Lịch sử là một bài học quý giá cho chúng ta nghiên cứu. Cách đây 70 năm, khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuẩn bị tiếp quản Trung Quốc Đại lục, các học giả Trung Quốc đã đứng trước một tình huống khó xử: ở lại với ĐCSTQ hay rời đi với Quốc dân Đảng, đến Đài Loan?

Một số đã chọn ra đi, chẳng hạn như ông Hồ Thích, cựu Đại sứ Trung Hoa Dân quốc tại Hoa Kỳ từ năm 1938 đến năm 1942. Trong xã hội tự do, họ đã có thể duy trì sự chính trực của mình và tiếp tục truyền lại ý tưởng về sự tự do. Một số chọn ở lại, như Trần Dần Khác, một trong những nhà sử học lớn của Trung Quốc vào thời điểm đó. Cuối cùng, họ đã phải hứng chịu những phong trào chính trị không ngừng nghỉ và mất tự do học thuật, phẩm giá con người, hoặc thậm chí là mạng sống của họ.

Suy ngẫm về những câu chuyện của họ, người ta có thể học được rằng khi giao thiệp với ĐCSTQ, điều quan trọng là phải nhìn thấu bản chất thực sự của nó thay vì tin tưởng vào bức tranh màu hồng mà nó vẽ ra.

Tiếng khóc của ông Hồ Thích

Cuối năm 1948, ĐCSTQ đã thắng trong cuộc nội chiến chống lại Quốc dân Đảng, sau khi Quốc dân Đảng suy yếu vì dẫn dắt Trung Quốc giành chiến thắng trong Thế chiến II. Vì thua trong các trận chiến ở miền Bắc Trung Quốc, chính phủ Quốc dân Đảng đã điều ba chiếc máy bay đến sơ tán các học giả nổi tiếng khỏi Bắc Kinh.

Chọn giữa ĐCSTQ và Quốc dân Đảng, ngã rẽ lịch sử tạo nên số phận học giả
Ông Hồ Thích. (Ảnh: Public Domain)

Ông Hồ Thích là một trong những triết gia và nhà bình luận nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông cũng từng là Đại sứ Trung Hoa Dân quốc tại Hoa Kỳ, hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh và sau đó là Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung ương Đài Loan ở Đài Bắc. Ông đã có mặt tại thành phố Nam Kinh, thủ đô của chính phủ Quốc dân Đảng, khi các máy bay di tản được triển khai. Kế hoạch là đón một số học giả ở Bắc Kinh, sau đó sẽ đón thêm học giả ở Nam Kinh, rồi đưa họ đến Đài Loan.

Ông Hồ đã đến sân bay để đi cùng những học giả từ Bắc Kinh. Khi cánh cửa của chiếc máy bay đầu tiên được mở ra, ông đã bị sốc khi thấy chẳng có ai. Chiếc máy bay thứ hai cũng lại trống rỗng… Trong số 81 học giả nổi tiếng nhất ở Bắc Kinh được di tản, chỉ có 22 người nhận lời, với 10 người đến Đài Loan cùng chính phủ Quốc dân Đảng và 12 người đến Mỹ hoặc châu Âu. 59 người đã chọn ở lại Bắc Kinh.

Ông Hồ đã khóc ngay tại sân bay, như thể ông có thể thấy trước tương lai u ám cho những người đã chọn ở lại với ĐCSTQ.

Tránh xa khỏi ĐCSTQ

ĐCSTQ đã cố gắng giữ ông Hồ ở lại Bắc Kinh trước khi ông đến Nam Kinh, vì ảnh hưởng lớn của ông trong giới học thuật và chính trị. Mao Trạch Đông, khi đó là lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, đã gửi cho ông Hồ một thông điệp rằng nếu ông chọn ở lại Đại lục, ông có thể làm Giám đốc Thư viện Bắc Kinh. Học trò của ông Hồ là Ngô Hàm, một quan chức cấp cao của ĐCSTQ, cũng đã gửi một sứ giả đến để thuyết phục ông Hồ ở lại.

Ông Hồ đã trả lời bằng câu: “Đừng tin ĐCSTQ!”

