Sau khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát ở Trung Quốc vào mùa thu năm 2019, từ nửa cuối năm ngoái đến năm nay đã từng có thời điểm vắc-xin của Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường thế giới. Có thể qua phân tích quá trình phát triển vắc-xin của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cho thấy nhiều vấn đề khả nghi, giúp cộng đồng quốc tế trông rõ hơn bức tranh đại dịch, thậm chí làm lộ rõ mưu đồ nguy hiểm khác của nhà cầm quyền toàn trị này.

tran vy
Trần Vi, chuyên gia phòng chống vũ khí sinh hóa hàng đầu Trung Quốc (Ảnh: Weibo)

1. Manh mối từ khi ĐCSTQ bắt đầu sản xuất thử nghiệm vắc-xin

ĐCSTQ tuyên bố trường hợp đầu tiên của COVID-19 xuất hiện ở Vũ Hán vào ngày 1/12/2019, tính đến ngày 21/1, số trường hợp được xác nhận trên cả nước Trung Quốc chỉ là 440; thông báo thứ 8 về COVID-19 của Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán vào ngày 15/1 cho biết: “Đến nay không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người”. Nếu thực sự như vậy thì cho thấy giới chức ĐCSTQ khi đó không lường trước khả năng toàn cầu hóa của dịch bệnh, cũng không chút đề phòng gì.

Nhưng một thông tin trên Nhật báo Bắc Kinh ngày 25/3 năm nay đã cung cấp manh mối ngược lại. Thông tin này đề cập đầu năm 2020, ĐCSTQ đã xác định được 5 loại vắc-xin có thể ứng phó với đại dịch, bắt đầu triển khai sản xuất thử nghiệm; 1 trong 5 công nghệ vắc-xin này đến từ Thiếu tướng Trần Vi (Chen Wei), chuyên gia hàng đầu về vũ khí sinh hóa của quân đội ĐCSTQ.

Từ điều này cho phép liên tưởng tới 3 vấn đề:

Thứ nhất, nếu virus gây bệnh thực sự như tuyên bố của ĐCSTQ là vô tình xảy ra trong phạm vi nhỏ từ tự nhiên (do một vài con dơi gây ra) và không lây truyền từ người sang người, vậy thì tại sao ĐCSTQ lại thúc đẩy phát triển vắc-xin quy mô lớn, huy động cả bộ phận chiến tranh sinh học của quân đội?

Thứ hai, có thể ngay từ 3 tuần trước khi phong tỏa Vũ Hán vào đầu năm 2020, ĐCSTQ đã hoàn thành nghiên cứu phát triển (R&D) sơ bộ nhiều loại vắc-xin, cho thấy từ sớm họ đã biết dịch bệnh sẽ lây lan trên diện rộng. Nếu vậy, việc che đậy dịch bệnh và tuyên bố dối trá rằng virus không dễ lây nhiễm nhằm mục đích gì? Thủ đoạn như vậy sẽ chỉ khiến đại dịch nhanh chóng lan trên toàn cầu.

Thứ ba, vào đầu năm 2020, Trung Quốc đã có 5 loại vắc-xin bước vào giai đoạn ứng dụng (trong sản xuất thử nghiệm sau đó có một số loại vắc-xin chưa được thương mại hóa), vậy tại sao họ không phong tỏa thành phố Vũ Hán sớm hơn để giảm thiểu khả năng bùng phát thảm họa toàn cầu? Bất cứ ai có nhận thức thông thường cũng sẽ hiểu biểu hiện của ĐCSTQ trong giai đoạn đầu của đại dịch là cực kỳ bất thường, thể hiện ý đồ xấu xa, cứ như họ không muốn ngăn chặn COVID-19 lây lan toàn cầu mà còn trông chờ điều đó xảy ra.

2. ĐCSTQ đã chuẩn bị các loại vắc-xin từ trước khi có dịch COVID-19?

Chuyên gia Prashant Yadav về chuỗi cung ứng chăm sóc sức khỏe tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Center for Global Development, CGD) chỉ ra quy trình khó khăn như thế nào để có thể thúc đẩy sản xuất vắc-xin (gồm nhiều khâu phải hoàn thiện trước, như vấn đề nguyên liệu, vi sinh vật cần thiết, điều kiện để có được vi sinh vật cần thiết…). Do đó thường mất vài năm để chuẩn bị cho việc ra đời một loại vắc-xin mới. Nhưng với đại dịch COVID-19 này, dường như ĐCSTQ lại rất dễ dàng trong hoạt động phát triển vắc-xin liên quan.

