Cựu Tư lệnh Cảnh sát vũ trang Vương Kiến Bình mới “ngã ngựa” là người từng dẫn quân mang súng đi đàn áp phong trào sinh viên Trung Quốc đòi dân chủ tại quảng trường Thiên An Môn  – Bắc Kinh năm 1989. Sau khi quan to này “ngã ngựa” thì nhiều hãng truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc Đại Lục đã thường xuyên đưa tin về hành vi tàn bạo trong đàn áp sinh viên yêu nước của ông Vương Kiến Bình, đồng thời chỉ ra 9 đại tội của “hổ to” này.

Phó tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quân ủy Trung Quốc Vương Kiến Bình
Vương Kiến Bình, cựu Tư lệnh Cảnh sát vũ trang, từng dẫn quân đi đàn áp phong trào sinh viên đòi dân chủ trong sự kiện Thiên An Môn tại Bắc Kinh năm 1989.

Ngày 29/12/2016, lần đầu tiên một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã xác thực thông tin cựu Tư lệnh Cảnh sát vũ trang Vương Kiến Bình bị lập án điều tra, trở thành Thượng tướng đầu tiên bị điều tra khi đang làm nhiệm vụ. Vương Kiến Bình cũng là Thượng tướng thứ 4 “ngã ngựa” sau các quan to Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Điền Tu Tư.

Có nhận định, Vương Kiến Bình “ngã ngựa” không chỉ liên quan đến tội tham ô, nghiêm trọng hơn là đồng phạm tham gia chính biến cùng các “hổ to ngã ngựa” như Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu.

Lập “công” và thăng tiến nhờ đàn áp phong trào dân chủ

Sau khi ông Vương Kiến Bình bị thanh trừng thì truyền thông tiếng Trung bên ngoài Trung Quốc Đại Lục đã tập trung đưa tin về những tội trạng của ông này trong đàn áp phong trào sinh viên đòi dân chủ tại Thiên An Môn – Bắc Kinh năm 1989.

Ngày 4/6/1989, Quân đoàn 40 Quân khu Thẩm Dương nhận lệnh tiến vào Thiên An Môn, đoàn quân pháo binh do ông Vương Kiến Bình phụ trách đã “lập nhiều công trạng” trong hoạt động đàn áp phong trào sinh viên tại Thiên An Môn.

Khi đó, Quân trưởng của Quân đoàn này là Ngô Gia Dân (Wu Jiamin), Tham mưu trưởng là Dương Phúc Thần (Yang Fuchen), Trưởng ban Huấn luyện và Tác chiến là Lưu Tân Lực (Liu Xinli). Khi đoàn quân này tiến vào Thiên An Môn đã bị cản trở, gặp nhiều khó khăn, quân xuất phát từ sân bay Sa Hà tại ngoại thành Bắc Kinh, theo hướng đông về cầu Trực Môn, sông Đông Bá, cầu Tây Tiên, cầu Tam Nguyên… theo đó có cả biển người chen nhau dọc đường khiến đoàn xe rất khó di chuyển.

Lúc 23:10 ngày 3/6, một vị lãnh đạo truyền lệnh đến Ngô Gia Bình rằng, “lãnh đạo cao nhất” lệnh cho đoàn quân phải đến được vị trí chỉ định ngay tối hôm đó. Nếu cần thiết thì phải xử lý quyết đoán, “có thể bắn chỉ thiên cảnh cáo!”.

Quân đoàn 40 theo ý kiến của Vương Kiến Bình đã tổ chức “Đội Xung kích” gồm 180 người, được yêu cầu khi thấy bắn pháo sáng đỏ thì phải “tạo thế gây khiếp sợ”, xung phong mở đường. Sau đó tiếng súng chấn động, đạn bay tứ phía, dân chúng kinh sợ bỏ chạy toán loạn, vì thế đoàn quân này mới kịp đến quảng trường Thiên An Môn sáng ngày 4/6.

Sau sự kiện, ông Vương Kiến Bình liên tục được thăng chức:  Phó Lữ trưởng, Lữ trưởng, Sư trưởng Sư 120, sau đó Sư 120 chuyển về Bộ đội Cảnh sát vũ trang, năm 2000 được thăng chức Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Cảnh sát vũ trang, thời gian này ông Chu Vĩnh Khang làm Chính ủy thứ nhất Bộ đội Cảnh sát vũ trang, sau đó lên chức Tham mưu trưởng Bộ đội Cảnh sát vũ trang, Phó Tư lệnh và Tư lệnh.

Theo thông tin, trong phong trào đàn áp này cũng có sĩ quan không chấp hành mệnh lệnh bắn giết sinh viên yêu nước, ví dụ như Quân trưởng Quân 38 Từ Cần Tiên (Xu Qinxian) đã từ chối thi hành nhiệm vụ. Từ Cần Tiên cho rằng, “điều này không phù hợp quy định điều binh của Quân ủy Trung ương”.

Vì theo quy định, việc điều động quân đội (từ một tiểu đội trở lên) mang theo vũ khí vào Bắc Kinh thì phải có lệnh điều binh của Quân ủy Trung ương, lệnh phải có chữ ký của cả ba người gồm: Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Quân ủy Trung ương Dương Thượng Côn và Phó Chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương Triệu Tử Dương. Chỉ cần thiếu một chữ ký là không hợp lệ.

Cho dù con số thực tế học sinh và sinh viên bị giết chết hiện vẫn bị che giấu, nhưng có thông tin chỉ ra, số người chết lên đến nhiều ngàn người.

Chín đại tội của Vương Kiến Bình

Ngày 7/1, tờ Thông tin Thế giới tại hải ngoại đăng bài viết của tác giả ký tên “Vân Thượng Phong” (Yun Shangfeng) chỉ ra, trong đêm ngày 3/6/1989, Tham mưu trưởng Lữ Pháo binh Vương Kiến Bình thuộc Quân đoàn 40 Quân khu Thẩm Dương đã dẫn 32 người dùng súng bắn dẹp đường để tiến vào quảng trường Thiên An Môn. Sau đó Vương Kiến Bình được xem là người lập công lớn trong phong trào Thiên An Môn 1989.

Ngày 29/12/2016, trang cộng đồng Weixin “Vòng kiến thức chính trị” của Báo Thanh niên Bắc Kinh đưa tin về mối quan hệ của ông Vương Kiến Bình với quan to “ngã ngựa” Từ Tài Hậu trong thời gian Vương công tác tại Quân khu Thẩm Dương…

Giới truyền thông hải ngoại cũng tiết lộ thông tin từ giới quan chức cấp cao Trung Quốc Đại Lục nhận định về những tội trạng của ông Vương Kiến Bình, theo đó chỉ ra quan to này phạm 9 đại tội:

(1) Kéo kết bè phái, tổ chức nhiều hoạt động trái pháp luật trong thời gian dài cùng các quan to Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng;

(2) Tham gia “hoạt động ám sát” quan chức cấp cao trong quân đội năm 2011 (ám chỉ ám sát Lưu Nguyên và Trương Dương);

(3) Từ sau khi nhậm chức Tư lệnh Cảnh sát vũ trang năm 2009 đến tháng 7/2012 đã lợi dụng chức quyền hoạt động mua quan bán chức;

(4) Lợi dụng chức quyền, lạm quyền, bán 15 lô đất thuộc sở hữu của Cảnh sát vũ trang chiếm đoạt hơn 42 triệu nhân dân tệ;

(5) Tự ý tiêu hủy những chứng cứ liên quan trong các vụ án Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng;

(6) Chiếm dụng phi pháp 25 kiện khí tài quân dụng và súng ống, đạn dược;

(7) Sở hữu 15 bất động sản tại nhiều nơi như Bắc Kinh, Thiên Tân, Đại Liên, Thẩm Dương, Nam Kinh, Chu Hải, Vũ Hán;

(8) Bị niêm phong 11 tài khoản ngân hàng với tổng trị giá hơn 14,7 triệu nhân dân tệ (hơn 2 triệu đô la Mỹ);

(9) Sở hữu 5 hộ chiếu cá nhân và 4 giấy thông hành Hồng Kông – Ma Cao, toàn bộ đều dùng tên giả.

Mộc Vệ (T/H)

Xem thêm: