Có bình luận cho rằng vẻ mặt khó chịu và u ám của ông Tập Cận Bình trong ngày bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc hôm 11/3 là do tình hình Ukraine có thể gây ảnh hưởng tới cơ hội tái nhiệm nhiệm kỳ thứ 3 của ông.

p3113351a938150827
Nét mặt khó chịu và u ám của ông Tập Cận Bình trong ngày bế mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội Trung Quốc hôm 11/3. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video).

9h sáng ngày 11/3, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 13 của ĐCSTQ đã kết thúc tại Bắc Kinh, kỳ họp này đã thông qua nhiều dự thảo nghị quyết. Đài CCTV của Trung Quốc truyền hình trực tiếp cho thấy, ngày bế mạc có sự tham dự của 7 thành viên Bộ Chính trị và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn, người chủ trì và phát biểu là Chủ tịch Quốc hội Lật Chiến Thư.

Cảnh quay cho thấy, trong khi ông Lật Chiến Thư đang chăm chú xem tài liệu tại bục phát biểu, các quan chức cấp cao phía sau ghé đầu rỉ tai nhau. Hình ảnh này hoàn toàn trái ngược với cảnh “trang nghiêm” giả vờ trước ống kính máy quay thường thấy. Cảnh tượng lộn xộn này bày ra trước mắt người xem kéo dài một phút trong chương trình trực tiếp của CCTV.

Cảnh quay làm nổi bật vẻ mặt vô cùng khó chịu và u ám của ông Tập Cận Bình, không một nụ cười. Có nghi vấn rằng phải chăng diễn biến của cuộc chiến Nga – Ukraine đã làm gián đoạn các bước đi nhằm tái cử nhiệm kỳ thứ 3 của ông.

Ngoài mặt cho thấy, ĐCSTQ là đồng minh của Nga và đã công khai hỗ trợ Nga về mặt kinh tế. Khi khai mạc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, ông Putin là khách mời danh dự của ông Tập, họ cùng tuyên bố “tình hữu nghị không có giới hạn, hợp tác không có vùng cấm”. Sau đó 20 ngày, ông Putin phát động chiến tranh xâm lược Ukraine.

Tuy nhiên trong cuộc chiến này, quân Nga đã gặp phải những thất bại lớn và bị mắc kẹt trong đầm lầy chiến tranh, rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Vì vậy nhiều người tự hỏi không biết thời gian “lưỡng hội” (họp Quốc hội và Chính hiệp ĐCSTQ vào dịp tháng 3 hàng năm), giới chóp bu ĐCSTQ thể hiện thái độ thế nào về cuộc chiến Ukraine. Tại “lưỡng hội” dù Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh rằng “chú ý ngăn căng thẳng leo thang, thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát”, nhưng quan sát cho thấy rất ít khả năng ĐCSTQ vào được vai hòa giải.

Trong một bài viết có tựa “Tập Cận Bình có thể nhận được gì từ cuộc chiến Ukraine?” được nhà đấu tranh dân chủ người Hoa ở nước ngoài là ông Ngụy Kinh Sinh công bố hôm 12/3, phân tích rằng Putin đã không còn nghĩ ông ta sẽ giành chiến thắng, biểu hiện rõ là muốn đàm phán và dùng cách hăm dọa bằng vũ khí hạt nhân. Về tâm lý thì ông ta mong sao có thể rút lui mà còn giữ được chút thể diện.

Ngoài ra, bài viết cũng giả thiết rằng nếu ông Putin thắng thì đường cao tốc hàng ngàn km ở Siberia (công cụ quan trọng để kiểm soát người anh em Trung Quốc) phải được người anh em này chi tiền để tiếp tục sửa chữa; đường ống dẫn dầu qua Ngoại Mông là công cụ tiêu biểu của hoạt động kinh tế cũng phải do người anh em sửa chữa; đồng rúp sẽ tiếp tục mất giá và người anh em phải trả tiền để hỗ trợ; vấn đề xây dựng lại nền kinh tế Ukraine phải được hỗ trợ bởi người anh em. Tóm lại, túi tiền của người anh em Trung Quốc chính là túi tiền của Putin và phải được kiểm soát gắn với Putin.

Nhưng bài viết nhận định rằng may mắn thay là Putin sẽ không thắng, ông ta đang nỗ lực làm sao kiếm được chút mềm yếu của Mỹ và phương Tây để có thể rút quân mà còn được chút thể diện. Sau khi rút quân, Nga sẽ phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh, kinh tế đình trệ, lòng dân sục sôi, muốn tồn tại được thì phải cầu xin phương Tây thông cảm và Trung Quốc giúp đỡ. Nhưng dù phải hy sinh rất nhiều nguồn lực tiền bạc, ông Tập lại không đủ can đảm để đòi lại vùng lãnh thổ hàng triệu km vuông bị chiếm đóng bởi hiệp ước bất bình đẳng trước đây với Nga. Những điều này sẽ tạo thành lực cản trở cho sự tái nhiệm nhiệm kỳ thứ 3 của ông.

Cũng có ý kiến ​​cho rằng vào thời điểm diễn ra “lưỡng hội” của ĐCSTQ, 7 thành viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị có quan điểm khác nhau về việc có nên tiếp tục ủng hộ ông Putin hay không, cho rằng vấn đề Tập Cận Bình ủng hộ Nga chỉ thể hiện sĩ diện hão của cá nhân ông Tập trong ngoại giao. Hơn nữa, Ban Thường vụ ĐCSTQ không hài lòng với hệ thống an ninh quốc gia do ông Tập kiểm soát và cho rằng các trợ tá nòng cốt của ông Tập đã đánh giá sai tình hình nghiêm trọng, khiến ông tin rằng Nga sẽ sớm giành chiến thắng và kiểm soát tình hình Ukraine, nhưng thực tế đã khiến Nga rơi vào vũng lầy của các lệnh trừng phạt quốc tế và ĐCSTQ cũng bị liên lụy. Sự không hài lòng này đang thách thức mô hình “lãnh đạo tập trung và thống nhất vào một cá nhân” của ông Tập Cận Bình.