Theo một thông tin từ Tân Hoa xã của ĐCSTQ vào ngày 16/1 năm nay, cho biết chỉ mất 344 ngày để vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc đưa ra thị trường (từ phê duyệt dự án cho đến R&D và sản xuất). Trong đó, thời gian từ khi bắt đầu thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học đến khi phê duyệt thử nghiệm lâm sàng chỉ mất 98 ngày; thời gian hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I và II chỉ mất 78 ngày; giai đoạn Thử nghiệm lâm sàng III đến khi đưa ra thị trường là 168 ngày.  Đối với thời gian 344 ngày này, thời điểm ngày vắc-xin Sinopharm ra thị trường là 30/12/2020, tính ngược lại 344 ngày thì ngày bắt đầu là khoảng ngày 21/1/2020, lúc bắt đầu phong tỏa Vũ Hán. Trong tuyên bố 344 ngày này cho thấy có sơ hở, đó là nếu trước ngày 21/1/2020 Trung Quốc vẫn chưa bắt đầu R&D vắc-xin, thì có 5 loại vắc-xin có thể ứng dụng vào đầu năm 2020 mà ĐCSTQ tuyên bố là từ đâu mà có?

Vắc-xin được sử dụng thử nghiệm lâm sàng thì trước tiên phải hoàn thành R&D và sản xuất thử nghiệm. Vắc-xin Pfizer ở Mỹ bắt đầu R&D vào ngày 20/3 năm ngoái, thời gian R&D và sản xuất thử nghiệm phải mất ít nhất 4 tháng; còn vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vào ngày 12/4 năm ngoái, nếu thực sự bắt đầu R&D vào khoảng ngày 21/1 thì quá trình R&D và sản xuất thử nghiệm của nó chỉ mất 80 ngày, tức là ít hơn một phần ba thời gian so với vắc-xin Pfizer.

Quá trình R&D và sản xuất thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc nhanh hơn nhiều so với vắc-xin Pfizer ở Mỹ, ngụ ý có hai khả năng. Một là thời gian thực sự bắt đầu phát triển vắc-xin của Trung Quốc không phải là ngày 21/1 mà là một thời điểm sớm hơn, chẳng hạn như từ tháng 12/2019 hoặc thậm chí là từ tháng 11 trước khi có dịch COVID-19. Hai là ĐCSTQ đã sớm có vắc-xin cho COVID-19, cái gọi là R&D và tuyên bố sản xuất thử nghiệm vắc-xin đó chỉ là tuyên bố hình thức. Bất kể khả năng nào cũng cho thấy điểm chung là ĐCSTQ đã chuẩn bị từ trước khi bùng phát dịch COVID-19, đã thực hiện công việc R&D vắc-xin cho mục đích ma quái của họ.

Điều này gián tiếp cho thấy từ đầu đến cuối, COVID-19 nằm trong tính toán của ĐCSTQ, cho thấy không phải biến cố bất ngờ từ tự nhiên. [Lẽ thông thường] kẻ làm ra và sử dụng chất độc sẽ có chuẩn bị sẵn thuốc giải. Điều này cũng đúng đối với vắc-xin, nếu không tự chủ nắm rõ loại virus chí mạng này thì đương nhiên không thể điều chế được vắc-xin để ngăn chặn virus từ sớm như vậy.

3. Nghi vấn về thời gian ĐCSTQ có thể sản xuất vắc-xin hàng loạt

Hiện nay có 7 loại vắc-xin trên thế giới, đó là Pfizer, AZ, Johnson/Janssen, Modena ở châu Âu và Mỹ; Sinopharm và Sinovac ở Trung Quốc, và Covishiield ở Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Thời điểm vắc-xin của Mỹ được tung ra thị trường là cuối năm 2020, nhưng lúc đó năng lực sản xuất vắc-xin của Pfizer còn rất nhỏ, tới tháng Ba năm nay mới đạt sản lượng 100 triệu liều. Trong khi đối với Trung Quốc thì năng lực sản xuất vắc-xin COVID-19 hàng loạt dường như đi trước Mỹ gần một năm.

Vắc-xin Pfizer ở Mỹ đã bắt đầu R&D vào cuối tháng Ba năm ngoái, sau đó là sản xuất thử nghiệm sơ bộ, tiếp đến là hoàn thành ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, cuối cùng mới được phê duyệt ra thị trường (các giai đoạn mất khoảng 9 tháng), nhưng chính những nhân viên R&D của Pfizer cũng cảm thấy sửng sốt trước tốc độ đó; sau đó phải mất thêm vài tháng nữa để vắc-xin Pfizer đạt quy mô 100 triệu liều mỗi tháng. Như vậy, tính từ khi Pfizer bắt đầu R&D vào tháng Ba năm ngoái cho đến việc ra mắt vắc-xin trên thị trường vào mùa xuân này phải mất một năm.

Trung Quốc từ ngày 8/10/2020 đã tham gia “Kế hoạch triển khai vắc-xin COVID-19” của Tổ chức Y tế Thế giới, để cung cấp vắc-xin và kinh phí mua vắc-xin cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình. Khi Trung Quốc tham gia kế hoạch, ông Trịnh Trung Vĩ (Zheng Zhongwei), lãnh đạo nhóm R&D vắc-xin của Quốc vụ viện ĐCSTQ cho biết đến cuối năm 2020 thì năng lực sản xuất vắc-xin hàng năm của Trung Quốc có thể đạt 610 triệu liều. Nói cách khác, sớm nhất là vào cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 2020, Trung Quốc sẽ đạt năng lực sản xuất vắc-xin hàng loạt tới cả trăm triệu liều mỗi tháng. Điều này giải thích vì sao trong vài tháng đầu năm nay chỉ có vắc-xin của ĐCSTQ chiếm lĩnh thị trường cung cấp vắc-xin thế giới, vì khi đó vào cuối năm 2020, vắc-xin ở châu Âu và Mỹ mới bắt đầu được sản xuất, để có thể sản xuất hàng loạt lại cần thời gian gần 3 tháng nữa. So với vắc-xin của ĐCSTQ thì vắc-xin của châu Âu và Mỹ khởi đầu muộn hơn, nguồn cung vắc-xin quá thiếu so với nhu cầu trong và ngoài nước, vì vậy đã là thời cơ cho Trung Quốc khoảng thời gian gần 6 tháng tung hoành ‘diễu võ’ vắc-xin trên thế giới.

Ngay cả khi năng lực sản xuất và sản xuất thử nghiệm vắc-xin của ĐCSTQ đã đạt đến trình độ của Mỹ, thì quá trình nuôi cấy vi sinh vật cần thiết cho các thử nghiệm lâm sàng và sản xuất vắc-xin không thể bị rút ngắn hoặc tăng tốc. Do đó, ĐCSTQ cần có thời gian để đạt được sản xuất vắc-xin hàng loạt trên quy mô lớn, và nhanh nhất cũng phải gần cả năm. Nhưng mốc thời gian sản xuất vắc-xin hàng loạt của ĐCSTQ đã tiết lộ một vấn đề liên quan đến nội dung của hai phần trước: nếu vắc-xin của ĐCSTQ đã đạt quy mô sản xuất hàng loạt 100 triệu liều mỗi tháng vào đầu mùa thu năm ngoái thì có nghĩa ĐCSTQ đã có chuẩn bị trước các khâu liên quan cho việc sản xuất hàng loạt đó,  nếu tính theo tốc độ nhanh mà phía công ty của Mỹ có được trong các khâu tương ứng đó là một năm, thì có thể ĐCSTQ đã chuẩn bị từ mùa thu năm 2019 thì mới đáp ứng được khả năng sản xuất vắc-xin hàng loạt vào đầu mùa thu năm 2020.

ĐCSTQ tuyên bố trường hợp COVID-19 đầu tiên gây ra đại dịch là vô tình xuất hiện ở Vũ Hán vào ngày 1/12/2019, lời nói dối này hoàn toàn mâu thuẫn với lịch trình sản xuất vắc-xin hàng loạt. Dựa trên điều này suy luận thì ngay từ mùa thu năm 2019 ĐCSTQ đã hiểu rõ COVID-19 và đã nắm bắt được vắc-xin có thể sử dụng, thậm chí còn bắt đầu chuẩn bị sản xuất vắc-xin hàng loạt, đã giả định là dịch COVID-19 sẽ sớm lây lan từ Trung Quốc gây ra thảm họa cho thế giới. Nhưng lúc đó, ĐCSTQ im lặng chứng kiến các nước trên thế giới lâm thảm họa đại dịch, cứ như đang chờ đợi “vụ thu hoạch” của họ.

4. Ưu tiên xuất khẩu vắc-xin nên trì hoãn tiêm chủng trong nước

“Vụ thu hoạch” mà ĐCSTQ đang chờ đợi là gì? Đó là ĐCSTQ đã kiếm được bộn tiền từ dịch bệnh, sau khi chờ đợi dịch bệnh bùng phát toàn cầu và cướp đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người. Vì vậy, khi vắc-xin của họ đạt quy mô sản xuất đại trà, họ không ưu tiên sử dụng trong nước, một mặt dự trữ hàng trăm triệu liều vắc-xin, mặt khác đưa ra nước ngoài để thử nghiệm lâm sàng nhằm mở đường xuất khẩu vắc-xin quy mô lớn. Ngày 23/6/2020, vắc-xin Sinopharm bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở nước ngoài đối với 40.832 người UAE, Bahrain, Ai Cập và Jordan; và vắc-xin Sinovac cũng bắt đầu giai đoạn III thử nghiệm lâm sàng nước ngoài vào ngày 21/7/2020. Vào thời điểm đó, vắc-xin ở Mỹ vẫn đang trong giai đoạn R&D ban đầu.

Tại sao ĐCSTQ không thông báo trước vào tháng 6/2020 rằng vắc-xin của họ sắp được sản xuất hàng loạt? Thời điểm đó là thời điểm đang cho vắc-xin thử nghiệm lâm sàng ở nước ngoài, đồng thời công nghệ và thiết bị sản xuất vắc-xin hàng loạt đã sẵn sàng. Chẳng phải đây là cơ hội tuyệt vời để khoe khoang về “thành tựu” R&D vắc-xin sao? ĐCSTQ không làm như vậy, cho thấy đã có cân nhắc kỹ lưỡng. Thời điểm đó, ĐCSTQ có thể xem xét hai yếu tố đã ngăn cản công bố việc sản xuất vắc-xin hàng loạt. Thứ nhất, nếu vắc-xin được công bố sản xuất hàng loạt vào tháng Sáu năm ngoái chắc chắn ĐCSTQ sẽ bị lộ chân tướng, khiến thế giới nghi ngờ rằng ĐCSTQ đã chuẩn bị được vắc-xin trước khi COVID-19 lây lan ra thế giới; thứ hai, ĐCSTQ phải chờ đợi để dịch bệnh lây lan sang các nước khác thì sau đó mới có thể đường hoàng thúc đẩy thử nghiệm lâm sàng ở một số nước ngoài và có được tư  cách bán vắc-xin trên toàn cầu.

Yếu tố đầu tiên đã có thể xác định là khi ĐCSTQ sở hữu vắc-xin vào tháng 6/2020, mặc dù vắc-xin trong nước là cần thiết để phòng chống dịch, nhưng vì phải giữ bí mật trước thế giới nên ĐCSTQ không thể tiến hành tiêm vắc-xin trong nước; nói cách khác ĐCSTQ đã trì hoãn thời gian tiêm vắc-xin trong nước, thay vào đó đưa ra nước ngoài để kiếm tiền nhờ bán vắc-xin. Báo mạng Liên hợp (United Daily News) của Đài Loan đưa tin vào ngày 7/6/2021 rằng cho đến ngày hôm đó, ĐCSTQ đã cam kết bán hoặc tặng gần 700 triệu liều vắc-xin cho hơn 90 quốc gia.

Theo Tân Hoa xã của ĐCSTQ, cho đến ngày 13/1/2021, chỉ có 10 triệu liều vắc-xin được tiêm chủng trên toàn quốc. Vào thời điểm đó, năng lực sản xuất vắc-xin năm của ĐCSTQ đã đạt 600 triệu liều. Theo thông tin từ Ủy ban Y tế Quốc gia của họ thì đợt tiêm chủng đại trà của Trung Quốc chỉ mới bắt đầu từ tháng Ba năm nay, đến ngày 23/3 năm nay, toàn quốc chỉ đạt 80 triệu liều tiêm chủng, chỉ chiếm 1/8 sản lượng sản xuất hàng năm; đến cuối tháng Tư năm nay đạt hơn 200 triệu liều; đạt 1 tỷ liều vào ngày 21/6 năm nay (một số vắc-xin yêu cầu tiêm 2 liều). Tại sao tới tháng 3/2021 mới cho tiêm chủng trên diện rộng ở Trung Quốc? Bởi trong tháng này, vắc-xin của châu Âu và Mỹ đã bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất đại trà, và hiệu quả phòng chống dịch của vắc-xin đó hơn hẳn vắc-xin Trung Quốc. Do đó, ĐCSTQ đã tranh thủ nắm bắt “thời cơ” trong vài tháng khi vắc-xin của châu Âu và Mỹ chưa được sản xuất hàng loạt để bán được hàng trăm triệu liều vắc-xin. Chính sách vắc-xin của ĐCSTQ với việc ưu tiên cung cấp “nước ngoài trước, trong nước sau” đã bộc lộ rõ ý đồ thâm độc kiếm tiền sau khi đại dịch COVID-19 được toàn cầu hóa.

5. Thử nghiệm lâm sàng không đáng tin cậy để sớm hợp thức hóa

Để tranh thủ bán được số lượng lớn vắc-xin trước khi vắc-xin ở Mỹ có thể sản xuất quy mô lớn, các cuộc thử nghiệm lâm sàng của ĐCSTQ ở nước ngoài cũng mang tính đại khái [để hợp thức hóa]. Vắc-xin Sinopharm và Sinovac của Trung Quốc đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III sớm nhất là vào đầu mùa thu năm 2020, nhưng báo cáo thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin Sinopharm đã bị trì hoãn đến tháng 3/2021, được xuất bản vào ngày 26/5/2021 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ (JAMA). Trước ngày 26/5 năm nay, ĐCSTQ đã kiếm được rất nhiều tiền từ dịch bệnh COVID-19.

Ngay khi báo cáo lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin Sinopharm được công bố đã lập tức dấy lên nghi ngờ trong cộng đồng y khoa quốc tế. Bloomberg đưa tin vào ngày 27/5 năm nay rằng nhà sản xuất vắc-xin Trung Quốc đã bị chỉ trích vì họ không chia sẻ đủ dữ liệu về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin. Sau khi các chuyên gia trong cộng đồng y tế quốc tế đọc báo cáo lâm sàng giai đoạn III của vắc-xin Sinopharm đã sớm phát hiện ra những vấn đề không ổn. Thứ nhất, tỷ lệ giới tính của mẫu thí nghiệm bị chênh lệch nghiêm trọng với 85% nam và 15% nữ; thứ hai là chỉ 2% mẫu thí nghiệm cho nhóm người nhạy cảm là người già trên 60 tuổi, hầu hết người tham gia thí nghiệm là người tương đối trẻ và trung niên không dễ bị nhiễm bệnh; thêm nữa trong số 40.832 người tham gia chỉ có 2 người bị nhiễm nặng. Do đó, chuyên gia virus học châu Âu là Đổng Vũ Hồng (Dong Yuhong) cho rằng những thử nghiệm lâm sàng như vậy không đủ dữ liệu để chứng minh khả năng bảo vệ của vắc-xin đối với trường hợp nhiễm COVID-19 dạng nặng.

Thông tin của Bloomberg chỉ ra, mặc dù vậy Tổ chức Y tế Thế giới đã mở đường cho vắc-xin Sinopharm của Trung Quốc được bán trên toàn cầu. Trong lúc Tổ chức Y tế Thế giới vẫn chưa chính thức bật đèn xanh cho vắc-xin Sinovac của Trung Quốc (vì báo cáo thử nghiệm lâm sàng của tổ chức này chưa được xuất bản chính thức), thì ĐCSTQ đã bán được 380 triệu liều trên toàn thế giới.

Ngày 27/6 năm nay, Đài tiếng nói nước Mỹ (VOA) đã công bố thông tin giới thiệu nghiên cứu của thế giới về nguồn gốc COVID-19 với 3 phát hiện mới: thời gian sớm nhất phát hiện COVID-19 ở Trung Quốc sớm hơn ít nhất là 2 tháng so với thông tin đang thịnh thành, thời gian để virus lây lan khắp thế giới có thể đã xảy ra trước khi Vũ Hán phong tỏa thành phố; loại COVID-19 xuất hiện đầu tiên cho thấy khả năng thích ứng đáng kinh ngạc với cơ thể con người và không loại trừ rò rỉ từ trong phòng thí nghiệm; các chuyên gia Trung Quốc đã tiêu hủy các mẫu virus sớm nhất, được coi là chứng cứ mới trong nỗ lực che đậy nguồn gốc COVID-19. Tác giả bài này đã phân tích một số nghi ngờ trong quá trình phát triển vắc-xin của ĐCSTQ, cho thấy có mối tương quan cao với những phát hiện mới được đề cập trên. Việc tiết lộ sự thật về bệnh dịch COVID-19 đang từng bước trở nên sáng rõ hơn.

Trình Hiểu Nông, Epoch Times