Trước thềm hội nghị Bắc Đới Hà, ông La Vũ, con trai của thượng tướng lão thành La Thụy Khanh nói với Epoch Times rằng, ông Tập Cận Bình muốn tiến hành cải cách thì chỉ có bắt ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, đồng thời công bố những tội ác chống lại nhân loại của họ.

Hội nghị Bắc Đới Hà không còn sức ảnh hưởng

Từ năm 1954, nhóm cán bộ Trung ương thường đến Bắc Đới Hà để tránh nóng và bàn việc chính sự. Đây được gọi là “chế độ làm việc mùa hè của Trung ương”, về sau này nói đơn giản là “hạ đô” (thủ đô vào mùa hè) hay “Hội nghị Bắc Đới Hà”.

Ông La Vũ nói với Epoch Times rằng “Hội nghị Bắc Đới Hà thời Mao Trạch Đông, và về sau vào thời Giang Trạch Dân hay Hồ Cẩm Đào không hề giống nhau. Sau này, Hội nghị Bắc Đới Hà chủ yếu chỉ là diễn đàn cho các cán bộ lão thành chính trị. Nhưng từ sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền đã liên tục làm suy yếu tầm ảnh hưởng của nó.” Ông cũng cho biết thêm, về sau này tầm quan trọng của Hội nghị Bắc Đới Hà về cơ bản đã không còn ảnh hưởng gì nữa: “Nếu Tập Cận Bình muốn mở thì mở, không mở thì không mở.”

Mặc dù thông báo rằng Hội nghị Bắc Đới Hà sẽ thảo luận việc giải tán chế độ Ban Thường vụ và bỏ việc chỉ định người kế thừa giữa các thế hệ. Nhưng theo ông La Vũ, “nếu Tập Cận Bình muốn giải quyết những vấn đề này thì khi chuẩn bị xong ông sẽ làm, chưa chuẩn bị xong sẽ chưa làm, chứ không có chuyện chờ cho tới Hội nghị này mới đủ khả năng giải quyết. Tất cả chỉ là màu mè bên ngoài cho Bắc Đới Hà mà thôi”. Ông nói thêm “hiện giờ quan trọng hơn hết là Hội nghị Toàn thể Ủy ban Trung ương (Hội nghị 6) và Đại hội Đại biểu Toàn quốc (Đại hội 19). Còn Hội nghị Bắc Đới Hà hoàn toàn diễn ra theo ý Tập Cận Bình.”

Bối cảnh của Hội nghị 6

Ngày 26/7, Bộ Chính trị Trung Quốc công bố Hội nghị 6 lần thứ 18 sẽ diễn ra vào tháng 10. Trong đó lịch trình thảo luận chủ yếu ngoài hoạt động thường niên sẽ là vấn đề “trị Đảng nghiêm” và thí điểm sửa đổi “điều lệ giám sát Đảng”.

Hội nghị năm nay không chỉ công bố trước hai tháng mà còn tiết lộ chủ đề thảo luận chính. Ông La Vũ phân tích: “Việc này cho thấy mức độ tự tin của ông Tập Cận Bình tăng dần theo từng năm, có nghĩa là ông ấy đã nắm được quyền kiểm soát Trung ương, kể cả quân đội và cảnh sát vũ trang, thậm chí nhiều phương diện khác. Chính vì sự tự tin này mà ông Tập giống như tuyên bố ‘tôi muốn mở hội nghị lúc nào thì mở, muốn thảo luận gì thì thảo luận’”.

Trong lá thư gửi ông Tập Cận Bình gần đây, ông La Vũ đã viết “Chúng tôi nghĩ rằng ông Tập Trọng Huân là một người theo chủ nghĩa tự do, ủng hộ dân chủ trong Đảng. Vì vậy chúng tôi hy vọng ông cũng sẽ đủ khả năng để kế thừa di nguyện của cha mình, đưa Trung Quốc hòa vào làn sóng dân chủ thế giới.” Tuy nhiên, ông La Vũ cho biết, hiện nay chưa rõ ông Tập có hướng đến việc dân chủ hóa hay không.

Hội nghị 6 quyết định việc mở hay không Đại hội 19

Đại hội 19 có diễn ra hay không, sẽ phụ thuộc vào những gì được nói trong Hội nghị 6. Tuy nhiên, theo ông La Vũ nhận định thì “Tập Cận Bình không thể chỉ định người kế tục. Tập có thể giải quyết vấn đề này bằng việc phát triển theo hướng dân chủ, có thể là bầu cử trong Đảng, bầu cử toàn quốc, bầu cử tổng thống, nhưng còn về việc kết thúc chế độ chuyên chế thì hiện giờ chúng ta vẫn chưa nhìn ra rõ.”

Nhưng La Vũ cũng cho rằng, phân tích từ bất cứ hướng nào thì cũng thấy ông Tập Cận Bình không thể phát triển theo hướng chuyên chế. “Bởi vì phát triển theo hướng chuyên chế độc tài, không những chỉ ông ta không có tiền đồ, mà cả quốc gia cũng không có tiền đồ… Tập Cận Bình không phải là người ngu ngốc, ông ấy biết rằng đi con đường theo hướng chuyên chế thì chính là con đường chết.”

Theo thông lệ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, vào mùa thu năm sau tại Đại hội 19, trừ ông Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường, thì 5 người còn lại trong Bộ chính trị sẽ thoái vị. Chỉ những người chưa đến 68 tuổi vào tháng 11 năm sau mới có khả năng trở thành Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị.

Ông La Vũ cho biết thêm: “Theo tình hình hiện tại, tôi nghĩ rằng ông Tập sẽ không bãi bỏ Đại hội 19. Nói cách khác, ông ấy sẽ chọn hướng dân chủ, bầu cử trong Đảng hay bầu cử toàn quốc đều tốt cả, không cần thiết phải bãi bỏ Đại hội 19.

“Nếu bỏ Đại hội 19, Tập sẽ tạo ra rất nhiều kẻ thù. Ông ấy có thể nhượng bộ một chút nhưng không gì có thể ngáng chân ông được. Bởi những người có thể gây khó khăn cho ông trong Đại hội 19 đều bị rút xuống rồi.”

“Tôi nghĩ rằng chế độ tổng thống là con đường duy nhất của Tập Cận Bình, không có lựa chọn khác. Gọi là chế độ tổng thống hay không thì cũng vậy, nhưng đó thực chất chính là chế độ tổng thống. Đây cũng là việc từ bỏ khái niệm đảng phái: Tôi chính là tổng thống của nhân dân. Đối với Tập là rất có lợi.”

“Ông Tập liệu có nghĩ thông hay không, tôi nghĩ rằng hiện giờ vẫn chưa nhìn rõ các dấu hiệu. Nhưng cũng có thể ông ấy không lộ ra, hoặc chưa đến lúc cần nói rõ. Điều này hoàn toàn có thể.”

Cần phải công khai tội chống lại nhân loại và tham nhũng của Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng

Nói về hai ông Giang và Tăng, ông La Vũ cho rằng: “Rất nhiều người đều nói trước Hội nghị 6, khẳng định sẽ giải quyết được vấn đề của Giang Trạch Dân, đương nhiên không cần mang vấn đề này đến tận Đại hội 19. Tôi cũng hy vọng vậy. Đầu năm nay tôi đã viết thư gửi Tập Cận Bình, hy vọng ông ấy nhanh chóng giải quyết vấn đề Giang Trạch Dân. Bởi vì vấn đề của Giang, Tăng nếu không giải quyết, thì giống như là có một bậc chắn cao trước cửa, không đi qua được.”

Ông cũng nói thêm, nếu ông Tập Cận Bình muốn chống tham nhũng, hủ bại nhưng lại không động đến hai kẻ đại tham là ông Giang Trạch Dân và ông Tăng Khánh Hồng thì những người thuộc phe cánh của hai ông này ở Ủy ban Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Thường vụ, phần lớn cũng sẽ không bao giờ chịu từ bỏ hy vọng.

Ông nhấn mạnh rằng, “Nếu Tập Cận Bình không giải quyết vấn đề Giang, Tăng, thì ông có chống tham nhũng, có đi theo con đường dân chủ, cũng sẽ không cựa quậy được, trở lực quá lớn. Vì vậy, Tập Cận Bình nhất định phải bắt Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng với đúng tội danh của họ.”

“Chỉ có cách đó, Tập Cận Bình mới đủ lực để lựa chọn con đường dân chủ. Việc quản thúc tại gia đối với Giang và Tăng là chưa đủ. Đây chính là ‘nên quyết đoán mà không quyết đoán thì sẽ bị loạn’. Hiện giờ vấn đề chỉ là có quyết tâm hay không, nếu như ông ấy thực sự hạ quyết tâm bước theo hướng dân chủ hoá có trật tự, ông ấy chắc chắn sẽ thành công, nhưng nếu cứ chần chừ không quyết thì vấn đề Giang, Tăng sẽ cứ mãi không nắm chắc được, sẽ vô cùng nguy hiểm.”

Tự Minh

Xem thêm: