Tuần trước, một tập đoàn tài chính tại Thượng Hải liên quan đến ông Lý Nguyên Triều, Phó Chủ tịch nước Trung Quốc đã bị cơ quan giám sát tài chính điều tra, nhiều trang tin cũng cho biết ông Lý Nguyên Triều hiện đang bị quản thúc. 

Embed from Getty Images

Ông Lý Nguyên Triều

Ngày 27/12, nhiều trang tin tức bên ngoài Trung Quốc Đại Lục đưa tin, gần đây, sau một thời gian dài kín tiếng, ông Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Lý Nguyên Triều đã bị “khống chế”.

Ngày 22/12, Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) đưa tin, cơ quan quản lý tài chính thuộc Ủy ban Giám sát Ngân hàng Trung Quốc đang điều tra tình hình một tập đoàn đầu tư nước ngoài liên quan đến ông Lý Nguyên Triều, buộc tập đoàn này phải bán tháo tài sản ở nước ngoài để chuyển vốn về nước.

Có nhận định, nếu thông tin này là đúng, có nghĩa là xác thực tin đồn trước đây cho rằng ông Lý Nguyên Triều bị điều tra.

Tại Đại hội 19, ông Lý Nguyên Triều bất ngờ bị loại khỏi ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cũng bị loại khỏi danh sách Ủy ban Trung ương. Theo tình hình bình thường, cho đến “lưỡng hội” vào tháng Ba năm sau ông Lý mới chính thức nghỉ hưu. Nhưng quan to này lại vắng mặt trong ba dịp quan trọng: Hội ​​nghị Công tác kinh tế trung ương, Hội nghị báo cáo công tác của Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga tại Bắc Kinh, và buổi tiếp đón Tổng thống Mỹ Trump thăm Trung Quốc. Trong điều kiện bình thường, những sự kiện này Phó Chủ tịch nước Lý Nguyên Triều sẽ tham dự.

Ngoài ra, sau Đại hội 19, từ quan to mới vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị đến quan to mới nghỉ hưu đều có bài viết đăng trên các phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ nói về “tinh thần Đại hội 19”, trong khi hoàn toàn không thấy tiếng nói của ông Lý Nguyên Triều.

Có nhà bình luận cho rằng, với tư cách là trợ lý hành chính duy nhất của ông Tập Cận Bình, ông Lý Nguyên Triều bất ngờ “bốc hơi” như thế, lý do đằng sau không đơn giản là nghỉ hưu sớm.

>> Bốn kịch bản thay thế chức Phó Chủ tịch nước Trung Quốc của ông Lý Nguyên Triều

Trên thực tế, từ sau khi ông Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa” vào năm 2014, nhiều thông tin bất lợi liên quan đến Lý Nguyên Triều liên tục được phanh phui. Vào tháng Bảy năm ngoái, VOA (Mỹ) đưa tin ông Lý “bị đình chỉ để điều tra”. Theo thông tin, ông này có quan hệ thân mật với Lệnh Kế Hoạch, đều xuất thân đoàn Thanh niên, cùng sống ở đường Vạn Thọ quận Hải Định – Bắc Kinh, cửa nhà hai người đối diện nhau, có quan hệ thân thiết nhiều năm. Sau khi ông Lệnh Kế Hoạch “ngã ngựa” năm 2014, tạp chí Minh Kính (Hồng Kông) đã đưa tin Lý Nguyên Triều có quan hệ thân với Lệnh Kế Hoạch, thậm chí chỉ ra thuyết “thể chế Lệnh – Lý”, nghĩa là Lệnh Kế Hoạch làm Tổng Bí thư, Lý Nguyên Triều làm Thủ tướng.

Ngoài ra, cũng có thông tin nhận định, trước Đại hội 18 ĐCSTQ, ông Lệnh khi đó là Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đã liên kết với ông Lý mua phiếu bầu, thao túng kết quả bầu cử, khi đó Lệnh Kế Hoạch có số phiếu cao thứ ba, còn số phiếu của Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai còn cao hơn cả ông Tập Cận Bình.

Ngày 19/11, Nhật báo Đông Phương (Hồng Kông) có bài viết tiết lộ, ông Trần Hy, Trưởng ban tổ chức Trung ương và là Ủy viên Bộ Chính trị mới tại Đại hội 19 là bạn học tại Đại học Thanh Hoa của ông Tập Cận Bình, sau khi ông Tập vào Ban Thường vụ Bộ Chính trị thì người đầu tiên muốn trọng dụng chính là ông Trần Hy. Nhờ tiến cử của ông Tập, ông Trần Hy từ chức Bí thư Đảng ủy Đại học Thanh Hoa thăng chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Vốn dĩ ông Tập Cận Bình muốn Trần Hy làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục, không ngờ bị Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Lệnh Kế Hoạch liên kết với ông Trưởng ban Tổ chức Trung ương khi đó là Lý Nguyên Triều ngăn cản. Mục đích bố trí Trần Hy thất bại, ông Tập Cận Bình buộc phải cho Trần Hy “nhảy dù” làm Phó Bí thư Đảng ủy tỉnh Liêu Ninh, một năm sau lại đưa Trần Hy nhậm chức Bí thư Tổ đảng Hiệp hội Khoa học Trung Quốc. Nhờ thăng tiến cấp bậc trước khi sắp phải nghỉ hưu này mà cuộc đời chính trị của Trần Hy được kéo dài.

Cũng theo bài viết, trong vòng 5 năm có ba lần Trần Hy được lên chức.

Ngày 15/11, Đài Á Châu Tự Do (VOA) có bài viết của nhà bình luận Cao Tân phân tích việc ông Lý Nguyên Triều bị loại tại Đại hội 19, cho rằng có thể đang bị ông Tập Cận Bình “truy cứu trách nhiệm”. Bài viết cho rằng sau Đại hội 18, ông Lý Nguyên Triều trở thành ủy viên Bộ Chính trị nhưng vẫn nằm trong “tổ chức quần chúng” dưới phân công của ông Lưu Vân Sơn, trong đó có đoàn Thanh niên, Hiệp hội Khoa học và Hội Liên hiệp Phụ nữ. Trước Đại hội 19, ông Tập Cận Bình đã cách chức Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn Thanh niên của ông Tần Nghi Trí, cho thấy vấn đề truy cứu Lý Nguyên Triều.

Thông tin cho rằng sau Đại hội 18, ông Lý Nguyên Triều nhậm chức Phó chủ tịch nước hữu danh vô thực, sau khi Lệnh Kế Hoạch bị hạ bệ, Lý lại bị lộ bê bối với em dâu, nhiều lần đã bị ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn “nhắc nhở”.

Hai năm trước, truyền thông ngoài nhà nước Trung Quốc đã có tin đồn những thân cận của ông Lý là tài xế, thư ký và em rể bị điều tra, thậm chí Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương còn lập tổ chuyên án và tìm kiếm người thay thế ông Lý Nguyên Triều.

Tháng 7/2016 lại có tin đồn ông Lý Nguyên Triều đã bị lập án và quản chế, toàn bộ những thân cận của ông gồm thư ký, lái xe và cảnh vệ đều bị thay thế, còn vợ của ông cũng bị yêu cầu phối hợp điều tra. Nhưng phía giới chức Trung Quốc không thừa nhận thông tin này.

Ngày 30/10 năm nay, truyền thông Hồng Kông cũng đưa tin sau khi ông Lý Nguyên Triều nhậm chức Phó Chủ tịch nước hữu danh vô thực tại Đại hội 18 thì nhiều thân cận của ông gồm vợ, con và thư ký cũng bị xử lý, bản thân ông cũng nhiều lần bị đồn phải chịu quản chế.

Ông Lý Nguyên Triều có bối cảnh phức tạp, ngoài xuất thân đoàn Thanh niên, bản thân ông cũng là “thái tử Đảng”, và là thành viên “bang Giang Tô” do cựu lãnh đạo tối cao Giang Trạch Dân đứng sau, còn cha của ông là Lý Can Thành không chỉ quan hệ thân thiết với người chú của ông Giang Trạch Dân là Giang Thượng Thanh, mà còn là thuộc cấp của cha ông Tăng Khánh Hồng là Tăng Sơn.

Tuyết Mai

Xem thêm: