệt hơn sau khi ông Tập Cận Bình nắm quyền.”

Khả năng 2: Ông Hồ Xuân Hoa

Ông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua, 59 tuổi) một trong bốn Phó Thủ tướng đương nhiệm, cũng là một quan chức phe Đoàn Thanh niên.

Mặc dù trẻ tuổi hơn so với ông Uông Dương, nhưng ông Hồ Xuân Hoa có kinh nghiệm quản lý ở cấp quốc gia cũng như ở Tây Tạng, Nội Mông và tỉnh Quảng Đông.

Ông Hồ Xuân Hoa kém ông Tập 10 tuổi (ông Tập năm nay 69 tuổi). Điều này đối với ông Hồ Xuân Hoa là vừa mừng vừa lo: một mặt, ông Tập có thể giữ thái độ cẩn thận và cảnh giác với việc đề bạt một người có tương lai chính trị lâu dài hơn, người có thể vượt mặt hoặc lật đổ ông; mặt khác, ông Tập có thể thích sự trẻ tuổi của của ông Hồ Xuân Hoa và do đó mang lại cho ông Tập sự tôn trọng, bởi vì trong thể chế của ĐCSTQ, lý lịch thâm niên là vấn đề quan trọng.

Ngay cả khi không giành được chức thủ tướng, ông Hồ Xuân Hoa vẫn được cho là sẽ vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Khả năng 3: Ông Lý Cường – thân tín của ông Tập Cận Bình

Nếu quyền lực của ông Tập đủ mạnh, ông có thể đề bạt một thân tín không có kinh nghiệm liên quan trực tiếp lên làm thủ tướng.

Ông Lý Cường (Li Qiang, 63 tuổi), Bí thư Thượng Hải, là từng là cấp dưới của ông Tập khi nắm quyền ở Chiết Giang. Ông Lý Cường được coi là một trong những tâm phúc được ông Tập tin tưởng nhất. Tuy nhiên, việc Thượng Hải bị phong tỏa 2 tháng do sự bùng phát COVID-19 đã khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và người dân phàn nàn, khiến sự nghiệp của ông Lý Cường trở thành đá thử vàng, để kiểm tra xem việc xử lý dịch bệnh sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc thăng chức của ông hay không.

Ngay cả khi ông Lý Cường không được chọn làm thủ tướng, ông vẫn có thể được đề bạt vào Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Khả năng 4: Ông Hàn Chính

Ông Hàn Chính (Han Zheng) là thành viên duy nhất của Thường vụ Bộ Chính trị giữ chức vụ Phó Thủ tướng. Ông cũng là Phó Thủ tướng thứ nhất của Quốc vụ viện, nhưng đã bước sang tuổi 68 vào tháng 4 năm nay, phù hợp với giới hạn tuổi nghỉ hưu theo quy tắc bất thành văn “bảy lên tám xuống” của ĐCSTQ.

Theo Reuters, một số nhà phân tích cho rằng có khả năng ông Tập Cận Bình có thể nới lỏng giới hạn tuổi cho ông Hàn Chính. Bởi vì trong vài năm qua, ông Hàn Chính đã thể hiện sự ủng hộ của mình đối với ông Tập Cận Bình và sẵn sàng làm trợ thủ của ông Tập.

Với tư cách là thủ tướng chịu trách nhiệm quản lý nền kinh tế, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, cần phải tìm ra lối thoát trong cuộc khủng hoảng bất động sản đe dọa sự ổn định tài chính và “chính sách zero COVID” được ông Tập Cận Bình thúc đẩy mạnh mẽ. Ngày càng nhiều người cho rằng “chính sách zero COVID” là không bền vững và đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc. Cuộc chỉnh đốn hỗn loạn đối với các công ty công nghệ và các lớp dạy thêm sau giờ học đã ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa ĐCSTQ và nhiều nước phương Tây đã xấu đi. Ngành công nghiệp chip, ĐCSTQ đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt nghiêm khắc nhất từ ​​Chính phủ Mỹ và tham vọng công nghệ cao của ĐCSTQ đã bị ảnh hưởng nặng.

Nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) cho rằng sau Đại hội 20 ĐCSTQ, nền kinh tế Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đối mặt với một quá trình đi xuống nhanh chóng. Những vấn đề tồn đọng từ sự phát triển của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua sẽ lần lượt bùng phát. Trong tương lai, đội ngũ kinh tế của ĐCSTQ sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn như vậy, và quyền lực kinh tế nằm trong tay ông Tập, cho nên sự biến động nhân sự liên quan đến quan chức kinh tế có khả năng sẽ gây ra sự thay đổi về chính sách. Đối với quá trình đi xuống này, sẽ có một tác động, nhưng nó có thể không lớn lắm.