Là quân đội lớn nhất thế giới cần hàng trăm ngàn tân binh mỗi năm, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đang bị tác động bởi vấn đề già hóa và tỷ lệ sinh sụt giảm nghiêm trọng tại Trung Quốc.  

Embed from Getty Images

Việc tăng tốc hiện đại hoá của PLA đã đặt ra cho các nhà huấn luyện và tuyển dụng thách thức về cách huấn luyện những lứa tân binh mới, các chuyên gia cho biết, theo SCMP.

“Các giảng viên quân đội thấy rằng các phương pháp huấn luyện nghiêm khắc và độc đoán được áp dụng từ thế kỷ trước không còn phù hợp với cá nhân các binh sĩ trẻ hơn sinh ra trong thế kỷ 21,” Zhou Chenming, một nhà nghiên cứu của Viện công nghệ và khoa học quân sự Yuan Wang có cơ sở tại Bắc Kinh cho biết.

“Một số thậm chí còn dám chống đối và thách thức cấp trên khi không vừa ý. Quân đội buộc phải điều chỉnh. Một số giảng viên quân đội nói với tôi họ vẫn đang lúng túng về cách phụ trách các thế hệ trẻ hơn.”

Thay vì chỉ ra lệnh và quát tháo, các khóa trị liệu của các nhà tâm lý trị liệu chuyên nghiệp được đưa vào từ năm 2011 để làm giảm căng thẳng, theo nguồn tin quân sự tờ PLA nhật báo. 

Điều đó có thể giúp ích cho các giáo viên trung niên và lãnh đạo cao cấp hiểu rõ thế hệ mới hơn, cũng như cung cấp dữ liệu để thiết kế các học phần đào tạo mới như các cuộc tập trận giả trên máy tính và huấn luyện thực tế ảo, báo cáo của PLA cho biết. Trong quá khứ, quân đội để mặc trạng thái tinh thần và các vấn đề cá nhân của binh lính cho các chính uỷ.

Sức khỏe thể chất là một thách thức khó khăn khác đối với PLA kể từ năm 2000 khi quân đội chuyển mục tiêu tuyển quân từ con cái nông dân sang thanh niên thành thị có trình độ học vấn cao hơn, trong bối cảnh Trung Quốc muốn đẩy mạnh thay thế các hệ thống thiết bị và vũ khí hiện đại trên quy mô lớn.

Để chỉ huy và điều khiển các hệ thống vũ khí ngày càng tinh vi và phức tạp, năm 2009 PLA đã tuyển hơn 120.000 sinh viên tốt nghiệp đại học – số lượng lớn nhất kể từ khi chính quyền cộng sản được thành lập năm 1949. Xu hướng đó kể từ đó đã trở thành định chuẩn, theo Bộ Quốc phòng.

Bộ đã bắt đầu điều chỉnh yêu cầu đối với chế độ nhập ngũ bắt buộc nhằm đảm bảo họ có thể tuyển đủ các sinh viên đại học đủ năng lực. Ví dụ, từ 2014, PLA đã hạ thấp yêu cầu về chiều cao từ 1m62 xuống 1m60 đối với nam và từ 1m60 xuống 1m58 đối với nữ, cũng như hạ thấp một chút tiêu chuẩn đối với những ứng viên bị cận thị và nặng cân.

Sau khi các binh lính trẻ phản ứng chống lệnh cấm dùng điện thoại di động, năm 2015 quân đội đã gỡ bỏ hạn chế này, miễn là các binh sĩ cài đặt phần mềm chống gián điệp của quân đội (cho phép các trung tâm quản lý mạng có thể giám sát chặt chẽ hoạt động của họ).

 

Năm ngoái, PLA đã có thêm một đợt tuyển quân, cho phép các sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm được nhập ngũ.

“Để mở rộng nguồn binh sĩ, PLA cũng bắt đầu tuyển các học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không đủ tiêu chuẩn vào đại học,” Zhou cho biết.

“Tình trạng thiếu lính không đến mức nghiêm trọng như vậy, nhưng có một thực tế rằng con cái các gia đình ở thành thị có trình độ học cao không thích phục vụ trong quân đội.”

Cuộc tổng điều tra dân số mỗi thập kỷ của Trung Quốc mới được công bố đã cho thấy  năm ngoái chỉ có 12 triệu trẻ em ra đời, mức thấp nhất kể từ năm 1961, thời kỳ nạn đói lớn. Năm 2016, quyết định nới lỏng chính sách một con của Trung Quốc và cho phép người dân có con thứ hai đã thất bại trong việc đảo ngược tỷ lệ sinh đang ngày một giảm của nước này.

Cuộc tổng điều tra dân số cho thấy tỷ lệ sinh năm 2020 của Trung Quốc là 1,3 trẻ trên mỗi phụ nữ – dưới mức cần thiết là 2,1 để có một dân số bình ổn.

Chuyên gia quân sự đóng tại Ma-cao Wong Tong nói rằng kể từ năm 1963, nhiều sĩ quan và nhà quan sát Đại lục đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách một con – được đưa ra năm 1979 – đối với quân đội.

 Trong một báo cáo công khai gửi chính quyền trung ương năm 2012, giáo sư Liu Mingfu thuộc Đại học Quốc phòng Quốc gia của PLA đã cảnh báo rằng ít nhất 70% binh sĩ là từ các gia đình một con, và con số này đã tăng đến 80% trong binh lực.

“Chúng ta có thể thấy trong thập kỷ qua, PLA đã tuyển nhiều lính nữ hơn – vốn là một cách tiếp cận thông thường được áp dụng ở các nước phát triển do thiếu lính mới,” Wong nói.

Con số chính thức trước đó cho thấy phụ nữ chiếm 5% trong đội quân 2 triệu người của PLA, nhưng Zhou nói rằng con số này đã tăng lên 7%. Theo chính phủ Mỹ, năm 2018 phụ nữ chiếm 17% trong quân đội Mỹ. 

PLA cũng đã thành lập đội nữ thuỷ quân lục chiến đầu tiên, đã ra mắt trên thao trường tập trận giả Zhurihe năm 2017.

Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự tại Thượng Hải, cho biết tỷ lệ phụ nữ trong quân đội có thể trở thành một xu hướng toàn cầu do sự phát triển của công nghệ quân sự. 

“Quân đội do nam giới thống trị là một khái niệm đã lỗi thời, và nhiều binh sĩ có trình độ học vấn cao được yêu cầu sử dụng bàn phím trong nhà,” Ni cho biết.

“Chiến tranh hiện đại sẽ tập trung vào trí tuệ nhân tạo, máy bay không người lái, đối kháng điện tử và những đối đầu khác không đòi hỏi quá nhiều sức mạnh cơ bắp, cho phép những phụ nữ có năng lực hơn tham gia vào lực lượng vũ trang.”

Ngân Hà (theo SCMP)

Xem thêm: