Đầu năm mới năm 2022, Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã ký Sắc lệnh số 1 năm 2022 của Quân ủy Trung ương, khởi động huấn luyện và động viên toàn quân. Có phân tích chỉ ra Quân lệnh số 1 năm nay có nhiều thay đổi lớn so với hai năm trước, mục tiêu hàng đầu không còn là “tập trung chuẩn bị chiến tranh” mà hướng nòng súng vào nội bộ, bảo đảm Đại hội 20 diễn ra suôn sẻ, động thái hé lộ vấn đề chính quyền Tập Cận Bình lo lắng nhất. 

shutterstock 677148799
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: 360b / Shutterstock)

Theo thông lệ của ĐCSTQ, Quân lệnh số 1 vào năm mới thường là lệnh bắt đầu huấn luyện quân sự trong năm đó, đây là cách để Trung Quốc phô diễn sức mạnh quân sự. Quân đội của ĐCSTQ là quân bảo vệ Đảng với nhiệm vụ chính là bảo vệ các nhà lãnh đạo ĐCSTQ chứ không phải bảo vệ đất nước; nhưng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng sợ nhất các cuộc đảo chính quân sự, bất cứ cuộc huy động trái phép quy mô lớn nào đều có thể bị coi là tín hiệu của nguy cơ, kể cả công tác huy động trong các hoạt động cứu trợ thiên tai.

Cách đây 2 năm, trong Quân lệnh số 1 năm 2020 thì đoạn đầu tiên nhấn mạnh toàn quân “quán triệt tư tưởng của Tập Cận Bình, quán triệt phương châm chiến lược quân sự của thời đại mới”; nhưng năm nay không có quan điểm tương tự, đoạn đầu tiên của Quân lệnh số 1 năm nay nhấn mạnh “Quán triệt các chỉ thị quyết định của Trung ương Đảng và Quân ủy Trung ương”. Nhà bình luận Thẩm Châu (Shen Zhou) cho rằng điều này cho thấy mục tiêu chính của quân đội ĐCSTQ vào năm 2022 không còn là để “nâng cao quân sự”…

Quân lệnh số 1 năm 2021 đề ra “tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”, “kiên trì lấy tác chiến để lãnh đạo huấn luyện và huấn luyện vì chiến tranh”, “tăng cường huấn luyện tiền tuyến vì cuộc chiến tranh quân sự”, “bảo đảm tác chiến toàn diện, sẵn sàng chiến đấu”; còn trước đó năm 2020 đề ra “phải theo dõi sát đối thủ mạnh, chú ý huấn luyện quân sự thực chiến, duy trì tinh thần cảnh giác cao độ, bảo đảm có lệnh lập tức triển khai chiến đấu, và vào trận phải chiến thắng”. Những ngôn từ tương tự đó không còn thấy ở Quân lệnh số 1 năm 2022, thay vào là “Nắm bắt chính xác những chuyển biến về an ninh quốc gia và tình hình đấu tranh quân sự, theo dõi sát sao những thay đổi của công nghệ, chiến tranh và đối thủ”, “Đẩy mạnh toàn diện theo hướng nâng cao huấn luyện quân sự thường xuyên, khoa học, và an toàn”, chào mừng thắng lợi Đại hội 20 của Đảng”.

Về vấn đề từ bỏ “tập trung chuẩn bị cho chiến tranh”, nhấn mạnh nắm bắt chính xác “những thay đổi trong tình hình an ninh và đấu tranh quân sự”, theo phân tích của chuyên gia Thẩm Châu thì nhiệm vụ chính của quân đội ĐCSTQ vào năm 2022 không còn là đối ngoại mà là đối nội; nói cụ thể là phải đảm bảo rằng Tập Cận Bình sẽ thành công duy trì quyền lực ở Đại hội 20.

Ngoài ra, 4 đoạn cuối hướng dẫn huấn luyện cụ thể có ở Quân lệnh hai năm trước đó đã không còn trong năm nay, chỉ nêu chung chung là “Đẩy mạnh toàn diện theo hướng nâng cao huấn luyện quân sự thường xuyên, khoa học, và an toàn”. Về vấn đề này chuyên gia Thẩm Châu phân tích rằng điều đó cho thấy về cơ bản công tác quốc phòng của ĐCSTQ năm nay chú trọng vấn đề an toàn trong huấn luyện, làm sao không để xảy ra sự cố, có lẽ trước đây vấn đề sự cố về an toàn không nhẹ đã hay xảy ra; đối với năm 2022 diễn ra Đại hội 20 của ĐCSTQ sẽ không để xảy ra tai nạn huấn luyện nào nữa.

Vì lý do này, quân đội cơ sở có thể giảm cường độ huấn luyện, có thể để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), kiên quyết giảm thiểu công tác huấn luyện tập trung đông người… Như trường hợp tàu Liêu Ninh vừa kết thúc cuộc huấn luyện trên biển: Shenyang J-15 chỉ mang tên lửa không đối không hạng nhẹ để cất và hạ cánh, không mang tên lửa chống tàu và hoặc bom hạng nặng; việc ra khơi của tàu Liêu Ninh chủ yếu là nhiệm vụ chính trị, trong đó an toàn là thứ nhất, thực chiến là thứ yếu.

Qua nhìn nhận những khó khăn bên trong và bên ngoài của Tập Cận Bình, chuyên gia Thẩm Châu nhận định nếu ĐCSTQ liều lĩnh khai chiến bên ngoài sẽ có khả năng đối mặt với cái kết “trong nước tan nát”, không chỉ thiệt hại to lớn về kinh tế mà phe chống Tập còn có khả năng nhân cơ hội để gây hỗn loạn và chiếm đoạt quyền lực. Do đó, mục tiêu của quân đội ĐCSTQ vào năm 2022 đã chuyển từ đối đầu với Mỹ sang đảm bảo Đại hội 20 của ĐCSTQ thuận lợi.

Hiện nay quân đội Mỹ đang tiếp tục tăng cường triển khai quân sự với mục tiêu chính là Trung Quốc. Ngày 3/1 hạm đội USS Lincoln (CVN72) đã tiến vào Thái Bình Dương để triển khai và dự kiến ​​sẽ thay thế USS Carl Vinson ở Tây Thái Bình Dương; nhưng cùng ngày, Nhà Trắng cũng đã ra tuyên bố chung của 5 nước gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và tránh chạy đua vũ trang.

Theo phân tích của ông Thẩm Châu, Tổng thống Mỹ Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng ông sẽ tránh xung đột Trung – Mỹ và thiết lập các hành lang bảo đảm, điều này tương đương với việc công khai tuyên bố rằng dù quân đội Mỹ sẽ vẫn duy trì sức răn đe mạnh mẽ, nhưng chỉ cần ĐCSTQ không liều lĩnh bắn phát súng đầu tiên thì quân đội Mỹ sẽ không chủ động tấn công. Còn ông Tập Cận Bình nhìn chung đang gặp khó khăn, cũng nhanh chóng chuyển trọng tâm quân đội của ĐCSTQ vào năm 2022 vào bên trong để sẵn sàng ứng phó “kẻ thù nội bộ”.

Nhà bình luận này chỉ ra rằng ĐCSTQ luôn coi quân đội Mỹ là địch thủ lớn nhất, nhưng không có mấy khả năng quân đội Mỹ sẽ khai màn cuộc chiến, trong khi những kẻ thù bên trong ĐCSTQ mới là vấn đề nguy hiểm nhất đối với lãnh đạo ĐCSTQ. Quân lệnh số 1 năm 2022 của ông Tập Cận Bình hướng nòng súng vào bên trong, có thể xem là cảnh báo nghiêm khắc đối với phe chống lại từ nội bộ, cũng phản ánh đúng điều lãnh đạo cao nhất ĐCSTQ cảm thấy bất an nhất.

Thanh Hà, Vision Times

Xem thêm: