Hôm 15/8 Đại học Hồng Kông tiết lộ, bộ phim tài liệu “Mùa xuân, lại gặp lại Hồng Kông” (Spring, Seeing Hong Kong Again), có nội dung ca ngợi chính quyền Hồng Kông, được quay tại Hương Cảng của đạo diễn người Pháp Benoît Lelièvre, từ đội ngũ sản xuất đến ‘tiếng vang quốc tế’ đều bị nghi là giả, và là một trường hợp hoạt động tuyên truyền nước ngoài thất bại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Hồng Kông
Bộ phim tài liệu “Mùa xuân, lại gặp lại Hồng Kông” (Spring, Seeing Hong Kong Again), có nội dung ca ngợi chính quyền Hồng Kông, bị tình nghi là giả từ đội ngũ sản xuất đến ‘tiếng vang quốc tế’. (Ảnh cắt từ video)

Trong đoạn phim ngắn dài 25 phút này, chính quyền ĐCSTQ không phải là một kẻ áp bức độc tài, mà biến thành một nhà quản lý có thiện chí, giúp Hồng Kông phục hồi sau bất ổn chính trị và đại dịch COVID-19 (bệnh viêm phổi do virus corona năm 2019). Bộ phim nhắc lại luận điệu của ĐCSTQ, nói xấu phong trào ủng hộ dân chủ của Hồng Kông và tán dương các chính sách phòng chống dịch bệnh của ĐCSTQ.

Theo thông cáo báo chí do phía nhà sản xuất bộ phim công bố vào ngày 1/6, “khán giả (Liên hoan phim Cannes) đã vỗ tay trong 3 phút sau buổi chiếu. Một số người nói ‘bị sốc’, và bộ phim đã làm thay đổi ấn tượng của họ về Hồng Kông”, đồng thời cho biết bộ phim đã giành được giải Phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Prague.

Ngay khi thông cáo báo chí được đưa ra, nhiều người làm trong lĩnh vực báo chí, điện ảnh, truyền hình đã nhận thấy ngay sự dị thường. Một phóng viên của hãng truyền thông Séc Denik N đã tham dự sự kiện này sau khi xem quảng cáo, và phát hiện ra rằng không có Liên hoan phim Prague nào cả, và chỉ có hai người mua vé để xem cái gọi là công chiếu, và những bức ảnh quảng cáo đến từ kho ảnh.

Đối với Liên hoan phim Cannes, “Mùa xuân, lại gặp lại Hồng Kông” không được chiếu tại địa điểm chính như bộ phim “The Revolution of the Times” (Cách mạng Thời đại), mà chỉ cần bỏ tiền ra thì có thể chiếu tại “Triển lãm Thị trường phim Cannes” (Marché du Film).

Nhà làm phim Hồng Kông K Tse cho biết trên Twitter vào tháng Sáu rằng không ai xung quanh ông nghe nói về bộ phim tài liệu này và so sánh nhiều bức ảnh được ĐCSTQ công khai với ảnh trong kho ảnh, chỉ trích “bộ máy tuyên truyền nước ngoài (của ĐCSTQ) lại hoạt động rồi”.

Mặc dù bộ phim không gây được tiếng vang ở bất cứ đâu, nhưng Dự án Nghiên cứu Truyền thông Trung Quốc vẫn tiếp tục đào sâu, nỗ lực vạch trần các thủ đoạn tuyên truyền của ĐCSTQ trên Internet.

Ông Kevin Schoenmakers, tác giả chính của cuộc điều tra và là một nhà báo độc lập người Hà Lan hiện đang trú tại Trung Quốc, chỉ ra rằng danh sách các nhân viên của bộ phim rất đáng ngờ, và hầu như không tìm thấy người nào như vậy, chứ chưa nói đến bất kỳ công ty sản xuất nào.

Theo Facebook của ông Benoît Lelièvre, ông đã rời Trung Quốc vào năm 2019 và không bao giờ quay trở lại. Ông từ chối trả lời tất cả các câu hỏi của phóng viên và sau đó lặng lẽ xóa ảnh chụp chung để quảng bá về bộ phim tài liệu trên LinkedIn của mình.

Điều duy nhất có thể tìm thấy là hai nhà cố vấn của bộ phim, một trong số họ là đạo diễn có lập trường thân Trung Quốc Kim Hoa Thanh (Jin Huaqing), nhưng bản thân ông đã phủ nhận bất kỳ sự liên quan nào đến bộ phim tài liệu.

Người còn lại là Eleni Vlassi, giám đốc nghệ thuật của “Liên hoan phim tài liệu quốc tế Ierapetra” (International Documentary Festival of Ierapetra, IDFI) ở Hy Lạp. Liên hoan phim này có quan hệ mật thiết với Trung Quốc, quảng bá kế hoạch “Trung Quốc mộng”, hợp tác với các liên hoan phim khác nhau ở Trung Quốc, nhưng chương trình này chưa từng được các liên hoan phim khác nhắc đến. IDFI cũng đã trao nhiều giải thưởng cho các “nhà nghiên cứu” văn hóa và y học Trung Quốc không liên quan đến điện ảnh.

Kim Hoa Thanh đã chỉ trích phong trào chống dẫn độ là “thế lực bên ngoài làm loạn Hồng Kông” trong bộ phim tài liệu “Hồng Kông – Hãy tỏa sáng trở lại” (Hong Kong – Please shining again), bộ phim đã giành giải “Phim ngắn tiếng nước ngoài hay nhất” năm 2020 của IDFI. Tuy nhiên, cuộc điều tra của tờ Stand News tại Hồng Kông vào thời điểm đó đã phát hiện ra rằng giải thưởng cho bộ phim này không tồn tại trong danh sách trao giải của liên hoan.

Denik N đưa tin rằng người nộp đơn đăng ký chiếu phim “Mùa xuân, lại gặp lại Hồng Kông” ở Praha là Vương Kiệt (Wang Jie); Chương trình Nghiên cứu Truyền thông Trung Quốc nhận thấy rằng công ty của Vương Kiệt có quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương Thiểm Tây và chuyên giúp các bộ phim tham gia các cuộc thi quốc tế, nhiều bộ phim không được biết đến, ngoài ra còn có các liên hoan phim giả kiểu ‘treo đầu dê bán thịt chó’.

Các liên hoan phim này có trang web chính thức và chúng cũng được đăng ký trên nhiều trang đăng ký liên hoan phim, đi khắp nơi dùng ảnh trộm của các sự kiện liên hoan phim khác và một số liên hoan phim không tồn tại, chẳng hạn như “Liên hoan phim tranh giải Atlanta” (Atlanta Award-Qualifying Film Festival), “Liên hoan phim Washington” (Washington Film Festival), độ tin cậy của giải thưởng còn nhiều nghi vấn.

Trang tin Slate của Pháp hôm 17/8 đã đăng một phóng sự về bộ phim “Mùa xuân, lại gặp lại Hồng Kông”, rằng: “Dù không thể hoàn toàn nhận định Chính phủ Trung Quốc và Bộ Tuyên truyền đang hoạt động ở hậu trường, nhưng cũng đủ để đưa ra câu hỏi nghiêm túc … để cải thiện hình tượng, Trung Quốc đã đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực sản xuất phim trong vài năm qua.”

Ông Paul Charon, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Trường Quân sự Pháp (IRSEM), nói với Slate rằng các thủ pháp tuyên truyền của Trung Quốc phần lớn đều rất vụng về, và trong trường hợp này, đạo diễn Benoît Lelièvre có lẽ chỉ là một người hữu danh vô thực trong công cụ tuyên truyền của Trung Quốc. Quan chức tiến hành tuyên truyền cũng không quan tâm đến kênh tuyên truyền hay hiệu quả tuyên truyền, điều quan trọng nhất là phải đạt được hiệu quả công việc theo yêu cầu của cấp trên.

Ông David Bandurski, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Truyền thông Trung Quốc, nói rằng: “Đây là một ví dụ hoàn hảo về sự hỗn loạn trong ngành công nghiệp điện ảnh sau khi Trung Quốc làm xáo trộn.” Ông nói rằng hầu hết các tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc là đáng mỉa mai, họ không quan tâm đến khán giả Paris hoặc Berlin thực sự nghĩ gì; điều họ quan tâm là cấp trên nghĩ gì. “Mùa xuân, lại gặp lại Hồng Kông” là một ví dụ đầy rẫy những trò gian lận.

Trí Đạt, theo CNA