Ông cũng yêu cầu sứ giả nói với Ngô Hàm: “Liên Xô có bánh mì nhưng không có tự do; Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có cả bánh mì và tự do; còn với ĐCSTQ, không có bánh mì cũng không có tự do.”

Ngay từ năm 1919, ông Hồ đã nhận ra rằng “chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa xã hội chỉ là những giấc mơ tự lừa dối.” Vào năm 1946, ông Hồ đã viết một bài báo có tiêu đề “Về hai Đảng khác nhau cơ bản,” nói rằng có hai Đảng khác nhau cơ bản: một là Đảng ở Anh, Hoa Kỳ và Tây Âu, còn Đảng kia là đảng cộng sản ở Liên Xô, Đảng Phát xít ở Ý, và Đảng Quốc xã ở Đức. Hai loại Đảng này phân chia theo ranh giới của tự do so với không tự do, độc lập với không độc lập và khoan dung với không khoan dung.

Bất chấp lời mời nhiều lần của ĐCSTQ, ông Hồ đã rời đi và đến Đài Loan.

Ông Phó Tư Niên được coi là một trong những học giả giỏi nhất trong nghiên cứu văn học và lịch sử Trung Quốc thế kỷ 20. Tháng 7 năm 1945, ông và mấy học giả đã đến thăm Diên An, thành phố ở phía Tây Bắc từng là trụ sở của ĐCSTQ. Ông đã nói chuyện riêng với Mao Trạch Đông trong một đêm.

Không giống như một số học giả khác ca ngợi chuyến đi đến Diên An, ông Phó cho rằng hệ thống của Diên An hoàn toàn là chủ nghĩa chuyên quyền và chủ nghĩa mù quáng. Ông nhận thấy Mao rất thông thuộc đủ mọi loại tiểu thuyết, nhất là những loại tiểu thuyết hạ cấp và Mao đã dùng những tài liệu đó để nghiên cứu tâm lý của người dân nhằm kiểm soát họ.

Bởi vậy, ông Phó đã không ngần ngại rời Trung Quốc Đại lục và sau đó ông trở thành hiệu trưởng của Đại học Quốc gia Đài Loan.

Ông Tiền Mục, một trong “Bốn nhà sử học hiện đại” ở Trung Quốc, cũng là một học giả bậc thầy khác hiểu rõ về ĐCSTQ. Vào tháng 4 năm 1949, sau khi quân đội ĐCSTQ vượt sông Dương Tử để tấn công Quốc dân Đảng ở miền Nam Trung Quốc, Tiền Cơ Bác, một học giả chuyên về văn học cổ điển Trung Quốc, đã khuyên Tiền Mục nên ở lại Đại lục.

Tiền Mục hỏi Tiền Cơ Bác: “Ông từng nghiên cứu văn học. Ông có thể thấy bất kỳ thái độ rộng lượng và khoan dung nào trong thông báo chính thức của ĐCSTQ về việc vượt sông Dương Tử không?”

Tiền Cơ Bác im lặng.

Mao Trạch Đông đã viết thông báo đó. Qua thông báo, Tiền Mục nhận ra rằng Mao sẽ không dung thứ cho bất cứ ai có quan điểm khác biệt, và theo đó ông đã chọn rời khỏi Trung Quốc Đại lục. Ông tiếp tục công việc giảng dạy tại Hồng Kông và đã dìu dắt được nhiều sinh viên.

Ở lại với ĐCSTQ

Ông Tiền Cơ Bác đã chọn tin vào ĐCSTQ. Nhưng cái kết của ông thật bi thảm. Bản thảo mà ông đã dành rất nhiều thời gian để viết, phần lớn đã bị đốt cháy trong phong trào chính trị của ĐCSTQ nhằm tiêu diệt các học giả “xấu” hàng đầu vào năm 1959. Ông trở nên trầm cảm và qua đời.

Ông Trần Dần Khác, một bậc thầy về văn học Trung Quốc, được gọi là “giáo sư của các giáo sư”, đã cùng ông Hồ Thích đi từ Bắc Kinh đến Nam Kinh nhưng sau đó quyết định ở lại Đại lục với ĐCSTQ. Vì ông chọn không bán rẻ lương tâm của mình cho Đảng, ông đã phải chịu đựng nhiều đau khổ trong các phong trào chính trị của ĐCSTQ.

ĐCSTQ rốt cuộc định làm gì?
(Ảnh: Public Domain)

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã đình chỉ lương và đóng băng tài khoản ngân hàng của ông. Ông Trần bị tra tấn cho đến khi bị mù và mắc bệnh tim cùng nhiều bệnh khác. Hồng Vệ binh (những thiếu niên thề chỉ trung thành với Mao Trạch Đông) đã đặt mấy chiếc loa âm lượng cao bên cạnh giường của ông để làm ông sợ hãi. Ngay cả khi ông đã ở trong những ngày cuối cùng của mình, Hồng Vệ binh vẫn yêu cầu ông “thú nhận tội ác.” Như ông Trần từng mô tả trải nghiệm, “Tôi sống như thể trong một buồng giam dành cho tử tù.”

Ngay cả các quan chức ĐCSTQ cũng không thể thoát khỏi sự tra tấn.

Ông Ngô Hàm, đã đề cập ở trên, một nhà sử học nổi tiếng về nhà Minh và là học trò của ông Hồ, đã trở thành hiệu trưởng phụ trách cả Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Là một nhà hoạt động đảng, ông từng là phó thị trưởng Bắc Kinh.

Thế nhưng, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, ông đã bị đình chỉ các chức vụ vì một vở kịch do ông viết. Vở kịch này bị chỉ trích là có thông điệp chính trị ẩn giấu chống lại ĐCSTQ. Ông buộc phải quỳ xuống để nhận sự chỉ trích và sỉ nhục của dư luận. Tóc của ông bị nhổ và ngực của ông bị xuất huyết trong do bị đánh đập. Ông mất vào tháng 10 năm 1969 mà không được gặp các con nuôi lần cuối, và chỉ để lại một chiếc quần dài đầy vết máu.

ĐCSTQ cũng không để yên cho con cái hay người thân của các học giả rời đi.

Ông Hồ Tư Đỗ, con trai út của ông Hồ Thích, người trở về Trung Quốc từ Hoa Kỳ, đã từ chối di tản đến Đài Loan cùng với cha mình.

Vào những năm 1950, khi ĐCSTQ thực hiện phong trào tố cáo Hồ Thích, ông Hồ Tư Đỗ đã công bố một bài báo có tiêu đề “Chỉ trích cha tôi là Hồ Thích” và gọi ông Hồ Thích là “con chó của những kẻ đế quốc và kẻ thù của nhân dân.” Nhưng điều đó cũng không mang lại sự an toàn cho ông ta. Năm 1957, Hồ Tư Đỗ bị gán cho là “Cánh hữu.” Ông đã tự sát bằng cách treo cổ tự tử.

Năm 1951, cháu trai của ông Phó Tư Niên là Phó Nhạc Hoán, hoàn thành xong chương trình học tại Anh. Ông từ chối lời đề nghị làm việc tại Đài Loan của ông Phó Tư Niên và làm giáo sư ở Bắc Kinh, nơi ông tưởng rằng mình sẽ được tự do và hạnh phúc. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ông bị gán cho là “gián điệp” và nhiều lần bị tố cáo, cầm tù và tra tấn. Cuối cùng ông đã nhảy xuống một cái hồ ở Bắc Kinh để kết liễu cuộc đời mình.

Những trường hợp được nêu ở trên chỉ là vài ví dụ. Trong cuộc nội chiến, để lôi kéo mọi người tham gia với nó, ĐCSTQ đã vẽ nên một Trung Quốc tự do với những bức tranh màu hồng. Theo Học viện Khoa học Trung Quốc, khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949, có khoảng 5.000 nhà khoa học Trung Quốc ở nước ngoài, nhưng đến năm 1956, hơn 2.000 người đã quay về Trung Quốc Đại lục. Tuy nhiên, những gì họ trải qua khi ở Trung Quốc là điều họ chưa bao giờ ngờ tới.

Đăng lại từ Minghui.org
Tác giả: Sử Tường

MỜI XEM VIDEO: