Ngày 17/7, bộ phim tài liệu do những người tập Pháp Luân Công sản xuất nhằm phản ánh cuộc điều tra về tội ác mổ cướp nội tạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiêu đề Thu hoạch sống: Mười năm điều tra đã được trình chiếu chính thức tại Đại học George Washington trong khuôn khổ Hội nghị Quốc tế cấp Bộ trưởng về Tự do Tôn giáo lần thứ hai. 

Trong buổi công chiếu, hàng chục nhân sĩ thuộc mọi tầng lớp khác nhau đều bày tỏ sự quan tâm đến nhân quyền và tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Khán giả phản ánh rằng nội dung chi tiết của bộ phim đã gây chấn động mạnh mẽ và cũng hết sức thuyết phục. Họ khẳng định sẽ cố gắng hết sức để nói lên sự thật và giúp ngăn chặn cuộc bức hại.

wangzhiyuan 1
Ông Uông Chí Viễn, người phụ trách nhóm điều tra về mổ cướp tạng sống, đã trả lời các câu hỏi của khán giả sau buổi công chiếu bộ phim (Ảnh: SOH)

Bộ phim “Thu hoạch sống: Mười năm điều tra” nói về ông Uông Chí Viễn, người đứng đầu Tổ chức Quốc tế Điều tra Cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG) và nhóm của ông. Suốt 10 năm qua, ông Uông Chí Viễn và các thành viên khác của WOIPFG tìm kiếm thông tin từ các website chính phủ, các bệnh viện và các báo cáo y tế… Họ cũng thực hiện vô số các cuộc gọi được ghi âm bí mật tới các bệnh viện, các bác sĩ, quan tòa, và thậm chí các lãnh đạo cấp cao trong chính phủ và quân đội ở Trung Quốc. Thông qua vô số bằng chứng thu được, họ đã xác thực rằng, trong cuộc bức hại tàn khốc đối với Pháp Luân Công, ĐCSTQ thực sự tiến hành hoạt động thu hoạch tạng từ người tập pháp môn này.

Ông Uông Chí Viễn giới thiệu, “Thu hoạch sống: Mười năm điều tra” và một bộ phim tài liệu khác có tên gọi Ironclad and Irrefutable Evidence (Tạm dịch là Bằng chứng sắt thép không thể bác bỏ), đã miêu tả chi tiết về cuộc điều tra và thu thập chứng cứ về tội ác mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ, thông qua đó nhằm phơi bày một tội ác tàn bạo chưa từng có trong lịch sử. Ông nói: “Bởi vì rất nhiều người khi nghe nói đến vấn nạn mổ cướp nội tạng sống không cách nào tin được, họ không muốn tin, do đó chúng tôi đưa ra các bằng chứng chủ yếu nhất (được thu thập trong quá trình điều tra), và giải thích rõ mối liên hệ logic giữa các chứng cứ này, cũng như cung cấp đầy đủ nguồn gốc và bối cảnh của từng chứng cứ.”

“Chúng tôi có kết quả điều tra liên quan đến năm ủy viên hiện tại và cựu ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ, một vị Bộ trưởng Quốc phòng, một vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, và một vị Bộ trưởng Bộ Y tế của Tổng cục Hậu cần ĐCSTQ, tất cả đều là những nhân vật quan trọng trong việc tìm hiểu hoạt động thu hoạch nội tạng sống.” Ông nói thêm, “Bằng chứng của chúng tôi cho thấy Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ đã từng thảo luận về hoạt động thu hoạch nội tạng học viên Pháp Luân Công, Giang Trạch Dân là người ta quyết định, còn cụ thể là do Chu Vĩnh Khang phụ trách.” “Vấn nạn này (thu hoạch tạng sống) không chỉ là vấn đề của địa phương nào, mà là hành vi mang tính nhà nước.”

Ông Uông Chí Viễn giới thiệu, họ đã điều tra 891 bệnh viện ở Trung Quốc, có tới 9.519 bác sĩ tham gia. Trong quá trình điều tra, các bác sĩ từ hơn 30 bệnh viện trực tiếp thừa nhận rằng họ đã sử dụng tạng thu hoạch sống từ người tập Pháp Luân Công cho cấy ghép.

Có khán giả đã đặt câu hỏi sau buổi công chiếu phim liên quan đến tình hình thu hoạch tạng sống tại Bệnh viện Tô Gia Đồn ở Đông Bắc Trung Quốc. Họ hỏi tại sao có tới khoảng 4.000 người tập Pháp Luân Công bị mổ cướp tạng mà nhà làm phim không tới phỏng vấn gia đình nạn nhân?

Ông Uông Chí Viễn đã trả lời rằng cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc vô cùng nghiêm trọng. Vì để bảo vệ gia đình, người tập Pháp Luân Công bị bức hại thường không tiết lộ danh tính khi bị bắt, do đó cảnh sát thường sẽ chỉ cấp cho họ một mã số. Gia đình của những người bị bức hại không biết người thân của mình bị bắt đến đâu, phía cảnh sát nhằm tránh phiền nhiễu cũng không thông báo cho gia đình nạn nhân. Điều này dẫn đến tình huống là không có ai biết người tập Pháp Luân Công bị giam giữ ở đâu, mà cho dù có biết đi chăng nữa, họ cũng không dám đứng ra điều tra.

Cô Kubra, một nghiên cứu sinh người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học George Washington cho biết nội dung của bộ phim đã khiến cô bị sốc. Trước khi xem phim, Kubra đã đọc qua tờ giới thiệu nội dung sự kiện và đoán bộ phim sẽ đề cập đến cuộc bức hại, nhưng cô không ngờ được rằng cuộc bức hại quá mức thảm khốc đến thế. “Hai chữ ‘thu hoạch’ khiến tôi liên tưởng đến việc thu hoạch mùa màng, nhưng khi gắn với các cơ quan tạng, thật sự quá kinh khủng, khiến người ta khó lòng mà tin được. Thu hoạch tạng sống là hành vi ‘hoàn toàn vô nhân tính, hoàn toàn khủng bố’.”

turkishgirl
Nghiên cứu sinh người Thổ Nhĩ Kỳ Kubra (Ảnh: SOH)

Kubra cảm thấy nội dung của bộ phim hoàn toàn là sự thật, có phân tích kỹ thuật số, có những trường hợp cụ thể và báo cáo chính thức của ĐCSTQ, tất cả đều rất thuyết phục. Cô rất khâm phục ông Uông Chí Viễn, “Cuộc điều tra đầy khó khăn và nguy hiểm đến thế, ông ấy đã kiên trì suốt 10 năm rồi, thực sự rất đáng khâm phục.”

Kubra còn nói rằng ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có bức hại, người ta cũng bị bắt giữ, đánh đập vì tín ngưỡng của mình, nhưng còn vì tín ngưỡng mà bị thu hoạch tạng sống thì quá mức khủng khiếp. Vậy mà chính phủ các quốc gia cùng các tổ chức nhân quyền tựa như không làm gì để ngăn chặn hành vi giết người này. “Rõ ràng là họ vẫn còn rất nhiều việc phải làm,” cô nhấn mạnh.

Kubra không hề biết Pháp Luân Công trước đây. Ngay tại thời điểm tham gia sự kiện cô đã lên mạng để tìm kiếm thông tin và không thấy bất kỳ điều gì xấu liên quan đến pháp môn này. Cô thực sự không hiểu tại sao có người cho rằng mình có quyền bức hại một nhóm người ôn hòa như Pháp Luân Công.

Kubra khẳng định cô sẽ nói chuyện với những người xung quanh mình về vấn nạn thu hoạch tạng sống. “Cho dù việc nhỏ hay việc lớn, mọi người đều bắt đầu từ những việc nhỏ, và kết quả sẽ có ảnh hưởng lớn.” Cô cũng đề nghị mỗi người dân Trung Quốc đều nên nói ra sự thật này, bởi vì “Không có ai biết được bản thân sẽ bị mổ cướp tạng sống như vậy hay không, khi rơi vào tình huống đó, họ nhất định sẽ hy vọng có người lên tiếng nói rõ ra sự việc đó.”

Minh Ngọc

Xem thêm: