Các chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về các quy định mới của Trung Quốc trong việc sửa đổi gen người, vì các quy định này không đủ chặt chẽ và dễ bị xảy ra sơ suất trong thực tế, theo BBC đưa tin 7/3.

Nha khoa hoc chinh sua gen nguoi Trung Quoc ra tu sau 3 nam chap hanh an phat 1
Hạ Kiến Khuê, người bị tù và phạt 3 triệu nhân dân tệ 5 năm trước do bị cáo buộc sửa đổi gen người. (Ảnh: Wikimedia/CC BY 3.0)

Tiến sĩ Joy Zhang của Đại học Kent, một chuyên gia toàn cầu về quản lý chỉnh sửa gen ở Trung Quốc, cho biết các nhà chức trách dễ bị “sơ suất quy định.”

Bộ các quy định mới là được hoàn thiện từ bộ các quy định cũ, và cũng là để ứng phó với làn sóng phản đối xuất phát từ sự kiện ông Hạ Kiến Khuê (He Jiankui) dùng thủ thuật sửa gen để tạo ra trẻ nhỏ được sinh ra với gen bị sửa đầu tiên trên thế giới cách đây 5 năm.

Trung Quốc tuyên bố rằng bộ luật mới đã phù hợp với các quy tắc quốc tế.

Trong đó đã đặt ra các yêu cầu về phê duyệt đạo đức, giám sát và kiểm tra, nhưng theo BBC chỉ ra, thì các chuyên gia lo lắng rằng bộ luật này có thể không áp dụng triệt để cho khu vực tư nhân.

Tiến sĩ Zhang, một trong những diễn giả chính tại hội nghị thượng đỉnh chỉnh sửa bộ gen người quốc tế ở London, nói với BBC, “Mối quan tâm lớn nhất của tôi là các biện pháp mới không giải quyết được vấn đề kinh niên và ngày càng gia tăng trong việc cố gắng kiểm soát các hoạt động tư nhân đang diễn ra, [mà chúng xảy ra] bên ngoài các viện khoa học thông thường.”

“Các quy tắc mới có thể gặp khó khăn trong việc theo kịp sự đổi mới đang phát triển ở Trung Quốc.”

Chỉnh sửa gen là một kỹ thuật mới cho phép các nhà khoa học thực hiện những thay đổi chính xác đối với DNA, và các nhà khoa học lập luận rằng sửa đổi gen như vậy có thể điều trị nhiều bệnh di truyền.

Tuy nhiên, nó gây tranh cãi rất lớn vì làm tăng khả năng tạo ra những thay đổi vĩnh viễn đối với cấu trúc di truyền của một người sẽ được truyền lại cho con cháu của họ. Ngoài ra, vấn đề đạo đức và tín ngưỡng cũng khiến chủ đề này trở nên dễ gây tranh cãi.

Nhắc lại sơ qua về vụ Hạ Kiến Khuê.

Thế giới đã sốc 5 năm trước khi Hạ Kiến Khuê, đến từ Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc, tuyên bố cặp song sinh với biệt danh Lulu và Nana được sinh ra sau khi ông tiến hành thí nghiệm sửa gen người từ giai đoạn chỉ là phôi thai.

Theo tuyên bố của ông Hạ Kiến Khuê, thì sửa đổi gen sẽ khiến những trẻ em đó chống nhiễm HIV.

Sau đó, Hạ Kiến Khuê đã bị kết án tù giam 3 năm và phạt 3 triệu nhân dân tệ năm 2019 chính vì vụ việc này. Sau khi ra tù, ông tuyên bố rằng cặp song sinh đó nay có sức khỏe tốt. BBC cho biết hiện nay không có ai trực tiếp tiếp cận được cặp song sinh này để có thể có được kiểm chứng độc lập.

Ông Hạ Kiến Khuê từng tuyên bố sẽ sang Hồng Kông để tiếp tục triển khai một số hoạt động của mình, nhưng giới chức Hồng Kông đã hủy ngang thị thực sau khi phát hiện tiền án của ông ta.

Hiện nay, các chuyên gia cho biết bộ các quy định mới đã đóng các lỗ hổng mà trước đây bị ông Hạ Kiến Khuê lợi dụng để triển khai việc chỉnh sửa gen người.

Chẳng hạn có quy định về áp dụng cho các thí nghiệm trên người trong bệnh viện, hoặc như thử nghiệm thuốc. Các quy định cập nhật bao gồm tất cả các tổ chức nghiên cứu và mọi thứ liên quan đến con người, bao gồm cả công việc trên các mô, cơ quan và tế bào phôi thai.

Người tổ chức hội nghị thượng đỉnh, Giáo sư Robin Llovell-Badge từ Viện Crick, nơi tổ chức hội nghị, cho biết ông lo ngại rằng vẫn còn quá nhiều bí mật được che giấu liên quan tới các nghiên cứu của Trung Quốc.

“Tôi hiểu tại sao Trung Quốc muốn dẫn đầu về công nghệ, nhưng có một số lĩnh vực cần được [giới phương Tây] quan tâm đặc biệt và chỉnh sửa gen là một trong số đó, và tôi lo ngại rằng họ vẫn chưa ở đó.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh, Tiến sĩ Yangin Peng của Viện Khoa học Trung Quốc cho biết chính phủ đã “tăng tốc” các luật và quy định trong việc chỉnh sửa gen.

“Trung Quốc đã thắt chặt đáng kể luật pháp và các quy định của mình,” ông nói. “Những thay đổi lâu dài, kế thừa [qua di truyền] đều bị cấm, quản trị đã áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa và luật pháp của chúng tôi phù hợp với các quy tắc quốc tế.”

Tiến sĩ Francoise Baylis, một nhà đạo đức sinh học người Canada từ Đại học Dalhousie cho biết bà muốn biết thêm chi tiết về các cập nhật đối với các quy tắc của Trung Quốc. Dù sao thì khái niệm đạo đức, và còn tín ngưỡng nữa, là khái niệm cần làm rõ, nhất là Trung Quốc vốn không phải là quốc gia có thành tích tốt về quyền tín ngưỡng.

Bà nói: “Tôi thấy [rằng trong các quy tắc cập nhật] nghiên cứu phải phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và tôi muốn biết những nguyên tắc đạo đức nào, chúng được đặt ra ở đâu và liệu chúng đang có vấn đề hay không.”

Ngoài ra, bà phân tích rằng Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất gặp khó khăn trong việc tìm cách điều tiết khu vực tư nhân.

“Chúng tôi có những vấn đề tương tự ở Bắc Mỹ, vì vậy tôi nghĩ rằng thật sai lầm khi [chỉ] tập trung vào Trung Quốc,” bà nói.

Tiến sĩ Piers Millett của Sáng kiến ​​an toàn sinh học và an toàn sinh học quốc tế, có trụ sở tại Washington, thừa nhận rằng, “Trung Quốc có lẽ đang dẫn đầu trong việc sửa đổi các quy tắc trong lĩnh vực này.”

Nhiều nhà khoa học đã đặt nghi ngờ vì ông Hạ Kiến Khuê có thể được phép quay lại nghiên cứu sau khi ra tù.

“Tôi giống như nhiều người tự hỏi liệu có một cá nhân hay tổ chức nào ở Trung Quốc đã hỗ trợ hoặc bảo vệ Hạ Kiến Khuê hay không,” tiến sĩ Zhang nói.

Và bà cho rằng phải chăng những gì chúng ta đang chứng kiến chỉ là “một trường hợp đơn giản là sơ suất quy định.”

Điều đó khiến bà tin rằng “nếu không có sự làm rõ về trường hợp của Hạ Kiến Khuê, thì cuộc nói chuyện gần đây về quản lý tốt [của Trung Quốc] chỉ là đạo đức giả.”

Và bà cũng nói, “Tôi lo lắng về việc của Hạ Kiến Khuê thì ít, mà lo lắng về việc của chính quyền Trung Quốc thì nhiều.”

Nhật Tân