Paxlovid là loại thuốc trị COVID của Pfizer hiếm hoi được nhà chức trách Trung Quốc phê chuẩn. Tuy nhiên, việc tìm được loại thuốc này tại Trung Quốc không phải là chuyện dễ dàng.

shutterstock 2243398797
Gói thuốc kết hợp Nirmatrelvir/ritonavir (Paxlovid) dạng uống của hãng dược Mỹ Pfizer (Ảnh:  Stock for you / Shutterstock).

Nhu cầu về thuốc quá tải

Hãng Reuters của Anh hôm 16/1 đưa tin, vào tháng 12/2022, người cha 83 tuổi của một cư dân Bắc Kinh đã bị COVID-19 và bắt đầu bị ho cùng đau nhức người, ông đã phải chạy vạy khắp nơi để tìm cách điều trị.

Gói kết hợp thuốc uống Nirmatrelvir/ritonavir (Paxlovid) của Pfizer là một phương pháp điều trị hiệu quả, nhưng bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện để được kê đơn và các bệnh viện phải có thuốc trong kho để cung cấp. Do tình trạng thiếu giường bệnh trầm trọng trong thời kỳ cao điểm của dịch bệnh, nên rất khó tìm được giường trống để nhập viện.

Trả lời phỏng vấn hãng tin, cư dân Bắc Kinh này cho biết: “Tôi không chắc liệu Paxlovid có giúp khỏi bệnh hay không, vì khi cha tôi nhận thuốc, ông ấy đã nhiễm COVID-19 được một tuần rồi, bây giờ chúng tôi chỉ có thể cầu nguyện”.

Nhưng thật không may, cha anh sau đó đã qua đời.

Hoàn cảnh mà cư dân Bắc Kinh này gặp phải cũng được các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin, qua đó chỉ ra vấn đề người Trung Quốc rất khó mua được thuốc uống Paxlovid của Pfizer thông qua các kênh chính thức.

Vào tháng 2/2022, thuốc uống Paxlovid của Pfizer đã được nhà chức trách Trung Quốc phê duyệt, nhưng ở Trung Quốc loại thuốc này không được sử dụng để điều trị COVID-19 cho đến khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát vào tháng 12/2022 sau khi chính quyền Trung Quốc hủy bỏ chính sách ‘zero COVID’.

Trong khi CEO Albert Bourla của Pfizer tuyên bố hàng ngàn liệu trình thuốc Paxlovid đã được chuyển đến Trung Quốc vào năm 2022 và trong vài tuần qua lại chuyển đến hàng triệu liệu trình, nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn thừa nhận nguồn cung Paxlovid không thể đáp ứng nhu cầu của dịch bệnh tại Trung Quốc hiện nay.

Hãng Pfizer cho biết trong một tuyên bố: “Pfizer đang tích cực hợp tác với chính quyền Bắc Kinh và tất cả các cơ quan liên quan để đảm bảo rằng Paxlovid có thể được cung cấp cho Trung Quốc một cách kịp thời. Chúng tôi vẫn đang hợp tác với chính quyền Bắc Kinh để đáp ứng nhu cầu điều trị COVID-19 của người bệnh tại Trung Quốc”.

Không thể đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế

Reuters dẫn nguồn tin từ Nhật báo Quảng Châu cho hay, bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện United Family Healthcare ở Quảng Đông được yêu cầu trả 6000 nhân dân tệ (khoảng 891 USD) để kiểm tra sức khỏe y tế trước khi có thể chi trả 2300 nhân dân tệ (khoảng 342 USD) để mua được [một liệu trình] Paxlovid.

Bệnh viện đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

Theo dự báo tháng 12/2022 của công ty dữ liệu y tế Airfinity, trong 5 tháng tới Trung Quốc sẽ cần 49 triệu liệu trình [thuốc Paxlovid] điều trị COVID-19, nhưng chỉ riêng trong tháng 1 năm nay cần hơn 22 triệu liệu trình điều trị.

Hiện nay, thuốc uống Paxlovid của Pfizer cũng có thể mua được tại Trung Quốc dưới dạng nền tảng kê đơn trực tuyến với giá 2.170 nhân dân tệ (khoảng 322 USD), nhưng thuốc thường nhanh chóng bán hết ngay khi có.

Vào ngày 8/1, Cục Quản lý Bảo hiểm Y tế Quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo đàm phán giá cả với Pfizer đã thất bại, theo đó Paxlovid không thể được đưa vào bảo hiểm y tế của Trung Quốc.

Về vấn đề này, nhà nghiên cứu Lục Tu Viễn (Lu Xiuyuan) tại nhóm “Kinh tế – Chính trị Thiên Quân” chỉ ra rằng do quỹ bảo hiểm y tế hạn chế, vì trước đó nhà chính quyền Trung Quốc đã chi cho mục tiêu xét nghiệm axit nucleic và bối cảnh nhiều người thất nghiệp, vì vậy không thể đưa thuốc vào chế độ bảo hiểm nữa. Trong tình hình Trung Quốc đang chịu cơn bão táp của dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, nếu đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế cho mọi người thì sẽ có vấn đề với quỹ an sinh xã hội.

Ông nói rằng việc ĐCSTQ từ chối đưa Paxlovid vào bảo hiểm y tế cũng liên quan đến những cân nhắc chính trị: “Nếu Paxlovid đóng vai trò chi phối ở góc độ chuyên môn nhất định tại Trung Quốc, như vậy những lời dối trá của nhà cầm quyền Trung Quốc có thể dễ dàng bị bại lộ, hệ quả họ sẽ không thể duy trì nhiều chính sách kiểm soát liên quan bối cảnh đại dịch”.