Vào đêm trước Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) năm nay, một cuốn sách mới được truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá với tổng hợp hơn 220 bài lấy nguồn từ các báo cáo, bài phát biểu, bài báo, chỉ thị,… kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Một trong những vấn đề của sách được giới quan sát chú ý là việc ông Tập “cảnh báo” những người muốn thúc đẩy “dân chủ trong Đảng”, chống lại xác lập “Tập hạt nhân”.

shutterstock 19447008941
Ông Tập Cận Bình. (Ảnh: photocosmos1/ Shutterstock)

Sách được truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá là “Trích đoạn Tập Cận Bình về quản trị Đảng một cách toàn diện (Ấn bản năm 2021)”. Theo thông tin, cuốn sách này là tập hợp hơn 220 bản thảo từ các báo cáo, bài phát biểu, bài báo, chỉ thị của ông Tập Cận Bình từ ngày 15/11/2012 đến ngày 27/4/2021. Đáng lưu ý là trong đó một số bài xuất bản lần đầu tiên, nói cách khác là một phần nội dung đến từ các cuộc họp nội bộ của ĐCSTQ hoặc các bài phát biểu nội bộ của ông Tập.

Một trong những vấn đề được giới quan sát chú ý là nội dung: “Do sự quản lý toàn diện và nghiêm minh của ĐCSTQ ngày càng đi vào chiều sâu, trong Đảng đã xuất hiện một số quan điểm phức tạp. Có người cho rằng sự tập trung và thống nhất được nhấn mạnh trong 5 năm qua là đã đủ, từ nay về sau nên tập trung vào thúc đẩy dân chủ trong nội bộ Đảng. Có quan điểm quái lạ này là vì mơ hồ về chính trị và đầu óc không tỉnh táo; ngoài ra cũng có động cơ thầm kín khác là bản thân không trong sạch, ý đồ đánh lạc hướng để hạ cánh an toàn”.

Đoạn văn này được trích từ bài phát biểu của ông Tập tại Phiên họp toàn thể lần thứ Hai của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ vào tháng 1/2018. Tất nhiên, có vẻ như tuyên bố này không nhằm vào những người yêu nước chống ĐCSTQ mà là nhắm vào phe chống ông Tập nhưng ủng hộ ĐCSTQ. Chưa đầy 2 tháng sau khi ông Tập đọc bài phát biểu này (tháng 3/2018), thì Nhân đại của ĐCSTQ đã sửa đổi hiến pháp và xóa bỏ chế độ nhiệm kỳ đối với Chủ tịch nước [nhằm mở đường cho ông Tập nắm quyền trọn đời].

Thời điểm đó, ông Tập thậm chí còn mô tả tuyên bố “phát triển dân chủ trong nội bộ ĐCSTQ” là loại quan điểm hỗn loạn và kỳ quái. Thế nhưng một trong những minh chứng rõ nhất về vấn đề “dân chủ trong nội bộ Đảng” này có thể thấy là năm 2016, khi Tân Hoa xã của ĐCSTQ công bố “Một số hướng dẫn về đời sống chính trị trong Đảng của tình hình mới” có đoạn nêu rõ: “Dân chủ trong nội bộ Đảng là sinh mệnh của Đảng…, thực hiện đầy đủ dân chủ trong Đảng liên quan trực tiếp đến sự ổn định lâu dài của Đảng ta và sự nghiệp do Đảng lãnh đạo…”. Điều đó cho thấy dường như hành động của ĐCSTQ không có nguyên tắc, rất thất thường.

Truyền thông Hồng Kông Sing Tao Daily ngày 14/7 đã đăng một bài báo cho hay, từ sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ 18 đưa ông Tập lên nắm quyền đã thổi lên cơn bão chống tham nhũng, đồng thời đẩy mạnh tập trung quyền lực cá nhân, tại phiên họp toàn thể trung ương vào mùa thu năm 2016 đã xác lập “Tập hạt nhân”, và nội bộ ĐCSTQ đã xuất hiện xu hướng bất bình trong vấn đề này.

Ngày 17/7 vừa qua, nhà bình luận chính trị Trần Phá Không (Chen Pokong) người Mỹ gốc Hoa đã đăng một bài bình luận cho rằng vấn đề “dân chủ nội bộ ĐCSTQ” từng là một thuật ngữ thường được nhắc đến trong thời ông Hồ Cẩm Đào – Ôn Gia Bảo, và vẫn luôn được chú trọng. Nhưng ông Tập không chỉ chế nhạo điều này mà còn chối bỏ. Việc nhấn mạnh “tập trung thống nhất lãnh đạo” trong quan điểm của ông Tập đồng nghĩa chú trọng chuyên chính một đảng và tập trung uy quyền vào cá nhân. Điều này chứng tỏ ông Tập đang muốn tập trung quyền lực và độc chiếm quyền lực, cho nên kiên quyết phản đối dân chủ trong Đảng. Nói cách khác, ông Tập sẵn sàng đảo ngược bánh xe lịch sử khi hướng theo xu thế tư duy cực tả thời Mao Trạch Đông.

Ngoài ra ngày 12/7, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của ĐCSTQ đã đăng lại bài bình luận “Dám chiến đấu và Dám chiến thắng”, trong đó nội dung bài viết đằng đằng sát khí khi 44 lần đề cập từ “đấu tranh”.

Vấn đề được nhà phê bình Nhạc Sơn (Yue Shan) chỉ ra rằng nhìn từ bài viết của Tân Hoa xã cho đến bài viết của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương và việc phơi bày những nhận xét của Tập Cận Bình chống lại phe phản đối “Tập hạt nhân” cho thấy, có thực tế hưởng ứng bổ trợ nhau, có thể là hồi chuông báo hiệu làn sóng chỉnh đốn trong ĐCSTQ. Theo dự đoán của những người ngoài cuộc thì mùa thu năm nay ĐCSTQ sẽ tổ chức Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, chủ đề dự kiến ​​là xây dựng Đảng, cho nên đây là những tín hiệu cho thấy sẽ có “giông tố” ở hội nghị này.

Ông nói rằng trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang truy cứu ĐCSTQ về nguồn gốc của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, chính sách ngoại giao lưu manh của ĐCSTQ khiến ông Tập Cận Bình tiếp tục mất điểm trên trường quốc tế, khiến uy tín của ông ta giảm mạnh. Ví dụ một cuộc thăm dò ở Úc vào tháng Sáu cho thấy rằng mức tín nhiệm của ông Tập chỉ đứng trên nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Những người muốn Trung Quốc tiến tới dân chủ đều không còn hy vọng gì đối với ông Tập Cận Bình.

Điền Vi, Vision Times

Xem thêm: