Sau khi Đại hội đại biểu nhân dân Trung Quốc sửa đổi Hiến pháp để phá bỏ giới hạn nhiệm kỳ của chủ tịch nước vào ngày 11/3/2018, ngoại giới tin tưởng rằng điều này sẽ xóa bỏ chướng ngại cho việc ông Tập Cận Bình tiếp tục nhiệm kỳ thứ ba tại Đại hội 20. Tuy nhiên, ông Roger Garside, người từng hai lần là quan chức ngoại giao Anh tại Trung Quốc, gần đây bày tỏ quan điểm trong một bài báo trên tờ The Globe and Mail ở Canada vào ngày 30/4: Việc thay đổi chế độ của Trung Quốc không chỉ có thể mà còn là cấp thiết.

tap can binh shutterstock 1353005393
Ông Tập Cận Bình (Ảnh: Frederic Legrand – COMEO / Shutterstock)

Dựa trên các báo cáo của các kênh truyền thông nước ngoài như Freedom Times, ông Roger Garside đã viết một bài báo trên tờ The Globe and Mail ở Canada vào ngày 30/4, chỉ ra rằng ở Trung Quốc, việc thay đổi chế độ không chỉ là có thể mà còn là cấp thiết, bài báo đã phủ một bóng đen đáng ngại vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Đại hội 20 sắp tới.

Giới quan sát cho rằng trước Đại hội 20 của ĐCSTQ vào năm 2022 sẽ có cuộc chiến đẫm máu trong nội bộ đảng, và do đó, đặc biệt chú ý đến chủ đề đấu tranh nội bộ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến đường hướng của chế độ ĐCSTQ.

Bài báo nói rằng có bằng chứng cho thấy ĐCSTQ, một chế độ toàn trị, bên ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong yếu ớt, “điểm yếu cơ bản của nó nằm ở chỗ lệ thuộc vào sự kiểm soát chứ không phải sự tin tưởng.”

Trong 10 năm qua, ngân sách duy trì ổn định nội bộ của chế độ ĐCSTQ vẫn luôn cao hơn ngân sách dành cho quốc phòng. Đảng sợ hãi sự bất mãn bên trong hơn là những kẻ thù bên ngoài. Những gì xảy ra vào năm 2020 cho thấy ngay cả những doanh nhân Trung Quốc thành công nhất, những người đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ và xây dựng đế chế kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tài chính hoặc thương mại điện tử, cũng có thể bị hủy bỏ kế hoạch IPO kỷ lục vào phút chót, hoặc bị tịch thu theo lệnh hành chính.

Bài báo đề cập rằng với tư cách là một nhà ngoại giao, ông Garside đã trải qua thời kỳ Mao Trạch Đông chết và ĐCSTQ bắt đầu cải cách. Ngoại giới nghĩ rằng tự do hóa kinh tế và tăng trưởng sở hữu tài sản sẽ mang lại những thay đổi chính trị cho ĐCSTQ. Tuy nhiên, chế độ ĐCSTQ đã dừng lại việc chuyển đổi vì lo sợ rằng tự do hóa kinh tế hơn nữa sẽ làm suy yếu sự độc quyền chính trị của đảng.

Ông chỉ ra rằng nhiều tầng lớp tinh hoa ở Trung Quốc phản đối mạnh mẽ đường lối của ông Tập, họ nhận ra rằng việc cải cách kinh tế mà không có cải cách chính trị, đã tạo ra các vấn đề thiệt hại cho quốc gia Trung Quốc và gây rủi ro cho lợi ích của chính họ. Hy vọng lớn nhất để bảo vệ tài sản và quyền lực của mình nằm ở những thay đổi chính trị triệt để.

Ông tin rằng Trung Quốc có thể bắt đầu quá trình chuyển đổi sang dân chủ thông qua một cuộc đảo chính để đạt được sự thay đổi chế độ. Cuộc đảo chính không chỉ là kết quả của những động lực bên trong chính trường Trung Quốc, mà Hoa Kỳ cũng đóng một vai trò quan trọng thông qua việc tạo nên cuộc đối đầu Trung – Mỹ, dẫn đến một cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính Trung Quốc. Và cuộc khủng hoảng này sẽ khiến những người chủ mưu khởi xướng một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng để lật đổ ông Tập.

Ngoài đảo chính ra, một khả năng khác là các đối thủ sẽ ngăn ông Tập tái đắc cử lần thứ ba tại Đại hội 20 của ĐCSTQ vào tháng 11/2022, và tận dụng cơ hội này để thúc đẩy Trung Quốc cải cách. Khoảng thời gian này sẽ là thời điểm quan trọng để phản ánh tương lai của Trung Quốc, vì việc tái đắc cử sẽ làm tăng cơ hội làm lãnh đạo suốt đời của ông Tập, và cũng sẽ khiến việc loại bỏ ông Tập trở nên khó khăn hơn nhiều.

Ông Garside nói rằng nhiều người không tin rằng Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có thể thay đổi chế độ. Kiểu thái độ này xuất phát từ những gì người ta đã thấm nhuần trong nhiều thập kỷ về sự thành công trong định nghĩa của ĐCSTQ. Những điều này được cung cấp bởi chính chế độ ĐCSTQ và tất cả những người có liên hệ với chế độ ĐCSTQ trong kinh doanh hoặc các lĩnh vực khác.

Ông tin rằng quan điểm của chúng ta về tương lai thường được định hình theo quán tính: mọi người có xu hướng nghĩ rằng thế giới sẽ tiếp tục duy trì hiện trạng. Tuy nhiên, vào tháng 1/1991, ai có thể dự đoán rằng Đảng Cộng sản Liên Xô sẽ tự tan rã trước cuối năm đó? Để đạt được kết quả này đòi hỏi sự thành thục và lòng dũng cảm của tất cả mọi người, là điều hiếm thấy trong lịch sử. Nhưng ông tin rằng điều này có thể đạt được.

Roger Garside
Cựu quan chức ngoại giao Anh Roger Garside (Nguồn: Chụp màn hình video)

Theo báo cáo, ông Garside đã hai lần phục vụ tại Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh, nghiên cứu chính trị và kinh tế Trung Quốc trong nhiều năm, đồng thời là nhà tư vấn phát triển ngân hàng và phát triển thị trường vốn. Tác phẩm “Trung Quốc sau thời Mao Trạch Đông” (Coming Alive: China After Mao) của ông đã nhận được nhiều lời khen ngợi, ông hiểu rất rõ về tình hình nội bộ của Trung Quốc và quan điểm của ông đã thu hút sự chú ý từ ngoại giới.

Ngày 1/7 năm nay là kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, đảng đang chuẩn bị các hoạt động tuyên truyền và tẩy não, đồng thời cũng đang tạo đà để ông Tập Cận Bình nắm quyền lâu dài. Theo thông lệ trước đây, ông Tập được cho là sẽ bàn giao quyền lực cho người kế nhiệm tại Đại hội 20, nhưng đến nay người kế nhiệm vẫn chưa rõ ràng.

Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Lowy của Úc và Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế của Hoa Kỳ, gần đây đã viết một báo cáo chung về cuộc khủng hoảng của chế độ Cộng sản Trung Quốc liên quan đến việc ông Tập Cận Bình tái đắc cử. Theo báo cáo, “Ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình, nhưng đã hy sinh cải cách chính trị quan trọng nhất trong bốn thập kỷ qua: chuyển giao quyền lực định kỳ và hòa bình. Bằng cách này, ông Tập đã đẩy Trung Quốc vào một cuộc khủng hoảng kế vị bất ổn tiềm ẩn, tác động sâu sắc đến trật tự quốc tế và thương mại toàn cầu.”

Báo cáo liệt kê bốn tình huống có thể xảy ra, bao gồm: 

Thứ nhất, tại Đại hội 20, ông Tập Cận Bình sẽ chuyển giao như cách thông thường; 

Thứ hai, sau Đại hội 20, ông Tập Cận Bình sẽ đào tạo người kế nhiệm của mình và nghỉ hưu tại Đại hội toàn quốc khóa 21 hoặc 22; 

Thứ ba, nội bộ ĐCSTQ đã có những cuộc tranh giành quyền lực gay gắt chống lại ông Tập Cận Bình và thậm chí là đảo chính giành chính quyền; 

Thứ tư, bản thân ông Tập Cận Bình đột nhiên trở nên khó lường hoặc mất khả năng hành động do bệnh tật, dẫn đến khoảng trống quyền lực.

Đổng Lâm Sam, Vision Times

Xem thêm: