Nhân viên Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã mua một chiếc áo khoác trực tuyến có may thẻ của một tù nhân Trung Quốc. Cô ấy nghi ngờ đây là một tín hiệu cầu cứu.

Thẻ của tù nhân may trong quần áo

Theo Independent, một người phụ nữ 24 tuổi đã mua một chiếc áo từ một công ty trực tuyến có tên “Tiệm giày của tôi” với giá 49,99 bảng Anh (khoảng 1.500.000 VNĐ). Sau đó, cô đã phát hiện thẻ của một tù nhân Trung Quốc được khâu vào áo. Trên thẻ có ghi những dòng chữ như “Nhà tù Nhạc Dương tỉnh Hồ Nam” “Cấp độ cơ bản”.

Thương hiệu của chiếc áo khoác này là Brave Soul. Đây là thương hiệu cốt lõi của công ty Whispering Smith của Anh, chuyên giao thầu các sản phẩm của mình cho Trung Quốc, nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ.

Người phụ nữ đến từ Norwich cho biết: “Đây có thể là một tín hiệu cầu cứu của một công nhân nô lệ.”

Cô nói với “The Mirror“: “Tôi làm việc trong Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, và tôi muốn mọi người đều có một cuộc sống tốt đẹp.”

Người phát ngôn của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết: “Bất kỳ công ty nào cũng đều phải có trách nhiệm tôn trọng nhân quyền, cho dù họ tiến hành hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc hay những nơi khác.”

“Chúng tôi cũng sẽ thúc giục Chính phủ Anh xem xét các cuộc điều tra nhân quyền bắt buộc đối với các công ty Anh hoạt động ở nước ngoài.”

Tờ Daily Mail đã liên hệ với công ty Whispering Smith, đề nghị họ đưa ra bình luận.

(Nội dung tweet: Anh Shahkiel Akbar, khách hàng của thương hiệu thời trang Primark đã choáng váng sau khi tìm thấy một bức thư tự nhận là của một nạn nhân bị tra tấn tại Trung Quốc.)

Bức thư tuyệt vọng giấu trong tất

Thật trùng hợp, năm 2015, một khách hàng của thương hiệu thời trang Primark tại Vương quốc Anh, đã tìm thấy một bức thư đáng lo ngại trong một đôi tất bông. Bức thư được cho là do một nạn nhân bị tra tấn tại Trung Quốc viết.

Shahkiel Akbar đã mua một đôi tất bông màu đen trong một chuỗi cửa hàng giá rẻ ở Metrocentre, Newcastle, và tìm thấy một tờ giấy giấu trong tất.

Anh Akbar, 24 tuổi, đã cầm tờ giấy này và đến cửa hàng Trung Quốc ở địa phương, nhờ nhân viên của họ phiên dịch cho mình, nhưng người chủ nói rằng anh ấy là người Hàn Quốc và không hiểu tiếng Trung.

Akbar đã sử dụng phần mềm dịch thuật trên điện thoại di động của mình để dịch bức thư sang tiếng Anh. Hóa ra đây là bức thư cầu cứu tuyệt vọng của một người đàn ông. Bức thư nói rằng ông ấy bị tra tấn và hành hạ sau khi bị vu oan, bị tống tiền và lừa gạt.

Bức thư được cho là do một người An Huy có tên Đinh Đình Khôn viết.

Bức thư viết: “Tôi đã bị Tòa án Nhân dân Quận Linh Bích vu khống hãm hại và kết án 3 năm tù bất hợp pháp vào ngày 29/6/2014.”

“Tôi hiện đang bị giam giữ cưỡng bức tại Trung tâm giam giữ quận Linh Bích. Cả thể xác và tinh thần của tôi đã phải chịu đựng cực hình và mình mẩy đầy thương tích!”

“Dù là ai đọc được bức thư này, xin hãy đưa nó cho Chủ tịch Tập Cận Bình hoặc Phó Thủ tướng Lý Khắc Cường, hoặc phơi bày sự việc này qua các phóng viên và kênh truyền thông!”

Ông ấy cũng nói: “Vợ tôi và tôi đều bị bức hại thành tàn tật.”

Tù nhân “làm việc như súc vật”

Những thông điệp cầu cứu như thế này nhiều vô kể. Điều đó cũng phản ánh rằng hành vi tàn ác đối với lao động nô lệ trong các nhà tù ở Trung Quốc vẫn đang tiếp diễn.

Bà Lý Điện Kỳ, hiện 69 tuổi, sống tại New York, từng bị giam tại nhà tù nữ tỉnh Liêu Ninh từ năm 2007 – 2010, vì không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Bà cho biết, trong 3 năm, bà đã làm việc khoảng 17 giờ mỗi ngày, để may quần áo rẻ tiền. Không được trả lương, nhưng nếu không hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, bà sẽ phải đối mặt với sự trừng phạt của quản ngục.

Có lần, một đội khoảng 60 người không hoàn thành nhiệm vụ và bị buộc phải làm việc liên tục trong 3 ngày. Trong thời gian này, họ không được phép đi ăn hoặc đi vệ sinh. Nếu tù nhân buồn ngủ hoặc ngủ gật, cai ngục cũng sẽ dùng dùi cui điện để sốc điện họ.

Bà Lý Điện Kỳ nói rằng Nhà tù nữ Liêu Ninh “không phải là nơi ở của con người.” “Họ giam bạn lại và bắt bạn làm việc. Đồ ăn như cho lợn, nhưng lại phải làm việc như súc vật.”

Ngoài quần áo, Nhà tù nữ Liêu Ninh còn sản xuất hàng loạt mặt hàng xuất khẩu, từ hoa giả, mỹ phẩm đến đồ chơi Halloween.

Đường Phiêu / Vision Times

Xem thêm: